Sau mấy mươi năm làm việc, về hưu là giai đoạn không phải lúc nào cũng dễ dàng dù trước đó những người sắp tới tuổi hưu đã chuẩn bị cho mình hành trang cuộc sống mới với không ít thay đổi từ giờ giấc sinh hoạt, quan hệ bạn bè, người thân… Tóm lại người về hưu sống trong hoàn cảnh, tâm trạng gần như hoàn toàn mới với những lo toan… nhưng không kém phần thú vị. Về hưu là thời gian để lánh xa căng thẳng, là không gian thích hợp cho việc thực hiện những hoài bão dang dở…

Tác giả và bạn về hưu cà phê sáng Hình tác giả cung cấp   

Về hưu vừa quyến rũ vừa lo âu. Quyến rũ vì những năm hoạt động cuối cùng trong nghề biểu lộ sự mệt mỏi, trì trệ, sự nhàm chán phải đương đầu với căng thẳng, phải đối mặt với sức khỏe đang ở bên kia triền dốc do tuổi tác chồng chất. Nay được về hưu thì thử hỏi ai lại không thấy nhẹ nhõm, khoan khoái. Lo âu vì sự thay đổi mang tính bước ngoặt, “tàn nhẫn” và đột ngột dù đã được chuẩn bị khá công phu trước đó. Cuộc sống người về hưu bao hàm cả một sự điều chỉnh trong mối quan hệ xã hội, gia đình… mới phát sinh. Về hưu cũng đồng nghĩa với “ngân quỹ” bị thu hẹp, đặc biệt là “cái nhìn” của những người chung quanh hay của xã hội nói chung và hơn thế nữa, đó là “cái nhìn tự ti” của người về hưu đối với chính bản thân mình! Không ít người về hưu có cảm giác như  mình vừa bị gạt qua bên lề xã hội, vô tích sự.

Những vấn đề trên người về hưu đã biết, đã nghĩ suy… nói cách khác là đã có bước chuẩn bị tâm trạng trước… Vậy thì càng tốt chứ sao ! Thế nhưng khi bữa tiệc “tiễn đưa về hưu” với bạn bè đồng nghiệp, lời cảm tạ cho sự cống hiến, lời chia sẻ sự luyến tiếc phải chia tay, rời xa cơ quan…, kết thúc, những người “tập sự” cuộc sống hưu trí nhìn những món quà lưu niệm chất trên bàn mà lòng không khỏi cảm thấy quạnh hiu, đơn độc. Ðối với một số trường hợp, về hưu còn có thể là sự khởi đầu của thời kỳ trầm cảm. Một trang mới vừa được lật sang mà không ai có thể tránh khỏi! Hết rồi công việc, hết rồi những quan hệ thường nhật tạo ra nhịp điệu cuộc sống vừa bận rộn, căng thẳng nhưng không kém phần phong phú, quyến rũ… Ðã qua rồi những tách cà phê nóng cùng san sẻ, bữa ăn tập thể, tiệc tiếp khách, những cuộc tranh luận sôi nổi về chuyên môn và về mọi chuyện trên trời dưới đất. Hết rồi lời cám ơn đồng nghiệp đã nhiệt tình hợp tác hỗ trợ trong công việc và ngược lại. Chấm dứt rồi hàng chục email xếp hàng chờ giải quyết, trả lời… Rồi cảm giác đó cũng qua đi… để trở về với thực tại cuộc sống mà cụ thể là cùng bàn bạc với bà xã nhằm sắp xếp, san sẻ công việc mới trong cuộc chung sống hàng ngày. Trái với trước đây, từ nay trở đi, thời gian ở nhà sẽ nhiều hơn và dài hơn … Nhưng quá nhiều thời gian trống như vậy liệu có thừa thãi, vô ích… và cô đơn, buồn chán không?

Xem thêm:   Nghệ sĩ tiền phong Cô Năm Sa Đéc

Người về hưu tất nhiên sẽ có nhiều thời gian hơn cho thú tiêu khiển của chính mình như luyện tập thể thao, đi rong chơi, đọc sách, lên mạng Internet, nghe nhạc, xem phim, du lịch, viết lách, làm thơ, hội họa, chụp hình… Và còn dành thời gian cho người khác nữa chứ, như đi thăm bà con trong gia đình, thân tộc (mà khi còn làm việc họ gần như quên lãng do quá bận rộn), gặp gỡ bạn già về hưu, các quan hệ xã hội, xóm giềng… Tất cả những thứ đó phải được tổ chức, sắp xếp, lên lịch… trong ngày, cả tuần và xa hơn nữa!

Nhưng về hưu cũng có nghĩa là đối mặt với nhiều thực tế khác. Trước hết là vấn đề “ngân quỹ”. Làm thế nào để cân đối thu chi khi mà khoản thu nhập đột ngột giảm đáng kể? Lương hưu liệu có đủ trang trải nhu cầu cuộc sống, giá cả ngày càng leo thang? Nếu điều kiện cho phép thì có nên nhận làm công việc nhẹ nhàng phù hợp với người về hưu để có thêm tiền? Tiếp theo là vấn đề sức khỏe. Về hưu là giai đoạn “bước ngoặt” của bệnh tật xuất hiện với tần số nhặt hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa về hưu và bệnh tật do tuổi cao là có thật. Mặt khác với tuổi tác, sự chuyển tiếp đột ngột từ giai đoạn “8 giờ vàng ngọc” đi làm bận rộn sang thời kỳ “ăn không ngồi rồi” là một cú sốc không phải ai cũng dễ dàng vượt qua. Cũng trong giai đoạn tuổi cao sức yếu này, lượng dược phẩm tiêu thụ tăng lên do bệnh tật. Chín trên mười người về hưu  trên 60 tuổi uống ít nhất một loại thuốc mỗi ngày, và 100% số người bị chứng cao huyết áp, tim mạch, trầm cảm… mãn tính, phải uống từ 3 loại thuốc trở lên mỗi ngày!

