Tupperware là câu chuyện khởi nghiệp của một bà mẹ đơn thân, Brownie Wise, bắt đầu từ một vật dụng đơn giản nhất trong nhà bếp: chiếc hộp đựng thức ăn thừa. Thực ra, sản phẩm ấy là con đẻ của ông Earl Silas Tupper (1907 – 1983), một doanh nhân và cũng là nhà sáng chế người Hoa Kỳ.

Brownie Wise khởi nghiệp từ những hộp nhựa. nguồn: growingbolder

Ông Tupper sáng chế nhiều sản phẩm nhưng đứa con nổi tiếng nhất và cũng giản dị nhất là Tupperware®, chiếc hộp nhựa kín [gió] dùng để chứa thức ăn dư thừa. Ðứa con ấy nổi tiếng quá xá nên dẫn đến việc thành lập cả một công ty mang tên “nó”, Tupperware Plastics Company.

Earl Silas Tupper ra đời tại Berlin, New Hampshire, trong một gia đình nông dân nghèo; sau khi xong đại học, với bộ óc thích làm giàu, ông Tupper đã khởi lập một công ty cung cấp cây non và vườn tược cho đến khi phá sản vì cuộc Khủng Hoảng Kinh Tế. Sau đó, ông ấy làm việc cho công ty hóa chất Dupont.
Từ Dupont, phế liệu polyethylene slag trong tiến trình chế tạo sản phẩm từ dầu thô là những miếng nhựa đen, cứng được ông Tupper dùng để tạo ra những vật dụng nhẹ bằng nhựa mềm, không bể như những chiếc hộp, ly tách, chén dĩa đến mặt nạ và cả nắp đậy thùng sơn. Những sản phẩm ấy được cầu chứng tại tòa dưới tên gọi “Tupperware” và công ty Tupperware Plastics Company ra đời năm 1938. Nhưng mãi đến mười năm sau, các sản phẩm này mới được bán tại các tiệm bách hóa và tiệm bán dụng cụ kim loại (hardware store). “Millionaire Line” gồm 14 sản phẩm khác nhau nhưng món hàng ế ẩm vì chẳng có mấy người mua.

Khoảng năm 1946, ông Tupper mướn bà Brownie Wise để làm công việc quảng cáo, rao hàng cho các sản phẩm sau khi bà này bán được khá nhiều món Tupperware qua các bí kíp làm ăn, buôn bán tại nhà riêng. Thí dụ như tổ chức các “party”, mời bạn bè làng xóm tham dự để quảng cáo món hàng, “Tupperware party”.
Brownie Wise phát triển các bí kíp buôn bán ấy tại công ty mới; từ đó Tupperware không còn xuất hiện tại tiệm bách hóa nữa mà chỉ bán qua những bữa họp mặt tại nhà riêng của người tổ chức (đại diện thương mại của công ty). Cách buôn bán này trở thành phổ thông cho quý bà, quý cô không đi làm hãng xưởng, chỉ buôn bán tại nhà, “party plan marketing”.
Năm 1958, không thuận thảo nữa, công ty Tupperware chia tay với bà Wise; ông Tupper bán công ty cho Rexall với giá 15 triệu Mỹ kim.

Ông Earl Silas Tupper. massmoments.org

Sự phổ thông của sản phẩm lan rộng qua cách truyền miệng / truyền tai, “words of mouth”. Số người trở thành tay bán hàng tại nhà gia tăng cấp kỳ, đến tháng Mười năm 1949, bà Wise có đến 19 người tham dự đội ngũ bán hàng / quảng cáo; khái niệm kiếm tiền qua việc tổ chức party tại nhà với bạn bè và láng giềng thu hút khá nhiều người.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Với một phong cách tự nhiên, dễ gây cảm tình với người chung quanh, bà Wise dễ dàng thu phục đội ngũ bán hàng/ quảng cáo khác hẳn với ông chủ công ty, nghiêm cẩn và ít nói. Xem ra họ là hai người trái nghịch nhưng bổ khuyết cho nhau để làm ăn thành công.

Năm 1952, một năm dưới quyền lèo lái của Brownie Wise, Tupperware đại thắng, công ty bán được một lượng sản phẩm trị giá trên 2 triệu Mỹ kim! Và bà Wise đạt mức lượng 20,933.33 Mỹ kim, một số lương bà Wise chưa bao giờ thấy trước đó. Ngoài ra, ông Tupper còn trao toàn quyền quyết định mọi phương thức làm ăn, và Brownie Wise đã di chuyển khắp Huê Kỳ để tuyển người, huấn luyện tại chỗ, và bành trướng cơ sở buôn bán.

