“Hãy thắp cho anh một ngọn đèn

̣t ngọn đèn tóc tang, dửng dưng…”

 [Nhạc Nguyễn Đình Toàn]

Nhà văn Nguyễn Đình Toàn 

Phim “Xa Lộ Không Ðèn”, có từ năm 1972. Dù chưa bao giờ xem, nhưng tối nay, tôi lại chợt nghĩ đến.

Ánh đèn của những chiếc xe máy, vòng vèo lướt ngang, vội vã. Chút ánh sáng chớp tắt lập loè đã không đủ cho chúng tôi nhìn rõ mặt nhau. Nhưng sao tôi lại hình dung ra cuốn phim ngày trước, với những hình ảnh màu mè, những tấm quảng cáo đã được dán khắp nơi, ở mọi hè phố của Saigon, những năm xưa…

Sau 1975, cả nước sống triền miên trong những đêm không đèn, và đã chẳng có ai cần phải ra tận xa lộ, mới thấy được cảnh phim đầy gay cấn, trong “Xa lộ không đèn” của Hoàng Anh Tuấn.

Tối nay, anh chị Nguyễn Ðình Toàn và chúng tôi, đang đứng ngay chân cầu xa lộ âm u.

Sàigòn của chúng tôi. Sàigòn với những đêm không đèn đóm…

Anh Nghiêu Ðề quăng tàn thuốc xuống lề đường đọng nước, tiếng nói Anh lúc nào cũng hiền hòa:

– Vụ tụi nó mời mình vô cái Hội Văn Nghệ, Văn Hoá gì gì đó, Ông thấy sao?

-Tôi đã nói với chúng nó một câu trừ hao rồi: “Hội nào mấy ông mời, tụi tôi cũng vô hết, nhưng để cho chắc ăn, tôi muốn biết, nếu khi nào cần ra khỏi mấy cái Hội đó, thì mấy ông có cho chúng tôi ra hay không?”. Nghĩa là, vô rồi thì có còn ra được nữa hay không?

Chị Thu Hồng cười vang với lối nói cà khịa của Nguyễn Ðình Toàn, Ông chồng đanh đá.

Trước khi đạp xe về hướng Làng Báo Chí, anh Toàn dặn dò:

– Thôi, thân thằng nào thằng nấy lo…

Nhưng chúng tôi cả đám đã chẳng ai cần “lo lắng” gì. Toàn những tụ họp và rong chơi.

Một sáng Chủ Nhật, khi tôi đang đứng xếp hàng chờ mua chút thực phẩm Hợp Tác Xã. Chị Thụy Vũ và chị Thu Hồng tới tìm, tay chị Vũ cầm một cục gạch, Chị thành thạo bỏ xuống chân tôi, như một thế chỗ.

Tôi gửi gắm cục gạch để người hàng xóm nhích lên giùm. Tôi đoán, chắc cả tiếng nữa mình mới cần trở lại.

Ngồi chờ chúng tôi ở Cafe Cây Bông Gòn ngay cầu Kinh Thanh Ða, là anh Nguyễn Ðình Toàn, Nghiêu Ðề và Dương Thụ, người nhạc sĩ bỏ Hà Nội vô Saigon sớm nhất.

Xong Cafe với đủ thứ chuyện buồn vui, khi thầm thì, lúc to nhỏ… Tôi mời bạn bè về nhà dùng bữa cơm trưa với những thứ vừa mua được từ cửa hàng Hợp Tác Xã.

Xem thêm:   Móng sư tử

Thiên hạ cứ hay bàn về “hạnh phúc”, hai chữ vừa đắt đỏ, vừa khó khăn, lại khó tìm. Nhưng sau 1975, chợt nhiên mà “hạnh phúc” rất dễ nhìn thấy: Ðôi khi chỉ là vì dưới cái nắng như điên của Saigon, bỗng có ai đó đang xếp hàng bỏ đi, nhường cho mình chỗ của họ; hoặc ráng kỳ kèo thêm trái ớt, mà đã không bị cô bán hàng Hợp Tác Xã đá thúng đụng nia, lườm lườm, nguýt nguýt.

“Niềm vui”, cũng chẳng ai cần phải lặn lội kiếm tìm xa xôi. Nhiều khi nó cũng rất đơn sơ, rất tội nghiệp. Hân hoan vui sướng chỉ vì mua được con cá bự hơn, hay những kí lô gạo không bị nhiều sạn cát, đầy meo mốc…

Chị Hồng còn dặn dò trong lo lắng: “Cô nhớ đừng cho bột ngọt vô cá thịt trước nhé, chất ngọt của nó sẽ biến mất…” Chút quan tâm của chị, như trải ra sự đắn đo, dè sẻn của mọi chúng tôi. Cứ như cuộc đời chẳng có gì cần phải nhớ đến, cả nước chỉ còn biết quanh quẩn bên miếng hành hay những bó rau, loại rau có chút màu úa vàng, heo héo.

