Thời buổi điện tử, kỹ thuật mới xuất hiện ào ào, cứ vài ba tuần lại có một món hàng mới được đưa ra thị trường, và bá tánh lại nghe kể lể về cái hay, cái đẹp, cái công năng thiên biến vạn hóa của vật dụng kia. Người tiêu thụ lại nức lòng rủ nhau đi mua món hàng mới về để… khoe, để so sánh xem ai mua được món hàng mới hoặc ai là người đi đầu trong việc sử dụng nó. Điển hình là iPhone, chiếc điện thoại di động sản xuất bởi công ty Trái Táo Sứt. Món đồ vật chưa kịp cũ đã thấy hàng đời mới xuất hiện, đắt hơn mà không biết có hay hơn ở chỗ nào không?

slosangelesphonefreaks.com 

Kẻ sính của lạ ưa chạy đua với công ty sản xuất đã đành nhưng còn người … hơi già [như Dế Mèn đây] thì sao? Những người vẫn còn đang loay hoay mò mẫm, sử dụng chưa thuần thục chiếc iPhone cũ, món quà của ngày lễ lạt năm ngoái? Họ kêu trời và muốn hoàn món quà ấy về cố chủ vì vứt đi thì tiếc của hùi hụi, mấy trăm Mỹ kim chứ ít sao? Mà giữ lại thì xem ra không xong vì lượng battery mỗi ngày một kém, cứ phải “recharge” đều đều, bằng không đang rúc rích cười nói trò chuyện với bạn bè âm thanh lại bị rè rè, tiếng được tiếng mất. Chưa hết, chiếc điện thoại hơi cũ lâu lâu lại giở chứng, chập chờn hình ảnh và cứ bị [công ty sản xuất] hối thúc “cập nhật” (update) liên tục; kẻo không thì chiếc điện thoại kia sẽ trở thành… cục gạch!?

Dế Mèn nhìn ngắm thì chiếc điện thoại di động kia vẫn xinh xắn, nước sơn còn bóng lưỡng như lúc mới keng, vậy mà công dụng thì è ạch xuống cấp. Mà lạ lắm, mấy món hàng điện tử kia hình như càng mới càng… dở, phẩm chất chẳng “bền” như những món đời cũ, đánh rơi mà không sứt mẻ, cứ phủi bụi rồi xài lại, tốt như thường! So với mấy thứ mới, cọ quẹt chút xíu là nứt mặt kính, lâu lâu lại bạc màu?! Hmm. Ấy vậy mà hãng sản xuất lại không cho khách hàng tự… sửa, phải đem về quầy hàng, cửa tiệm của hãng sản xuất mới đặng. Họ biểu rằng không được tự ý mà… táy máy, hẳn sợ lộ cái bí mật chi đó mà chỉ có người của công ty mới hay biết?

Mấy cái “app” cũng thế, vừa dùng quen tay, quen mắt được ít lâu thì đã thấy công ty sản xuất rầm rộ quảng cáo món mới. Quảng cáo, mời gọi, rủ rê xem ra chưa đủ, mấy công ty nọ còn dọa dẫm là không mua hàng mới thì … ráng chịu, xài đồ “cũ” có hư hỏng chi cũng đừng gọi tui? Người ta đưa ra cả tá lý do để dẹp bỏ món cũ và thay thế bằng hàng mới; người tiêu thụ không ưng cũng phải chịu trận vì chẳng thể nào làm chi khác. Thiệt là bực mình!

Ðiện thoại di động đã thế [thay đổi xoành xoạch] còn những vật dụng khác thì sao? Cũng cá mè một lứa bạn ạ! Cái máy sấy tóc, cái máy pha cà phê, cái lò nướng… món chi dính dáng đến kỹ thuật “digital” cũng chỉ dùng được vài năm là ò ọe, sửa soạn đưa vào thùng rác. Hình như hãng sản xuất … cố tình chế tạo sản phẩm không bền để ta tiếp tục mua hàng mới? Hoặc giả khi cần sửa ta phải khuân món hàng ấy về tận nơi sản xuất, hay ít ra chỉ được mang vật dụng hư hỏng ấy đến vài nơi “được phép” (authorized) để sửa chữa rồi tha hồ trả lệ phí, chỉ “xem” [cho biết hư cái chi] thôi đã phải trả tiền! Tức quá nên người tiêu thụ hoài cổ như Dế Mèn đây hè nhau phàn nàn, kể lể giữa chúng mình xong thì… mắc mỏ những vật dụng không bền, xài không được lâu trên các môi trường truyền thông. Rồi kháo nhau đừng mua những thứ ấy nữa!?

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

John Deere, công ty chế tạo máy cày, máy cắt cỏ… không cho phép nông dân / người dùng khảo sát các nhu liệu chạy máy qua hợp đồng mua bán. Tự tiện tháo khối sắt ấy mà táy máy “mở khóa” (decode) nhu liệu là vi phạm hợp đồng và công ty có thể đưa kẻ vi phạm ra tòa đòi bồi thường!

