Cách đây vài hôm tôi nhận được một lá thư  điện tử từ Mỹ với nội dung như sau :

“Trẻ Magazine mến chúc các bạn một mùa Lễ Tạ Ơn nhiều niềm vui cùng mọi sự tốt lành.

Xin thành thật cảm tạ sự cộng tác và ủng hộ của quý bạn trong những tháng năm qua.

Thân mến,

BBT”

Ðọc xong, tôi cảm thấy lạ lùng vô cùng vì từ trước tới giờ tôi có quen ai ở Mỹ và có bao giờ đọc hay cộng tác với một tờ báo nào ở Mỹ đâu.

Lạ lùng hơn nữa, vài ngày sau cũng lại cái Trẻ Magazine đó còn gửi cho tôi một lá thư cảm ơn nói rằng tôi đã gửi bài cho họ. Sao lại có một tờ báo có sự nhầm lẫn lẩm cẩm đến thế??? Khó chịu hơn nữa, tôi rất muốn đi tắm nhưng vợ tôi cứ nhất định nói rằng tôi vừa tắm táp xong, đầu tóc vẫn còn chưa kịp khô.

Thật ra trên đây chỉ là một sự tưởng tượng nhỏ của tôi sau khi đọc một phong thư nhân dịp Noël từ Institut du Cerveau et de la Moelle épinière (ICM – Viện nghiên cứu về Não và Tủy cột sống). Ðây là một lá thư kêu gọi làm phúc-trợ giúp tài chính cho các nghiên cứu y khoa nhằm tìm ra nhanh hơn các phương pháp chữa trị hiệu quả cho một số bệnh nan y não-tủy cột sống hiện nay, trong đó có bệnh Alzheimer – ký ức bị xóa dần.

Chợ Noel đã dựng lên ở giữa khu La Défense-Paris – nguồn frenchmoments  

Tên bệnh Alzheimer tôi đã đọc và đã nghe rất nhiều lần, nhưng chưa bao giờ tôi hình dung được hệ quả trầm trọng của căn bệnh này cho tới khi đọc phong thư vừa nói.

Xem thêm:   Hành trình của báo chí

Phong thư đó có kèm một lá thư của một người đàn ông 65 tuổi tên Paul có một gia đình đầm ấm nhưng cách đây 02 năm được chẩn đoán bị mắc căn bệnh Alzheimer ở dạng phát sớm.

Paul viết rằng “Căn bệnh này sẽ từ từ xóa hết mọi ký ức quý giá của đời tôi… Ðôi khi tôi đã cảm thấy tôi đang sống ở một thế giới không giống với thế giới của vợ con tôi. Giống như tôi chưa từng sống cùng họ. Tệ hơn, tôi còn thực sự không có cảm giác quên vì tôi đã không biết những gì mọi người đang nói với tôi. Ðể trấn an vợ con, tôi tự thay đổi… tôi giả vờ là tôi vẫn nhớ.

Tuy nhiên, tôi rất sợ rồi sẽ mất hết tất cả, trở thành gánh nặng cho gia đình, trở nên hung hãn với mọi người. Buồn thay, những điều này đang trở thành sự thật…

Ông Chủ tịch của viện nghiên cứu nói trên cho biết rằng Alzheimer là một trong những thách thức lớn nhất của y khoa hiện nay. Những bệnh về thần kinh não như Alzheimer, Parkinson, Huntington, Ðộng Kinh, U Não… thường không phụ thuộc vào tuổi tác hay lối sống, chúng có thể đột phát ở bất cứ ai, bất kỳ thời điểm nào của cuộc đời. Hiện nay chưa có một liệu pháp nào có thể chữa khỏi các căn bệnh đó. Những người như Paul chỉ có một hy vọng duy nhất: Tiến bộ của khoa học. Và những nhà khoa học cần phải có phương tiện, tài chính để sống và tập trung cho nghiên cứu.

Kết thúc lá thư, ông Chủ tịch ghi rằng  “Hỗ trợ các nhà khoa học của chúng tôi là quý vị đã tự tham gia vào một trong những cuộc thám hiểm vĩ đại nhất của y khoa trong thế kỷ 21. Mỗi ngày, các nhà khoa học trong viện chúng tôi đều miệt mài làm việc để có thể giúp tất cả chúng ta có một cuộc đời và một tuổi già êm đềm. Tôi trông chờ ở lòng hảo tâm của quý vị giúp cho khoa học tiến lên.

