Lời Giới Thiệu: Trẻ nhận được bài “Sống giữa cơn đại dịch” của tác giả Hoài Năng (Canada) sau ngày12 tháng 11-2022,  là ngày kết thúc nhận bài cho cuộc thi viết Chuyện Mắc Dịch; nên bài nằm ngoài khuôn khổ cuộc thi. Đây là bài viết ghi lại cảnh sinh hoạt của một gia đình gần như là điển hình trong cơn đại dịch Covid 19 vừa qua. Khoảng thời gian mà mọi gia đình thể hiện được sự đùm bọc yêu thương nhau cũng như quyền biến trong sinh hoạt để tồn tại và vượt qua đại nạn. Trẻ trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Nhiều kỳ – kỳ 1

Giữa tháng Một năm 2020 tôi đi ngân hàng rút một ít tiền Mỹ để sang lại Florida, sau khi trở về ăn Noel với con cháu, hầu tiếp tục trốn cái lạnh đang đổ xuống Toronto ngày càng nhiều. Cẩn thận trong bộ đồ mùa đông dầy cộm cùng nón ấm khăn choàng, tôi đạp lên lớp tuyết ngập giày ở bãi đậu xe dưới bầu trời xám xịt đi lần vào trong.

Ðẩy cửa bước vào tôi chà chân cho bớt tuyết, rồi tiến tới đứng vào hàng chờ đến lượt. Chi nhánh ngân hàng nầy nhỏ gần chợ Tàu, cách nhà tôi có hơn cây số nhưng nghịch đường tôi ít khi đến, mà thường lại cái chi nhánh của mình. Hôm nay tôi ngại lái xe trên tuyết. Vả lại chỉ có rút tiền thôi nên tôi ghé.

Mọi việc lỉnh kỉnh tháo găng tay lau mắt kính xong, tôi ngước lên nhìn vào quầy hàng phục vụ và không khỏi giật mình khi thấy có năm bảy nhân viên, đa số là người Hoa mang khẩu trang.

Cảm giác đầu tiên tôi thấy nó chướng sao đó. Tôi có nghe tin tức là có một loại dịch cúm Coronavirus ở Vũ Hán Trung Quốc. Như Sars, Ebola trước đây cũng phát xuất từ Trung Quốc, hoành hành ở Trung Quốc chớ có mắc mớ gì ở đây mà làm có vẻ dị hụ vậy!

Xong việc tôi bình thản đi về. Ngoài đường mọi người bình thản sinh hoạt, đâu thấy có ai mang khẩu trang. Nhưng khi vào chợ Tàu thì không. Không biết có tin ngầm nào trong cộng đồng của họ không, mà mọi nhân viên phục vụ đều là người Hoa mang khẩu trang. Và kinh ngạc hơn là mọi khẩu trang và nước sát trùng tay mất sạch trên kệ của các tiệm thuốc tây Shoppers Drug Mart, cũng như các quầy bán thuốc không toa của các tiệm bán thực phẩm.

Khi đó tin tức trên báo chí hay truyền thông về bệnh dịch nầy chỉ phớt qua và cũng không có khuyến cáo gì từ các chính phủ Âu Mỹ, nên không ai để ý hay cảnh giác đề phòng cũng như dòm ngó gì đến ba cái khẩu trang. Ngày 28 tháng Giêng 2020, tôi với bà xã ung dung kéo va li lên máy bay trực chỉ Tampa Florida miền đất ấm, tưởng là có khai báo hay bấm đo nhiệt độ ở phi trường, nhưng không thấy gì hết.

Ðến Florida tôi đinh ninh là được an vui cùng nắng nóng, biển xanh cát trắng và bạn bè đồng niên, nhưng tin tức về con quái vật Coronavirus xuất phát từ Vũ Hán bên Tàu càng lúc càng chiếm nhiều thời gian trên truyền hình, radio báo chí và câu chuyện bạn bè khi gặp nhau làm tôi cũng phải để ý theo dõi. Cơn dịch đã bùng phát ở Vũ Hán, người lây qua người càng ngày càng đông. Bệnh viện không đủ chứa, không có thuốc diệt trừ con virus hay chữa trị. Người chết không kịp chôn và còn đến nỗi không kịp thiêu nữa. Ai mắc bệnh là phải tự cách ly ở nhà chờ chết. Thật rùng rợn và thương tâm.