Người tiêu thụ dù có ấm ức thế nào cũng phải im lặng chịu thua, ít ra là với những người dùng máy móc của John Deere. Nhưng riêng với ngành kỹ nghệ chế tạo sản phẩm y tế thì mối ấm ức nọ đã được phơi bày trên báo chí. Tại Memorial Hospital, Colorado Springs, để đáp ứng với nhu cầu dùng máy trợ sinh (ventilator) trong mùa đại dịch, các chuyên viên bảo trì máy móc của nhà thương nọ đã phải lên tiếng kêu la vì xưởng sản xuất đã cấm chỉ việc sửa chữa; chỉ có chuyên viên riêng của xưởng chế tạo mới có đồ nghề, phụ tùng và bảng hướng dẫn để làm công việc bảo trì ấy. Tạm hiểu là bệnh viện hoàn toàn lệ thuộc vào xưởng chế tạo máy móc ngay cả việc bảo trì định kỳ giản dị. Hiểu xa hơn nữa là bệnh viện kể trên có thể thiếu máy móc để dùng khi cần thiết.

Tương tự, những món đồ chơi điện tử đã trở thành “cấp thiết” trong mùa đại dịch, bá tánh cần… giải sầu bằng cách chơi trò chơi điện tử, nên Joy-Con được chú ý quá xá. Tiếc một điều là món đồ chơi điện tử (của Nintendo) này có vài lỗi hỏng nhưng công ty sản xuất lại từ chối sửa chữa không tính tiền (free). Thế là người dùng hè nhau thưa kiện dẫn đến một “class-action lawsuit”. Tai tiếng quá nên Nintendo lùi một bước, âm thầm sửa chữa món hàng hỏng mà không dám đòi tiền nữa!

Nghe phàn nàn mãi nên chính phủ động lòng (?), bắt đầu thảo một dự luật đòi hãng sản xuất phải để người tiêu thụ tự sửa chữa vật dụng hư hại, từ điện thoại di động, máy cày đến xe hơi… Thế là phong trào “the right to repair” ra đời. Nghĩa là người mua có quyền sửa chữa hàng hóa theo ý muốn và cũng có nghĩa là hãng sản xuất phải trình bày rõ ràng mấu chốt các cấu trúc và cách hoạt động của máy móc trong sản phẩm để những bác thợ tài hoa có thể sửa chữa mình ên! Món phụ tùng nào mòn hoặc hỏng đều có thể được thay thế, sửa chữa mà ta không cần phải mua hàng mới. Có thế chứ!?

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

So với Liên Âu thì Huê Kỳ đi chậm hơn một vài bước. Vào mùa Thu năm ngoái, Trái Táo Sứt đã công bố rằng họ sẽ bán ra các món phụ tùng và đồ nghề cần thiết để những tiệm sửa điện thoại độc lập (không dính dáng chi đến công ty) có thể cung cấp dịch vụ tương tự. Nhưng đến tháng Tám vừa qua, giữa trận đại dịch, thì chào đời một dự luật cấm hãng sản xuất giới hạn thời gian sử dụng và sửa chữa những sản phẩm y tế cần thiết. Tại Âu Châu, the European Commission công bố luật lệ “Quyền sửa chữa” sẽ được áp dụng cho các sản phẩm như điện thoại, bảng điện toán, máy điện toán bắt đầu vào năm 2021. Theo “Circular Economy Action Plan”, kiểu mẫu sản xuất hiện hành “take-make-use-dispose” đi một mạch từ sản xuất đến tiêu thụ khiến hãng xưởng chế tạo không có lý do gì để sản xuất một vật dụng bền bỉ, dùng được lâu. Vật dụng bị bỏ phế mỗi ngày một nhiều tạo ra các núi rác; rác [vật dụng] điện tử lại chẳng mấy khi…  hóa bùn đất nên gây hư hoại môi sinh. Ðể thay đổi, chính phủ Liên Âu tìm cách kích thích việc sáng tạo, chế biến theo khuynh hướng “môi trường xanh”, tưởng thưởng những món hàng được thiết kế, chế tạo theo khuôn mẫu mới qua việc giảm thuế. Vật dụng xài được lâu (đỡ rác), khi cần thì sửa chữa (tạo việc làm cho công nhân chuyên nghề sửa chữa thay vì chỉ lắp ráp các món hàng mới). Nhất cử lưỡng tiện?!

Hình minh họa. post.naver.com

Tại Massachusetts, cử tri bỏ phiếu cho dự thảo giúp xưởng sửa chữa xe hơi hoạt động dễ dàng hơn trong kỳ đầu phiếu vừa qua trong khi trên dưới 20 tiểu bang khác cũng đang sửa soạn các dự luật tương tự, “the right to repair” hay “quyền sửa chữa”.

