Bạn có nhận ra là ở xứ lạnh thường ít mùi hơn xứ nóng? Nhất là ở những nơi dân cư thưa thớt, một năm có đến 4, 5, thậm chí 6 tháng có tuyết như mấy xứ Bắc Âu. Những ngày tuyết trắng trời trắng đất, chung quanh toàn một màu trắng, buổi sáng đi ra đường không khí sạch, tinh khiết lạ lùng, hít một hơi vào phổi cả người tỉnh táo, bốc một nắm tuyết cho vào miệng lạnh tê lưỡi, nhai rạo rạo như đang ăn kem vậy. Ngon. Sạch. Nhưng chính vì sạch quá, lạnh quá mà chung quanh chả có mùi gì. Ðêm đi đâu về khuya, tuyết dưới chân và con đường trước mặt trắng sáng dưới ánh đèn đường, mọi vật im phăng phắc, một sự tĩnh lặng không mùi vị.

Ngược lại với xứ nóng.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, ký ức hay hồi ức gắn liền với mùi hương sẽ được lưu giữ trong bộ não lâu hơn hẳn ký ức, hồi ức hình ảnh.

Tôi còn nhớ một bộ phim xem đã lâu, có tên “The Past” (Quá khứ), một bộ phim do Iran, Pháp, Ý phối hợp sản xuất năm 2013, của đạo diễn nổi tiếng người Iran Asghar Farhadi.  Trong cảnh cuối cùng nhân vật nam, Samir đến thăm vợ mình trong bệnh viện. Người vợ bị hôn mê sâu đã một thời gian dài sau một lần cố gắng tự tử, nguyên nhân là vì phát hiện chồng ngoại tình. Samir mang theo một loạt các loại nước hoa theo đề nghị của bác sĩ là vợ anh có thể có phản ứng. Anh xịt lên cổ một ít nước hoa, loại nước hoa mà vợ anh thích nhất, và nghiêng người trên người cô đang nằm hôn mê trên giường bệnh. Anh thì thầm bảo cô siết chặt tay anh nếu cô có thể ngửi thấy. Và rồi khán giả có thể nhìn thấy một giọt nước mắt lăn dài trên gò má của cô nhưng cô vẫn hôn mê, và anh nhìn xuống bàn tay của cô. Bộ phim kết thúc mà không rõ cuối cùng liệu cô có đáp lại hay không.

Ðó cũng là điều mà nhiều bác sĩ khuyên người nhà của những bệnh nhân bị hôn mê sâu, ngoài việc hàng ngày tiếp tục trò chuyện, cho người đang hôn mê nghe nhạc, thì việc sử dụng những mùi hương gợi lên những ký ức mãnh liệt nhất, riêng tư nhất, có thể giúp người bị hôn mê có phản ứng và dần dần hồi phục lại.

Xem thêm:   Nỗi buồn tháng Tư

Tôi không biết điều đó có đúng không nhưng sau này, tôi thường tập nhớ về những thứ mùi gắn liền với những kỷ niệm. Và từ đó tôi nhận ra xứ lạnh ít mùi hơn xứ nóng. Nên khi nhớ lại mùa đông Na Uy tôi thường không nhớ được nhiều về mùi, nhưng khi sang nước khác, đi vào một cửa hàng bán các loại nến thơm với nhiều hương thơm khác nhau: táo, cam, hoa oải hương… tôi lại lập tức nhớ đến mùa đông Na Uy, bởi một trong những thói quen của người Na Uy là sử dụng rất nhiều nến vào mùa đông. Nến được đặt khắp nơi trong nhà, trong những đồ đựng nến, vừa là vật trang trí, xinh xắn muôn hình muôn kiểu. Mùi thơm của nến, mùi củi khô ấm trong lò sưởi tạo cảm giác ấm cúng khi ngoài trời trắng xóa, lạnh và tĩnh lặng. Những ngày Giáng Sinh thì có nhiều mùi hơn, mùi kẹo ngọt, mùi bánh gừng, mùi rượu vang loại dành riêng cho mùa Giáng Sinh (tiếng Na Uy là gløgg, tiếng Anh là mulled wine), mùi thức ăn… Người Na Uy uống thứ rượu vang ngọt mùa Giáng Sinh này khác với người Anh hay Pháp. Người Anh, Pháp khi nấu rượu bỏ vào đó vỏ cam, vỏ chanh, đinh hương, quế chi, lá nguyệt quế, quả nhục đậu khấu, cánh hoa hồi, quả vani… cho dậy mùi và chỉ uống như vậy, còn người Na Uy bỏ thêm nho khô, hạt điều, các loại hạt, vừa uống vừa nhai các loại hạt như thế, rất ngon.

Đinh Cường

Và bao nhiêu kỷ niệm theo đó ùa về. Nhưng dù sao đi nữa thì không sao phong phú như các loại mùi ở xứ nóng.

