Mỗi năm, cứ đến tháng Chạp là tôi thèm. Vâng, thèm… Tết.

Lúc nhỏ, nhà nghèo, tôi thèm tới Tết kinh khủng. Bởi mỗi khi Tết về, Má tôi sắm cho một bộ quần áo mới. Có năm được hai bộ, tùy vào tài chánh gia đình vào năm đó. Ðó là bộ đồ đẹp mặc đi học cho cả năm sau. Một cái quần đen hoặc xanh và cái áo sơ mi trắng, chính là niềm mơ ước của tôi và của bao đứa trẻ khác. Có khi, vì mua trừ hao cho thằng con đang lớn, má tôi mua cái “size” lớn hơn, cái quần rộng lưng, phải sửa lại. Nếu mua cận ngày Tết, những tiệm may đều bận rộn, không ai sửa được, thì lấy kim kẹp hai bên hông cho vừa, rồi đi chơi Tết. Chỉ nhiêu đó thôi, những ngày đầu năm đến trường tôi đã thấy mình rất bảnh. Mồng 1, mồng 2 còn được lì xì phong bì đỏ, nên lại càng thèm hơn.

Lớn lên chút, tôi lại mê Tết kinh hồn. Cứ gần những ngày Tết, không khí chộn rộn cả xóm. Bên này chuẩn bị bàn thờ, bên kia lau bộ lư hương sáng bóng, cuối ngõ nhà nọ làm bánh thơm nức mũi. Cái ngày gần cuối năm, nếu khá giả, mấy nhà trong xóm hùn nhau xẻ thịt một con heo nho nhỏ ăn Tết. Lũ chúng tôi được ăn cháo lòng ngay sáng ấy, thiệt đã. Thịt heo dùng gói bánh tét và để dành ăn ba ngày Tết và nhiều ngày sau đó. Còn nữa, chỉ một việc ngồi chụm lửa, đút củi vào lò, canh nồi bánh tét đang sôi cũng đã thích lắm. Mà trước khi gói bánh tét, phải ngâm nếp, rồi đãi sạn. Mà sao thời ấy, gạo và nếp lúc nào cũng nhiều sạn. Tôi ngồi phụ đãi sạn mà lòng vui quá chừng. Nếu dịp khác, chắc càm ràm trong bụng. Tối 30, má tôi cho mỗi đứa một ít tiền dằn túi. Ðứa nào biết lo xa, sẽ để dành mà xài cho những ngày sắp tới với những món ăn … chảy nước miếng trước cổng trường sau dịp Tết. Mấy ngày Tết, nơi tôi ở, người lớn trẻ em cùng nhau chơi Bầu Cua, chơi hô lô tô hai ngày Tết. Lô tô phải hô chuyên nghiệp. Có những câu nghe xong cười lộn ruột. Ðến mùng 3, không khí chùng xuống, bắt đầu vắng vẻ trở lại. Người người chuẩn bị đi làm, xuất hành đầu năm. Những cái Tết nghèo, đơn giản như thế nhưng đeo đuổi tôi đến tận bây giờ.

Xem thêm:   Ca sĩ Thanh Thúy

Lớn lên chút nữa, tôi lìa xa Việt Nam. Cái Tết đầu tiên nơi trại tị nạn, nhớ nhà đứt ruột. Sáng ra, cả đám tụ tập phía trước đánh bài “Tiến Lên” cho đỡ buồn. Buổi trưa, nghe mùi bánh thơm lừng mà mấy nhà bên hùn nhau chút đường, chút bột để tạo không khí mùa xuân. Buổi tối, đi ngang chỗ bán cà phê và nước ngọt nghe bản nhạc “Xuân này con không về” mà ứa nước mắt. Lại thèm cái Tết Việt Nam.

Bảo Huân

Rồi thời gian học đại học, lũ sinh viên cũng hùn nhau ăn Tết. Vì thèm không khí xưa, chúng tôi hứng chí chung tay làm hội Xuân, mở hội chợ, khiêng ghế, xếp bàn, lượm rác v.v. Thấy người người náo nhiệt hưởng Xuân, lòng mình cứ vui như … Tết.

Bây giờ tóc đã điểm sương và rơi rụng nhiều, tôi vẫn mong tới Tết. Thực ra, chỉ mong tới đêm 30. Mong, không phải để được lì xì, cũng không phải để nhận những lời chúc tụng của bạn bè đây đó. Ðêm 30, đốt thẻ nhang thắp lên bàn thờ, tôi thường khấn nguyện với Ðất-Trời cầu cho gia đình được bình an trong năm mới.

Ðêm 30, trong cái không khí tĩnh mịch và ấm cúng của gia đình, tôi nhìn lại những ngày đã qua, ngẫm những chuyện đời đã trải, để thấy những được – mất trong một năm dài. Cũng là lúc để hiểu ra mình còn hạnh phúc hơn bao người kém may mắn khác. Ðể thấy mình cần cho đi nhiều hơn nữa, chứ không phải để nhận vào; để thấy mình còn những lỗi lầm, sai sót (mà lẽ ra có thể tránh được) cần được người chung quanh rộng lượng bỏ qua; để thấy mình quá nhỏ bé trước đấng Tạo Hóa vô biên; để hiểu rằng luôn luôn có “ai đó” ở trên cao đang dõi theo từng hành động của mình, rồi nhủ lòng: cần sống tốt hơn, nên làm điều đẹp đẽ hơn cho mọi người xung quanh …. Và cũng không quên cầu cho lòng mình trong năm mới bớt tham-sân-si hơn năm cũ.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (03/14/2024)

Chỉ vậy thôi, mà thèm … Tết. Vâng, tới tuổi này, một đêm 30 như thế là quá đủ, quá hạnh phúc cho một năm dài. Còn nếu cụng được một ly với bằng hữu trong mấy ngày xuân, cho nhau một nụ cười thoải mái, thì niềm hạnh phúc đó dường như kéo dài bất tận.

ĐNV