Nhìn thoáng, từ Âu, Á sang đến Mỹ Châu, nơi nào cũng khốn đốn vì lạm phát, vật giá leo thang trong khi lợi tức chỉ xê xích chút đỉnh, không theo kịp với tốc độ gia tăng của vật giá. Kết quả là người nghèo thì nghèo hơn và giới trung lưu cũng lao đao, khó lòng dành dụm, tiết kiệm cho quỹ hưu bổng. Tuy nhiên, cũng lạm phát nhưng khi so sánh giữa hai đại cường, lạm phát giữa Huê Kỳ xem ra khác biệt với Liên Âu.

Cùng “hậu quả” nhưng vì nguyên nhân khác nhau nên cách “chữa trị” và việc “phục hồi” cũng khác nhau: Mức “cầu” (cái “muốn” của người tiêu thụ) là lý do chính của lạm phát tại Huê Kỳ (mực “cung” không đủ đáp ứng nên vật giá leo thang) trong khi lạm phát tại Liên Âu đến từ sự khan hiếm nhu yếu phẩm nhất là nhiên liệu (xăng dầu) nên giá leo thang, mức “cần” cao hơn lượng “bán”. Tạm hiểu là lạm phát xuất hiện từ nhiều yếu tố dù có mẫu số chung là vật giá leo thang (‘Headline inflation’).

Với các tài phiệt làm ăn khắp thế giới thì sự lạm phát tại Huê Kỳ xem ra khó giải quyết hơn so với việc lạm phát “nhất thời” [vì năng lượng] tại Liên Âu dù mức lạm phát toàn cầu được kê khai là 8%, cao nhất từ bốn mươi năm trở lại đây. Lạm phát liên quan chặt chẽ đến tài chánh và kinh tế; ảnh hưởng đến kết quả đầu tư của mọi tài phiệt buôn bán ở tầm mức quốc tế.

Lạm phát đến từ nguyên nhân chính [core inflation] khác nhau nên cách “giải quyết” cũng khác nhau tại mỗi khu vực. Các nhà kinh tế tài chánh gọi cơn lạm phát hiện hành là “U.S. Demand-Pull Inflation” và “European Cost-Push Inflation”.
Tạm hiểu, “core inflation” là con số biểu hiện cho chiều hướng của vật giá trong một thời gian dài. Khi đo lường mức lạm phát dài ngày, ta cần “lựa bỏ” những thay đổi nhất thời (lên xuống trong vài tuần lễ) của vật giá như giá thực phẩm và xăng dầu để ước đoán chính xác hơn về lạm phát.

Theo các bản phân tích tài chánh, ngoại trừ việc giá cả “lên xuống” của xăng dầu và thực phẩm, các con số về “Core inflation” cho thấy mức lạm phát tại Huê Kỳ cao hơn so với Liên Âu.
Tại Huê Kỳ, mức “cầu” leo thang khi người tiêu thụ vung tay tiêu xài, hãng xưởng sản xuất không đủ hàng hóa để bán nên sản phẩm lên giá. Lương bổng gia tăng vì hãng xưởng cần nhân công, túi tiền rủng rỉnh nên bá tánh mua bán mạnh tay hơn. Tuy nhiên, mức lương bổng [chính thức] của nhân công Huê Kỳ đang bắt đầu chậm lại, ngoại trừ những công việc “tạm thời”, công việc làm theo hợp đồng hoặc bán thời gian.
Tại Âu Châu, giá nhiên liệu (xăng dầu, khí thiên nhiên) là chỉ số chính của sự leo thang vật giá. Như hình đồ tóm tắt dưới đây, giá nhiên liệu đã gia tăng 39.1% (so với Huê Kỳ 34.6%).

Lạm phát tại Âu Châu

Cuộc chiến tranh tại Ukraine đã khiến nguồn cung cấp nhiên liệu / thực phẩm của Âu Châu sút giảm nhất là khí thiên nhiên, lúa mì và các nhu yếu phẩm khác. Khi mức “cung” thấp hơn lượng “cầu”, sản phẩm trở nên khan hiếm thì trị giá gia tăng. Tuy nhiên khi nguồn cung cấp được lặp lại, cuộc chiến tranh được “hòa giải”, thì vật giá trở lại “bình thường” mức cũ (?) hay ít ra cũng giảm phần nào.
Tại Huê Kỳ, dù giá nhiên liệu gia tăng ít hơn (so với Âu Châu) nhưng lại ảnh hưởng đáng kể đến đời sống cư dân. Mọi sinh hoạt đều chịu ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu: vận tải, di chuyển, khách sạn… và do đó người người đều xem xét túi tiền trước khi mua bán.

Xem thêm:   Chuyện hay, dở của năng lượng từ mặt trời

Với sự khác biệt kể trên, cách Huê Kỳ và Liên Âu đối phó với lạm phát cũng khác biệt dù chính quyền và ngân khố sở tại nhanh chóng áp dụng những biện pháp cứu vãn kinh tế. Các biện pháp này thay đổi tùy theo “phản ứng” hoặc dựa trên kết quả của việc phục hồi kinh tế.

