Lời Giới Thiệu: Nhà văn Ý gốc Do Thái Primo Levi chào đời năm 1919 tại Turin, Ý. Ông được cho là đã  tự sát ngày 11.04.1987 ở chính nơi ông được sinh ra sau một thời gian u uất trầm cảm. Thực ra Primo Levi đã “chết” 40 năm trước đó trong thời gian bị giam cầm ở Auschwitz.

Phần lớn các truyện ngắn của ông trong tập The Mirror Maker (1989, Schocken Books Inc., bản dịch tiếng Anh của Raymond Rosenthal), đều thuộc thể loại khoa học viễn tưởng nhưng là một kết hợp tuyệt vời giữa tình yêu khoa học và những cảm  nhận của riêng ông về bản chất con người.

Thợ Làm Gương là một câu chuyện độc lập, được chọn làm tựa chung cho cả tập truyện

Timoteo, cha anh, và tất cả ông bà tổ tiên anh từ thời xa xưa đều theo nghề làm gương soi. Trong tủ nhà anh vẫn còn cất giữ những cái gương bằng đồng đã xanh lè vì rỉ sét, và những cái gương bạc đen sì sau mấy trăm năm người này người kia mó tay vào; cũng có những tấm gương khác làm bằng pha lê đóng khung bằng ngà hoặc gỗ quý.

Sau khi cha anh qua đời, Timoteo cảm thấy như được giải thoát khỏi những lề thói cũ rích; anh tiếp tục làm gương theo kiểu hàng chợ, phục vụ khách mua trong vùng kiếm được khấm khá, nhưng đồng thời anh bắt đầu nghiền ngẫm lại cái kế hoạch anh đã ôm ấp bấy lâu.

Từ hồi còn là một cậu bé anh đã phá lệ mà cha và ông của anh không hề biết. Ban ngày trong những giờ làm việc ở xưởng, với tư cách một người học việc kỷ luật, anh làm những thứ tầm phào chán phè, những tấm gương phẳng dẹt: trong veo, không màu, loại gương phản chiếu (tuy là ảnh ảo) hình ảnh của mọi thứ ở đời, nhất là mặt người. Buổi tối khi không còn ai giám sát, anh chế tác một loại gương khác. Công dụng của gương soi là gì? “Nó phản chiếu”. Giống như tâm hồn của con người vậy; nhưng những cái gương bình thường tuân theo quy luật vật lý đơn giản và bất biến; chúng soi chiếu cái thực tại mà một đầu óc bị ám ảnh và có định kiến sẽ soi chiếu giống như thế, làm như chỉ có một thực tại duy nhất! Những tấm gương bí mật của Timoteo linh động hơn nhiều.

Một số gương được làm bằng kính có màu, có sọc hoặc trắng sữa: chúng phản chiếu mọi thứ đỏ hơn hoặc xanh hơn vật thực, hoặc đa sắc, hoặc chạy đường viền có bóng mờ một cách tinh tế khiến cho sự vật hoặc con người kết tụ lại như những đám mây. Một số gương khác đa dạng hơn, được làm bằng những phiến kính dát mỏng có góc cạnh hoặc được ghép lại từ những mảnh kính vụn khiến hình ảnh vỡ ra, biến thành một tranh khảm mosaic thanh nhã nhưng khó thể giải đoán. Một mẫu gương, khiến Timoteo mất mấy tuần để chế tác, có thể biến cao thành thấp, phải thành trái, người nào soi gương lần đầu sẽ bị chóng mặt ghê gớm, nhưng nếu kiên trì trong vài giờ sẽ quen dần với cái thế giới lộn tùng phèo đó, và khi đối diện lại với thế giới ngay ngắn trật tự, người đó sẽ cảm thấy muốn nôn mửa. Một mẫu gương khác được ghép từ 3 mặt kính, qua đó người soi gương sẽ thấy chân dung mình được nhân ba. Timoteo mang nó làm quà cho Cha xứ để Cha có thể giải thích cho bọn trẻ sự bí ẩn về Chúa Ba Ngôi trong giờ giáo lý.

Xem thêm:   Tại sao khách hàng phải luôn chịu thiệt?

