Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

(Thơ Vũ Đình Liên, Tinh Hoa 1936)

Hung tin Thầy Nguyễn Tá qua đời ngày 16 tháng 4, 2022, hưởng thọ 100 tuổi đã được chuyển nhanh trên email, Facebook của các cựu học sinh các trường Chu Văn An, Nguyễn Trãi từ năm 1947 tới năm 1954 tại Hà Nội và hai trường Hồ Ngọc Cẩn, Hưng Đạo tại Sài gòn những năm 1954-1975.

Tin buồn cũng lan rộng nhanh chóng và gây xúc động tới các nhóm cựu học sinh Trưng Vương khắp nơi trên thế giới vì Thầy Tá chính là phu quân của một người mà nếu ai từng là học sinh của trường Trưng Vương Hà Nội cho tới Sài Gòn từ Năm 1947 tới năm 1980 đều phải biết; đó là cô Tổng Giám Thị Vũ Thị Nguyệt Minh.

Mọi người muốn làm một điều gì để cám ơn hai nhà giáo suốt đời tận tụy dạy dỗ và chăm sóc các học sinh như chính con cái của họ và chia buồn với cô Nguyệt Minh về sự mất mát to lớn của cô và gia đình. Và tôi rất hân hạnh được đề nghị viết một bài nói về hai nhà giáo đã đóng góp cho việc giáo dục nhiều thế hệ thanh niên, thiếu nữ  trong một giai đoạn ngặt nghèo của lịch sử Việt Nam từ năm 1947 tới hiện tại.

Thầy Nguyễn Tá sinh năm 1922, Thầy học tại trường Albert Sarraux,  năm 22 tuổi, thầy lập gia đình với cô Nguyệt Minh lúc đó vừa tròn 18 tuổi. Hai người có 3 người con trai là các ông Nguyễn Nhân (1944), Nguyễn Hiệp (1949) và Nguyễn Khôi (1951) đã quá cố, và 2 cháu nội và 2 chắt.

Năm 25 tuổi thầy Tá vào nghề giáo và dạy môn Toán tại trường Chu Văn An và Nguyễn Trãi ở Hà Nội. Sau khi di cư vào Nam lánh nạn Cộng Sản, thầy tiếp tục dạy Toán tại trường Hồ Ngọc Cẩn và tư thục Hùng Vương. Ngoài dạy học Thầy còn viết sách Toán Hình Học và Ðại Số cùng với Thầy Vũ Ðình Mẫn. Thầy và cô còn kẹt lại tại Việt Nam sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam. Thầy và cô tiếp tục việc dạy học. Thầy mở những lớp toán riêng cho tới năm 1980. Cô ở lại trường Trưng Vương để làm việc. Người con trai thứ hai, ông Nguyễn Hiệp du học trước năm 1975 đậu kỹ sư và sinh sống tại Montreal, Canada bảo lãnh Thầy Cô. Từ đó đến nay đã 43 năm,Thầy Cô sống ở thành phố hiền hòa này.

Xem thêm:   Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng

Ðược hỏi về việc Cô có gặp khó dễ gì tại trường Trưng Vương dưới Xã Hội Chủ Nghĩa không? Cô cho biết:

“Nói chung thì không có gì quan trọng vì cô làm Giám thị khi họ vào tiếp thu trường, cô được lưu dụng nhưng không còn chức vụ gì nữa, chỉ được gọi là công nhân viên cùng với những người còn ở lại như chị Nụ, ông Xích, ông Ngọc làm lao công và tùy phái trước đây. Họ mới vào nên không biết gì về trường nên cái gì họ cũng phải hỏi Cô”.

Thầy Nguyễn Tá và cô Tổng Giám Thị Nguyệt Minh trường Trưng Vương.

Cổng trường Trưng Vương.

Ðược hỏi cuộc sống của Cô ngày ấy ra sao? Cô trả lời:

“Thì cũng như mọi người. Ðược một điều là con cái của cô đã sống tại ngoại quốc nên nhu cầu cũng không nhiều. Cô đi làm thì họ đối xử cũng bình thường vì mình không tranh đua hay làm hại gì ai cả. Khi cô đi đoàn tụ thì họ cũng làm một tiệc trà tiễn cô”.

Nói về cuộc sống của Thầy Cô tại Montreal cũng rất tốt. Vì cả hai người đã vào tuổi hưu nên không đi làm. Thầy mải mê với việc chăm sóc vườn cây và vui vầy với con cháu.

Cô Nguyệt Minh chia sẻ về Thầy, người chia vui sẻ buồn, cùng nhau gánh vác gia đình với cô trong 80 năm, thật là hiếm có. Với giọng bùi ngùi và đầy thương yêu cô chia sẻ:

“Thầy rất ít nói, rất ít biểu lộ tình cảm, rất nghiêm nghị, nhưng không nghiêm khắc hay khắc khổ. Tính tình kín đáo và trang nghiêm. Thầy nói gì, làm gì cũng rất mẫu mực, không thờ ơ, nhưng cũng không thái quá”.