Xem thêm:   Máy làm biếng

Con virus không dừng ở Vũ Hán. Nó bắt đầu tung hoành sang vùng lân cận, sang các nước lân cận. Hành tung của nó thế giới chưa biết được nên còn thờ ơ chểnh mảng. Ðến chừng 700 ca nhiễm và 5 ca tử vong trên du thuyền Diamond Princess đậu ngoài khơi Nhật Bản làm thế giới giật mình, thì nó đã bắt đầu xuất hiện ở nước Ý Âu Châu và nước Ba Tư Trung Ðông cách xa Vũ Hán mười mấy ngàn dặm.

Rồi thì con virus Vũ Hán xuất hiện ở Mỹ và khắp các nước trên thế giới như trăm hoa đua nở một màu rực máu. Ở Mỹ, đầu tiên tiểu bang Washington, kế đến New York với tốc độ lây lan nhanh chóng đến nỗi chính phủ Mỹ phải ra lệnh đóng cửa biên giới không cho phi cơ Trung Quốc đáp, rồi đến phi cơ các nước bị bùng phát dịch bệnh tiếp theo và sau cùng là các nước trên thế giới đồng loạt bế quan toả cảng, để tránh lây lan trong dân chúng nước mình. Nhưng lây lan vẫn lây lan, người nhiễm bệnh chết vẫn chết, làm mọi người trên khắp thế giới lo sợ hoang mang.

Cơ quan y tế các nước cũng điên đầu không biết con virus nầy lây lan như thế nào, chỉ biết từ người sang người nên đưa ra khuyến cáo người dân không nên bắt tay, giãn cách xã hội 2 mét, rửa tay với xà bông thường xuyên. Còn việc mang khẩu trang thì có hai ý kiến trái ngược nhau. Có bác sĩ khuyến khích mang, bác sĩ khác lại đã kích đấy là ổ bệnh, làm người dân chính giữa không biết đâu mà lần. Mà nếu có muốn mang thì cũng không có vì thị trường đã hết sạch từ tháng trước, sau khi Trung Quốc gom góp vơ vét khắp thế giới chở về nước.

Người dân thiếu thốn không nói làm gì. Chỉ tội cho cơ quan y tế bác sĩ y tá và nhân viên ở tuyến đầu ngăn chặn con virus, mà không có để bảo hộ thân mới thấy cái dã tâm của người ác và lòi ra câu hỏi trong mọi người: con virus Vũ Hán là tự nhiên hay nhân tạo?

Phải mất một thời gian tìm tòi khám phá, truy tìm xuất xứ con virus Vũ Hán quái ác nầy, các nhà khoa học, bác sĩ chuyên viên phòng thí nghiệm cho biết con quái vật nầy có thể sống trong không khí từ 3 đến 7 hay 12 giờ tùy môi trường nó tiếp xúc, rồi sau đó tự hủy. Một khi nó xâm nhập được vào cơ thể con người qua đường hô hấp mũi, miệng, mắt, nó sẽ đóng tổng hành dinh ở ‘ngã ba Chú Ía’ bốn đến bảy ngày để sinh sản thành binh đoàn rồi xâm nhập phổi, lục phủ ngũ tạng, tung hoành ngang dọc, vật người bệnh mê man cảm sốt rồi thẳng cẳng đi đong.

Cái nguy hiểm là ở chỗ không ai ngờ, ai biết mình bị nhiễm trong thời gian từ bốn đến bảy ngày đầu, nó đóng quân ở tổng hành dinh, để tạo binh đoàn vì không có triệu chứng gì hết, khoẻ mạnh bình thường. Bốn đến bảy ngày đó người mắc bệnh đã tiếp xúc biết bao người rồi? Lây lan cấp số nhân, số ngàn.

