Khi thẩm định những dấu hiệu [biến chuyển] kinh tế, ngoài các chỉ số về công việc làm, chứng khoán … các nhà kinh tế / tài chánh còn tìm hiểu về xã hội qua các tài liệu, bài tường trình, trưng cầu ý kiến của những chuyên viên xã hội, tâm lý.

bangordailynews.com

Nhìn thoáng, các con số liên quan đến sinh hoạt xã hội có vẻ “ngẫu nhiên”, không đáng chú ý, như giá bán hotdog ngoài tiệm ăn, giá gói kẹo M&M từ chợ thực phẩm nhưng thật ra các con số ấy khi thu góp và tổng hợp lại là những điều đáng kể. Một trong những “chỉ số” quan trọng nhưng chẳng mấy người để tâm là những con số từ  các “quán ăn bình dân”.

“Quán ăn bình dân” tại Hoa Kỳ bao gồm nhiều thương hiệu, phần lớn là từ các “đại công ty” buôn bán theo công thức “đại lý” hay “franchise”, có mặt tại nhiều thành phố, bán pizza (Pizza Hut, Papa John…), hamburger (MacDonald, Wendy…) hoặc món thập cẩm như Waffle House nơi những cư dân không mấy dư dả đến ăn, phần ăn lớn và tương đối rẻ.

Từ các con số chi thu tại các hàng quán bình dân, các nhà kinh tế đặt ra những “chỉ số” như Waffle House Index, MacDonald Index… Các chỉ số này cho thấy một số dữ kiện [ngầm] về sinh hoạt của cư dân và những thay đổi [âm thầm] trên thị trường.

Nhìn tổng quát, mấy món ăn phổ thông tại Huê Kỳ là bánh mì thịt bằm nướng (hamburger), khoai chiên, pizza … cư dân nào cũng ăn những thứ này ít nhất một lần trong đời và chính các thói quen ăn uống (tiêu thụ) ấy cho thấy các thay đổi trên thị trường. Khi đo đếm các con số chi thu như bao nhiêu tấn khoai chiên đã được tiêu thụ tại thành phố ABC, bao nhiêu tấn thịt bò bằm, bao nhiêu tấn pizza … Các con số này có thay đổi từ tam cá nguyệt (quý) này sang tam cá nguyệt khác hay không? Tăng hay giảm? Yếu tố nào đã dẫn đến mức tiêu thụ trồi / sụt ấy? Số thực khách ít đi thì nguyên nhân từ đâu? Thức ăn mất phẩm chất hay bị cạnh tranh (với giá rẻ hơn)? Dân số giảm do mất công việc làm hoặc bá tánh di cư vì thiên tai bão lụt?

Xem thêm:   Ngộ độc thực phẩm

So sánh giá thực phẩm để ước đoán về tài chánh, xã hội không phải là điều mới mẻ. Từ năm 1980, ông Eric Bram đã kê khai giá cả thức ăn tại New York, một miếng pizza có trị giá bằng một chuyến (token) xe điện ngầm; và trị giá tỷ lệ thuận ấy xem ra đã không suy suyển trong suốt 20 năm qua; hễ giá pizza gia tăng là giá xe điện ngầm cũng tăng.

Xa xưa hơn, thí dụ khác về “thức ăn, tiếng nói của kinh tế” là chuyện những củ khoai tây. Nông dân vùng tây bắc Huê Kỳ trồng và xuất cảng khoai tây qua Á Châu, ngành trồng khoai [để chế biến French fry] xuất cảng trị giá khoảng 2 tỷ Mỹ kim.
Món khoai chiên giòn nhắm đến người tiêu thụ [Á Ðông] trung lưu, và mức tăng trưởng của giai tầng trung lưu là dấu hiệu của sự phồn thịnh kinh tế. Do đó, lượng khoai tây tiêu thụ gia tăng tại Á Châu được xem như dấu hiệu khởi sắc về kinh tế tại địa phương ấy. Trong những năm đầu thế kỷ XXI, kinh tế Á Châu xuống dốc thì kỹ nghệ trồng khoai tại Huê Kỳ xính vính theo. Thiếu người mua, nông dân phải bán rẻ nông phẩm rồi bán luôn cả đất đai canh tác vì phá sản!

