Có mới nới cũ là thói quen của con người. Món gì xài hoài, dù hay đến đâu cũng trở nên nhàm chán. Vì vậy, các bộ óc tò mò, phong phú nghĩ ra những thứ mới lạ. Cuộc sống con người tiến bộ không ngừng, thời đại nào cũng có những phát minh, những sáng chế mới, dù không hẳn là hữu dụng.

nguồn: leep.app    

Theo luật đào thải, những thứ cũ được thay thế bằng món mới, những vật vô dụng đều bị bỏ xó, bất kể cũ mới. Tuy nhiên ta vẫn có những “tác phẩm” tồn tại với thời gian, từ văn chương, âm nhạc, tư tưởng đến vật dụng. Các vật dụng ấy không có tuổi tác dù được “tân trang” cho phù hợp với nhu cầu của con người. Việc “tân trang” hay “thu gọn”, sửa chữa để một vật dụng có thể dùng vào nhiều công việc hay “mashup invention” là một khuynh hướng mới mẻ. Nôm na là con người thay đổi một món đồ dùng cũ thành một vật dụng mới dùng cho nhiều mục đích. Như một chiếc CD player nhỏ xíu, kích thước gọn gàng đặt trên bàn cạnh giường ngủ (nightstand) để làm công việc của đồng hồ, vừa gọi ta thức giấc vừa ru ta ngủ với các bản nhạc êm dịu được lựa chọn sẵn… Hoặc, một cái điện thoại di động vừa lòng bàn tay dùng chụp ảnh, thu hình thu âm, lại dùng để nói chuyện, hẹn hò với người ở xa, chưa kể việc gửi thư, ghi chép.

Theo giáo sư Bernie Carlson, dạy môn lịch sử của phát minh và kỹ thuật tại University of Virginia, khuynh hướng “biến chế” kể trên (crossover invention) là một hiện tượng của thế kỷ XX, giúp người tiêu thụ lựa chọn vật dụng thích hợp với sinh hoạt riêng và từ đó, vật dụng nào cũng được chế tạo, thay đổi với ý tưởng “nhiều công dụng”.

“Mashup invention” xuất hiện trong mọi lãnh vực, từ máy móc kềnh càng như xe hủ lô (bulldozer) đã trở thành cỗ máy nhiều công dụng vừa ủi đất vừa cày vừa kéo đến kỹ nghệ thể thao, thực phẩm, vận chuyển. Hàng quán bày bán “cronut” chế biến từ bánh sừng trâu (croissant) và bánh tiêu (donut), trò thể thao frisbee golf, water polo, xe đẩy trẻ em gom chung với bảng trượt cho cha mẹ (skateboard-stroller)…

Cứ như thế, theo đà tiến hóa của con người, dựa trên sự phổ thông, ta có một số vật dụng xem ra được sử dụng hoài hoài, kiểu trẻ mãi không già, mà cứ mỗi ngày một mới lạ và không thể thiếu.

Món “mashup invention” lẫy lừng nhất là chiếc điện thoại thông minh mỗi ngày một “mới”, biểu tượng của kỹ thuật truyền thông. Năm 1994, IBM đưa ra thị trường một vật dụng dùng cho mục đích chuyển tải tin tức, tên “the Simon Personal Communicator” với khả năng chuyển điện thư, gửi hình ảnh (fax), lịch trình, màn hình cảm ứng và bút điện tử (stylus). Hơn chục năm sau, năm 2007, vật dụng này “nhảy vọt” một bước khá xa khi Steve Jobs cho ra đời chiếc iPhone đầu tiên. Chiếc điện thoại thông minh ấy được quảng cáo là đắc lực, làm được công việc của ba vật dụng: điện thoại di động, máy nghe nhạc cá nhân và “bàn giấy” (qua cách di động ngón tay trên màn hình cảm ứng), “An iPod, a phone and an Internet communicator”. Từ đó, iPhone tiến nhanh, tiến mạnh, thêm mọi thứ việc, như chụp hình, thu âm, lướt sóng liên mạng, đăng hình ảnh, góp ý góp lời với bá tánh… mà người dùng chỉ cần “nhúc nhích” cử động mấy ngón tay!

Xem thêm:   Dubai

Thế là Samsung, LG và các công ty khác ùn ùn chạy theo. Ðiện thoại thông minh được cõng thêm vài ba công dụng nữa như định vị (GPS), đo nhịp tim nhịp thở, đếm bước chân, tính đường sá và cả việc chi thu tiền bạc…

Vật dụng thứ nhì cũng thuộc loại “sống mãi với thời gian” là “multi-tool pocketknife” do Victorinox AG tại Ibach, Thụy Sĩ sản xuất và là sáng chế của ông Karl Elsener từ năm 1891. Thủa ban đầu, “army pocketknife” chế tạo riêng cho quân đội, được xếp gọn, bỏ trong túi dùng khi hữu sự. Con dao chuôi đỏ vô cùng quen thuộc bao gồm lưỡi dao, cái mở đồ hộp, cái vặn ốc và cái ép nước trái cây. “Chở” bằng ấy thứ nên con dao kia có vẻ nặng tay, và cha đẻ của món đồ ấy đã ra tay biến hóa, thay đổi để con dao “nhẹ” và gọn gàng hơn. Bá tánh ưa chuộng con dao đa năng quá nên ông Elsener và công ty Victorinox, xin được bằng sáng chế năm 1897, tung ra những “thế hệ” dao đa năng kế tiếp, “cõng” theo một cái kéo nhỏ nhỏ, cái tăm xỉa răng (bằng thép) và một vài món khác.

