Lời Tòa Soạn: Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20 Tháng Ba, 1937 tại làng Vĩnh Thanh Vân, quận Châu Thành, tỉnh Rạch Giá. Trong nền âm nhạc Việt Nam cận đại, ông được xếp vào một trong những cây đại thụ. Âm nhạc của ông thực sự đi vào lòng người đại chúng qua hơn nửa thế kỷ.

Ông ra đi lúc 6 giờ 7 phút chiều tại Fountain Valley, ngay trong vùng Little Saigon. Trẻ giới thiệu bài viết của tác giả Kim Loan về tên tuổi Lam Phương như một nén nhang tưởng niệm.

Nhạc sĩ Lam Phương

Tháng Mười Hai năm ngoái, tôi nhận được cuốn sách “Lam Phương-Trăm Nhớ Ngàn Thương” từ bên quê nhà gửi qua. Nói thiệt, cầm cuốn sách mỏng dính trên tay, xem qua các mục lục, tôi bỗng thấy… giận hờn và chỉ biết thở dài.

Cũng là “cây cao bóng cả” trong giới sáng tác thời Việt Nam Cộng Hoà, mà nhạc sĩ Phạm Duy có Hồi Ký đến 4 cuốn (cuốn nào cũng khá dầy), hoặc nhạc sĩ Anh Bằng với cuốn sách in tại hải ngoại, giấy trắng tinh, dày 472 trang, font chữ nhỏ, đều đặn, đọc mãi vẫn sợ… hết. Còn sách Lam Phương, in tại Việt Nam, người chấp bút bên Việt Nam, chỉ có 256 trang, font chữ bự tổ chảng, trình bày sơ sài, và nội dung thì ôi thôi, chỉ là những phần lắp ghép, vội vàng, cẩu thả.

Tuy là 256 trang, nhưng bao gồm phần Phụ Lục Một in các bài hát nổi tiếng (có lời, có nốt nhạc) của Lam Phương. Chi dzậy? Người ta cần thì lên Googles có thể tìm ra tất cả các bài nhạc của bất cứ nhạc sĩ nào! Phần Phụ Lục Hai là trích hai đoạn viết xưa hơn trái đất về Lam Phương trên báo Thanh Niên và Giai Phẩm Người Việt, rồi thêm một bài ngắn cỡ vài hàng (xin nhắc lại là: vài hàng) của Giáo Sư Trần Quang Hải, và vài câu tâm tình của người chấp bút, tổng cộng hơn 60 trang.

Cuối cùng, còn lại đúng 190 trang viết về Lam Phương, mà trong đó cũng đã nhồi vào một số hình ảnh xưa và nay của nhạc sĩ, hình các bài báo trước 1975 về Ông, vài trang tiểu sử qua loa, vài bài nói về hoàn cảnh sáng tác các bài hát tiêu biểu: Kiếp Nghèo, Tình Bơ Vơ, Thành Phố Buồn, Phút Cuối, Chuyến Ðò Vỹ Tuyến… Chữ thì to như cho trẻ con đọc, trích đoạn nhiều câu hát thật dài, kéo xuống dòng cho đầy trang giấy. Có vẻ như tác giả và người chấp bút chẳng biết nói gì viết gì để tránh bị chính quyền Cộng Sản Việt Nam kiểm duyệt chăng?

Xem thêm:   Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng

Tôi chả hiểu tại sao em gái của Ông là người quyết định chuyện này, lại để cho người chấp bút bên Việt Nam, xuất bản bên Việt Nam, vì tiền hay vì chút ủi an người nhạc sĩ đang nằm trên giường bệnh? Nhưng với bề dầy sáng tác, sức ảnh hưởng âm nhạc của Lam Phương cho đến tận hôm nay, thì cuốn sách mỏng tang, chắp vá, hời hợt này thà đừng ra đời còn hơn! Câu nói cửa miệng của người Việt mình theo một câu thơ của Nguyễn Tất Nhiên “có còn hơn không”, trong trường hợp cuốn sách này, tôi rất tiếc phải thốt lên rằng “thà không còn hơn có”.

Dù sao, tôi cũng cám ơn người tặng sách, đã nhiệt tình đi tìm ngay khi nó được xuất bản rồi gửi qua cho tôi từ bên nửa quả địa cầu và xin đừng buồn khi đọc những cảm nghĩ thất vọng này. Bởi vì “vượt lòng đại dương, mình gặp lại đây, sau cơn khát dài, thương nhớ bao ngày, giờ nghe… chua cay” (Lời bài hát Mùa Thu Yêu Ðương của Lam Phương tôi xin sửa lại hai chữ cuối, cho tôi và cuốn sách này).

Mà thực ra, đâu cần so sánh với Phạm Duy, Anh Bằng, mà nhìn lại những cuốn khác của Kim Cương, Ái Vân, Khánh Ly thì mới thấy… “trăm tiếc ngàn đau” cho Lam Phương.

Và đúng như tôi dự đoán khi bắt đầu đọc cuốn sách, người chấp bút không dám nhắc đến bài hát nổi tiếng Chiều Tây Ðô của Lam Phương với câu ca mà dân Miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở xuống đều thấm thía: “Bao năm giải phóng như thế này phải không em?”

Giờ đây, người nhạc sĩ hiền lành dễ thương của chúng ta vừa từ trần sau một thời gian bệnh, yếu. Nhạc của Ông, nói mãi cũng vẫn thiếu, khán giả mến mộ con người và lời hát điệu đàn của Ông, kể mãi vẫn không bao giờ đủ.