Có những tấm gương phóng lớn hình ảnh lên, như kiểu người ta hay vớ vẩn nói mắt bò nhìn thứ gì cũng to đùng lên như vậy, những tấm gương khác thì thu nhỏ hình ảnh hoặc làm cho mọi sự vật trông xa tít đến vô tận; trong một vài mẫu gương, người ta thấy mình cao nhòng gầy nhom, ở những mẫu khác lại thấy mình mập ú lùn tịt như Phật Di Lặc.

Bảo Huân

Với nhã ý muốn tặng cho Agatha một mẫu làm quà, Timoteo chọn loại gương gắn lên tủ áo có mặt kính hơi gợn sóng, nhưng rồi anh đã nhận được kết quả ngoài dự đoán. Khi người soi gương đứng yên, hình ảnh phản chiếu chỉ cho thấy những nét biến dạng mơ hồ; trái lại với chuyển động lên xuống, hơi khuỵu gối hay nhón gót, bụng và ngực sẽ phình lên xẹp xuống dữ dội. Agatha thấy chính mình biến thành một thân cò còm nhom với vai, ngực, bụng bị nén lại thành một nùi vắt vẻo trên hai cái que chân tong teo; liền sau đó lại biến hình thành con quái vật có lòng thòng một sợi dây ở cổ treo tòng teng những thứ còn lại, một đống ruột bầy nhầy chẹp bẹp như đất làm gốm, đùn đè xếp lớp lên nhau vì sức nặng của chính nó. Chuyện kết thúc một cách tệ hại. Agatha đập vỡ cái gương và hủy luôn đính ước, còn Timoteo thì đau, nhưng sự tổn thương không lấy gì làm trầm trọng.

Anh có một dự án tham vọng hơn nhiều. Một cách bí mật, anh thử nghiệm nhiều loại kính và các lớp tráng bạc khác nhau, đưa gương vào từ trường, rọi sáng chúng bằng những ngọn đèn được gửi về cho anh từ các xứ sở xa xôi, đến một lúc anh thấy gần như mình đã đạt mục tiêu vì có thể làm ra những tấm gương siêu hình học, được gọi là Metamir, kết hợp 2 từ metaphysical mirror. Metamir không tuân theo những quy luật thị giác mà phản chiếu hình ảnh của người soi gương qua cái nhìn của đối tượng đang đứng trước mặt mình: ý tưởng này không mới, Aesop đã từng nghĩ ra rồi, và ai mà biết được trước và sau Aesop thì còn ai khác nữa, nhưng Timoteo là người đầu tiên nhận biết điều ấy.

Xem thêm:   Một đời lan

Gương siêu hình học của Timoteo có kích cỡ nhỏ bằng cái thẻ điện thoại, dẻo mềm, và có thể bám dính: thật ra chúng được làm để gắn lên trán. Timoteo đã thử mẫu đầu tiên bằng cách dán nó lên tường, trong gương anh chẳng nhìn thấy gì đặc biệt: vẫn là hình ảnh thường ngày của một gã mới ba mươi mà đã hói, với dáng vẻ ranh mãnh, mơ mộng và hơi lơ đãng: nhưng tất nhiên là bức tường không nhìn thấy người soi và cũng chẳng lưu giữ hình ảnh của người đó.

Timoteo đã làm ra được 20 mẫu như thế. Và anh nghĩ rất nên tặng mẫu đầu tiên cho Agatha, người mà anh vẫn say đắm duy trì mối quan hệ, hy vọng nàng sẽ tha thứ cho anh về cái vụ gương gợn sóng lần trước.-

Agatha tiếp anh lạnh nhạt; cô lắng nghe dẫn giải của anh một cách cố tình thờ ơ, nhưng khi Timoteo đề nghị gắn Metamir lên trán, cô sẵn sàng đồng ý: cô rất hiểu những suy nghĩ của anh, quá hiểu nữa là đằng khác. Thật vậy hình ảnh mà anh thấy chính mình qua cái nhìn của Agatha giống y như trên một màn hình nhỏ, chẳng ngon lành gì. Mí tóc chẳng những trợt về phía sau, lại còn hói, hai môi hé lửng, vẽ nên một nụ cười ngốc nghếch để lộ hàm răng hư (đúng là lâu rồi anh cứ trì hoãn việc chữa răng mà nha sĩ đã khuyên), biểu cảm của anh chẳng có chút gì mơ mộng nếu không nói là ngờ nghệch, và ánh nhìn của anh thật kỳ dị. Sao lại kỳ? Timoteo sớm hiểu rằng trong một tấm gương bình thường, mắt người soi gương sẽ hướng thẳng vào chính mình, trong khi với loại gương này chúng nhìn xéo về phía trái của người ấy. Anh tiến đến gần hơn và hơi dịch chuyển sang một bên: ánh mắt liền hụt tầm nhìn, lẩn về phía bên phải.