Binh sĩ Huê Kỳ “khám phá” ra con dao đa năng kia vào Thế Chiến II có tên gọi dài thòng là “Schweizer Offiziersmesser” hay “Swiss Army knife” (con dao của lính Thụy Sĩ). Món đồ đa năng được cải biến nhiều lần nhưng không phải lần nào cũng thành công. Có loại bị đào thải như kiểu “Super Timer” ra mắt năm 1992, gồm 31 cách dùng (kể cả đánh vảy cá) gom chung với đồng hồ nhưng không được ưa chuộng cho lắm. Con dao đa năng ngày nay còn có thêm cái cưa, dao gọt vỏ cam, nhíp nhổ râu…

Chiếc radio đầu tiên

Sáng chế “bền bỉ” khác là máy bay lướt sóng hay “Sea plane”. Sách vở ghi nhận ông Henri Fabre, một kỹ sư kiêm phi công người Pháp, người đầu tiên thực hiện máy bay lướt sóng, năm 1910 từ Marseilles, Pháp. Chiếc tàu bay lướt sóng ấy có tên “Hydravion”, vừa là máy bay vừa là tàu thủy; thân tàu làm bằng gỗ ash bọc cô-tông và ván ép để nổi trên mặt nước.

Phát minh ấy là khởi đầu cho hàng loạt kiểu mẫu khác. Theo US Naval Institute, hai trong ba chiếc máy bay đầu tiên được Hải Quân Hoa Kỳ mua về là loại tàu bay-tàu thủy hay “floatplane”. Sau nhiều lần thử nghiệm, Hải Quân Hoa Kỳ đã chế tạo được chiếc seaplane đầu tiên năm 1917, trong Thế Chiến I, sử dụng để đối đầu với “U-boat” của Ðức. Ðến thập niên 30, những chiếc tàu bay-tàu thủy nọ đã được cải biến khá nhiều. Hải Quân Hoa Kỳ đã thực hiện chuyến bay xuyên Ðại Tây Dương đầu tiên vào năm 1919 trên con tàu NC-4. Ngày nay, những chiếc tàu bay-tàu thủy có đủ bộ phận để hạ cánh trên bộ và trên biển.

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

Kế tiếp là máy phát thanh-đồng hồ (Clock Radio). Ta chưa biết người sáng chế ra vật dụng này là ai vì không có tài liệu. Theo tạp chí Time, hai ông James F. Reynolds và Paul L. Schroth Sr. đã chế tạo chiếc “clock radio” vào những năm thập niên 40. Trong khi đó, công ty Bulova nói rằng, sáng chế ấy là của họ từ năm 1928. Harvard Business School lại cho rằng người sáng chế là ông Benjamin Abrams, chủ nhân Emerson Radio and Phonograph Corporation.

Sách vở ghi lại hình ảnh chiếc clock radio đầu tiên nặng cỡ 25 cân Anh, “đựng” trong hộp gỗ, có mặt đồng hồ và các nút vặn để điều chỉnh âm thanh và bắt sóng. Từ đó, clock radio thay hình đổi dạng, đã được thu nhỏ thành một vật dụng có thể đặt trên bàn ngủ. Năm 1968, Sony Dream Machine là chiếc clock radio dùng kỹ thuật digital và đến ngày nay thì clock radio đã có thêm chỗ cắm và nạp năng lượng cho điện thoại di động.

Sáng chế “sống lâu” không kém là chiếc máy xay trộn để bàn, Stand Mixer, một vật dụng quen thuộc trong nhà bếp. Chiếc máy ấy xay nát và trộn đều trứng với bột đường, bơ… các nguyên liệu làm bánh. Chiếc máy này có thể cầm trên tay nhưng tiện lợi hơn là có thể đặt trên bàn, trên quầy, và tự làm công việc trộn, khuấy… và con người chỉ việc bấm nút điều khiển. Máy trộn để bàn làm được khối việc, không chỉ khuấy, trộn mà còn nhồi bột, và ngày nay, ta có thể “cán” bột làm mì Ý, xay thịt làm giò chả, “bằm” thịt, xắt phó mát, nhồi xúc xích… cả chục công năng khác.