Kính thư,

Giáo sư Gérard Saillant

Chủ tịch ICM

Nhân dân Venezuela đang khốn cùng. Không có trợ giúp của bạn, tương lai họ sẽ ra sao?

Ðây chỉ là một trong hơn chục lá thư tương tự tôi nhận được trong dịp Noël năm nay từ khi có một địa chỉ cố định. Lá thư kêu gọi làm phúc nào cũng đầy xúc cảm, đều khơi dậy những hiện thực ảm đạm, u buồn, thiếu may mắn của cuộc sống. Những người già cô đơn; những người thiếu ăn, thiếu chỗ ở; các trẻ em mồ côi; những người nhập cư vương vất ngoài đường; trẻ em các vùng chiến tranh; … và cả những con thú nuôi bị bỏ quên.

Xem thêm:   Nỗi buồn tháng Tư

Trước đây nói đến hay nghĩ đến Noël, tôi thường chỉ hình dung ra những sắc màu tươi tắn, những âm thanh rộn ràng reo vui và những món quà, món ăn hấp dẫn, đầy sắc màu như chúng ta vẫn thấy trên hầu hết mọi ấn phẩm, mọi trang thông tin, truyền thông trong dịp này. Và chắc Trẻ Magazine cũng không là ngoại lệ.

Ngay cạnh chỗ tôi trú ngụ, cây thông Noël và các trang trí cho Noël đã được Tòa thị chính cho dựng lên ngay từ cuối tháng Mười Một. Các trung tâm mua sắm đều bắt đầu các chương trình nhằm tô điểm đẹp hơn và cuốn hút khách hàng tiêu dùng nhiều hơn. Các chợ Noël truyền thống rực rỡ cũng đã bắt đầu khai trương nhộn nhịp. Ở đây, mọi người đã bắt đầu nghĩ đến các món quà cho người thân và bằng hữu. Ðó là một truyền thống của người Pháp, người Âu.

Nhưng đối với tôi bắt đầu từ năm nay, Noël còn là mùa chung tay đóng góp với xã hội, chia sẻ bớt những khó khăn, thiếu thốn của tha nhân hay đóng góp để giúp xã hội, nhân loại tiến lên. Ðây cũng là một truyền thống của người Pháp, người Âu.

Bất hạnh xảy ra quanh năm, nhưng đêm Noel vẫn nặng nề hơn cả.

Theo một số liệu của France Générosités, trong năm 2018, 41% số tiền làm phúc của người Pháp được đóng vào ba tháng cuối năm – mùa Noël; 67% thanh niên Pháp khai báo đã từng một lần hỗ trợ tài chính cho một hội đoàn/quỹ, 24% khai báo đã từng đóng góp nhiều lần trong năm. Người Pháp làm phúc rất miệt mài: 94% số tiền làm phúc đến từ những người đã từng cho tiền; tổng số tiền làm phúc người Pháp đóng góp trong năm 2015 là 7.5 tỷ Euros.

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

Theo một thông tin của Le Figaro năm 2018, dù có khó khăn về kinh tế, người Pháp vẫn có xu hướng làm phúc nhiều hơn: trong 10 năm, số tiền các cá nhân Pháp làm phúc cho các hội đoàn đã tăng lên 70%.

Những số liệu ít ỏi này đủ cho thấy người Pháp có một tinh thần rất có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội; sự tin tưởng lẫn nhau trong công tác cộng đồng hay từ thiện cũng rất cao, và vẫn tiếp tục tăng lên.

Một anh bạn Pháp gần đây có hỏi tôi về chuyện đóng góp từ thiện ở Việt Nam. Tôi trả lời rằng so với Pháp chúng tôi còn thua xa, nhưng tôi biết đang có một số người Việt đã có tinh thần cộng đồng và lòng hảo tâm như người Pháp ở đây. Anh bạn nhìn tôi và nói: thế là có hy vọng!

PHS – 10/12/2019