Những năm gần đây, các phương tiện truyền thông Việt Nam loan tin: Pháp còn phát hành nhiều bộ tem khác có liên quan đến Việt Nam như “Biển đảo Việt Nam”, “Kiến trúc thời Pháp thuộc ở Việt Nam” hoặc “45 năm quan hệ ngoại giao Việt-Pháp”. Một số người Việt sưu tầm tem sống tại Pháp cả tin, vội vàng tìm mua, nhưng họ không kiếm đâu ra được những bộ tem này.

Thật ra, đó là những con tem cùng một khổ 35mm x 45mm, in màu trên giấy láng nền trắng, có tính cá nhân, hiệp hội… nên không phổ biến rộng rãi. Nếu không kể đến những con tem Ðông Dương (Indochine) được nhà nước thuộc địa / bảo hộ Pháp phát hành ở Lào, Cam-bốt, Bắc-Trung-Nam kỳ từ 1862 đến 1949, các con tem của bưu chính Pháp có liên quan đến Việt Nam và được phát hành rộng rãi, tính từ 1951 đến nay, chỉ vừa nhỉnh qua khỏi con số hàng chục.

Ðầu thập kỷ 50, thế kỷ XX, các con tem hai màu “Maurice Noguès“ 12 francs và “Thống chế de Lattre de Tassigny” với hai giá tiền 15 và 12 francs được bưu chính Pháp phát hành trong các năm 1951, 1952, 1954.

– Maurice Noguès (1889-1934) là phi công đi tiên phong trong ngành hàng không thương mại quốc tế. Ông mở hãng hàng không Air-Orient năm 1928 và dịch vụ bưu chính Pháp-Ðông Dương năm 1930. Trước khi tử nạn máy bay, ông đã lập kỷ lục về tốc độ trong chuyến bay Paris-Sài Gòn.

– Xuất thân từ học viện quân sự nổi tiếng Saint-Cyr, tướng Jean-Marie Gabriel de Lattre de Tassigny (1889-1952) bắt đầu được biết đến từ Ðệ nhất Thế chiến. Bị Ðức bắt, vượt ngục, trở lại cầm quân, ông là một vị tướng tài trong nhiều trận chiến chống phát-xít ở Ðệ nhị Thế chiến. Sau khi chiến tranh kết thúc ở Âu châu, ông đến Ðông Dương với chức vụ Cao uỷ rồi nhậm chức Tổng tư lệnh vào năm 1950. Nhưng chỉ hai năm sau, ông qua đời tại Pháp vì chứng ung thư.

Xem thêm:   Năm Thìn bàn về "dragon"

– Gần ba mươi năm sau ngày phát hành tem “Thống chế de Lattre de Tassigny” giá 12 francs, năm 1982, tem “Kinh đô Huế” bốn màu in hình rồng đá với giá 1.80 franc mới được Pháp, đại diện cho tổ chức UNESCO, phổ biến rộng rãi qua hệ thống bưu điện. Tem UNESCO có thể dễ dàng mua ở bưu điện Pháp, nhưng chỉ những nhân viên làm việc cho UNESCO mới được dùng các con tem này để dán lên phong bì chứa giấy tờ hành chính của tổ chức rồi gửi đi.

– Nằm trong bộ tem “Danh nhân Pháp” của năm 1987, con tem hai màu xanh xám giá 2.20 francs với phụ thu 50 xu (quyên giúp hội Hồng thập tự Pháp) có chân dung bác sĩ Yersin và dòng chữ “Phát hiện trực trùng dịch hạch”. Alexandre Émile Jean Yersin (1863-1943) là một bác sĩ, nhà vi khuẩn học, nhà thám hiểm Pháp-Thụy Sĩ. Là thành viên viện Pasteur, ông sáng lập và là hiệu trưởng đầu tiên của trường Thuốc Hà Nội năm 1902, sau khi khám phá ra cao nguyên Lâm Viên và đặt nền tảng cho việc xây dựng thành phố Ðà Lạt năm 1893.

Hai mươi sáu năm sau, vào tháng 09.2013, để kỷ niệm 150 năm ngày sinh, thêm một lần nữa, bác sĩ Yersin được vinh danh qua bộ tem phát hành chung Pháp-Việt, với hai giá tiền 0.63€, 0.95€ (Pháp) và 2000đ, 18500đ (Việt).

