Ðọc những dòng chữ trong cuốn nhật ký của con gái, lòng tôi khựng lại, bồi hồi. Chẳng phải vì tôi đang đọc lén. Cuốn nhật ký này, Amanda viết lúc nó đang học High School, hay nói chính xác hơn là năm học lớp Mười Một, tuổi mười bảy.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, tiếp theo là sáu năm dài trên giảng đường Ðại Học và hiện đang đi làm Registered Nurse hơn một năm nay, nó đã bỏ cuốn nhật ký học trò vào trong mấy thùng cartons chứa các tập vở, giấy tờ, tài liệu cũ và để dưới nhà kho basement, là nơi chúng tôi sẽ gom góp lại mang đi bỏ rác “recycle” mỗi năm khi Xuân tàn chuẩn bị đón Hè sang. Không biết nó cố ý hay vô tình để lạc cuốn nhật ký, nên tôi cầm lên xem và sẽ giữ lại giùm nó.

Ðó là cuốn notebook xinh xắn màu hồng, có nơ nhỏ xíu ngoài bìa, tuy khá dầy nhưng nó chỉ viết vài chục trang. Mỗi trang có ghi ngày tháng nơi góc phải trên trang giấy, viết ra những vụn vặt linh tinh với bạn bè cùng lớp, với mấy đứa bạn gái thân quen mà tôi còn nhớ mặt nhớ tên. Nào là đi ăn kem với Paulette, cô bé người Việt dịu dàng cùng xóm. Nào là cãi nhau với Atoosa, cô bé “hoa khôi Iran” đẹp như người mẫu và thân nhất với nó. Nào là buổi chơi bóng chuyền tại trường vui nhộn. Nào là ba má mới mua cho nó chiếc xe đạp.  Ðến mấy trang sau thì viết dài hơn, nhắc đến một nhân vật đặc biệt, dĩ nhiên là nó viết bằng English (vì nó chỉ biết nghe và nói tiếng Việt khá rành rẽ), tôi xin tạm dịch lại đại khái như sau:

“Anh Huy ơi! Vậy là hai đứa mình đã quyết định không gặp nhau. Không phải lỗi nơi anh, cũng không phải lỗi nơi em, chúng ta chẳng ai có lỗi, có chăng là không thể phù hợp nữa. Thời gian qua, những tháng ngày hai đứa mình dạy Giáo Lý có nhiều kỷ niệm. Em vẫn nhớ những buổi sáng mùa Ðông tuyết rơi ăn Pizza sau giờ dạy do Cha Xứ đãi. Em nhớ lần chuẩn bị cho tiệc Halloween, mấy đứa “học trò” nhí nhố dễ thương hết sức. Em nhớ… em nhớ nhiều lắm, và em biết anh cũng không quên. Nhưng có một chuyện, anh nhớ hay không: đôi giầy cao gót màu bạc có dát ánh kim lấp lánh của em mà anh đã cầm giùm em suốt đêm ca nhạc gây quỹ của giáo xứ. Ðôi giầy đó, em vẫn đang giữ nó như một kỷ vật của tụi mình, ngay ngắn trong chiếc hộp trong phòng học của em đây…”

Bảo Huân

Huy và Amanda cùng trong nhóm thanh niên trẻ của giáo xứ, tình nguyện dạy Giáo Lý cho các em nhỏ trong nhà thờ sau mỗi Thánh Lễ Chúa Nhật. Lúc ấy Amanda mười bảy tuổi, còn Huy hơn nó bốn tuổi, đang là sinh viên năm hai ngành Engineer tại University Of Alberta. Một hôm về nhà nó nói với tôi:

Xem thêm:   Cãi trời

– Mẹ ơi, anh Huy xin số phone của con, và con đã cho rồi, có được không mẹ?

Tôi cười với nó:

– Con đã cho rồi thì hỏi mẹ làm gì?!

Nó hơi mắc cỡ:

– Tại vì dạy Giáo Lý chung với nhau mà không cho cũng kỳ sao á! Với lại, anh Huy có thể hỏi chú trưởng ban Giáo Lý số của con được mà!

– Mẹ đùa thôi, bạn bè trong xứ, trong trường lớp, ai hỏi số phone cũng được, có gì sai đâu nà!

Huy là con trai lớn của vợ chồng anh chủ tịch Hội Ðồng Giáo Xứ, anh ấy là kỹ sư tại Hãng Dầu Hoả của Tỉnh Bang, gia đình nề nếp, tốt đẹp, thì có lý do gì phải lo ngại. Tôi cũng hiểu, ở lứa tuổi mười bảy là thời điểm bắt đầu có thêm mối quan hệ với các bạn khác phái là chuyện bình thường.

Thế là hai đứa thân nhau, ngoài giờ dạy Giáo Lý, còn là những buổi đi Mall chơi, mua sắm, uống café. Có lần nó mang về khoe chiếc Starbucks Coffee Mug:

– Mẹ! Anh Huy tặng con cái mug này. Ảnh nói khi lên Ðại Học con sẽ cần nó để uống café mỗi khi chạy đổi giờ trên giảng đường, nhất là khi trời Ðông lạnh.

Rồi nó để trên kệ sách, chưa dám xài đến, vì muốn để dành đúng lúc vào Ðại Học như lời Huy dặn.