Người Trung Quốc định cư khắp thế giới về quê ăn Tết trở về, người dân đi du lịch Trung Quốc và các nước bị lây lan trở về mang theo con virus trong người, mà chẳng hay chẳng biết mình mắc bệnh. Tràn lan, tràn lan.

Xem thêm:   Bánh ít lá gai

Chính phủ ra lệnh trường học đóng cửa, nhà thờ, chùa, cơ sở tôn giáo đóng cửa, nhà hàng quán ăn đóng cửa. Tất tần tật mọi sinh hoạt đông người đóng cửa. Làm người dân hoảng loạn chạy nhau giành giựt, vơ vét tất cả những gì có ở các cửa tiệm thực phẩm đem về cố thủ, cửa đóng then gài chống lại trận chiến vô hình đầy nguy hiểm, khiến cho ngày nào thành phố ồn ào náo nhiệt đèn đuốc sáng trưng đêm ngày, bây giờ rơi trong lặng lẽ như thành phố ma, thành phố chết. Trong khi nhà thương thì ngập người với số báo cáo người lây nhiễm và người chết đỏ cả bảng. Các trung tâm nhà già, ông cả bà lão rụng như lá mùa thu, mà con cháu không được thăm viếng tiễn đưa lần cuối có thời nào tức tưởi hơn không!?

Tôi đã nhìn thấy những bức ảnh vô tiền khoáng hậu của những tay săn ảnh Sài Gòn, New York, Paris, Tokyo … Ðường phố không một bóng người, không một chiếc xe, không cả con chó chạy rong ngoài đường … thật buồn và không thể tưởng tượng nổi nó đã xảy ra trên cuộc đời nầy.

Birthday thời Covid. Trái: Tác giả Hoài Năng.

May mắn đầu tháng Ba vợ chồng tôi về lại Toronto để đám giỗ ba tôi và ba vợ, nếu không sẽ bị mắc kẹt bên đó không biết làm sao mà về. Ðến nhà tôi gọi điện thoại ngay cho đứa con gái đề nghị nó bỏ chuyến đi du thuyền của gia đình nó vào dịp lễ tháng Ba (march break). Nó không nghe bảo rằng đã mua giữ chỗ từ hai năm trước bốn vé chớ đâu rẻ mà bỏ. Với lại du thuyền sẽ kiểm soát sức khoẻ của tất cả hành khách cho an toàn mới cho lên tàu. Như không thuyết phục được nó tôi nói: “Tuỳ con, con đi làm thông hiểu tin tức nhiều hơn ba. Tình hình lây nhiễm từng ngày con theo đó mà định liệu. Tiền mất có thể kiếm lại được, sức khoẻ mất khó lắm con”. Nó dạ. Vợ chồng tôi hồi hộp và mong cho nó bỏ.  Một tuần trước ngày 15 tháng 3, ngày chúng nó lên tàu, nó gọi tôi lúc sáng sớm báo cho biết đã hủy chuyến đi và mất một phần tiền. Tôi nghe mà mừng vô hạn, cảm tạ Chúa đã soi sáng cho nó và nhậm lời chúng tôi cầu. Tôi an ủi nó: “Tuần tới sinh nhật ba, gia đình Mai và gia đình con về ba mẹ nấu cái gì cho ăn”.

Tháng Ba tình hình chưa nguy kịch lắm, nhưng chúng tôi cũng áp dụng  giãn cách xã hội. Thật buồn cười khi chồng nó là thằng Ý và con nó là hai thằng Ý lai, không dám nhào vô ôm ông bà chào mừng như thường lệ, mà đứng xa xa chắp tay thưa ba, thưa ông bà. Truyền thống Việt Nam thật hay từ ngàn xưa mà bây giờ Âu Tây mới áp dụng.

Cũng trong tháng Ba nầy ngày 15 đám giỗ ba tôi và tuần sau nữa đám giỗ ba vợ tại nhà tôi. Cho nên sau khi gọi cho con, tôi liền gọi các anh chị em tham khảo ý kiến về việc giỗ quảy. Tất cả ai nấy cũng rét con Corona nên đề nghị sách lược án binh bất động nhà ai nấy giỗ. Lại chuyện hy hữu trong đời!

