(tiếp theo và hết)

Tại làng Neringa, nơi nghỉ mát nổi tiếng của Lithuania, khí hậu ở đây dễ chịu nên cây cỏ xanh tươi, mát mắt. Sau những đồi cát là rừng thông bạt ngàn, có ngọn thông cao đến 40 thước; giữa những rừng cây là các ngọn đồi, nổi tiếng nhất đụn cát Juodkrantè có ngọn đồi Phù Thủy (the Witches’ Hill) nơi các tay điêu khắc đóng góp trên 80 bức tượng gỗ sồi rất lớn. Gỗ sồi khá cứng, khó tạc nhưng bền bỉ dưới mưa nắng.

klaipeda-va-vung-phu-can10

Bản đồ bờ biển Neringa

Ngày xa xưa, người địa phương mừng lễ Rasos hay Jonines (St John’s Eve.; mùa hè với đêm ngắn nhất trong năm) bằng những buổi tụ họp ca hát, giong thuyền từ làng này sang làng kia trên hồ Curonia. Tương truyền rằng đêm hè ấy cũng là lúc các phù thủy hiền và dữ tụ họp để ra tay độ trì hoặc bức hại cư dân qua sấm sét, mưa bão, lụt lội… Khi đất nước rơi vào tay Sô Viết, mọi lễ lạt (tụ họp dân chúng) đều bị cấm chỉ nên khi giành lại độc lập, người Lithuania tổ chức các buổi lễ cổ truyền và trong thập niên 80, họ bắt đầu tạc tượng và dựng tượng trên đồi. Ðồi Phù Thủy trở thành một địa điểm thăm viếng thú vị cho du khách và cả người địa phương.

Qua ánh nắng, khu rừng Phù Thủy gần như được chia làm hai phần sáng và tối; những bức tượng liên quan đến cổ tích nằm ở phần sáng của khu rừng, qua cửa “địa ngục”, nơi đặt tượng Lucifer là khu rừng tối dần. Hầu như mỗi bức tượng là một câu chuyện, kể cả chuyện ngụ ngôn và chuyện cổ tích địa phương. Người dẫn đường kể từng chi tiết ở các bức tượng đoạt giải, Dế Mèn nhớ không hết nên mua luôn một cuốn sách nhỏ ghi chép sẵn những dữ kiện ấy.

klaipeda-va-vung-phu-can9

Tác giả trong vai du khách

Tại cổng vào là danh sách các nghệ sĩ đóng góp tác phẩm và bản đồ đường đồi ngoằn ngoèo dẫn đến các bức tượng ấy. Dưới đây là một số bức tượng điển hình dù phe ta chụp cả trăm tấm ảnh ở khu rừng này. Trong rừng có những bụi hoa rue (ruta), mùi hăng hắc rất lạ. Hoa rue là quốc huy của Lithuania, xuất hiện các con tem, tòa nhà hành chánh và cũng là biểu tượng của khuê nữ, cô dâu thường đội vương miện kết bằng vòng hoa rue trong ngày cưới.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Dưới chân tượng “The Birth of Neringa” của Juozas Jakstas, người dẫn đường kể chuyện khuê nữ Neringa ra đời, tài giỏi xinh đẹp có phép thần thông. Ðến tuổi cập kê, khuê nữ gieo cầu giao hẹn sẽ lấy chàng trai nào ném viên đá xa nhất. Thần Gió Bão thua cuộc, ghen tức nổi sóng; khuê nữ tung khăn tạo ra dải cát ngăn cách hồ Curania và biển cả để che chở cư dân quanh hồ. Bức tượng tạc hình ảnh nữ thần Neringa nằm trên sóng, được thần Neptune và thần Mặt Trời che chở.