Chị Phượng Liên một cựu học sinh Trưng Vương sống gần và thân thiết với cô chia sẻ:

Xem thêm:   Chuyện ven đường

“Thầy rất ít nói nhưng rất say mê làm vườn. Khu vườn của Thầy là một nước Việt Nam thu hẹp. Mỗi một vùng là có những thắng cảnh tiêu biểu như miền Bắc có chùa Một Cột, miền Trung có chùa Thiên Mụ, miền Nam thì có chợ Bến Thành được thiết kế và xây dựng một cách  độc đáo thật đẹp và thật Việt Nam nên Thầy được nhiều giải thưởng địa phương cũng như quốc gia như giải Notre Dame de Garden, Gardenette du Montreal và đã được đăng trên các báo nổi tiếng của Montreal như NBC…”

Thầy không giao du nhiều, chỉ có một ít bạn tâm giao. Thầy rất quan tâm đến vấn đề sức khỏe. Thầy đọc rất nhiều sách, đặc biệt là sách chăm sóc sức khỏe, Thầy đọc và áp dụng một cách nghiêm chỉnh những lời khuyên của bác sĩ hay chuyên viên về chăm sóc y tế cộng đồng. Thầy cũng thường hàn huyên tâm đắc về y khoa và sức khỏe mỗi khi có dịp gặp gỡ hàn huyên với Bs. Thành Quang Lân, phu quân của chị Phượng Liên, người cũng vừa mất cách đây không lâu.

Thầy Nguyễn Tá và những tòa nhà lịch sử tí hon của Việt Nam, Thầy làm nên để tô điểm cho vườn hoa nhỏ của Thầy tại Montreal, Canada.

Có lẽ vì vậy mà Thầy không chỉ là sống thọ 100 tuổi mà Thầy còn sống rất khỏe mạnh. Cô Nguyệt Minh cho biết là Thầy rất ít khi bị ốm. Hầu như không phải đi Bác sĩ hoặc là nhà thương. Ðôi khi có vấn đề về bao tử thì Bs. Lân đem y cụ về khám cho Thầy. Thầy sống 100 tuổi, sức khỏe có yếu đi nhưng vẫn đi lại bình thường và nhất là sáng suốt cho tới phút cuối. Cô Nguyệt Minh nhớ lại những ngày cuối của Thầy:

“ Thầy kêu mệt, cô cố dỗ Thầy uống một chén súp nước, Thầy cắn một miếng Formai rồi đi ngủ không ăn uống gì thêm. Sáng cô thấy trễ rồi nhưng thầy không dậy, cô vào phòng lay thầy dậy, vừa lay vừa gọi nhưng Thầy vẫn nằm yên. Cô lo quá nên gọi y tá. Y tá đến khám và nói mạch của Thầy yếu quá. Cô sợ quá gọi cho Hiệp. Hai vợ chồng Hiệp và Ánh, con dâu thứ hai của cô và cũng là con gái của Thầy Tổng Giám Thị trường Võ Trường Toản ngày trước, vội vã đến ngay và đưa Thầy vào bệnh viện Royal Victoria là bệnh viện lớn và tối tân nhất tại Montreal. Tại đây bác sĩ khám và cho biết Thầy bị viêm phổi, Cô ngạc nhiên vì Thầy đâu có đi ra ngoài sương gió gì đâu mà bị chứng bệnh này? Nhưng Bs. giải thích là Thầy mệt, cơ thể bị xáo trộn, khi ăn, thức ăn thay vì vào thực quản lại đi vào khí quản và làm phổi bị viêm, họ cho nước biển và thuốc hạ sốt vì Thầy sốt cao lên tới trên 40 độ. Nhiệt độ sau đó xuống còn 39 độ. Thầy ngủ thiếp đi. Bệnh viện còn ở trong mùa dịch nên không cho cô vào vì sợ lây bệnh. Cô chỉ biết ở nhà, niệm Phật xin Phật phù hộ. Cô luôn nghĩ rằng sống ở tuổi Thầy 100, cô 96 tuổi mà vẫn còn minh mẫn, tuy yếu và mệt nhưng không bị mê mệt là đã được Phật độ rồi, cô luôn có niềm tin như thế nên không quá yếm thế, đau thương mà chỉ biết mang ơn và chấp nhận.

Montreal còn bị ảnh hưởng từ đại dịch. Nhà thương cũng rất đông người nhưng may mắn là có phòng trống nên Thầy được đưa vào phòng chứ không phải nằm ngoài hành lang. Vợ chồng Hiệp ngủ luôn trong nhà thương với Thầy. Mỗi sáng khoảng 8 giờ cô gọi vào vì biết giờ đó đã có Bs. vào thăm nên biết tình trạng của Thầy ra sao. Ngày thứ nhất rồi ngày thứ hai, vợ chồng Hiệp trả lời điện thoại cho cô biết là Thầy đỡ đôi chút. Nhưng ngày thứ ba cô gọi rất nhiều lần nhưng không có ai trả lời, cô sốt ruột quá. Một chốc sau Hiệp về nhà cùng với cháu trai, không ai nói với ai điều gì. Yên lặng trong nặng nề. Rồi cháu trai ôm lấy cô và Hiệp nói trong tiếng nghẹn ngào:

“C’est fini”. Thế là hết!

TG