Theo Congressional Budget Office, chính phủ liên bang Huê Kỳ tài trợ “biện pháp tài chánh” (hay “quantitative easing”) bằng 5 trillion Mỹ kim qua các chương trình kích thích kinh tế (stimulus) rộng rãi: Như cho “vay” không lãi, “cho không” những món tiền lớn cho hãng xưởng để chủ nhân tiếp tục trả lương nhân công, trả chi phí mặc dù hãng xưởng phải đóng cửa vì dịch bệnh, nhân công vẫn được thụ hưởng các lợi nhuận cũ dù không đi làm. Như tài trợ những người nghèo để họ tiếp tục sinh sống trong đại dịch… Biện pháp này đã giúp kinh tế hồi phục sau cả năm tê liệt vì trận đại dịch Vũ Hán. Tuy nhiên, chích sách “cứu trợ” vĩ đại này đã gia tăng mức nợ công và dẫn đến lạm phát.

“Quantitative Easing” (QE) là một biện pháp tài chánh thường được áp dụng bởi Ngân Khố để kích thích kinh tế tăng trưởng: Ngân Khố mua công khố phiếu để gia tăng lượng tiền tệ lưu hành, giảm lãi suất và khuyến khích người đầu tư làm ăn buôn bán.

Cũng từ biện pháp kể trên, chính phủ Huê Kỳ gián tiếp mở màn cho làn sóng “bỏ việc” được mệnh danh là “the Great Resignation,” nhiều triệu nhân công đã bỏ việc hoặc không trở lại chỗ làm sau khi công ty / hãng xưởng mở cửa lại. Kết quả là các cuộc cạnh tranh ráo riết để mướn người của những chủ nhân đã dẫn đến “lạm phát” lương bổng, nhân công Huê Kỳ có mức lương cao hơn so với đồng nghiệp tại Âu Châu.

Xem thêm:   Cuối Đông

Lạm phát tại Huê Kỳ (Nguồn: FactSet, Bureau of Labor Statistics [BLS])

Bên kia đại dương, Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu, European Central Bank (ECB), và mỗi quốc gia Âu Châu cũng đã áp dụng các biện pháp cứu trợ kinh tế nhưng chậm rãi và khiêm nhường hơn so với Huê Kỳ. Thoạt tiên, mức lạm phát tại Âu Châu không trầm trọng như Huê Kỳ vì hai nguyên nhân chính:

– Lãi suất tại Âu Châu gần như zero nên ECB và Bank of England chẳng có chỗ để tiết giảm.

– Mức kích thích kinh tế của Âu Châu thấp hơn rất nhiều so với Huê Kỳ. Do đó, sự hồi phục kinh tế chậm hơn và lạm phát cũng thấp hơn.

So sánh các biện pháp kích thích kinh tế của hai đại cường, ta nhận ra các kết quả khác nhau. Ðể đối phó với suy trầm kinh tế từ đại dịch, Huê Kỳ phản ứng nhanh chóng và hơi “rộng tay” nên kinh tế hồi phục sớm hơn và lạm phát xuất hiện cũng sớm hơn. Ngược lại, ECB chỉ mới gia tăng lãi suất [đáng kể] từ tháng Bảy vừa qua, mức gia tăng cao nhất từ 11 năm nay.
Từ các dữ kiện ấy, chuyên viên tài chánh ước lượng rằng lạm phát tại Huê Kỳ sẽ tới cao điểm sớm hơn so với Âu Châu. Ngoài ra, Huê Kỳ không lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập cảng nặng nề như Âu Châu nên bớt chịu áp lực từ giá nhiên liệu.

Xem thêm:   Ngộ độc thực phẩm

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng hậu quả của lạm phát tùy thuộc vào mức hiệu quả của Ngân Khố / Ngân Hàng Trung Ương khi áp dụng các biện pháp [tài chánh]: dung hòa áp lực giữa tiết giảm nhu cầu [tiêu xài] và trợ giúp tăng trưởng kinh tế

Tại Huê Kỳ: Chính phủ liên bang đã phản ứng nhanh chóng trước sự suy trầm kinh tế và đã hoạch định chương trình đối phó sẵn sàng qua việc tăng lãi suất trong 2022-2023. Khi “mạnh tay”, lãi suất quá cao, sản phẩm & dịch vụ trở nên quá đắt đỏ, thì kinh tế sẽ chậm lại và suy trầm. Ngược lại, khi “nhẹ tay” thì khó lòng kiểm soát lạm phát và kinh tế cũng suy trầm.
Lạm phát tại Huê Kỳ có thể dai dẳng vì vật giá leo thang, lương bổng cũng như trị giá nhà cửa đều gia tăng. Cho đến khi nhà cửa xuống giá, thị trường nhân công bớt “nóng” thì lạm phát sẽ chậm lại.

Âu Châu: Dù lúc đầu, ECB và Bank of England không “mạnh tay” khi tăng lãi suất nhưng hiện nay đã áp dụng một biện pháp tương tự như Ngân Khố Huê Kỳ.
Khi chiến tranh Ukraine bớt “nóng”, Âu Châu sẽ phục hồi nhanh chóng vì nhiên liệu và nhu yếu phẩm bớt khan hiếm. Nếu cuộc chiến tranh kia tiếp diễn, lạm phát sẽ lâu dài.

Kết luận: Huê Kỳ cũng như Âu Châu đều đang cố gắng giữ quân bình tài chánh ở mức có thể kiểm soát được: kinh tế xuống dốc từ từ trong khi vật giá tiếp tục leo thang. Tạm hiểu là nền kinh tế toàn cầu vì những nguyên nhân khác nhau sẽ chậm lại, và cư dân thế giới sẽ cần thắt lưng buộc bụng, chịu thương chịu khó bớt tiêu xài trong khi chờ đợi ngày mai tươi sáng hơn.

TLL