Dường như ngôn ngữ nào cũng có một vài cái tên riêng [của con người], dựa trên một vài câu chuyện, được / bị đem ra dùng làm biểu tượng đôi khi khen lao nhưng thường là chế giễu, châm biếm.

Tiếng Việt ta có vô khối các biểu tượng như thế. Ngày xưa là những cái tên như cụ Lý [Toét], [cô] thị Mầu, Hoa Mộc Lan [phụ nữ giả trai]… Ngày nay báo chí hải ngoại gọi “[kiểu] Tô Lâm” để chỉ những việc làm ám muội của chính quyền, dựa theo tên ông sếp công an Việt Nam, người đã bày trò bắt cóc một kẻ đào thoát tại Berlin, Ðức. Biểu tượng trong Anh ngữ cũng nhiều vô số, từ “Don Juan” (người đàn ông đa tình hoa bướm) đến “Plain Jane” (người phụ nữ “nhạt nhẽo” không có chi nổi bật) …
Những biểu tượng đại loại như thế xuất hiện trên báo chí, sách vở khá lâu cho đến khi liên mạng trở nên phổ thông thì “biểu tượng” đi xa hơn nữa mà trở thành “meme” qua hình ảnh, các khúc phim ngắn.
Người trẻ Huê Kỳ bắt chước một nhân vật nào đó qua hình ảnh để mô tả một ý tưởng, một hành động hoặc một cách thức sinh sống; việc làm này lan truyền trong xã hội và trở thành một loại “văn hóa” không chính thức, văn hóa của “meme” vô cùng phổ thông trên liên mạng. Mỗi “meme” là một hiện tượng đặc biệt, được luân chuyển qua chữ viết, diễn tả bằng nét mặt, ra dấu, hình dạng… phần lớn là để chế giễu, châm biếm một cá nhân, một nhóm người, một hành động [khó chấp nhận] nào đó. Tạm hiểu là người đọc, người xem có thể nhận dạng nhân vật, nhóm người bị chế giễu dù [tác giả] không hề nêu đích danh.

Cũng theo luật “đào thải”, hễ “meme” nào được truyền tay liên tục, sử dụng rộng rãi thì trở nên nổi tiếng và được tự điển ghi chép; những món không phổ thông rơi vào quên lãng nhanh chóng như khi xuất hiện. Nhưng khái niệm “meme” là một hiện tượng văn hóa thì dường như đang sống hùng sống mạnh và xem ra sẽ tiếp tục lâu dài. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, đã xuất hiện môn học “memetics” chuyên tìm kiếm các khái niệm và sự truyền tải của “meme” như một kiểu mẫu “cách mạng” ngôn ngữ / văn hóa.
Chữ “meme” được xem là con đẻ của ông Richard Dawkins, người tin rằng “meme” nằm sẵn trong đầu óc con người [không có chi mới mẻ], nhờ hoàn cảnh xã hội mà phát triển (?). Tuy nhiên, danh từ “meme” ngày nay được bá tánh sử dụng trong ý nghĩa khác xa với gốc chữ nguyên thủy.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Hiện tượng “meme” dẫn đến việc hình thành và phát triển của một công ty khá nổi tiếng, Know Your Meme (KYM). Công ty này làm ăn qua việc vận hành một trang nhà phổ thông và buôn bán các video nhiều tập. Họ ghi chép các “meme” và các hiện tượng [xã hội] sôi nổi trên liên mạng như các khúc phim, những hình ảnh, câu nói được truyền bá rầm rộ… KYM cũng tìm hiểu xuất xứ và sự thay đổi của những “meme” nổi tiếng. Tạm hiểu là công ty này làm ăn khấm khá qua việc tìm hiểu và buôn bán “văn hoá” liên mạng như các chương trình giải trí. Ta xem để gật gù cười tán thưởng; tán thưởng tác giả khéo ví von, châm biếm vô cùng dí dỏm, khôn ngoan và “sạch sẽ”.

Trở lại với biểu tượng của một số tên riêng. Gần đây, khi khúc phim thu hình từ chiếc điện thoại di động của ông Christian Cooper, người da đen, về cuộc “tiếp xúc” sôi động giữa ông ấy và một phụ nữ da trắng, Amy Cooper, tại Central Park thì chữ “karen” được đem ra mổ xẻ và bàn tán sôi nổi. Hai người cùng họ [Cooper] nhưng không liên quan chi với nhau.
Khúc phim thu hình đoạn bà Amy Cooper gọi cảnh sát can thiệp khi ông Christan Cooper nhắc nhở bà ấy phải xích con chó khi dạo trong công viên theo đúng luật lệ. Ông Cooper dùng chữ “karen” khi mô tả hành động của bà Amy Cooper, nghĩa là phụ nữ này kênh kiệu, nổi nóng và hành xử quá đáng. Cư dân liên mạng thì không “hiền lành” như ông Cooper, họ lên án, chửi bới bà Amy là “kỳ thị chủng tộc”.