Phù thủy trong truyện cổ tích địa phương là những người đầy quyền phép, có thể biến người chồng thành ngựa để cưỡi hoặc chim se sẻ, biến con người thành chó sói, biến các cô gái xinh đẹp trở nên xấu xí, đau ốm, triệt sản… Nhưng bà phù thủy trong bức tượng này, The Witches’ Snare của ông Jonas Lukaukas, lại là người tử tế, sẽ ban phép cho quý ông hoàn thành nguyện ước nếu đến đây mà sờ nắn những phần …nổi gồ ghề trên thân tượng!? Một người trong nhóm nổi máu khôi hài, chạy ra ôm… bình sữa, Dế Mèn chụp hình không kịp nên tiếc lắm!

klaipeda-va-vung-phu-can8

Bức tượng “Neringa ra đời” và người dẫn đường, hình ảnh cho thấy kích thước bức tượng khá lớn. Hầu hết các bức tượng gỗ ở đây đều lớn như thế.

klaipeda-va-vung-phu-can7

Phù thủy nhăn nhó, con mắt cú vô cùng sống động, dường như theo lưng người nhìn ngắm chằm chằm

Thôn làng miền biển nên ngư phủ ra khơi đánh cá trong khi vợ con chờ đợi ở nhà. Những ngày mưa bão, chinh phụ lên đồi mang theo đèn bão với đốm lửa hy vọng người chồng biết hướng đất liền mà trở về bình an. Bức tượng chinh phụ (She Who Waits của Stacys Karanauskas) rất sống động, hai con mắt âu lo, tà áo bay trong gió bão, đầu đội chiếc đèn…

Hình như từ Âu sang Á, nơi nào cũng có những chinh phụ, tấm gương chung thủy được khắc thành tượng, tượng gỗ, tượng đá, tranh vẽ… khắp nơi?

Cửa địa ngục đầy những phù thủy mặt mũi dữ tợn, sau cổng là Lucifer đứng sẵn chờ các linh hồn bị sa địa ngục, Lucifer & the Gate of Hell của Raimonda & Anicetas Puskorius. Cổ tích kể rằng có ngư ông đói quá sau những lần ra biển mà không lưới được con cá nào, thất thểu trở về ngư ông gặp quý tộc (Lucifer trá hình) và được quý tộc hứa hẹn sẽ cho cơm ăn áo mặc nếu ngư ông đồng ý 18 năm sau sẽ dâng quý tộc một thứ mà khi rời nhà, ngư ông không có… Túng quá nên ngư ông đành ưng chịu gật đầu, khi về đến cửa thì bà vợ trao người chồng đứa con sơ sinh! Một câu chuyện bán linh hồn cho quỷ dữ.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Thời đại nào cũng có ma quỷ và những cô gái ngây thơ bị dụ dỗ. Trong câu chuyện ngụ ngôn có quỷ dữ trá hình bắt hồn trẻ thơ trong ngày hội mùa hè. “The Dancers” của Jonas Ignotas gồm cả chục bức tượng nhiều nhạc công, mỗi nhạc công dùng một loại khí cụ và người nhảy múa. Trong bức tượng này, quỷ dữ ăn mặc đàng hoàng sạch sẽ, điển trai như mọi chàng trai thanh lịch đang dụ dỗ một cô bé xinh đẹp, nhưng tình cờ cô ấy giẫm lên giày quỷ và phát giác ra rằng chiếc giày trống rỗng (quỷ không có bàn chân!?). Quỷ dữ mời nàng lên xe, cô bé khôn ngoan từ chối, nói rằng mình không có áo dạ hội, quỷ dữ búng tay và chiếc áo đẹp xuất hiện. Cô bé tiếp tục đòi những món khác để trì hoãn, vải thêu, khăn quàng, chuỗi hạt, nhẫn…mọi thứ đều xuất hiện như ước muốn. Khi cô bé sửa soạn xong, khăn áo đầy đủ thì gà gáy, bình minh bắt đầu và quỷ dữ đành biến mất… Tóm lại là cô bé may mắn, thoát khỏi tay quỷ dữ với một mớ quà tặng đắt giá.

klaipeda-va-vung-phu-can6

Chinh phụ đội đèn bão ngóng chồng trong đêm mưa bão

klaipeda-va-vung-phu-can4

Bức tượng cô bé giẫm lên chân quỷ dữ trá hình chàng trai thanh lịch trong ngày hội

Bức tượng Raining Frogs của Alfonsas Skiesgilas dựa theo câu chuyện ngụ ngôn về phù thủy nhi đồng. Khi còn thơ nhi đồng phù thủy cũng phải đi học, đi học để lấy phép thần thông gọi mưa, làm gió… và cũng phải thi cử đàng hoàng, nhi đồng chăm chỉ, chịu khó học hành, thi đậu mới trở thành phù thủy có phép! Những đứa trẻ lười biếng, trốn học khi đi thi thì quên mất cách làm mưa gọi gió. Thay vì mưa, nhi đồng làm thế nào mà chỉ có đàn cóc xuất hiện…Thì ra truyện ngụ ngôn Lithuania cũng có “con cóc là câu ông Trời…”, mỗi khi cóc nghiến răng là trời mưa?!