Khi nhớ tới Ấn Ðộ chẳng hạn, nơi tôi tình cờ sống một thời gian, là cả một bộ sưu tập mùi. Chỉ cần đi vào một cái chợ ở Ấn Ðộ, là bao nhiêu thứ mùi gia vị khác nhau, nào quế, bạch đậu khấu, nhục đậu khấu, hạt tiêu đen, hạt rau mùi, nghệ, đinh hương, hạt mù tạt, hạt thì là, cà ri, bột ớt… xộc vào mũi, thơm, cay nồng. Người Ấn xài gia vị nhiều, chỉ một ly trà sữa uống hàng ngày cũng bao nhiêu thứ gia vị trong đó. Người Ấn cũng mạnh tay xài hoa. Bất cứ lễ nghi, lễ lạt nào cũng tràn ngập hoa. Cả một đời người từ sinh nhật, đám cưới cho tới đám ma, xài không biết bao nhiêu là hoa. Hoa giăng thành dây treo, hoa buộc thành bó cầm trên tay, hoa kết thành vòng thành chuỗi đeo quanh cổ, đủ loại hoa, tỏa hương nồng nàn, ngòn ngọt trong cái nóng hầm hập. Mùi trái cây tươi và héo. Mùi vải vóc, mùi da thịt người xức nước hoa, dầu thơm các loại. Rồi mùi thức ăn xào nấu, mùi cá tanh tanh, mùi thịt bò, gà… nồng nặc khi đi ngang qua những nơi đang mổ bò, làm gà. Tất cả như đua tranh nhau, xộc lên trong nắng. Ði kèm với bộ sưu tập mùi phong phú là bộ sưu tập màu sắc, cũng phong phú không kém. Tôi chắc chắn rằng với rất nhiều người Ấn Ðộ, khi nhớ về quê hương, ký ức của họ sẽ ngập tràn màu sắc, mùi vị.

Xem thêm:   Duy Trần - Nhà sản xuất phía sau Chương Trình “Dòng Chuyển của Âm Thanh”

Cũng như tôi và nhiều người Việt khác, khi nhớ về VN. Khi không còn nhớ đến những hình ảnh, âm thanh, là lúc nhớ đến biết bao nhiêu thứ mùi đi cùng với bao kỷ niệm. Những thứ mùi khác nhau gắn với những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời, với những thành phố tỉnh lỵ khác nhau đã từng sống hay từng đi qua. Thực tế nhất có lẽ là mùi của những món ăn quen. Tô phở bò nóng hổi thơm ngào ngạt mùi quế, hồi, gừng nướng lẫn mùi thịt bò gây gây, dĩa cơm tấm với mùi thịt nướng, chả trứng, mỡ hành thơm lừng…một buổi sáng Sài Gòn, hay tô mì gõ, tô cháo trắng ăn với hột vịt muối, dưa món, cá cơm kho, thịt kho tiêu…mặn ngọt đậm đà, đêm về khuya khi đường phố Sài Gòn đã vắng người. Miếng cơm nắm chả lụa với mùi thơm rất dịu của gạo tẻ, gạo nếp, chả lụa hay bát xôi cốm với mùi cốm còn phảng phất hương đồng gió nội, cho tới tô chả cá Lã Vọng nồng nàn mùi cá, mùi thìa là, mùi mắm tôm… một ngày mùa thu Hà Nội. Hương vị ngọt ngào đặc trưng của nồi lẩu mắm miền Tây là sự kết hợp của bao nhiêu nguyên liệu từ tôm, thịt ba rọi, cá mực, tôm, cà tím và đặc biệt nhất là mắm, ăn kèm với rau đắng, bông súng, rau muống… một ngày nước nổi lênh đênh. Ly cà phê đen nóng thơm lừng tỉnh cả người buổi sớm tinh mơ, hay ly sữa đậu nành thơm dìu dịu một buổi tối Ðà Lạt lành lạnh, vừa uống vừa giữ chặt cái ly trong hai tay cho ấm.

Xem thêm:   Père Lachaise thành phố tĩnh lặng

Có những người hay hoài niệm về quá khứ, khi nhớ về quê hương là nhớ đến mùi nước hoa của một người con gái, mối tình đầu tiên. Có những người lãng mạn nhớ đến mùi hoa sữa thơm nồng nàn, hơi ngột ngạt của Hà Nội, mùi hoa mimosa nhẹ nhàng mà ngây ngất trên những con đường Ðà Lạt tháng mười, tháng mười một, hay cả đến mùi rêu hắc và đắng của phố cổ Hội An. Có người lại nhớ đến những thứ mùi rất chân chất như mùi bùn, mùi phân bò, mùi củi cháy phừng phực trong bếp gắn với hình ảnh người mẹ, người bà tảo tần. Thậm chí có những thứ mùi khó ngửi như mùi kênh đào, nhưng với những ai từng sống bên những dòng sông đen sì của vùng kênh Nhiêu Lộc một thời, thì đó lại là một cái mùi rất thân thương.

Và đặc biệt là những ngày Tết, ngày hội lớn nhất trong năm với bao nhiêu thứ mùi: mùi hương trầm, mùi hoa quả chưng trên bàn thờ tổ tiên, mùi mứt bí, mứt gừng, mứt tắc…mẹ đang xên trên bếp, mùi lá dong lá chuối, nếp, đậu xanh, thịt mỡ…những người phụ nữ trong nhà đang tất bật gói bánh chưng bánh tét, cho tới mùi thức ăn thơm ngào ngạt bày trên bàn chờ cúng và mùi khét của giấy vàng mã đang được “hóa vàng” ở ngoài sân…Quay ngược lại mấy mươi năm trước thì còn có cả mùi pháo thơm nồng của những tràng pháo giòn giã đón Xuân sang…

Những cái mùi và những hình ảnh ấy thường trở đi trở lại trong ký ức của những người đi xa, mỗi khi nhớ về quê hương…

SC