Hậu quả là dư luận, tán thưởng hành động “khôn ngoan” đã dùng video để đối phó, làm bằng, chứng minh sự “vô tội” của mình trong khi bà Amy da trắng bị đuổi việc, mất luôn con chó bầu bạn và đang lặn sâu trốn tránh dư luận búa rìu!

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Chữ “karen” mô tả các hành động “quá đáng” của một phụ nữ [thường da trắng, tuổi trung niên], dễ dàng nổi nóng và đòi “phải trái” với người điều hành cơ sở hàng quán khi không vừa ý [đòi “méc bu”] với việc nhỏ nhặt, khóc lóc để được kẻ khác làm vừa ý.
“Karen” theo ý nghĩa cổ điển, là một danh từ riêng, tên phụ nữ, khá phổ thông trong những năm 1951-1968. Theo dữ kiện của Sở An Sinh Xã Hội, “Karen” là một trong 10 tên riêng được dùng nhiều nhất để đặt tên các bé gái, nhưng đến năm 2018 thì chẳng mấy phổ thông nữa.

Tất nhiên không chỉ tên “Karen” trở thành biểu tượng mà một số cái tên khác cũng được sử dụng một cách tương tự. Như “Sharon”, biểu tượng của một bà mẹ lái xe minivan, chở con đi đá banh [cũng như các sinh hoạt khác sau giờ học] và thường than phiền trong chợ!? Ðại loại, hình ảnh của một phụ nữ trung niên sinh sống ở ngoại ô [mới có thể dùng minivan chứ ở thành phố, chỗ đâu đậu xe?], không đi làm, “soccer mom”. “Sharon” trong ý nghĩa này cũng ngụ ý châm biếm về hành động hay kể lể, than phiền.
Còn “Felicia”, “Becky”, “Harold” hay “Chad” thì sao?
“Becky” chỉ một phụ nữ khó chịu, kênh kiệu khi phải tiếp xúc, ta chỉ mong bà / cô ấy đi càng xa càng tốt! “Bye, Felicia” là biểu tượng của sự “rảnh nợ”! Harold là ông già lẩm cẩm, chậm chạp, khó theo kịp câu chuyện đang hứng khởi nên cứ cắt ngang đòi người nói lặp lại. Còn “Chad” thì tệ hại hơn, một người thích “lãnh đạo”, “bossy”, loại “alpha male”.

Theo bà Deborah Cameron, một chuyên viên về ngôn ngữ và cũng là một giáo sư tại đại học Oxford, tên gọi của một cá nhân mang theo ít nhiều chi tiết về người ấy và thân nhân. Tên gọi “phổ thông” của các bé gái thay đổi nhanh hơn so với tên gọi của các bé trai; do đó, tên phụ nữ thường là một chỉ dấu về tuổi tác cũng như thế hệ và đôi khi, tình cảnh xã hội và chủng tộc [của cha mẹ].

Xem thêm:   Ngộ độc thực phẩm

Từ tên gọi đi đến biểu tượng dường như là một bước ngắn: tên một nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng, tên được dùng trong mấy mẩu chuyện chọc cười, trên phim ảnh… và khi hành động của nhân vật [tưởng tượng] nọ tạo nên phản ứng của người đọc, của khán thính giả thì cái tên trở thành biểu tượng. Như tiểu Lan [từ chuyện tình trong vở tuồng cải lương Lan và Ðiệp] trở thành biểu tượng của người con gái thất tình, đi tu [gợi lòng thương xót của bá tánh].

Bá tánh dùng biểu tượng để châm biếm, chế giễu hành động bất ưng [của kẻ khác] đã đành nhưng những người bị / được cha mẹ đặt cho cái tên [sau này] trở thành biểu tượng thì họ nghĩ sao? Những Becky, Karen, Harold trong đời sống phản ứng ra sao khi tên gọi bị dùng để châm biếm [kẻ khác]? Phần lớn thì cười xòa biểu rằng ba má tui đâu có nghĩ tới một cô Becky kênh kiệu nào khi tui ra đời? Chẳng may mà dính… trấu thì chịu vậy, miễn là tui không khó chịu thì thôi!? Có người dùng tên đệm thay cho tên chính để khỏi dính dáng chi đến… “sharon” biểu tượng. Và cũng có những người rất… “Anglais” phớt tỉnh, chẳng màng chi đến “meme” hay biểu tượng!

Tóm lại là tên tuổi cũng như con người, thay đổi theo đời sống, sinh hoạt của xã hội chung quanh. Hiện tượng xã hội sôi sục nào rồi cũng nguội dần, nguôi ngoai và đi vào quên lãng. Cái tên [mang tiếng xấu] nào rồi cũng qua, bá tánh chế giễu mãi thì trở nên nhàm và sẽ tìm những biểu tượng khác để dùng. Riêng mấy con người có hành động không đẹp thì nên đề cập đến họ bằng tên gọi, đừng để họ lánh mặt sau mấy biểu tượng hay “meme” của liên mạng. Như Amy Cooper nên được gọi bằng tên thật thay vì đề cập đến bà ấy như một “karen”; và gây khó chịu cho những bà / cô Karen [thật] khác?!

TLL