Và tôi đã chẳng bao giờ quên hình ảnh chị Thụy Vũ hôm đó, đặt lên bàn ăn một dĩa cá kho, mà chị đã phải đổ thêm nước vào như một tô canh, vì sợ thiếu…

Chúng tôi sống gắn bó, dễ thương trong thời đói rách. Dù biết rằng chẳng ai đã cam tâm, nhưng phải cố gắng đào bới, tìm cho ra những thú vị trong mọi cảnh đời trầm luân, gay gắt… Anh Toàn hay ghé Thanh Ða kể những chuyện cười dí dỏm, nhưng với giọng đầy chua chát, đắng cay:

– “Bác Toàn ngồi chờ Bố cháu về nhé, Bác có muốn dùng trái cây không?”

Nghe tới “trái cây”, mừng vì thèm đã từ lâu, vừa “ừ” xong thì thấy nó đặt trên bàn một rổ đầy… những trái cóc xanh!

Nguyễn Đình Toàn qua nét vẽ của họa sĩ Đinh Cường.

oOo

Nhưng chẳng phải lúc nào chúng tôi cũng cười cợt, để vượt qua được những sống và chết của một thời đầy tai ương, khó khăn và bất trắc.

Chị Toàn lo chạy từng bữa ăn cho Thức, Tri, Uyển và Xíu.

Chị Thụy Vũ, vật vã với áo cơm, nuôi đàn con nhỏ. Chị tất bật đến nỗi, đời sống lam lũ đã biến phong thái chậm rãi ngày xưa, thành ra một tướng đi lúc nào cũng như sắp chạy. Ðể có nhiều lần cùng nhau đi Cafe, Anh Toàn cứ phải níu chị chậm lại bằng câu nói đùa: “Thụy Vũ có sợ bị Tô Thùy Yên rượt, tóm bắt lại hay không mà phải đi nhanh dữ vậy?”

Xem thêm:   Nhạc sĩ Anh Việt Thu & dòng An-Giang hiu hắt

Riêng tôi, phải cùng với chị Lĩnh Mai vợ anh Nguyễn Trung, lên Crystal Palace nhận áo thun về cho hai họa sĩ vẽ những hình Walt Disney.

Nguyễn Trung và Nghiêu Ðề vẽ tranh sơn dầu xấu đẹp ra sao, các bà hàng chợ không cần biết, để có khi chê bai những chiếc áo đã được đặt vẽ một cách thậm tệ, khiến hai Ông vừa giận, vừa tức điên người.

Dễ thương nhất là ngày chị Hồng và tôi, vòng vo mãi quanh chợ Saigon, cũng chẳng mua được gì nhiều cho dịp Tết sắp đến. Chúng tôi nhàn nhã, đi dọc theo đường Lê Lợi.

Chợt tôi giật mình vì tiếng cười khác lạ của Bùi Giáng. Chị Hồng vội trấn an: “Ðừng sợ, ổng nhận ra tụi mình đó”.

Rất tinh nghịch, ông chạy vượt lên trước chúng tôi, rồi chợt quỳ  xuống theo dáng vẻ của thợ chụp hình. Thay vì tròn những ngón tay dán vào mắt như hai ống kính, Bùi Giáng làm chúng tôi đỏ mặt, khi ông áp vào mỗi mắt bằng 2 ngón tay, qua một hình thù rất tục tĩu. Nhưng cũng đành, chị Hồng và tôi nghiêm chỉnh đứng cho Bùi Giáng bấm cả chục tấm “hình”, mang về làm… kỷ niệm như lời Ông năn nỉ, dặn dò.

Chúng tôi vừa bước đi, Bùi Giáng chợt quay trở lại, rất hồn nhiên, Ông cởi phăng chiếc áo caro đỏ, cho thiên hạ thấy rõ một thân hình trơ xương, ốm yếu. Ông chìa cái áo dơ và rách ra hỏi chị Hồng: “Ðổi áo không?” Chúng tôi chỉ còn biết cười tung toé. Và ông cũng cười, âm thanh nghe hào sảng, ngổ ngáo và vô cùng… Bùi Giáng.