Timoteo từ giã Agatha, lòng ngổn ngang các cảm xúc xung đột nhau: thử nghiệm của anh đã thành công, nhưng nếu Agatha thật sự nhìn thấy anh qua một hình ảnh như thế, sự đổ vỡ hẳn là vĩnh viễn.

Anh tặng mẫu gương thứ nhì cho mẹ mình, người chẳng hề cần đến giải thích dông dài. Timoteo nhìn thấy chính anh qua hình ảnh một thiếu niên tuổi 16, tóc vàng, đôi má hồng hào, dáng vẻ thanh cảnh và thanh khiết như thiên thần, tóc chải kỹ, nơ bướm thắt ngay ngắn nơi cổ áo: anh trộm nghĩ, thật không khác chi ảnh chụp cho quyển niên giám học đường. Không hề giống với tấm hình mà anh bắt gặp trong ngăn kéo vài năm trước đó, ảnh chụp cho thấy một cậu nhỏ sinh động, hòa đồng với hầu hết bạn bè ở trường.

Xem thêm:   Hành trình của báo chí

Mẫu Metamir thứ ba dành cho Emma, hẳn rồi. Timoteo đã chuyển tình cảm của mình từ Agatha sang Emma một cách đáng ngạc nhiên. Emma nhỏ nhắn, lười biếng, hiền lành và kín đáo. Em ngấm ngầm dạy cho Timoteo một vài kỹ năng mà bản thân anh chẳng bao giờ nghĩ tới. Em kém thông minh hơn Agatha, nhưng không cứng nhắc như cô ấy – người gì mà rắn như đá mã não – Agate-Agatha: trước đây Timoteo không hề nhận ra điều này: tên người cũng nói lên được chút gì đấy chứ.

Emma chẳng hiểu chi về công việc của Timoteo, nhưng em thường gõ cửa xưởng thợ của anh, lân la ở lại chơi nhiều giờ và mê mải quan sát anh làm việc. Trên đôi mày thanh tú của Emma, anh nhìn thấy một Timoteo thật tuyệt: chiều cao trung bình, cơ thể tầm thước: anh sở hữu một vòm ngực cân đối mà trước đó anh cứ ngậm ngùi tiếc sao mình không có, khung xương mặt đúng kiểu Apollo được mái tóc dày ôm sát như một vòng nguyệt quế, ánh nhìn trong sáng, hân hoan và hiếu thắng. Ngay lúc ấy Timoteo nhận ra rằng anh đã yêu Emma bằng một tình yêu mãnh liệt, dịu dàng và lâu bền.

Timoteo tặng vài mẫu Metamir cho bạn bè. Anh nhận thấy không hề có hai hình ảnh trùng nhau: nói tóm lại, không có một Timoteo thật sự. Về sau anh để ý thêm rằng Metamir có một đặc tính rất rõ nét: nó củng cố thêm tình bạn nghiêm chỉnh và lâu đời, trái lại nhanh chóng kết thúc những mối quan hệ bạn bè do thói quen hay xã giao mà có.

Tuy vậy, mọi nỗ lực khai thác kinh doanh loại gương này đều thất bại: những người bán gương đều đồng loạt báo rằng có quá ít khách hàng vừa ý với hình ảnh của mình qua cái nhìn của bạn bè người thân. Nói chung là doanh số rất thấp dẫu cho có hạ xuống nửa giá. Timoteo đăng ký độc quyền bằng sáng chế và mất mấy năm trời trầy trật giữ cho nó sống còn, anh hết hơi hết sức bán nó nhưng chẳng ai thèm mua, thế là anh bỏ cuộc và tiếp tục làm những cái gương phẳng dẹt có chất lượng tuyệt hảo cho đến tuổi nghỉ hưu.

TRẦN THỊ NGH (dịch)