Sau thức ăn, nước uống và áo quần bảo vệ thân thể là mái nhà che mưa nắng, nơi ngủ, nghỉ và… cống rãnh. Làm thế nào để nơi ăn ở giữ được vệ sinh, duy trì sức khỏe? Nước phế thải cũng như nước mưa cần được rinh đi xa nơi sinh sống và do đó ta cần hệ thống thoát nước, hay cống rãnh, nhất là trong thành phố, chốn đô thị nơi đông người nương náu.

Khi nhà cửa được xây cất bừa bãi tứ tung, không chuẩn bị đầy đủ cho một hệ thống cống rãnh thoát nước thì mỗi khi trời mưa, thành phố chịu nạn lụt lội — hình ảnh của Hà Nội, Sài Gòn và những thành phố cũ chịu nạn nhân mãn, đất hẹp người quá đông.

Âu Châu là thí dụ dễ dàng nhất, thành phố nào ở lục địa ấy cũng… cổ và cũ, cũng đầy những người là người và cư dân làm thế nào để mỗi khi trời mưa thì phố xá không lụt lội? Người ta cập nhật hệ thống cống rãnh để thoát nước và tích cực… đổ rác. Rác và những thứ phế thải đều được tái dụng hoặc tìm cách giải quyết ổn thỏa. Món có thể đốt để lấy năng lượng thì đem đốt. Thứ gì không thể phân hủy thì tìm chỗ đổ; ở những nơi có thể mua chỗ để đổ rác như Lào, Việt Nam… Ngoài ra những chuyên viên về môi sinh, cống rãnh đều ráo riết tìm cách chế tạo các loại giấy dễ phân hủy, điển hình là loại giấy vệ sinh dễ hòa tan trong nước!

Theo sau giấy vệ sinh [khô] là các loại “giấy” ẩm ướt rất phổ thông trong việc lau chùi trẻ em, từ những thứ chứa alcohol sát trùng đến các loại giấy ướt khác. Các loại giấy ướt này cần bỏ thùng rác sau khi dùng nhưng gần đây là các loại giấy ướt [có thể tự] phân hủy (flushable wipe) trong nước và trôi theo đường cống rãnh như lời quảng cáo của nhà sản xuất. Họ nói rằng giấy ướt có thể dùng như giấy khô trong nhà vệ sinh, đỡ đổ rác, thuận tai quá phải không bạn?

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Thực ra đã có khá nhiều cuộc cãi cọ về việc tắc cống rãnh do giấy ướt!?

Về phía các công ty sản xuất giấy ướt, Association of the Nonwoven Fabrics Industry, theo tiêu chuẩn của chính ngành kỹ nghệ này (Guidelines for Assessing the Flushability of Disposable Nonwoven Products – GD4), thì loại giấy ướt [do họ chế tạo] tự phân hủy và theo cống rãnh mà tiêu tán. Tuy nhiên, theo định nghĩa của tổ chức International Water Services Flushability Group (IWSFG), chỉ có phân (chất hữu cơ), nước tiểu và giấy vệ sinh [khô] mới có thể tự phân hủy trong cống rãnh. Ðại khái là tổ chức này than phiền nỗi tắc nghẽn của cống rãnh do những chất phế thải không thể phân hủy khác, kể cả các loại giấy [chùi] ướt.

Ðể kiểm nghiệm việc đúng / sai của bài bản quảng cáo từ kỹ nghệ chế tạo giấy ướt đã được thử nghiệm ngay trong những trung tâm nghiên cứu của trường đại học: Tại Center for Urban Innovation của Ryerson University, Toronto, Tiến Sĩ Darko Joksimovic, giáo sư về ngành kỹ sư công chánh đã thực hiện các thí nghiệm về cách phân hủy của giấy ướt. Khi thử nghiệm, loại giấy ướt ấy có thể trôi theo dòng nước cuốn từ bồn cầu. Những mẩu giấy [ướt] ấy được thu góp và đặt trong một hộp chứa 1 gallon nước, slosh box, xoáy chậm khoảng 18 vòng quay / mỗi phút trong 30 phút liên tục (như dòng nước chảy theo ống cống); sau đó được lọc qua một mạng lưới sắt cỡ 2 phân vuông. Phần giấy kẹt lại được sấy khô và đo trọng lượng. Theo ông Joksimovic, loại giấy [ướt] nào giảm mất 95% trọng lượng trong chu trình thử nghiệm kể trên được chứng nhận là “flushable” vì đã tự phân hủy.