Máy xay trộn đầu tiên (stand mixer)

Chiếc stand mixer đầu tiên do hãng KitchenAid sản xuất năm 1908 khi ông Herbert Johnston, kỹ sư và cũng là chủ công ty Hobart Manufacturing Company, chế ra dụng cụ “nhồi” bột làm bánh mì thay cho đôi tay.

Tạp chí Smithsonian, gọi phát minh này là “Mixing Machine” gồm cả tô đựng (tô có thể tách rời khỏi máy). Năm 1914, chiếc máy “trộn” đầu tiên kiểu H ra đời, nó to kềnh càng với cái tô chứa 80 quarts (gần 80 lít) dành cho xưởng làm bánh và cũng được Hải Quân Hoa Kỳ dùng trên chiến hạm trong thế chiến I. Chiếc máy này có thể trộn, quay và nhồi bột bánh. Năm sau, Hobart thành lập công ty “con”, KitchenAid, để bán các vật dụng dùng trong nhà bếp tư nhân. Chiếc máy trộn “con” C-10 có cái tô 10 quarts rồi nhỏ hơn nữa là máy trộn cỡ 5 quarts, bán với giá 189.50 Mỹ kim (khoảng 3,000 Mỹ kim theo trị giá ngày nay). Kiểu mẫu K, hiện vẫn còn dùng, ra đời năm 1937 và bán chạy như tôm tươi. Từ đó, chiếc máy trộn “cõng” thêm đủ mọi thứ phụ tùng mới và được/bị các công ty khác ráo riết tranh giành thị trường: Sunbeam, Cuisinart, Hamilton Beach… đều bán các món hàng tương tự.

Xem thêm:   Mối đe dọa của heo rừng

Vật dụng cần thiết trong sinh hoạt hằng ngày thì nhiều lắm và con người vẫn tiếp tục sáng chế và biến chế nhưng độc đáo nhất vẫn là cái bồn cầu thoát nước, flushable toilet. Phòng tắm ngày nay là một “điểm nhấn” của căn nhà và tất nhiên là phòng tắm đi kèm với bồn cầu!

Lịch sử của bồn cầu khá ly kỳ. Sách vở ghi chép rằng, việc dùng nước để chuyển chất phế thải được áp dụng từ 5,000 năm nay! Hệ thống chuyển chất phế thải (dù còn phôi thai) ra xa nơi sinh sống đã xuất hiện trong thời cổ La Mã, thời Mohenjo-Daro, Harappa tại Indus Valley.

Hệ thống thoát nước xưa

Gần gũi với chiếc bồn cầu thoát nước ngày nay là chiếc bồn cầu do Sir John Harington, cũng là con đỡ đầu của Nữ Hoàng Elizabeth I, chế tạo vào năm 1596. Vật dụng ấy là một cái chậu bằng sứ hình bầu dục, sâu cỡ hai bộ Anh (khoảng 25 phân Tây) đi kèm với một hệ thống dẫn nước đặt trên cao (dùng trọng lực để tháo nước), đóng mở bằng van, nối với bình chứa khoảng 30 lít nước. Hệ thống bồn cầu ấy được đặt tại Richmond Palace của Nữ hoàng và được mô tả trong bài giới thiệu “A New Discourse on a Stale Subject, called the Metamorphosis of Ajax”.

Mãi đến thời Cách mạng Kỹ thuật, Industrial Revolution, năm 1775 nhà sáng chế người Anh, Alexander Cumming được cấp bằng sáng chế cho chiếc bồn cầu thoát nước của ông. Ðó là một ống dẫn hình chữ S bên dưới bồn sứ, dùng nước để chặn mùi hôi thoát ra từ bồn cầu.

Ðến cuối thế kỷ XIX, một công ty cầu cống do ông Thomas Crapper làm chủ đã chế tạo thành công bồn cầu thoát nước với việc sử dụng trái cầu cao su nổi trên mặt bồn chứa nước, ballcock. Trái cầu hơi ấy điều khiển việc tháo và lấy nước vào bồn chứa. Hệ thống bồn cầu này vẫn còn được sử dụng đến ngày nay. Tên tuổi của ông Crapper dính liền với sáng chế của mình, “Crapper” là bồn cầu” và chữ “crap” tương đương với “phân”, được lính viễn chinh Huê Kỳ mang về từ Âu châu trong Thế Chiến I.

Bồn cầu thoát nước ngày nay không chỉ làm công việc chuyển chất phế thải mà còn có thêm nhiều tính năng khác: bồn cầu kèm vòi nước rửa như bidet của Âu châu, có máy sấy cho ấm cái bàn tọa.

Nhìn chung, nhiều sáng chế ra đời, được sử dụng trong một thời gian và sau đó bị đào thải vì không còn cần thiết nữa trong sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên vẫn có một số vật dụng tiếp tục “sống” vì đáp ứng và thích nghi được với đời sống mỗi ngày một thay đổi. Ðó là các vật dụng bền bỉ, “sống đời” như mấy món kể trên.

Ra khỏi vòng “sinh tử” là một điều quý hiếm, phải không bạn?

TLL