Có lần, trong một tối bên nhau, chúng tôi đề cập đến nhiều vấn đề trong cuộc sống. Ðột nhiên, một anh bạn ngẫu hứng, ôm cây đàn, hát một ca khúc buồn. Hát xong, anh nói: cuộc đời tôi, có nhiều nhạc phẩm ám ảnh. Và anh hỏi mỗi chúng tôi, có giống anh không. Nếu có, thì đó là những nhạc phẩm nào?

Bạn bè, quanh lửa hồng, mỗi người trả lời một bài. Tới phiên tôi, chẳng biết sao lúc ấy tôi lại nói ngay đến một nhạc phẩm của Trần Thiện Thanh (TTT), trong đó có câu “Thành phố sau lưng ôm mộng ước gì?”. Câu trả lời của tôi chắc hợp với anh, nên anh khoái chí, bảo: “giải thích giùm tôi, tại sao?”

Giải thích một bài hát mình khoái, thật khó. Khó như tại sao một anh con trai lại đi mê một cái răng khểnh, dù nó chẳng hề đẹp gì với những người khác. Cũng khó như một anh chàng lãng mạn, đi mê một chiếc lá vàng bay, mà bỏ cả tháng ngày đi tìm những hình ảnh ấy…

Tôi thích bài hát này của TTT bởi ca từ của nhạc phẩm này chứa một cái gì đó, rất ma mị.

“Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi/thành phố sau lưng ôm mộng ước gì?”. Rất hiếm khi, câu đầu tiên trong một nhạc phẩm lại khởi đi từ một câu hỏi như thế. Chỉ những người đã từng rời xa thành phố, vì một lý do nào đó, hay đã từng phải bỏ nơi nào đó mà mình thương mến nhất, để đến một nơi xa lạ, mới thấm nỗi niềm “thành phố sau lưng ôm mộng ước gì?”.

Xem thêm:   Bộ sưu tập Báo Chánh Pháp

Tháng 11, năm 1968, TTT viết nên ca khúc này để tưởng nhớ người sĩ quan mũ xanh, bạn mình, cựu đại úy Vũ Mạnh Hùng đã ngã xuống trong trận chiến bảo vệ Sài Gòn vào dịp Tết Mậu Thân. Viết cho bạn mình, TTT đã diễn tả nỗi lòng của người lính mũ xanh ấy “Tôi là người vui chinh chiến dài lâu … nên mộng ước đầu tôi nghe đã chìm sâu.”. Mộng ước của tuổi trẻ trong thời chinh chiến bị chìm sâu trong khói lửa chiến tranh. Thương người tuổi trẻ không? Thương quá đi chứ.

Bìa bản nhạc “Rừng Lá Thấp” của Trần Thiện Thanh – nguồn nhạc vàng  

Bạn có biết tại sao TTT lại viết “Trọn kiếp yêu anh lính khổ xa nhà” không? Ðó không phải là ý của TTT. Ðó là khởi đi từ lời phàn nàn của Ðại Úy Vũ Mạnh Hùng, trong những lần về phép. Những lần đó, TTT đã không trả lời cho bạn mình, như ông tâm sự “thật khó khi nói về những người bạn đồng nghiệp.”.

Tuy nhiên tất cả những điều ấy không phải là điều tôi ám ảnh về nhạc phẩm này. Mà khởi đi từ “Thành phố sau lưng ôm mộng ước gì?”, TTT đã viết những lời nhạc thần sầu sau đó:

“Sao không hát cho người giết giặc trên cầu?

Khi bùn lầy còn pha sắc áo xanh…

Sao không hát cho những người còn mải mê

Xem thêm:   Rèn chữ

Lá rừng che kín đường về phồn hoa?”

Chưa có một bài hát nào mà đặt ra hàng loạt câu hỏi như thế, ngay từ câu đầu tiên của bài hát (thành phố sau lưng ôm mộng ước gì?), đến những câu cuối cùng.

Cựu Đại úy Vũ Mạnh Hùng – nguồn nhạc vàng

Không chỉ dừng ở đó, TTT đã đẩy lên một tầm cao hơn. Ở đó, không chỉ còn là lời trách móc của bạn bè, không chỉ còn là: “xin thật lòng trong câu hát đầu môi”, mà ở đó là trái tim của những bà mẹ, “Sao không hát cho những bà mẹ hằng đêm nhớ con xa?”. Mà xa hơn nữa là những người trai trẻ đã nằm xuống giữa một thời chiến tranh khốc liệt, “Hay hát cho những người vừa nằm xuống chiều qua?”.

Vâng, nhạc phẩm “Rừng Lá Thấp” không chỉ ghi lại một tình bằng hữu như thế, nó còn chứa đựng một trái tim mẫn cảm với bạn, với đời, như TTT đã viết “Xưa, một lần hành quân về ghé thăm tao, mày đã tỏ ý khó chịu về “những nàng ca sĩ cứ bô bô hát những bài ca đòi … “yêu”, đòi “chung tình” với lính. Tao đã không đáp, bởi … thật khó cho tao khi phải nói về những bạn … đồng nghiệp. Trong tình bằng hữu mười mấy năm còn thật đậm, tao ghi lại ở đây một ý kiến của mày, tiếc là mày không còn thèm nghe tao hát nữa … Hùng ơi”.

Xem thêm:   Thác lửa ở California!

Khi đã đạt đến “mày-tao”, ở đó không còn ranh giới của khách sáo, ở đó là sự thấu hiểu tận cùng của hai tâm hồn tri kỷ. Ðó là lời nói đứt ruột của người ở lại cho người vừa nằm xuống.

Chỉ khi nào đã bỏ một làng quê bình yên mình yêu quý, đã rời xa một thành phố mình thương nhớ, mới cảm hết “thành phố sau lưng ôm mộng ước gì?” như TTT.

Chỉ khi nào thấy hình ảnh người Mẹ ôm xác con mình, người như điên dại, mới thấu nổi “Sao không hát cho những bà mẹ hằng đêm nhớ con xa? Hay hát cho những người vừa nằm xuống chiều qua?” như ông.

Tôi (không biết là may mắn hay xui xẻo) đã đi qua, đã chứng kiến những cảnh đời như vậy. Và tôi thấm từng lời của nhạc phẩm này. Và, nó đã từng ám ảnh tôi, như thế.

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh – nguồn thuy-nga-paris-by-night.fandom.com

DNV