Bài dự thi số 21

(…..mai sau có được  lên Trời

 …nhớ tìm ông Vệ hỏi đời có vui!?)

Hai câu vè vớ vẩn tôi viết để nhắc nhở 1 thằng bạn, cái thằng hay than thở với tôi là sao đời này “vui quá”  vào cái ngày tôi nghe tin ông Vệ xóm tôi đã chết…

Vâng, ông Vệ chết rồi, chết đúng cái ngày quân Taliban tràn ngập Kabul, kéo theo tiếng súng nổ, sự giết chóc. Cuộc diện đã khiến người dân Afghanistan lâm vào cảnh sợ hãi, hỗn loạn, cuống cuồng, và rất đông đang tìm đường tháo chạy khỏi đất nước…

Cùng thời điểm, nhưng cách xa Kabul  đến 4612 cây số, ở đây, Saigon Việt Nam, dịch cúm đang bùng phát, nguy cơ tràn ngập khiến người dân các tỉnh cũng đang tìm cách bỏ chạy khỏi thành phố để trở về quê của mình…

Tôi viết ra hai sự kiện khác nhau, nguyên nhân cũng khác và đang xảy ra ở hai địa danh hoàn toàn khác nhau để muốn nói rằng: Bất kỳ một biến cố nào, dù chính trị hay xã hội đã đem lại  những cái chết và nỗi hoảng sợ, thì cái chết, sự sợ hãi, và nỗi buồn nó mang đến cho con người ở đấy không khác nhau là bao!

Ông Vệ chết mà nhà ông không hề biết, xóm láng chẳng ai hay,  mãi đến khi đoàn người ở tỉnh tháo chạy khỏi Saigon lúc bùng dịch có người ghé qua nhà ông báo tin, thì cả xóm mới biết!!

Không như lãnh đạo một quốc gia, những tỉ phú doanh nhân, các khoa học gia tên tuổi, những ngôi sao giải trí, thể thao nổi tiếng chết, truyền thông, báo chí đưa tin nóng, tin nguội… Cái chết của ông Vệ xóm tôi thì thật sự đáng buồn. Bởi ngay chính vợ và những đứa con ông cũng chỉ buồn có một nửa, nửa còn lại nhường chỗ cho cái hy vọng không bao giờ đến với gia đình ông: là người báo tin đã có sự nhầm lẫn!

Bởi cho đến tận giờ, gia đình ông vẫn chưa nhận được một tin báo nào xác nhận rằng ông đã chết…

Xem thêm:   "20 ngày tại Mariupol"

Ông Vệ chết không ai biết. Nhưng khi ông sống thì không ai ở đây là không biết khi nhắc về ông:  “Cái ông Vệ ăn mày ấy mà!”.

Vâng, ăn mày, hành khất hay ăn xin là cái tên gọi cho cái nghề ai cũng cho là thấp hèn của ông.  Nhưng thật oái oăm, đây lại chính là một nghề đang HOT của cái tầng lớp kiếm ăn đường phố ở đây, cái nghề đang có sự cạnh tranh gay gắt trong cái giai đoạn mà báo chí đang nói nhiều về cái thuật ngữ “ toàn cầu suy thoái”

Ðược cái là nghề này nó lại được nằm trong số ít những nghề hiếm hoi không phải “đăng ký kinh doanh”, môn bài, và cả đóng thuế thu nhập. Ðơn giản là khi giao dịch, đối tác sẽ vất thẳng tờ tiền xuống cái mũ của người đi xin đặt ngửa dưới đất mà  không phải chuyển qua bất cứ một tài khoản ngân hàng nào cả, nên  kiểm toán để tính thuế  được cho là  bất khả thi…

Nhưng nói gì thì nói, tôi vẫn nói vui rằng, với ai chứ, riêng ông Vệ, tôi cho là ông ta rất khôn khi biết chọn cho mình một chỗ tốt và đẹp nhất để trút hơi cuối cùng. Ông chết trên hè con đường Duy Tân, cái con đường cây dài bóng mát của  một bậc thầy lãng mạn kiêm nhạc sĩ có tên là Phạm Duy năm nào. Tôi không biết  con đường này giờ còn cây dài bóng mát không. Nhưng chắc chắn nó vẫn là một con đường đẹp. Hơn nữa, đây còn là một con đường điển hình cho một thành phố của một quốc gia đáng sống và hạnh phúc hạng nhì thế giới (đã có lần ông Vệ rất vui khi kể cho tôi biết điều này,và nói nó làm ông hãnh diện khi nghe được từ radio và báo chí.)