Có những đêm chúng tôi ngồi Cafe. Ðiện cúp tối tăm, chỉ còn chút vành trăng mỏng dính, treo lửng lơ rất mơ màng. Anh Toàn mượn cây đàn của chủ quán, ngồi ngay giữa trời, thầm thì hát.

Nghiêu Ðề và tôi cùng im, cùng nghe và cùng chết lặng.

Anh đang hát cho ngày chúng tôi sắp ra đi. Ði tới một nơi mà toàn dân, thiên hạ đều ước mơ: California.

Anh Toàn trách chúng tôi mang theo cái “sân khấu”, cùng cả với “Dòng sông ca hát”.

Chúng tôi sẽ bỏ lại biết bao nhiêu bè bạn bên một đời sống u hoài, buồn bã, mà không còn có nơi nào để gặp nhau thường xuyên như trước nữa.

Thanh Ða, căn chung cư nhỏ nhưng là chiếc hộp rất lớn, đã gìn giữ lại rất nhiều khuôn mặt, với muôn ngàn kỷ niệm của chúng tôi, sống qua những điêu linh, và rủi ro của quê hương trong bao tháng năm dài…

Xem thêm:   Quả ngọt

Cuối năm 1984, khi chúng tôi ra đi, đã chẳng ai nghĩ sẽ còn có bao giờ trở lại. Và bởi thế, chuyện chia tay cứ như là mãi mãi.

“Hãy thắp cho anh một ngọn đèn

Dù mịt mù xa xăm

Dù mệt nhoài trông ngóng…”

(Nhạc Nguyễn Đình Toàn)

oOo

Anh chị Toàn mừng vì Saigon đêm qua mưa dầm, khiến rất nhiều con ốc ma đã lần mò, bò chậm chạp trên những khóm cây thâm thấp ướt, trước hiên nhà.

Bữa tiệc tiễn chúng tôi ra đi không phải ở Cư xá Thanh Ða, mà là nhà anh chị Nguyễn Ðình Toàn bên Làng Báo Chí.

Không cá thịt, cũng chẳng phải cơm chay. Thức ăn “đặc biệt” chỉ là những con “Ốc Ma”.

“Ốc Ma”, mới nghe tên thôi mà tôi đã co hết người, vì sợ hãi.

Chị Thụy Vũ diễn giải rằng, đây là một loại ốc đặc biệt, vừa mắc tiền, vừa hiếm hoi mà dân Châu Âu rất thích. Bởi anh Hồ Trường An bên Pháp phải đặt mua trước mới có…

Chị Thu Hồng đơn giản hơn, khai ra cùng bè bạn: Hôm nay chúng ta có Ốc Ma vì không có tiền đi chợ. Món đặc sắc này là do sáng kiến của chị Thụy Vũ.

Và tất cả chúng tôi đùa vui, líu lo bên những dĩa ốc tỏa khói, thơm ngát…

Trần Quang Lộc đã ngồi lại, hát cùng chúng tôi cho đến lúc đêm tàn.

“Em có nhớ căn nhà xưa

Bên khu vườn cải

Nơi những sớm mai nằm nghe

Nắng giòn trên mái

Ở đó có những lũ sên bò quanh

Có tiếng khóc hơi đèn nhang

Có giếng nước soi trời chong…”

[Thu Hồng, nhạc Nguyễn Đình Toàn]

Ðêm, lời nhắc nhở của một ngày sắp hết.

Có phải khi ngày tinh khôi bắt đầu, là lúc đêm còn đang tối tăm?

“Hãy thắp cho anh một ngọn đèn

Dù lửa tàn trong anh

Không còn đủ

Khêu thêm đèn sáng…”

[Nhạc Nguyễn Đình Toàn]

oOo

Năm 1998, một ngày sau khi tới Mỹ. Anh chị Nguyễn Ðình Toàn vội vã xuống San Diego tham dự buổi tiễn đưa anh Nghiêu Ðề. Nhưng tiếc là mọi chuyện đã xong hết, chỉ vài giờ trước khi anh chị đến.

Anh Toàn nói lời cuối cùng bên chân dung Nghiêu Ðề: “Không lẽ cuộc đời chúng ta toàn phải chạy? Chạy hớt hải, chạy, chỉ để rượt theo những điều… chẳng còn có bao giờ kịp nữa”.

Và em, cuối cùng cũng đã không kịp “chạy” lên trong ngày buồn nhất.

Ngày Chị ra đi…

Mong cho người về được nơi sẽ đến

Ta chia tay

Ta chia lời vĩnh biệt”

[Nguyễn Đình Toàn]

LCG