Ngày trước ở Việt Nam, Thư có lần nghe người anh họ đọc thơ hài hước “Ăn nhiều, đi chậm, hay cười. Hay mua đồ cũ là người Việt Nam”. Nghe xong cười vui một hồi rồi Thư đáp: “Anh nghe ở đâu ra thơ châm chích thế. Thời buổi này còn ai ham mua đồ cũ nữa”.

Qua Mỹ, Thư thành con nghiện mua đồ cũ. Ôi, những món đồ tốt, đôi khi mới tinh, giá lại rẻ, ai mà không ham cho được. Thỉnh thoảng những món đồ ấy còn được cho không. Ðến mang đi còn được chủ nhà chạy ra cám ơn rối rít- điều làm Thư ngỡ ngàng đến ngơ ngác những lần đầu.

Một ngày Thư bắt gặp dòng quảng cáo trên mạng. “Chuyển nhà, có nhiều đồ free. Ai cần thì đến lấy. Cảm ơn nhiều. Ðịa chỉ…” kèm theo vài tấm hình về các món đồ. Chỗ ấy cách nhà Thư có vài phút. Thư vui mừng kéo Dan đi.

Ðó là khu chung cư yên tĩnh với những căn nhà xinh xắn dành cho người cao tuổi. Ðồ đạc được xếp ngay ngắn trước hiên. Bộ bàn ghế đơn giản nhưng gỗ tốt. Và đặc biệt là những món đồ dùng nhà bếp, tuy cũ nhưng sạch bóng, từ thương hiệu nổi tiếng. Một vài món vẫn còn nguyên trong hộp. Thư hớn hở giục Dan gom nhặt chất lên xe.

Về đến nhà, Thư lôi đồ ra lau rửa, ngắm nghía mới nhận ra: những chiếc dĩa được làm từ Pháp, từ Ý, ly và tách thì làm từ Nhật. Một chiếc tô sứ kiểu cách còn có lời đề tặng dưới đáy, ký tên một cô Natalie nào đó. Lòng Thư chợt trổi lên những suy đoán về chủ nhân của những món đồ: Một phụ nữ giàu có, du lịch nhiều nơi, giao thiệp rộng nhưng yêu thích làm vườn và nấu nướng. Rồi Thư lan man nghĩ về người đó, giờ bà ấy ra sao nhỉ?

Xem thêm:   Chiếc ghế gỗ đu đưa

Vài ngày sau, Dan kêu ầm lên khi Thư đang lui cui trong bếp. “Thư, lại mà xem này. Căn nhà nơi bọn mình mới đến lấy đồ free vài ngày trước. Người ta đang  rao bán. Chà, giá cao thật. Nhưng mà cũng đáng.”.

Thư  nhận ra nhiều món đồ trong hình giờ đang ở trong tủ bếp nhà mình. Chúng đã được bày biện khéo léo và tinh tế biết bao trong căn nhà cũ, bởi bàn tay của chủ nhân trước. Và Thư thấy chiếc tô có ký tên được đặt trang trọng trên một chiếc giá. Món đồ đó hẳn phải rất đặc biệt với người chủ cũ. Giờ, chiếc tô ấy, Thư dùng đựng hành, tỏi, đặt gần bếp nấu.

Một thoáng, lòng Thư chợt bâng khuâng. Liệu rồi những món đồ Thư luôn quý báu nâng niu, cất giữ, ngày sau chúng sẽ ở đâu, cùng với ai?