Một áp dụng khác về lập thuyết “thực phẩm & kinh tế” là “Waffle House Index”, dùng để “đo lường” mức thiệt hại kinh tế sau thiên tai. Waffle House là một chuỗi tiệm ăn bình dân, có mặt tại nhiều quận hạt làng xã trên lãnh thổ Hoa Kỳ, thu hút những thực khách không mấy dư dả.
Quán Waffle House được biết đến qua cung cách làm ăn “mở cửa” liên tục bất kể gió to, bão lớn và nếu phải tạm thời đóng cửa cũng vẫn mở cửa lại rất sớm, rất nhanh so với những quán hàng khác, dù với một thực đơn giới hạn. Ðại công ty đàng sau thương hiệu này có cả một chương trình huấn luyện (risk management, disaster preparedness…), giúp nhân viên đối phó với thiên tai một cách hiệu quả để nhanh chóng mở cửa hàng quán, tiết giảm sự thiệt hại. Do đó, sau trận thiên tai, dù mất điện hoặc giảm nguyên liệu nấu nướng, quán Waffle House vẫn có thể hoạt động hữu hiệu dù thực đơn không còn dài thoòng như thường lệ. Ngoài các con số đo lường mức tàn phá của thiên tai, bão lụt như sức gió, mực nước mưa… chính phủ Huê Kỳ qua cơ quan The Federal Emergency Management Agency (FEMA) đã sử dụng thực đơn của Waffle House như một chỉ số để ghi nhận mức thiệt hại của trận thiên tai.

Xem thêm:   Chuyện hay, dở của năng lượng từ mặt trời

Thức ăn từ hàng quán bình dân đã thế nhưng còn những món ăn vặt thì sao? Những món được xem là “căn bản” và “phổ thông” như đậu hộp, bắp ngô rang? Ta cũng có các “chỉ số” tương tự như “Odeon Popcorn Index” cho thấy số người đi xem xi nê và mua bắp rang liên quan đến tình trạng kinh tế. Lượng đậu hộp tiêu thụ cũng cho thấy các dữ kiện kể trên.

Kinh tế Huê Kỳ liên quan mật thiết với thực phẩm như thế nhưng trên bình diện quốc tế, thực phẩm có dính dáng chi đến kinh tế hay không? Cũng từa tựa, bạn ạ! Từ pizza, chuyên viên xoay ra tìm hiểu về Big Mac và KFC (thịt gà chiên của thương hiệu Kentucky Fried Chicken), những món ăn phổ thông khác không chỉ tại Hoa Kỳ mà còn xuất hiện và được ưa chuộng tại nhiều nơi trên thế giới, tạo ra các chỉ số Big Mac, KFC…
Ta so sánh giá cả để tìm hiểu về tình hình kinh tế thế giới qua những “chỉ số” hoặc “dấu hiệu” tầm thường nhất. Sự khác biệt về giá cả của chiếc Big Mac là các con số cụ thể về “purchasing power parity, PPP” hay giản dị hơn, sự khác biệt về giá cả của chiếc Big Mac tại nhiều quốc gia vì trị giá của tiền tệ thay đổi theo địa phương.

Nói chung, “sức khỏe” của nền kinh tế nội địa Huê Kỳ cũng như một số quốc gia khác được chẩn đoán qua việc thu góp và phân tích các con số từ kỹ nghệ sản xuất thực phẩm, từ nông trại đến các hãng xưởng chế biến. Những con số xem ra tầm thường, nhỏ nhoi nhưng vô cùng thực tế và chính xác vì các con số này là hình ảnh các sinh hoạt hàng ngày của các cư dân không giàu có, và họ chính là 80% dân số tại đất nước ấy. Hóa ra những thứ tầm thường và nhỏ nhoi nhất cũng chứa đựng những giá trị không ngờ, cứ tiếp tục tìm kiếm, ghi chép và suy ngẫm, ta sẽ “thấy” vô khối những điều to tát khác?!

Xem thêm:   Cuối Đông

TLL

Orlando, FL