Xem thêm:   Ngộ độc thực phẩm

Những tấm ghế ngồi cũng được đẽo gọt rất tỉ mỉ đem trưng bày trong rừng…

Bạn sẽ cần khoảng ba tiếng đi loanh quanh trên đồi nhìn ngắm các bức tượng gỗ để thưởng lãm tài nghệ của những tay điêu khắc. Việc đẽo gọt tượng gỗ rất phổ thông như thú giải trí ưa chuộng của cư dân vùng Baltic.

klaipeda-va-vung-phu-can3

Những con cóc và cô bé lười

klaipeda-va-vung-phu-can5

Cửa địa ngục và Lucifer – Tấm hình này không rõ lắm nhưng mấy bức tượng khá đặc sắc nên vẫn được đem ra chưng với bạn đọc

Ðồi Thánh Giá (The Hill of Crosses)

Hill of Crosses là một trong những địa điểm nổi tiếng của Lithuania, nằm trong thôn làng Jurgaiciu, vùng Kryziu kalnas.  Ðây là một ngọn đồi không cao lắm, nằm giữa một cánh đồng khá rộng, trên đồi đầy những chiếc thánh giá, đủ mọi hình dáng, kích thước lớn nhỏ; Ðếm ra có lẽ vài …triệu cây thánh giá được cắm trên đồi!

Ðạo Thiên Chúa La Mã (Catholic) được xem là quốc giáo của Lithuania nên hình ảnh cây thánh giá hiện diện hầu như khắp nơi. Nhưng ở đây, ngọn đồi trọc cắm đầy thánh giá lại là chứng tích của một cuộc chiến đấu âm ỉ, oanh liệt; lịch sử của ngọn đồi là một dữ kiện đáng kể.

Vào thế kỷ XIX, khi quân đội Nga Hoàng thẳng tay đàn áp những trận nổi dậy đòi độc lập của Lithuania, sau mỗi trận tàn sát, cư dân cắm một cây thánh giá trên đồi để kỷ niệm biến cố ấy (?) và để tuyên dương tử sĩ (?). Ðến cuối thế kỷ XIX thì ngọn đồi có chừng 150 cây thánh giá lớn, đến năm 1914 thì cỡ 200 cây thánh giá và nhiều nữa dưới thời Sô Viết cai trị bắt đầu từ năm 1940.

klaipeda-va-vung-phu-can1

klaipeda-va-vung-phu-can2

Những băng ghế ngồi trong công viên với hình tượng phù thủy, cá sấu

Theo chủ nghĩa vô thần, thánh giá là biểu tượng của tôn giáo nên không được nhà cầm quyền chấp nhận. Ngọn đồi sau đó bị san bằng, các thánh giá bị thiêu hủy hoàn toàn vào năm 1961. Sau mỗi lần thánh giá bị triệt hạ, những cây thánh giá mới lại xuất hiện trên đồi như chứng tích của một sự phản kháng âm thầm nhưng bền bỉ. Sau quá nhiều lần thử thách niềm tin của cư dân, nhà cầm quyền đành bỏ mặc ngọn đồi với những cây thánh giá lớn nhỏ.

Năm 1993, Giáo Hoàng John Paul II đến thăm ngọn đồi, tuyên dương sức mạnh của lòng tin và sự quật cường bền bỉ của cư dân. Lời phát biểu của Giáo Hoàng được khắc trên đá granite giữa đồi “Thank you, Lithuanians, for this Hill of Crosses which testifies to the nations of Europe and to the whole world the faith of the people of this land.”

Bà mẹ Giáo Hoàng John Paul II là người gốc Lithuania, nên đất nước này là quê ngoại của Ngài.

Mấy ngày thăm viếng Lithuania đủ để Dế Mèn “nghe” được tiếng nói của những con người bất khuất, nghe rồi cảm phục và mơ ước, ước gì lòng quật cường kia theo gió thổi về đến quê hương cũ. Cứ đứng dậy thì sẽ được người thế giới dang tay trợ giúp?

klaipeda-va-vung-phu-can

Tác giả và cây thánh giá giữa đồi

TLL