Phần 2

Sự phẫn nộ ngao ngán trước cảnh nhẫn nhục triền miên của khối dân chúng to lớn là do de La Boétie, người thấm nhuần đức tin Công giáo từ nhỏ và say mê chủ nghĩa nhân văn (humanisme), nhận thức rằng tự do là phẩm tính người do thiên nhiên- Chúa – Thượng đế trao cho tất cả mọi người từ khi sinh ra. Do đó, dù đang hưởng những đặc quyền của tầng lớp thống trị, de La Boétie vẫn nhắn nhủ với tầng lớp nghèo hèn, bị trị bằng những ngôn từ thiết tha thế này:

Phải nói thẳng rằng thật là vô ích khi tự hỏi phải chăng tự do là một quyền tự nhiên, bởi người ta không thể biến người khác thành nô lệ nếu họ không lừa gạt: chẳng có điều gì ngược với tự nhiên, trái với lý trí hơn sự bất công này. Bởi vậy, theo tôi, chúng ta không chỉ được sinh ra cùng tự do mà chúng ta còn được sinh ra với sứ mệnh phải bảo vệ lấy nó”.

Với đại từ nhân xưng “chúng ta” (nous) de La Boétie đã đứng cùng với tầng lớp bị trị nhằm thuyết phục dân chúng phải tin rằng giữa họ và tầng lớp thống trị không có gì khác nhau về phẩm giá tự do. Nhưng, dường như chưa an tâm, de La Boétie còn đưa ra những quan sát về súc vật để cho thấy tự do là thuộc tính thiên bẩm của con người.

Nếu chúng ta chú ý, và lại được Chúa phù trợ, hẳn chúng ta phải nghe thấy lũ súc vật cũng kêu lên: “Tự do muôn năm!”. Nhiều loài vật sẽ chết ngay khi tự do bị tước mất. Như loài cá, sẽ bỏ đời ngay khi phải bỏ nước. Chúng tự chết để không phải sống đời mất tự do… Còn lũ ngựa, chúng ta phải uốn nắn chúng từ khi còn nhỏ để chúng phục dịch chúng ta. Thế mà những vuốt ve cũng không làm chúng thôi hậm hực, nghiến răng ken két hay giậm chân đá hậu mỗi khi bị bức thúc. Theo tôi, chúng muốn cho người ta thấy chúng không hầu hạ do thích thú đâu mà chỉ là do sự cưỡng bách của chúng ta mà thôi“.

Chim nở trong lồng luôn nghĩ rằng tung bay là bệnh hoạn. Photo: pinterest.com

 

Xem thêm:   Lễ hội hoa anh đào ở Macon

Sự so sánh con người với súc vật, theo xúc cảm thông thường, sẽ là một xúc phạm. Nhưng ở đây sự so sánh đưa độc giả tới một tiếng kêu, một tự vấn đớn đau:

Ðiều bất hạnh gì đã làm tha hóa con người – sinh thể duy nhất được sinh ra để sống đời tự do – tới mức quên cả bản thể thiên phú của mình và mất cả khát khao giành lại nó?

Bằng những kiến thức lịch sử, chính trị và thiên nhiên, de La Boétie khẳng định rằng:

Chừng nào còn là con người, người ta chỉ tự nô lệ khi có một trong hai nguyên nhân: hoặc họ bị cưỡng bức, hoặc họ bị lừa dối”.

Tới đây, có lẽ tất cả chúng ta đều đã nhận ra tấm lòng nhân hậu và lý trí khách quan của de La Boétie khi nhìn hiện trạng nô lệ triền miên của con người. Những cảm xúc chán ngán, giục giã ban đầu của ông khi nhìn người nô lệ hoàn toàn không phải là sự chán chường, khinh mạn yêu cầu người nô lệ phải tự giải phóng mình như nhiều độc giả hậu thế lầm tưởng, bởi ông phát hiện rằng:

Thực tế là ban đầu người ta phải phục dịch vì bị sức mạnh khuất phục; nhưng, các thế hệ sau phục dịch một cách bình thản, tự nguyện làm những việc mà ông cha họ đã phải làm vì bị cưỡng bức. Con người sinh ra trong gông cùm, lại được nuôi dưỡng trong nô lệ và không nhìn được xa sẽ tự hài lòng sống như khi được sinh ra và chẳng hề nghĩ rằng họ có những quyền, những tài sản khác với những gì họ đã có; họ coi tình trạng (nô lệ) khi sinh ra là một lẽ đương nhiên chẳng phải bận tâm”.

