Nước Mỹ hình thành bởi những di dân và lịch sử cũng chỉ mới ba trăm năm. Nước Mỹ như một cái lẩu thập cẩm (hot pot) có đủ mọi sắc dân trên khắp thế gian này, trong số những sắc dân ấy thì người Mỹ gốc Phi chiếm đến 13.5% dân (thống kê 2005). Người Mỹ gốc Phi đến xứ sở này bắt đầu bởi việc mua bán nô lệ da đen, thời kỳ này kéo dài từ 1609 – 1807. Các lãnh chúa địa phương ở Châu Phi từ các xứ: Senegal, Gambia, Ghana, Gabon, Angola, Sierra Leone… đã bắt người da đen bán cho các thương thuyền của người da trắng, sau đó mang những nô lệ da đen đến Tân Thế Giới để buộc họ làm việc trong các đồn điền.

Tranh của họa sĩ Gilbert Young    

Năm 1860 có đến 3,953,731 nô lệ da đen. Người nô lệ da đen đến Mỹ bị các chủ nô cấm tiệt ngôn ngữ, văn hóa và tín ngưỡng của họ, buộc họ phải nói tiếng Anh và theo Thiên Chúa Giáo.

Năm 1862 tuyên ngôn giải phóng nô lệ được Tổng Thống Abraham Lincoln ban hành và đến 1865 thì tu chánh án mười ba của hiến pháp Hoa Kỳ thì người Mỹ gốc Phi mới thật sự được tự do. Suốt quá trình lịch sử người Mỹ gốc Phi ở xứ Cờ Hoa là một quá trình tranh đấu đầy gian khó. Martin Luther King Jr. là một con người vĩ đại đã đi đầu trong phong trào dân quyền, đấu tranh cho sự bình đẳng của người Mỹ gốc Phi nói riêng cũng như cho tất cả mọi sắc dân thiểu số nói chung.

Dream (tranh của họa sĩ Marcus E Bishop)

Người Mỹ gốc Phi đã và đang cống hiến những con người tài năng, ta có thể kể sơ qua vài tên tuổi nổi bật như: nữ văn sĩ Toni Morrison (giải Nobel văn chương), nữ ký giả Maya Angelou, ca sĩ Michael Jackson, Oprah Winfrey, Tiger Woods, Condoleezza Rice, Harriet Tubman, Muhammad Ali, Lebron James, họa sĩ Marcus E Bishop…

Condoleezza-Rice- Cựu Ngoại trưởng thời TT. Bush

Thành Ất Lăng (Atlanta) thuộc miền nam Hoa Kỳ, nơi đây ngày xưa là một chiến trường khốc liệt trong cuộc Nội chiến Nam Bắc Mỹ ( 1861-1865). Ðã có lúc thành Ất Lăng đã bị đốt cháy và san bằng thành bình địa, quanh thành Ất Lăng là vô số đồn điền bông gòn, thuốc lá, đậu, bắp… Bởi vậy số nô lệ da đen được đưa đến đây rất lớn. Ngày hôm nay tỉ lệ người Mỹ gốc Phi ở đây chiếm 65% dân số (thống kê 2005).

The Future of Jazz (tranh của họa sĩ Marcus E Bishop)

Cũng như mọi năm, cứ đến tháng Hai là cộng đồng người Mỹ gốc Phi ở Morrow (cũng như mọi nơi khác của nước Mỹ) đồng loạt tổ chức tháng lịch sử của người Mỹ gốc Phi. Trong tháng này có rất nhiều hoạt động kỷ niệm, tưởng niệm và vinh danh lịch sử, văn hóa, tập quán truyền thống của người Mỹ gốc Phi. Thiết nghĩ cũng cần biết một chút về lịch sử ngày này, tiền thân vốn là Negro History Week được nhà sử học Carter G Woodson đề xướng 1926, đến năm 1970 thì chuyển đổi thành Black History Month và được chính quyền liên bang thừa nhận. Năm 1976 Tổng thống Gerald Ford chính thức công nhận tháng lịch sử người Mỹ gốc Phi và kêu gọi công chúng: “Nắm bắt cơ hội và tôn vinh những thành tích, những nỗ lực phấn đấu của người Mỹ gốc Phi thường bị bỏ quên trong lịch sử chúng ta”

Equality for LGBT (tranh của họa sĩ Marcus E Bishop)

Năm nay cộng đồng người Mỹ gốc Phi ở Morrow tổ chức kỷ niệm Black History Month ở  Morrow Center rất lớn với sự tham dự của ca sĩ CeeLo Green, một ca nhạc sĩ đa tài của các dòng nhạc: Soul, Hip Hop, R&B, Funk, Gospel. Ca sĩ CeeLo Green từng đoạt giải Grammy Award, Best Award, Billboard Music Award, Brit Award. Ngoài CeeLo Green còn có các ca sĩ khác như: Tony Tatum, Richmond Punch, Tyrus Turner… Tại Morrow Center còn tổ chức triển lãm tranh của các họa sĩ: Marcus E Bishop, Gilbert Young và những hoạt động khác: biểu diễn thời trang, ẩm thực…

Họa sĩ danh tiếng người Mỹ gốc Phi còn triển lãm tranh ở Woodruff Arts Center, SCAD nhân  tháng lịch sử người Mỹ gốc Phi.

Exhibit Hall at Morrow Center

TLTP

Xem thêm:   Một chút cảm nhận

Ất Lăng thành, 2023