Tiếng Việt hiện nay đang bị dùng sai, không chỉ trong giới trẻ mà ngay cả trên phương tiện truyền thông cũng tiếp tay truyền bá cái sai đó. Một điều đáng lo lắng là chẳng cơ quan nào có trách nhiệm lên tiếng. Trong khi đó, hằng ngày giới trẻ – và không ít người làm việc liên quan đến chữ nghĩa – vẫn tiếp tục sử dụng. Điều đó, khiến tiếng Việt dần mất đi sự phong phú, trong sáng.

Bài viết về tiếng Việt hiện nay của tác giả HAI QUÊ mặc dù chỉ đề cập việc sử dụng của giới trẻ và trên mạng xã hội nhưng đã thể hiện sự quan tâm, lo lắng cho tương lai tiếng Việt.

TRẺ hân hạnh giới thiệu cùng bạn đọc.

Bảo Huân

Kỳ chót

Tiếng Việt ba rọi và ca dao mới

TIẾNG VIỆT BA RỌI

Không biết nên mừng hay nên rầu khi thấy người trong nước, nhất là giới trẻ, trong văn nói lẫn văn viết, dùng văn phong ba rọi, có nghĩa là chen tiếng Anh vô tiếng Việt… như gió. Ðiều này chúng ta thấy nhiều ở Việt kiều. Có chỗ thông cảm được vì xa nước lâu năm, bị thiếu chữ lại ít thời giờ, chêm tiếng Anh cho nhanh ; có chỗ không thông cảm nổi, ví dụ, Hai Quê nghe câu này lấy làm lạ lắm: “Him nói là him không đi”. Tại sao không dùng “Anh ấy, ông ấy, ảnh, ổng, nó, y, thằng chả” mà phải dùng “him”?

Riêng với người Việt trong nước, có lẽ điểm đáng mừng ở đây là số người trẻ đi du học đem vốn tiếng Anh về nhiều, và cả những người trong nước cũng học tiếng Anh tốt hơn xưa, khiến họ sử dụng tiếng Anh dễ dàng, thoải mái. Một điều rất ngộ, trên Youtube, có những bà con ở thôn quê làm clip dạy cách trồng rau, bón phân, nói năng chân chất, thậm chí phát âm đặc sệt giọng địa phương mà cũng chen vào một mớ từ ngữ tiếng Anh ngon lành: “Lóng gài, mình ít lai trim (livestream) bị bận quá, mấy bạn thông cảm. Bữa nai, mình làm cái vi-deo líp (video clip) này để xe (share) cách bón ớc xao cho nó ga nhiều chái. Xẳng tiệng, mình ghì viu (review) luôn những loại phân bón hiện có chên thị chường mà nhà mình có bán. Bạn nào có nhu cầu mua thì inh bốc (inbox), mình nhận được oọc đơ (order) là xíp (ship) ngay. Bạn nào coi vi-deo (video) thấy thích, nhớ đăng ký kinh và lai (like) cho mình thim động lực”.

Trên nhiều trang mạng, từ tựa đề bài viết hoặc các tít giật gân đến câu viết trong bài dùng tiếng Việt ba rọi tỉnh bơ với nhiều từ vựng thuộc loại thuật ngữ chuyên ngành (ngành Marketing, tài chính hoặc quảng cáo chẳng hạn) rất mới, làm như ai đọc cũng đương nhiên phải biết tiếng Anh và hiểu thuật ngữ. Ví dụ : “Lùm xùm vụ scandal bẩn, rút cuộc chỉ là một chiêu trò PR khiến vlogger này bị rớt followers và nhiều fans cuồng thất vọng”. “Shark Hưng là mem cứng của hội đại gia chiều vợ”. “Caption thả thính bá đạo chắc chắn đốn tim crush”.  Hai Quê mạn phép không giải thích mấy câu ví dụ này để quý độc giả nào không hiểu thì sẽ hiểu kiểu nói chuyện này khó hiểu thế nào. Một số từ ngữ dùng kiểu ba rọi rất thường thấy khác là :

Xem thêm:   Mua phi cơ riêng

-Combo: Combo chè bưởi, combo bún bò Huế,…

Set: set đồ đi biển, set đồ cho hotgirls,…

Kích thước jumbo cực đại: King size

Hack tuổi: ăn gian tuổi

Hack dáng: mẹo tạo dáng đẹp, giấu nhược điểm

Tuột mood: tâm trạng đang vui vẻ chuyển qua quạu quọ, buồn bã

Và một số từ do giới trẻ (thường là Teen) chế ra để tạo trào lưu. Giới trẻ này đa phần là những người thuộc thế hệ Gen Z (generation Z), sinh khoảng thời gian 2005-2012, thời bùng nổ của Internet:

Ét ô ét: SOS

Phản dame: phản đòn (Dame là viết tắt của “damage” =  sát thương – ngôn ngữ Games)

Pha ke:  giả, nhái (fake)

Ðú Trend / Bú Frame : ăn theo, đua theo trào lưu

Gét gô:  Let’s go

Ờ Mây Zing Gút chóp Em: Amazing, good job =  giỏi lắm!