Lặp lại dụ ngôn Cái hang của Platon, de La Boétie viết theo một cách khác:

Xem thêm:   Hang gấu

Nếu có những xứ sở,…mà mặt trời, khác hẳn nơi chúng ta, sau khi chiếu sáng 6 tháng liên tiếp rồi tắt ngỏm 6 tháng sau đó, liệu có nên ngạc nhiên khi những người sinh ra trong thời kỳ đêm trường này, lại không hề được nghe nói đến ánh sáng cũng như chưa bao giờ thấy ban ngày, cứ điềm nhiên sống trong bóng tối nơi họ sinh ra mà chả ước mong gì ánh sáng? Người ta sẽ chẳng bao giờ tiếc nuối những gì chưa bao giờ có. U sầu chỉ đến sau những niềm vui, và, luôn luôn, chỉ thấy bất hạnh khi nhớ tới những tháng ngày sung sướng”.

Ông kết luận: “Nguyên nhân đầu tiên của tình trạng nô lệ tự nguyện, đó là thói quen”.

Chim lồng cho rằng sải cánh tung bay là bệnh hoạn. Photo: FB Nguyễn Văn Phước

Theo ông, thói quen, đặc biệt thói quen phục dịch, có một sức mạnh ghê gớm, mạnh hơn cả thiên bẩm:

Song, thói quen, cái thói luôn tác động rất mạnh lên chúng ta, lại có  sức mạnh lớn nhất khi dạy chúng ta làm nô lệ… nó khiến chúng ta nuốt trọn chén độc nô lệ mà chẳng thấy vị đắng cay. Không thể phủ nhận tạo hóa có sức mạnh áp đặt, nhưng chúng ta phải thừa nhận tạo hóa vẫn thua thói quen. Bởi thiên bẩm dù tốt đến mấy cũng phải phai lạt khi thiếu bảo dưỡng, còn thói quen luôn uốn ta theo ý của nó bất chấp tạo hóa”.

Qua những gì vừa trích dẫn chúng ta cũng có thể thấy trong cái gọi là “thói quen” nô lệ đã bao hàm sự giáo dục, uốn nắn con người tiếp tục duy trì sự tuân phục, vâng lời. Không chỉ thế, de La Boétie còn dẫn chứng nhiều chuyện lịch sử và thực tế sống động để nói rõ giáo dục có vai trò quan trọng trong việc định hình phẩm cách con người – duy trì hay phá bỏ thói quen nô lệ. Ông viết:

Xem thêm:   Nghề “The Squatter Hunter” - “Gậy ông đập lưng ông”

Giống như con người, mỗi loài cây cỏ đều có những đặc tính, phẩm chất tự nhiên, riêng biệt; tuy nhiên, thời tiết, thổ nhưỡng và bàn tay của kẻ làm vườn có thể làm tăng hay giảm các phẩm chất của chúng. Cùng một loài cây nhưng người ta không còn nhận ra chúng nếu chúng mọc trên một xứ sở khác”.

Chính đó là lý do đưa ông đến kết luận thứ hai:

Nguyên nhân đầu tiên khiến con người nô lệ một cách tự nguyện là vì họ đã bị sinh ra trong cảnh nô lệ và được nuôi dạy trong tình cảnh này. Nguyên nhân này sẽ làm bật ra một nguyên nhân khác: rằng, dưới chế độ bạo quyền, con người dễ dàng trở nên đớn hèn, yếu ớt”.

Thế là đã rõ, những tập hợp vô số con người cứ nhẫn nhục sống đời nô lệ, hết kiếp này tới kiếp khác, dưới sự thống trị của một hoặc một vài con người khác là bởi chính chế độ bạo quyền đã tạo ra các điều kiện lừa gạt, giam hãm con người trong tình trạng này từ khi họ sinh ra.

Với những kết luận này, de La Boétie đã chấm dứt mọi ngôn từ ngao ngán trước cảnh lầm than của tầng lớp bị mất tự do. Ông cũng chấm dứt những lời hiệu triệu như: “Hãy dứt đời nô lệ là bạn sẽ tự do” hay “Chúng hung hãn là bởi anh yếu đuối”.

Trong phần sau của bản luận văn de La Boétie dành sức đi sâu vào các vấn đề khai mở nhận thức cho người dân và giải trừ chế độ bạo quyền để chấm dứt “nô lệ tự nguyện”.

(còn tiếp)