Khi áp dụng tiêu chuẩn của IWSFG, một tổ chức bao gồm thành viên từ nhiều kỹ nghệ như the Canadian Water and Wastewater Association, the National Association of Clean Water Agencies, và các tổ chức quốc tế từ Úc, Nhật… và dùng quy trình thử nghiệm kể trên cho các loại giấy, bao bọc mang nhãn hiệu “flushable”, khoảng 101 sản phẩm trên thị trường của tỉnh bang Ontario, Canada, từ giấy ướt, khăn lau mặt, giấy lót tã đến các bao đựng phân chó cưng, phòng thí nghiệm của Center for Urban Innovation đã kết luận rằng chỉ 13% loại giấy ướt hiện nay đáng được gọi là “flushable”, chỉ phân hủy phần nào so với loại giấy vệ sinh hiện hành, hoàn toàn tự phân hủy. Nói giản dị, 87% các loại sản phẩm với nhãn hiệu “flushable” có mặt trên thị trường đã “rớt đài”, nghĩa là sẽ quanh quẩn trong ống cống và từ từ sẽ làm nghẽn cống rãnh.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Ông Barry Orr, một chuyên viên kiểm tra hệ thống cống rãnh của thành phố London tại Ontario, Canada cũng nhìn nhận rằng nhiều loại giấy ướt không tự phân hủy, có thể cuộn tròn rồi chắc như cục gạch và làm nghẽn ống cống cũng như các máy bơm nước cống. Chưa kể các “cục” giấy nọ sẽ kết nối với các vật thể khác trở thành “fatberg” và gây hư hại hệ thống cống rãnh. Ông này còn cho rằng mấy thứ giấy ướt nọ rất “tệ hại” cho hoạt động của hệ thống cống rãnh, không bao giờ được vứt vào bồn cầu.

Nói chung, kết quả khảo cứu từ trung tâm Ryerson (còn gọi là “the Ryerson study”) chứng minh rằng bài bản quảng cáo về sản phẩm tự phân hủy hoàn toàn sai; nghĩa là đã có những ý kiến khác biệt, các cuộc tranh luận [bạc triệu] giữa người tiêu thụ, công ty sản xuất, chính quyền địa phương và các công ty chuyên việc giải quyết chất phế thải. Người tiêu thụ [ưa chuộng sự tiện nghi, dễ dàng] thì phân vân, hoang mang. Công ty sản xuất tất nhiên là muốn bán món hàng, càng chạy càng tốt để kiếm bạc. Với một ngân sách giới hạn chính quyền địa phương (municipality) có nhiệm vụ duy trì đường sá, hạ tầng cơ sở kể cả cống rãnh để bảo vệ sức khỏe cư dân. Các công ty giải quyết phế chất cần duy trì sự hoạt động của hệ thống cống rãnh.

Ngoài IWSFG, các tổ chức bảo vệ hải sinh và môi sinh cũng đồng lòng phản đối việc vứt bỏ các sản phẩm khó phân hủy vào cống rãnh. Họ cho rằng các sản phẩm [“flushability”] ấy gây hư hại biển cả, sông ngòi và đất đai.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Các cuộc tranh luận bạc triệu kể trên vẫn tiếp diễn, và các tổ chức bảo vệ môi sinh đang nhắm đến người tiêu thụ: Sự hiểu biết của người tiêu thụ sẽ khiến họ đắn đo hơn, cẩn thận hơn khi dùng những món giấy, khăn lau chùi.

Dưới đây là những con số đáng kể:

– Các chính quyền địa phương tại Huê Kỳ đang tiêu xài từ 500 triệu đến 1 tỷ Mỹ kim hàng năm để tháo gỡ các “cục” giấy (fatberg), thông cống, khai thông ống bơm và những cỗ máy xay / nghiền chất phế thải đặt dưới đất.

– Kỹ nghệ sản xuất giấy / khăn lau chùi đủ loại đã bán được 16.6 tỷ Mỹ kim khi buôn bán khắp thế giới và sẽ lên đến khoảng 22 tỷ Mỹ kim vào năm 2023. (1)

Các cuộc tranh luận kể trên tất nhiên mang theo nhiều hệ lụy về lập pháp cũng như tư pháp. Tháng Mười Hai năm 2018, công ty Proctor & Gamble, chuyên sản xuất các món gia dụng từ xà bông đến giấy… đã thỏa thuận với 17 chính quyền địa phương là họ sẽ trả 2.15 triệu phí tổn luật sư, và bồi thường từ $1,000 đến $5,000 cho mỗi nguyên đơn về tội quảng cáo láo khi nói rằng sản phẩm Charmin Freshmates Wipes tự phân hủy (flushable) trong cống rãnh. Các nguyên đơn chứng minh rằng sản phẩm ấy đã làm tắc cống, hư hại hệ thống septic của thành phố họ.

New Jersey đưa ra dự luật đòi kỹ nghệ sản xuất phải kê khai rõ ràng “không vứt xuống bồn cầu” trên sản phẩm thiếu tiêu chuẩn tự phân hủy.

Kết luận? Cư dân và người tiêu thụ cần bảo vệ hệ thống cống rãnh nơi sinh sống, chỉ vứt bỏ những thứ tự phân hủy xuống cống, và nhất là tự tìm hiểu rõ ràng về các sản phẩm ta sử dụng hàng ngày!

TLL