Xem thêm:   Máy cứu rỗi hôn nhân

Ông đã từng nói: “Tôi làm khoảng 300 bài nhạc tình, đâu có nghĩa là có ba trăm người yêu”. Trong cuốn “Lam Phương, Trăm Nhớ Ngàn Thương” cũng nói về một số bài hát từ hoàn cảnh thật của tác giả. Nhưng cũng có một số bài, chỉ là cảm xúc bất chợt trước khung cảnh hữu tình, không hề có bóng dáng của một cô gái nào, mà là trí tưởng tượng lồng vào một cuộc tình dở dang, rồi tác giả thả hồn bay bổng theo Ðồi Cù, Thung Lũng Tình Yêu, Nhà Thờ Con Gà với mây gió trời trăng, để ý nhạc tuôn trào thành bài hát Thành Phố Buồn bất hủ.

Với tôi, đó là bài hát hay nhất viết về Ðà Lạt, dù Ông chẳng mô tả gì nhiều, chỉ là “thành phố nào vừa đi đã mỏi” với “cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn”, để rồi “và con đường ngày xưa lá đổ”, nghe “tiếng chuông chiều chầm chậm thê lương”, trách móc người “quên núi đồi quên cả tình yêu” mà làm hàng triệu trái tim thổn thức.

Bài hát Một Mình buồn day dứt, nhưng lại được Ông viết trong một buổi sớm bình yên hạnh phúc bên người đẹp Cẩm Hường trên đất kinh thành Paris. Chàng ngồi bên cửa sổ uống café ngắm nàng quét lá rụng ngoài sân, và giai điệu cô đơn từ sâu thẳm bỗng trỗi dậy: “Nắng xuyên qua lá, hạt sương lìa cành/ Ðời mong manh quá, kể chi chuyện mình/

Nắng buồn cuộc tình, bỗng tắt bình minh”.

Chỉ có trái tim nghệ sĩ, tâm hồn đa sầu đa cảm, giữa đám đông vẫn thấy lạc lõng, trong hạnh phúc đã mơ hồ chia ly, và “trong bơ vơ anh mơ thêm một lần dang dở ” (bài Xót Xa), mới để lại cho đời hàng trăm bản tình ca xuyến xao lòng người đến như thế!

Trong một bài phỏng vấn lúc còn sinh thời, khi được hỏi:

– Tại sao các bóng hồng đi qua đời ông: Ca sĩ Bạch Yến, kịch sĩ Tuý Hồng, và nàng Cẩm Hường…đều là những phụ nữ đẹp và… rất đẹp?

Ông đã cười hiền hậu và trả lời rằng:

– Tại vì tui… xấu nên tui khoái yêu người đẹp!

Xấu hồi nào đâu nà! “Xấu” mà có nhiều nữ khán giả ái mộ. “Xấu” mà có duyên ngầm làm cho các nàng mộng mơ nức nở  “Trăm Nhớ Ngàn Thương”, “Xấu” mà đào hoa đa tình như bác thì ai cũng muốn… “xấu” á, bác Lam Phương ạ!

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (03/07/2024)

Chẳng cần danh hiệu “ưu tú” hay “nhân dân”, nhạc của Lam Phương đi vào lòng mọi thế hệ, vượt thời gian, không những của đồng bào Miền Nam ra tới hải ngoại, mà cả dân chúng miền Bắc của “bên thắng cuộc” bên kia vĩ tuyến. Chẳng còn lạ gì, tại một phiên chợ vùng cao, gió rét lạnh căm bên quán ăn, người ta vây quanh chảo thắng cố nóng hổi, hút thuốc lào, thả khói mơ màng nghe tiếng nhạc Chế Linh hát Tình Bơ Vơ:  “Về làm chi rồi em lặng lẽ ra đi, gom góp yêu thương quê nhà, dâng hết cho người tình xa”. Chắc là do đám dân buôn miền xuôi đem “nhạc vàng” lên “đầu độc” người dân tộc miền ngược, chớ lẽ nào mấy bà thím mặc xà rông, mang gùi, làm nương rẫy, ăn mèn mén rồi… đi đẻ lại biết mê nhạc Lam Phương?

Nói nào xa, ông anh họ mấy đời bắn cà nông chưa tới của tôi đang ở quê ngoài Hải Dương đã cài nhạc hiệu trên phone, hễ có ai gọi tới là phone lại vang lên rên rỉ: “Em ơi suốt đêm thao thức vì em, vì lời giã từ lúc anh ra về…”

Lần này Ông giã từ “cuộc chơi” ngay mùa Giáng Sinh 2020 còn đang u ám bởi Virus Tàu. Tôi hơi chạnh lòng vì một cây cổ thụ âm nhạc Việt Nam “ra đi” mà không thấy cư dân mạng rầm rộ chuyển tin, tiếc nuối. Vì mùa lễ bận rộn, hay vì ông “ra đi” êm đềm không kịch tính, không bất ngờ như người nghệ sĩ khác vừa “ra đi” trước đó?

Mà thôi, vốn dĩ chân thật hoà nhã, Ông cũng không cần ầm ĩ phô trương, những thứ phù phiếm bề ngoài chóng phai!

Tôi là người hâm mộ tài năng Lam Phương, yêu thích con người tác giả, giữa trời tuyết lạnh của Canada, nghe tin Ông qua đời, mà man mác buồn. Dường như khối tình thương mến cũng đang tái tê chết theo mùa Ðông như một nén hương lòng gửi đến chàng nhạc sĩ Miền Nam hiền hậu, tài ba và… không hề xấu, chàng chỉ khiêm nhường nói đùa thế thôi!

KL

Edmonton, 28.12.2020

(*): Tình Chết Theo Mùa Đông:

tên một bài hát của Lam Phương