Tình cảm tuổi mới lớn, mong manh như sương khói, dễ tan theo mây trời, rồi hai đứa chia tay. Nó buồn, nhưng tuổi trẻ cũng mau quên, trở lại hồn nhiên với bạn bè. Một buổi tối nó đưa tôi xem một tấm hình, là hình mấy đứa con gái trong nhóm múa của Nhà Thờ. Tôi nói:

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (03/21/2024)

– Mẹ nhớ đây là ngày văn nghệ gây quỹ, mẹ làm MC, mấy đứa con múa mở màn, đứa nào cũng xinh đẹp, phơi phới, cái tuổi mà không cần điểm phấn tô son vẫn đẹp rực rỡ.

Nó vui vẻ:

– Bữa đó sau khi múa xong, tụi con thấy còn sớm nên kéo nhau ra ngoài park chụp hình, anh Huy đi theo chụp cho cả nhóm. Ðược một lúc, chân con bị đau, sưng phồng lên vì mang giày cao gót chưa quen, con phải tháo ra. Vậy là anh Huy cầm giày của con đi theo tụi con cả buổi tối.

Rồi nó bật cười:

– Cũng may bữa đó mẹ có dư đôi dép nên sau đó con có dép mang, còn anh Huy để quên đôi giày của con trong xe của anh ấy khi chở tụi con về lại nhà hàng văn nghệ. Ðến tuần sau đi dạy lớp Giáo Lý, anh bỏ đôi giày vào trong cái hộp thiệt đẹp, ảnh nói Cinderella làm rớt có một chiếc giày, còn con thì… cả đôi!

Thì ra đó là đôi giầy nó ghi trong nhật ký, “sẽ nâng niu kỷ niệm” ngày thơ. Tôi âu yếm nhìn con, rồi nhớ cái Tuổi 17 của mình.

Mùa Hè năm đó, trên đường đi học thêm về nhà, tới đoạn đường rầy xe lửa gần Ngã Năm trời đổ mưa tầm tã, bánh xe đạp của tôi trơn trợt trên đường rầy làm tôi té sấp xuống đường, môi sưng vù, máu me chảy khắp miệng và hai cái răng cửa bị bể. Ngày hôm sau anh tôi chở tôi đến một nha sĩ nổi tiếng ở Tân Ðịnh, kết quả là không cứu vãn nổi, đành giữ lại chân răng còn tốt, rồi khoan ốc vít gắn hai cái răng (giả) vào. Thuở ấy, kỹ thuật nha khoa ở Việt Nam chưa tiến bộ, họ không có răng tạm thời cho mình trong thời gian chờ đợi, nên tôi phải chịu hai tuần lễ trống hai răng cửa (“hàng tiền đạo” bỏ ngỏ). Trong xóm có anh chàng để ý tôi nhưng chưa bao giờ dám bày tỏ, nhà chàng ở cạnh nhà nhỏ bạn thân của tôi, chắc nhỏ “thèo lẻo” chuyện tôi “bị nạn”, chàng liền lấy hết can đảm đến nhà sau khi uống hết một lon bia (sau này nhỏ kể tôi nghe thế). Tôi ra mở cổng, phải mỉm cười… e lệ bất đắc dĩ để che đi sự trống vắng của hai chiếc răng cửa (hồi đó chưa có khẩu trang thông dụng như bây giờ). Anh ấy nói:

Xem thêm:   Hương sắc gia vị

– Nghe tin em bị ngã đau lắm nên anh đến thăm.

Tôi vờ vĩnh để ngón tay trỏ lên môi… làm dáng và đáp lí nhí:

– Dạ cám ơn anh, mà anh về đi, miệng em đang đau không muốn tiếp ai hết á!

Chàng năn nỉ:

– Anh chỉ muốn vào nhà nói chuyện với em một chút, mười phút thôi, nhé?

Không thể dùng dằng nơi cổng, sợ hàng xóm nhìn thấy “dị òm”, tôi đành mở cổng mời anh vào. Suốt buổi nói chuyện, tôi luôn là người lắng nghe anh nói, thỉnh thoảng điểm thêm nụ cười mỉm và khi cần nói lại để bàn tay che miệng, nói lí nhí anh càng tưởng tôi đang cảm động, đang bối rối nũng nịu điệu đàng làm duyên làm dáng với anh. Khi chia tay tôi ra về, anh chàng sung sướng lâng lâng như bay trên chín từng mây, vội về vườn sau nhà hái một rổ mận sọc, nhờ đứa em mang đến cho tôi, cây mận nhà anh ấy nổi tiếng sai trái, ngọt lịm. Tôi đã ăn hết sạch rổ mận trong một buổi chiều (dù thiếu… hai cái răng), còn tình của người ta thì tôi không đáp lại.

Dù sao, con gái tôi còn có cái coffee mug và đôi giày kỷ vật, còn tôi chỉ có giỏ mận mà tôi đã… ăn hết từ lâu. Riêng đôi giày đó, với ngần ấy thời gian, với mấy mùa “cleaning đầu Hè”, với lần dọn từ căn nhà cũ qua căn nhà mới hiện nay của gia đình tôi, đôi giày cũng không còn nữa (tình cảm đầu đời như chiếc lá thu phai). Nhưng có điều chắc chắn, là đôi giầy của nó, cũng như giỏ mận của anh hàng xóm của tôi, vẫn còn mãi trong ký ức long lanh của tuổi 17 ngọt ngào.

Ðẹp như một giấc mơ!

KL

Edmonton, May 21/2021