Bóc phốt: kể tội, tố tội (fault)

Bó hand: Bó tay

Bom xịt rating: Ðiểm Rating cao

Cu te: dễ thương, xinh xắn (cute)

Lemỏn: chảnh (Lemon tiếng Anh là chanh. Thêm dấu hỏi = Chảnh)

Bigc: bực (Big tiếng Anh là bự, thêm chữ c vô thành bực)

THÍCH DÙNG TỪ CƯỜNG ĐIỆU

Có lẽ, người Việt nói chuyện hôm nay ngày càng cường điệu thì phải? Tính cường điệu này lộ rõ qua cách dùng một số từ ngữ sau: siêu, đỉnh, máu, cực kỳ, cực đỉnh, đỉnh của đỉnh, hoành tráng, trên cả tuyệt vời… Ngon lắm, rất ngon, ngon hết sảy hay ngon tuyệt cú mèo hả? Xoàng quá và xưa rồi, Diễm ơi! Bây giờ phải nói là “Siêu ngon” hoặc “Ngon đỉnh” hoặc “Ngon cực đỉnh” mới thích, và còn nhấn chữ siêu hai, ba lần nữa cơ: “Siêu siêu ngon”. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, cao thủ hơn, phải nói: “Ngon điếc lưỡi”, “Ngon nhức nách”. Mèn ơi, điếc tai, nhức đầu thì Hai Quê hiểu chứ “điếc lưỡi” với “nhức nách”, hiểu… chết liền!

Cực kỳ là trạng từ, mức độ cao hơn rất và lắm. Nói đẹp lắm không “phê như con tê tê” bằng nói “Cực kỳ đẹp”. Xong rồi, cắt thành: “Cực đẹp”, rồi nói ngược lại cho nó “ấn tượng” là “Ðẹp cực” hoặc “Ðẹp khủng”.

Một lần, tiếp chuyện với người bà con đã nghỉ hưu, Hai Quê hỏi: “Cô đi chơi có vui không ạ?” thì được trả lời thế này: “Cực kỳ cực kỳ luôn, con”. Hai Quê đoán là cực kỳ vui nhờ biểu cảm trên gương mặt cô. Như vậy, chữ cực kỳ thứ hai trong câu được sử dụng như một tính từ, để thay cho chữ vui, nhằm nhấn mạnh niềm vui đạt đến mức độ… “đỉnh của đỉnh”.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 21 tháng 3 năm 2024

Cũng với cường điệu, nhiều người đem một số từ ngữ xưa rất đẹp, chỉ dùng trong văn viết, đặc biệt thuộc phạm trù triết học, văn học và Phật học ra cưỡng bức. Thường thấy nhất là ba từ chân ái, viên mãnvi diệu. Hai Quê phải đọc tới đọc lui hai, ba lần để chắc chắn mình không đọc nhầm khi bắt gặp những câu như thế này:

-“Các bếp xài thử loại thớt này đi, chân ái luôn áh!”

-“Top 5 món skincare chân ái dành cho hội da treatment cần phục hồi”

Dàn mỹ nhân Vbiz có chồng đại gia sở hữu khối tài sản khủng sống viên mãn trong biệt thự triệu đô”

-“Chân dài lấy đại gia có profile khủng, làm lại cuộc đời cho viên mãn”

-“Món bánh tráng trộn này thật là vi diệu”

CA DAO, TỤC NGỮ… THỜI A CÒNG

Triết gia Sénèque có câu: “La parole reflète l’âme” (ngôn từ phản ảnh tâm hồn). Thật không dám nghĩ rằng những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, châm ngôn, thơ giễu thời a còng trong nước phản ảnh tâm hồn của mọi người Việt. Tuy nhiên, những câu này được truyền tụng rất phổ biến, cho thấy chúng được ưa thích. Mà thích thì một là đồng ý với cách nghĩ, cách sống ấy, hai là không đồng ý nhưng công nhận cách nghĩ, cách sống ấy hiện hữu trong xã hội hiện nay. Hai Quê tạm chia làm ba nhóm: Nhóm thứ nhất cho thấy nhận thức về thực trạng xã hội. Nhóm thứ hai nói về lối sống nói chung. Nhóm thứ ba nói về quan hệ đôi lứa.