Xem thêm:   Hành trình của báo chí

Lây lan từng ngày, con số người nhiễm bệnh càng ngày càng tăng, chính phủ đưa ra các biện pháp cấm đoán, giới hạn đi lại để ngăn chặn lây lan. Biết thân phận người già lớn tuổi miễn nhiễm kém vợ chồng tôi tự nhốt trong nhà không dám ló mặt ra ngoài đường. Nhưng rồi ăn uống chợ búa thực phẩm thì sao? Lo lắng chưa giãi bày thì đứa con gái nhà ở gần điện thoại nói ba mẹ không nên ra đường, chợ búa để con lo. Ba mẹ muốn mua gì cứ nhắn tin cho con cái danh sách con sẽ đi mua. Khi nào xong về gần tới nhà con sẽ gọi điện thoại, ba mẹ mở cửa garage con chất đồ vô đó cho ba mẹ rồi về.

Bị hù doạ con virus sống từ bốn đến bảy giờ, lỡ nó bám vào thực phẩm mó vô thì khốn. Tùy theo đồ khô hay đồ tươi tôi bỏ mặc ở đó với cửa garage mở toang hoác cho con virus nó bay đi đâu thì đi. Nghe bạn bè bày biểu, sao nó cực quá mà phải làm. Tôi mang găng tay, đội nón, mang khẩu trang đổ đầy bốn thùng nước. Một thùng pha nước tẩy javex, một thùng pha xà bông rửa chén, hai thùng nước sạch rồi lôi hết rau cải, củ, trái gì rửa hết. Thịt cá trong bao rửa luôn. Ðể cho ráo rồi mới lần lượt để vô tủ lạnh. Xong xuôi tháo găng tay, lột khẩu trang quăng vô thùng rác và tuột hết quần áo quăng vô máy giặt rồi lên phòng tắm khò miệng với nước sát trùng trước khi dội nước tống khứ con Coronavirus ngoan cố xuống cống rãnh cho vi trùng đục chết cha nó cho rồi. Mệt bở hơi tai.

Sợ gì sợ dữ. Con Coronavirus không thấy, nhưng có một lần thấy mấy con Corona tổ chảng từ đâu trên mấy cây trước lộ quá thính mũi, tuột xuống xông vào garage cắn xé tơi tả mấy bịch trái bơ trong lúc tôi tắm rửa trên lầu. Khi xuống đến nơi để xếp đồ vô tủ lạnh, thì hỡi ơi một bầy ‘Corona sóc’ túa chạy và tan tành. Giận thiệt! Từ đó tôi không dám để cửa garage mở toang hoác cho con virus bay đi xa nữa.

Tôi thầm nghĩ nếu quả thật con Coronavirus lớn như mấy con sóc nầy thì mình đâu có sợ mà ngược lại là có. Hèn chi ông bà ta nói thật chí lý: Thấy thì không sợ. Sợ vì không thấy!

Ngày ba bữa cơm no rồi lúng túng trong nhà, bà ngó ông, ông ngó bà riết chắc khùng nên  tôi moi tìm mọi việc trong nhà để làm cho bận. Tháng Tư tuyết tan hết rồi nhưng thời tiết còn lạnh chưa trồng gì được, ngoại trừ xà lách Bắc Mỹ có thể hên xui nếu đêm về nhiệt độ không rớt xuống dưới năm bảy độ C. Tôi cuốc đất xốc giồng cái vườn sau coi như phơi đất và gieo vài luống xà lách, nhưng khi lục trong thùng đựng hột giống không còn bịch nào, ngoại trừ mấy bịch hột bầu bí mướp dưa leo của Việt Nam

Thường thì mỗi năm tôi mua hột giống ở Canadian Tires và Home Depot. Nhưng giờ nầy chỉ có tiệm bán thực phẩm mở cửa hạn chế, khách hàng phải xếp hàng bên ngoài theo quy định giãn cách xã hội còn tất cả cửa tiệm khác đều đóng cửa bán online. Tôi mua online nhưng không tiệm nào có, kể cả Walmart và các nơi khác. Bó tay!

(còn tiếp)