Mà đã là con đường đẹp thì đương nhiên thành phố phải gìn giữ, không để hiện ra những hình ảnh không đẹp, ví dụ như rác, bọn đánh giày, lũ ma cô, đám hàng rong, bầy gái điếm, và cả những cái xác vô gia cư nằm chết làm mất cả mỹ quan đường phố, điển hình như cái xác của ông Vệ!

Xem thêm:   Panatnikhom nhớ Bidong

Có thể như ông Vệ đã biết điều này nên ông đã đoán trước rằng một khi ai đó phát giác ra xác của ông, người ta sẽ gấp rút tìm ngay một cái quan tài để bỏ ông vào đó, sau đó tìm chỗ đưa ông đi chôn cất tử tế, để con đường biểu tượng của thành phố sẽ luôn là một con đường đẹp, kể cả đang trong cơn đại dịch. Ông được chôn cất tử tế, còn chính quyền sẽ nhận được những điểm tốt trong mắt của mọi người. Ðẹp cả đôi đàng. Tôi cho là ông đã suy nghĩ rất kỹ là vậy!

Bảo Huân

Trong khi đó ở quê nhà, bà Vệ, vợ ông vẫn không thể làm giấy khai tử cho ông. Lý do duy nhất là ở địa phương không nhận được bất cứ một báo tin nào về cái chết của ông. Cũng vì không có được chứng tử nên gia đình ông cũng không thể làm đơn xin hỗ trợ của chính quyền cho gia cảnh những người bị dịch bệnh.

Và như thế ông Vệ đương nhiên cứ được sống …

Tưởng rằng ông Vệ cứ thế “Sống mãi trong…”  nhưng thực tế ông đã chết. Bỗng một ngày (sau dịch), có một người phụ nữ, theo như kể, đã đón xe đò từ Saigon ra đến tận tỉnh ÐakNông tìm nhà bà Vệ.  Chị ta đã trao lại cho bà Vệ một cái hũ gốm được đặt gọn gàng trong một chiếc hộp giấy, nói đây là tro cốt của ông Vệ.

Người phụ nữ có tấm lòng hiếm có này kể, chị ta  chỉ là một công nhân vệ sinh nghèo, khi dọn vệ sinh đường phố đã phát giác ra ông Vệ nằm chết trên vỉa hè, chị đã thu gom giấy tờ, đứng ra bảo lãnh làm thân nhân để xác ông được mang đi thiêu tử tế như một bệnh nhân không may từ bệnh viện qua đời. Sau đó chị ta  ghi tên tuổi và địa chỉ nhờ người nhà,báo tin cho gia đình bà Vệ hồi vài tháng trước.

Xem thêm:   Hành trình của báo chí

Hôm người phụ nữ đến, tôi nghe tin cũng có mặt. Nhìn dáng vẻ bề ngoài và cách ăn mặc của người phụ nữ thấp bé, có vẻ như già trước tuổi, theo như lời bộc bạch của người chị, tôi nghĩ chị rất nghèo về tiền bạc, nhưng chị ta là một người rất giàu tình cảm và đầy lòng trắc ẩn …

Và tuy không phải là một người phụ nữ có một dáng hoàn hảo. Nhưng với tôi, chị ta có hay không, chính là một Thiên thần đến  từ Trời để an ủi, tiếp sức cho gia đình bà Vệ trong những ngày thật khó khăn, đầy bối rối trong cơn đại dịch này…

Trong ngày hạnh ngộ bất ngờ giữa kẻ chết người sống, người quen kẻ lạ này, tôi thấy mọi người ai cũng lau nước mắt, những giọt nước mắt không phải vì khổ đau, mà là những giọt nước mắt mừng tủi, xúc động vì tấm lòng của một người chưa quen biết dành cho đồng loại của mình.

Và sự tình cờ khiến mọi người gặp nhau hôm ấy, có lẽ để giúp người ta biết nhìn nhau bằng ánh mắt biết ơn và thương cảm nhau hơn…

Chiều hôm ấy, cơm nước cùng bà Vệ và vài người hàng xóm xong, người phụ nữ đón xe trở về Saigon vì mai còn phải đi làm. Tôi giúp đưa cô ấy ra xe, cảm ơn thay bà Vệ,  rồi chào tạm biệt chị.

Quay về nhà, tôi chẳng biết mình đang vui hay buồn. Ngả lưng trên ghế, tôi mở máy nghe Khánh Ly hát “… Nếu thật? hôm nào… tôi phải đi! Tay chia ly cùng đời sống… này….Ôi ! bao nhiêu điều chưa nói cùng…”

ĐD