Kỳ 3

Qua hai kỳ trước chúng ta đã thấy bản thân Étienne de La Boétie đã chứng tỏ cụm từ “nô lệ tự nguyện” (servitude volontaire) không thể hiện đúng nguyên nhân, bản chất của hiện tượng nô lệ nhẫn nhục, kéo dài của con người. Chữ “tự nguyện” (volontaire) chỉ nói được đúng ý chí hiện thời của người nô lệ nhưng nó không chỉ ra được cái ý chí “tự nguyện” làm nô lệ này chỉ là hệ quả của sự “bị cưỡng bức” (être contraint) và “bị lừa gạt” (être trompé) trong một thời gian dài lâu. Sự thiếu sót này dễ đưa độc giả tới một thái độ sai lầm: khinh khi người nô lệ vì cho rằng do họ “tự nguyện”, tự chấp nhận, thậm chí vui thích đời nô lệ. Sai lầm này dễ đưa tới một sai lầm khác: xướng lên những lời hiệu triệu, kêu gọi suông phải vùng lên và rồi thờ ơ hay bỏ mặc khi không thấy người nô lệ vùng lên.

De La Boétie không có những sai lầm đó vì ông đã chứng minh tinh thần “nô lệ tự nguyện” là phổ quát cho mọi con người khi phải sinh ra và lớn lên trong những chế độ bạo quyền kéo dài. Ông còn cho rằng thúc giục người nô lệ kéo dài tự giải phóng có thể còn là điều vô ích. Ông viết:

Giống như các thầy thuốc khuyên chúng ta đừng nên tìm cách chữa những căn bệnh vô phương cứu chữa, có thể tôi cũng sai lầm khi cố thúc giục người, từ lâu đã mất hẳn nhận thức về đau khổ của họ, đứng lên.

Làm cách nào để chấm dứt tình trạng nô lệ kéo dài, “nô lệ tự nguyện”? Ban đầu de La Boétie cho rằng rất đơn giản, vì để lật đổ bọn thống trị bạo quyền chỉ cần:

Không cần phải đánh chúng, cũng chẳng cần phải giết chúng. Chúng sẽ tự sụp đổ nếu toàn dân không tuân phục chúng. Không cần phải tước của chúng cái gì nhưng đừng cho chúng cái gì. Không cần mọi người phải vất vả làm điều gì cho nhau miễn mọi người không chống lại nhau.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/04/2024)

Tinh thần bất phục tùng này được ông nhắc lại nhiều lần trong bản luận văn, thậm chí ông còn nói rõ:

Tôi không đòi hỏi quý bạn phải xô đẩy hay lật đổ, mà chỉ mong bạn hãy thôi hỗ trợ bọn độc tài và bạn sẽ thấy cả chế độ đồ sộ sẽ sụp xuống do chính sức nặng của nó bởi chân đế đã bị tan tành rồi.

Ðây cũng chính là những lý do khiến cho nhiều độc giả cho rằng Étienne de La Boétie chủ xướng phương pháp đấu tranh bất bạo động (non-violent). Song, de La Boétie đã nhận ra những cách “chỉ cần” đó cũng không dễ dàng đối với người đã sống trong chế độ bạo quyền kéo dài bởi họ đã mất hết nhận thức về tự do và động lực để đòi hỏi tự do. Dũng khí và ý chí của họ cũng bị suy nhược trầm trọng khi phải sống quá lâu trong chế độ bạo quyền. Ông viết rằng:

Ðối với người quả cảm, họ sẽ chẳng sợ hiểm nguy, đối với kẻ hiểu biết, họ sẽ chẳng ngại gian khó để đoạt được điều xứng đáng. Song, đối với người khiếp nhược và lú lẫn họ sẽ chẳng dám làm gì để giành lại những điều quý giá đã mất.”

Ngay như vấn đề nâng cao nhận thức cho người dân về tự do, về tình trạng thống khổ của bản thân, de La Boétie cũng nhận thấy đây là công cuộc không hề đơn giản bởi chế độ bạo quyền luôn có sự nhạy cảm trong việc chống lại công cuộc này.

Hoàng đế Thổ hiểu rất rõ sách vở và tư tưởng là những công cụ tốt nhất giúp cho con người hiểu rõ về nhân phẩm và khiến họ căm ghét bạo quyền. Người ta nói rằng ông ta chẳng có người thông thái, và cũng chẳng cần đến họ. Mặc dù thế, ở đó vẫn còn những người yêu mến tự do, song nhiệt thành và khát khao của họ, nói chung, vẫn vô tác dụng, dù họ đông tới bao nhiêu, bởi họ không thể nào gần gũi với nhau. Ðộc tài tước hết tự do của họ, tự do hành động, tự do phát biểu và thậm chí cả tự do suy nghĩ, thành ra họ bị cách ly, mỗi người chỉ quanh quẩn với suy nghĩ của riêng mình.”