– Những con tem nhắc nhớ đến chiến cuộc Ðông Dương, cuối cùng, cũng được phát hành. Năm 1993, con tem “Ðài tưởng niệm các cuộc chiến Ðông Dương – Nghĩa trang Fréjus” giá 4 francs được ấn hành. Mười một năm sau, 2004, để kỷ niệm nửa thế kỷ ngày thất trận, đến lượt tem “Ðiện Biên Phủ” giá 0.50 € với hình vẽ ba người lính Pháp, máy bay, những cánh dù và dòng chữ “Tri ân chiến sĩ” được in trên giấy láng nhiều màu.

Xem thêm:   Tự tin

– Ngoài bộ tem bác sĩ Yersin, Pháp và Việt Nam còn có bộ tem phát hành chung năm 2008, giới thiệu cảnh đẹp ở vịnh Hạ Long (Việt Nam) và cửa Bonifacio của eo biển giữa hai đảo Corse (Pháp) và Sardaigne (Ý). Tem in nhiều màu trên giấy láng, giá 0.55€, 0.85€ (Pháp), hai mẫu vẽ đều do hoạ sĩ Vũ Kim Liên thực hiện.

– Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Marguerite Duras (1914-1996), bưu chính Pháp phát hành con tem nhiều màu in hình bà thời trẻ, lúc còn ở Ðông Dương. Marguerite Duras (tên thật Marguerite Germaine Marie Donnadieu) sinh tại Gia Ðịnh, lớn lên ở Vĩnh Long, về Pháp sống và tiếp tục học hành sau khi có bằng tú tài. Bà viết tiểu thuyết, kịch và tham gia chuyển thể kịch bản phim, viết đối thoại phim, đạo diễn, thực hiện phim. Tiểu thuyết «L’Amant» («Người tình») của bà xuất bản năm 1984, sau đó được Jean-Jacques Annaud dựng thành phim năm 1992, với bối cảnh là vùng sông nước Cửu Long và đường phố Chợ Lớn, Sài Gòn.

Cũng nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh của nhà văn, nhà báo và nhà làm phim Pierre Schoendoerffer (1928-2012), con tem có chân dung ông thời làm phóng viên chiến trường trên nền thung lũng Ðiện Biên đã đến tay người sưu tầm tem. Sau khi bị bắt và được Việt Minh trả tự do năm 1954, ông đi khắp thế giới, làm phóng viên nhiếp ảnh cho các tờ báo nổi tiếng Match, Life, Look và Bunte trước khi quay về Pháp để hoạt động trong các bộ môn văn chương và phim ảnh.

Xem thêm:   Về Cà Mau

Ðể kỷ niệm một sự kiện đặc biệt, người ta lên internet, vào  https://www.laposte.fr/mon-timbre-a-moi, gửi hình muốn in tem (chó, mèo, cô dâu chú rể, huy hiệu, xí nghiệp, phong cảnh…) vào nhu liệu, chọn kiểu tem, giá tiền, phông màu trang trí, số lượng tem in… Cuối cùng, người muốn in tem trả tiền bằng thẻ tín dụng như mua một món hàng trên mạng và nhận được tem in sau vài ngày.

Hiện nay, tại Pháp, Tổng công ty tem quốc gia giữ độc quyền dịch vụ này. Ngoài ra, các tổ chức, hiệp hội, xí nghiệp cũng có thể ký hợp đồng để in những bộ tem riêng (nhưng vẫn theo khổ 35mm x 45mm) có cách trình bày đặc biệt hơn so với cách in tem qua nhu liệu nêu trên, như kiểu Toà Ðại sứ Việt Nam tại Pháp đã làm. Vì vậy, nếu muốn có các bộ tem vừa nêu, chỉ có thể đến Toà Ðại sứ Việt Nam tại Pháp, hoặc các cơ quan có liên hệ xa gần, may ra tìm được. Người sưu tầm tem thực thụ xem những con tem thuộc «collection privée» này không có giá trị, nếu có, chỉ là giá trị tinh thần của một, hay một nhóm người mà thôi.

Ðôi khi, chỉ cần nhìn vào một con tem, cũng đã thấy lộ rõ sự lừa phỉnh của cả một tập đoàn!

Thiais (08.2021)