“Tổ chức party” xem ra là điều kiện lý tưởng để kiếm tiền cho quý bà vào thủa ấy vì nếu đi làm, họ cũng chỉ có những công việc lương thấp trong hãng xưởng, bán hàng, chạy giấy… trong khi buôn bán Tupperware các phụ nữ này có thể kiếm được cả trăm Mỹ kim mỗi tuần, một số lương khá lớn ngày ấy. Số lương hấp dẫn đến độ đã có vài phu quân bỏ việc để ở nhà buôn bán Tupperware với vợ!

Brownie Wise huy động lực lượng bán hàng là “Tupperware Ladies”, có trụ sở tại Massachusetts và đã phát triển thành một công ty toàn cầu. nguồn: massmoments.org

Chuyên viên phân tích thương mại ngày nay đã so sánh bà Brownie Wise với Oprah Winfrey, cùng sử dụng phương cách hoạt động dễ thu hút “fan” mà buôn bán kiếm tiền. Chẳng hạn như sự quen thuộc, sản phẩm dễ thử, dễ chứng minh cách dùng, và nhất là món đồ quá phổ thông, gia đình nào cũng dùng ít nhất vài ba cái hộp lớn nhỏ.

Xem thêm:   Quán nhậu thời đo... cồn

Riêng bà Wise, không chỉ truyền bá bí kíp làm ăn tại chỗ mà còn bán sách, bán phim ảnh dạy cách ăn nói sao cho thu hút bá tánh cùng lúc quảng cáo rầm rộ cho Tupperware. Bà Wise lập “bản doanh” tại Florida, dùng luôn cả đất đai riêng làm “trại” huấn luyện nhân viên.

Vô hình trung, nơi huấn luyện / trang trại của Wise trở thành “đất thánh” của đội ngũ nhân viên rao hàng cho Tupperware, được mời tham dự một party cuối tuần là giải thưởng, một vinh hạnh đặc biệt cho nhân viên.

Chưa hết, bà Wise còn nghĩ ra kiểu khen lao nhân viên rất đặc biệt: người đoạt giải bán hàng nhiều nhất được xuất hiện trên “thư” của công ty với đầy đủ hình ảnh, tên tuổi và chiến công để chòm xóm cùng vỗ tay chưa kể việc thưởng cả một chiếc xe mới toanh.

Tupperware hiện diện trong nhà bếp của mọi gia đình ngày nay. nguồn: waste360.com

Cung cách khen lao tưởng thưởng ấy vào những năm 1950 quả là mới mẻ vô cùng! Không lạ là hình ảnh bà Brownie Wise xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Business Week.

Bài báo viết về thành quả của Brownie Wise trên Business Week cũng là điểm khởi đầu cho sự bất bình của ông Tupper, chủ công ty. Bá tánh cho rằng Tupperware phát triển mạnh mẽ ăn trùm như thế là nhờ bà Wise, chẳng mấy ai nhắc đến cha đẻ của sản phẩm kia. Tạm hiểu là hình ảnh Brownie Wise bao trùm cả sản phẩm do bà ấy quảng cáo, rao bán. Sự ấm ức âm ỉ thiêu đốt dần mối liên hệ làm ăn giữa ông Tupper và bà Wise. Ðến năm 1958 thì ông Tupper sa thải người cộng sự đắc lực nọ. Bà Wise làm việc ăn lương, không có cổ phần trong công ty nên ra đi tay trắng dù ông chủ kiếm bạc triệu nhờ công lao của bà ấy.

Xem thêm:   Chuyến Tầu Tập Kết

Brownie Wise chết âm thầm tại Kissimmee năm 1992 nhưng ảnh hưởng của bà ấy lan rộng khắp nơi. Ngày nay, theo cuốn phim tài liệu “Tupperware!” trong chương trình American Experience của đài PBS, cứ mỗi 2.5 giây đồng hồ, là một Tupperware party xảy ra tại đâu đó trên trái đất.

Tupperware là câu chuyện của nhiều đề tài: sự ra đời của một sản phẩm giản dị và đắc dụng. Ta dùng mấy cái hộp nhựa ấy hàng ngày mà chẳng mấy khi nhớ đến “ảnh hưởng” của nó, một sản phẩm gắn liền với thực phẩm. Tupperware cũng là biểu tượng khá sớm của tài sáng chế, tái dụng chất phế thải, nhưng hình ảnh rõ rệt mạnh mẽ nhất vẫn là cung cách buôn bán của Brownie Wise, cách rao truyền sự tự tin và sức mạnh của sự tự tin ấy đã khiến bao phụ nữ thành công!

TLL