Trước những nan đề có tính vòng tròn này, de La Boétie không đưa ra một giải pháp duy nhất để giải phóng con người: nâng cao nhận thức cho người dân để người dân tự lật đổ bạo quyền; hay lật đổ bạo quyền để mở đường cho nâng cao nhận thức người dân; hoặc phải làm song song cả hai việc. Ông cũng không nhất quyết chỉ dùng phương pháp phi bạo lực để giành lấy tự do vì theo ông tự do là điều quan trọng nhất đối với con người:

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

[Chính] tự do là điều vô cùng quan trọng và vô cùng tốt đẹp! Mất tự do là kéo theo mọi khổ đau, thiếu tự do mọi tài sản khác đều mất hoàn toàn mọi hấp dẫn và giá trị bởi chúng đã bị tình trạng nô lệ biến thành vô nghĩa.

Tượng Étienne de La Boétie tại quê hương ông, Sarlat-la-Canéda, tây-nam nước Pháp – photo: fr.wikipedia.org

Không chỉ không có từ ngữ nào chống phương pháp bạo lực, de La Boétie còn kể một câu chuyện cổ thời La Mã:

Caton xứ Utique, khi còn nhỏ dưới sự giám sát của thầy, vẫn thường được vào chơi trong kinh thành của nhà độc tài Sylla vì gia đình thuộc đẳng cấp cao và có cả quan hệ họ hàng. Caton luôn có gia sư tháp tùng giống như con cái các gia đình quý tộc khác tại La Mã. Một lần, Caton nhìn thấy nhiều cảnh oái oăm dưới sự hiện diện hoặc do lệnh của Sylla: người bị tống tù, người bị kết tội, người bị đuổi khỏi xứ, người bị tước tài sản, người bị mất đầu. Theo Caton tất cả diễn ra quá bất công, như không  phải ở công đường mà chỉ là trò bạo hành của kẻ độc tài. Cậu nói với gia sư: ‘Thầy cho con một đoản đao nhé? Con sẽ giấu trong áo. Con vẫn thường vào trong phòng của Sylla khi ông ta còn ngủ… Tay con đủ khỏe để giải thoát cho cả kinh thành. ‘Ðó là lời lẽ của Caton. Sự khởi đầu xứng với cuộc đời hiển hách sau này.

Xem thêm:   Tại sao khách hàng phải luôn chịu thiệt?

De La Boétie còn ca ngợi một nhân vật lịch sử nổi tiếng khác về hành động ám sát kẻ độc tài để mang lại tự do:

Brutus trẻ tuổi và Cassius đã thành công trong việc đập tan xiềng xích nô lệ; cả hai đã bỏ mạng khi giành lại tự do, hoàn toàn không có gì đáng thương – bởi những người dám cả gan không bao giờ phải chịu sự thương hại cả lúc sống lẫn lúc chết.

De La Boétie rất căm phẫn bọn độc tài và những kẻ đồng phạm đã trói buộc con người trong tình trạng “nô lệ tự nguyện” bằng rất nhiều thủ đoạn. Ông kết thúc bản văn bằng một câu như sau:

Theo tôi, và tôi tin là tôi không nhầm, bởi chẳng có gì chống lại Chúa nhân từ và khai phóng bằng chế độ bạo quyền, Ngài sẽ dành cho bọn bạo chúa và tất cả những kẻ a tòng một hình phạt đặc biệt.

Căn cứ vào bản văn Discours de la Servitude Volontaire, bản văn chính trị duy nhất của Étienne de La Boétie, chúng ta có thể nói rằng Étienne de La Boétie đã phát hiện ra một cách thức phi bạo lực có thể làm sụp đổ mọi chế độ bạo quyền. Nhưng ông cũng nhận ra phương pháp này không dễ dàng thực hiện và, vì thế, cần phải xem xét các phương pháp khác để nhanh chóng phục hồi lại tự do cho con người.

PHS

31/12/2019

Tất cả các phần dịch trích dẫn là do PHS thực hiện dựa trên bản điện tử tại địa chỉ : https://www.singulier.eu/textes/reference/texte/pdf/servitude.pdf)