Xem thêm:   Quay đều quay đều ...

Những khó khăn bước đầu tưởng chừng như không thể vượt qua. Nhiều người bất lực, không thể thích ứng được với sự chuyển đổi “nghiệt ngã” từ cuộc sống “động” sang trạng thái “tĩnh”, nhàn rỗi, đặc biệt là về phương diện tâm lý với ám ảnh mình là người vô tích sự, là gánh nặng cho gia đình và xã hội! Ngược lại, một thành phần không ít người về hưu hớn hở, vui vẻ với cuộc sống mới an nhàn. Một cuộc điều tra gần đây ghi nhận 3/4 người hưu trí hoàn toàn hài lòng với hoàn cảnh sống mới. Trên toàn châu Âu, tỷ lệ này dao động từ 65% đến 85%. Tỷ lệ này ở Pháp là 75% và số 25% còn lại chỉ tạm hài lòng hoặc không thể thích ứng. Ðây cũng là thành phần có nguy cơ bị bệnh tật từ sự nhàn rỗi cao nhất.

Từ thực trạng trên, mỗi người cần phải tự nghiền ngẫm và đề ra kế hoạch hành động để thích ứng với hoàn cảnh mới không thể đảo ngược và ngăn ngừa tâm trạng u buồn, sầu não. Trước hết phải chấp nhận rằng đã đến lúc phải cho cơ thể chúng ta nghỉ ngơi, điều mà nó bị khước từ bấy lâu nay. Ðó chính là thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, tránh căng thẳng, là không gian để suy gẫm, để thực hiện hoài bão còn dang dở và  tập luyện thể dục thể thao, giữ gìn cơ thể mạnh khỏe! Bạn có thể ghi danh theo lớp thể dục bình thường, lớp tập dưỡng sinh hay tự tập luyện theo nhóm ở công viên, làm vườn, đi câu, đạp xe, chạy bộ, đi bộ…  và sau đó là ghé vào quán cà phê đàm đạo với mấy bạn già về cuộc đời, về chuyến đi du lịch sắp tới…

Tùy theo thể trạng mà chọn cho mình môn thể thao ưa thích và vừa sức. Rồi bạn sẽ vui thích với thú vui đi bộ vào sáng sớm, hít thở không khí trong lành hay buổi chiều đạp xe ngắm cảnh vật bên sông, chụp ảnh cảnh mặt trời lặn đỏ chóe tuyệt đẹp lúc hoàng hôn, nếu bạn yêu nghệ thuật nhiếp ảnh. Bạn tập tành làm thơ, viết truyện ngắn hay tập họp những bài thơ, tác phẩm văn học đã làm thời gian qua để in thành tập tặng bạn bè. Thậm chí, nếu thơ có hồn, truyện ngắn viết hay, bạn có thể in bán kiếm thêm ít để bù tiền sắm cái laptop đời mới, cái iPad mà bạn yêu thích… Tất cả diễn ra theo một thời khóa biểu do tự bạn sắp xếp, nhàn nhã và hoàn toàn không căng thẳng hay lệ thuộc… thượng cấp như lúc còn đi làm.

Xem thêm:   Thử tài trí thông minh nhân tạo AI

Giữ gìn sức khỏe không phải chỉ răm rắp uống thuốc theo toa của bác sĩ  để chuốc lấy những tác dụng phụ đáng tiếc bởi không ít trường hợp bệnh nhân bị phản tác dụng vì thuốc. Sức khỏe là tài sản quá quý hiếm nên không chỉ giao phó cho y học  một cách máy móc. Người ta thường nói thợ đóng giày là người mang giày xấu nhất! Có thể lắm chứ. Hiện nay y học có những bước tiến rất lớn nhưng không hiếm trường hợp người mạnh khỏe bỗng dưng bị chẩn đoán mắc bệnh này, bệnh khác.

Về hưu không có nghĩa là ăn không ngồi rồi. Nhiều nghiên cứu chứng minh ở tuổi trên 60, số người có cuộc sống thụ động mắc bệnh tâm lý cao gấp 2 lần số người năng động. Sau 60 tuổi là thời kỳ thực hiện những hoài bão dang dở với một cơ thể khỏe mạnh, thoải mái và dễ chịu.

Tham gia vào những hoạt động tập thể, xã hội, thiện nguyện… là một phương cách “trị liệu” tốt giúp tránh những vấn đề như sự cô độc, trầm cảm mà tuổi hậu 60 hay gặp phải. Và nếu như không thích nghi với sinh hoạt tập thể, bạn có thể quây quần bên người thân để chia sẻ những cử chỉ trìu mến, lời nói chân tình, giây phút đầy ắp tình thương.

Về hưu là khép lại trang giấy cũ để lật sang một trang mới. Dựa trên những hiểu biết và kinh nghiệm thu thập được, mỗi người về hưu tự sáng tạo ra những ý tưởng mới lạ để lắp đầy trang giấy mới đó theo thứ tự hợp lý với trình độ hiểu biết cao nhất. Quỹ thời gian còn lại ngắn ngủi với một tương lai không chắc chắn. Vậy bạn hãy tận hưởng nó một cách thông minh, hợp lý.

 ĐDH

Australia