Chế tạo sản phẩm mới tất nhiên là ta sẽ sử dụng nhiều thứ nguyên liệu mới và tiêu xài năng lượng trong khung cảnh hâm nóng toàn cầu như hiện nay. Vài thí dụ điển hình: Theo tài liệu của Apple, manufacturing data, việc đào hầm mỏ để lấy đất hiếm (rare earth) và một số kim loại để dùng trong việc chế tạo điện thoại di động chiếm 83% lượng sức nóng (heat-trapping emission) do iPhone gây ra so với một cái máy giặt tạo ra 57% sức nóng trong tiến trình chế tạo. Chưa kể lượng “heat emission” khi lắp ráp rồi vận chuyển vật dụng ấy đi khắp nơi.

Cháy rừng, bão tố, sạt đất, lũ lụt… là các hệ quả của việc tàn phá môi sinh. Các chuyên viên về môi sinh và các nhóm bảo vệ môi sinh cũng như nghiệp đoàn “sửa chữa (Repair Association) đều nói như thế.

Nhìn chung, mục đích của dự luật “Quyền sửa chữa” đòi hãng sản xuất phải bán phụ tùng, đồ nghề dùng trong việc sửa chữa và cả các chi tiết về cấu trúc cũng như cách hoạt động của sản phẩm bán ra để món hàng ấy nếu lỡ hư hỏng, sẽ được sửa chữa và tiếp tục dùng, bớt đổ rác! Ðược như thế, đồ dùng sửa chữa một cách dễ dàng, thì từ từ thói quen “vứt bỏ” của cư dân Huê Kỳ [hy vọng] sẽ thay đổi? Ði xa hơn, cũng sẽ thay đổi là khái niệm chê bai “đồ cổ” khiến sản phẩm được chế tạo với mục đích “ngắn hạn”, nhất thời để khuyến khích người tiêu thụ tiếp tục mua hàng [mới]?

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Ngược lại, phía công ty sản xuất thì cho rằng sản phẩm của họ đều dễ dàng sửa chữa nếu hư hỏng nhưng vì muốn bảo vệ sức khỏe và chi tiết cá nhân của người tiêu thụ nên họ giới hạn số cửa tiệm sửa chữa. Chỉ cho phép những nơi “làm ăn đàng hoàng”, được huấn luyện kỹ lưỡng trong việc sửa chữa hàng hóa của công ty?

Ðể chữa lửa, Consumer Technology Association, một hiệp hội đại diện các hãng sản xuất như Apple, Dell, và Microsoft đã lên tiếng rằng chỉ khoảng 2% người tiêu thụ quẳng vật dụng cũ vào thùng rác trong khi số người [đông gấp 10 lần] đã đổi (trade-in), bán hoặc cho đi món đồ cũ. Họ cũng nói rằng các cửa tiệm sửa vật dụng điện tử đang “mọc” lên khắp nơi, chẳng cần luật lệ chi ráo?!

Tất nhiên khái niệm “vứt bỏ có tính toán” của công ty sản xuất không phải là một điều mới mẻ. Từ năm 1928, ông Justus George Frederick, một chuyên viên trong kỹ nghệ quảng cáo tại Hoa Kỳ đã từng nói rằng bá tánh sẽ phải tiếp tục mua mỗi ngày một nhiều các món hàng, vứt bỏ rồi mua món mới để giúp kinh tế tiếp tục phát triển. Có lẽ ông ấy quên nói rằng, công ty quảng cáo sẽ thúc đẩy, mời gọi rủ rê người tiêu thụ mua sắm qua các bài bản quảng cáo thần sầu của kỹ nghệ này để giúp đồng tiền luân lưu từ túi người tiêu thụ sang túi nhà sản xuất, tay quảng cáo, hãng vận chuyển…?!

Vứt bỏ mãi rồi thì con người cũng sẽ hết chỗ để vứt nên ta đành quay lại, nhìn ngắm, đo lường rồi tìm cách thay đổi. Ðể bớt rác, việc đầu tiên là kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm. Theo ông Nathan Proctor, người dẫn đầu phong trào “quyền sửa chữa” của tổ chức U.S. Public Interest Research Group, nếu người tiêu thụ chịu giữ chiếc điện thoại di động thêm một (1) năm thì lượng sức nóng thải ra (heat emission) tương đương với lượng sức nóng từ 636,000 chiếc xe lưu hành trên đường sá!

Cho đến khi người tiêu thụ chịu bảo vệ môi sinh và thúc đẩy chính quyền đặt luật lệ điều hành việc chế tạo, sửa chữa và vứt bỏ các sản phẩm đang lưu hành, công ty sản xuất không mấy khi xắn tay áo chịu hợp tác với các hoạt động giới hạn phần nào việc làm ăn của họ!

TLL