  1. Thực trạng xã hội

Kiếp sau xin chẳng làm trai, làm thân con gái chân dài sướng hơn.

Tìm em như thể tìm chim, chim bay bể Bắc anh tìm bể Ðông, tìm chi tìm mãi mắc công, Ðài Loan, Hàn Quốc em dông mất rồi.

Tất cả là tại vua Hùng, sinh ra một lũ vừa khùng vừa điên, đứa khôn thì đã vượt biên, những thằng ở lại toàn điên với khùng

  1. Lối sống

Hy sinh đời bố, củng cố đời con (ám chỉ tham quan, cố đấm ăn xôi, dù biết sẽ có ngày vào tù vẫn tham nhũng, hối lộ để tích của cho con đi du học, thành tài lại trở về ăn trên ngồi trốc)

Con người càng lúc càng đông, Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều

Nhân nhượng là tự sát, độc ác là huy hoàng

Miếng ngon giữa đàng, ai đàng hoàng là dại

Thấy người sang bắt quàng làm họ, thấy người khó bỏ mặc đi luôn

Nghèo nhân nghèo nghĩa không lo, nghèo tiền nghèo bạc mới cho là nghèo

Rể quý bố vợ vì nhà có mặt phố, con trai thương bố vì chức vì quyền

Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho lòi vàng ra

Thằng cho đi là thằng dại, thằng trả lại là thằng ngu

Học làm chi, thi làm gì, Tú Xương cũng rớt huống chi là mình!

Muốn thắng trong điền kinh thì vừa chạy vừa rải đinh

Chị ngã, em vui

Một điều nhịn chín điều nhục

Con hơn cha là nhà cãi lộn

Khỏe mạnh, mẹ ở với con, đau ốm, gầy còm tuỳ nghi di tản

Giỗ cha coi nhẹ, nuôi mẹ thì không, cả vợ lẫn chồng đi làm từ thiện

Cầu thủ thế giới tên gọi chi chi, thoáng nhìn tivi đọc như cháo chảy, ông nội ngồi đấy, thử hỏi tên gì?

Một con ngựa đau, cả tàu được ăn thêm cỏ 

  1. Quan hệ đôi lứa
Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (03/21/2024)

Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời gái đẹp đi thương trai nghèo

Yêu anh mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, thấy anh nghèo lại thôi

Chồng em áo rách em thương, chồng người áo gấm em thương hơn nhiều

Ba đồng một mớ trầu cay, không bằng tình nghĩa một cây vàng mười

Yêu anh không phải vì ham, mà vì em chẳng chịu cam cảnh nghèo

Không ham nhà cửa, bạc tiền, chỉ ham anh có bố quyền chức to

Trai có bồ như hoa có chậu, em nào thâm hậu đập chậu cướp hoa

Quả chanh non chẳng chua thì chát, cướp bồ chị chẳng mất xác cũng nát xương

Ước gì em hóa thành trâu, để anh là đỉa, anh bâu lấy đùi

Hồng nào hồng chẳng có gai, gái nào là gái chẳng hai ba thằng

Hoa hồng thì phải có gai, con gái thì phải phá thai đôi lần

Chua lắm thì cũng bằng chanh, làm trai ai chẳng sở khanh đôi lần

Yêu em mấy núi cũng trèo, đến khi em có chửa mấy đèo anh cũng dông

Ước gì môi em là đít bút, anh học bài, cắn hút môi em

Yêu nhau vì sinh lý, quý nhau vì đồng tiền

Sống thời công nghệ thông tin điện tử “cực khủng” này, thượng vàng hạ cám gì cũng có trên đại siêu thị Internet, On đấy Off đấy lại On đấy,… tha hồ tiêu thụ. Phút trước tĩnh tọa nghiền ngẫm bài kệ Hữu Không của Ðạo Hạnh Thiền Sư qua bản dịch của Huyền Quang Tam Tổ, phút sau lại phì cười vì rơi tòm vào hai câu thơ hiện đại diễn tả cùng một cảnh ngộ.

Phút trước: Có thì có tự mảy may, không thì cả thế gian này cũng không

Phút sau: Cố ý cua em, em không chịu, vô tình gặp chị, chị ưng ngay

Khoảng cách thời gian sáng tác của hai câu thơ cùng nói về chữ Duyên này gần một nghìn năm. Khoảng cách ngôn ngữ thì… Ét ô ét!

HQ