Mùa Hè năm 1978, lần trở lại Sài Gòn đầu tiên, sau khi tôi ra Hàm Tân, Thuận Hải (nay là Bình Thuận) dạy học, năm 1975. Bám theo chiếc xe chạy than, với cái “lò lửa” nóng hừng hực phía sau, xe chạy đến cuối đường Hồng Thập Tự, Nguyễn Thiện Thuật, Lý Thái Tổ, thuộc quận 3 thì dừng lại. Tôi xuống ở bùng binh đầu đường Cộng Hòa, nay đã đổi lại là Nguyễn Văn Cừ, bỗng nhớ ngôi trường xưa một thời tôi đã học.

Khoác cái ba lô cũ mèm, nhẹ hẫng trên vai, tôi bước về hướng ngôi trường cũ, lòng bỗng dâng lên nỗi niềm khó tả. Cổng trường xưa đây rồi. Cái cổng mà lớp học trò tụi tôi luôn tò mò tìm hiểu về câu đối chữ Hán đắp nổi hai bên. Câu đối được truyền tụng là do thầy Nguyễn Phúc Ưng Thiều, Giáo sư dạy Hán văn, viết từ năm 1951, có nội dung là: “Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt/ Tây Âu khoa học yếu minh tâm” và được thầy Hiệu trưởng Phạm Văn Còn, chọn khắc trước cổng trường. Ðôi câu đối đã chỉ rõ mục đích rèn luyện đạo đức và trí dục cho học sinh lúc bấy giờ và cho mãi về sau.

Chút lặng người và rưng rưng buồn vì thời thế, cổng trường và đôi câu đối đã bị xóa bỏ! Phía bên trong, hai cây phượng già ở hai bên cửa vào thì vẫn còn đó, đỏ hoe một màu phượng buồn, vì cái tên trường trên cửa vào cũng đã thay tên! Cái tên đã theo bao lớp thế hệ học sinh từ năm 1929 đến tháng tư năm 1975: Trường Trung học Petrus Ký hay còn gọi là Petrus Trương Vĩnh Ký với bao nỗi tự hào, không thể nào quên của những ai đã từng bước chân vào học ở ngôi trường nổi tiếng “danh giá” của miền Nam và Sài Gòn thời bấy giờ.

Theo đặc san về truyền thống và lịch sử của trường Trung học Petrus Ký thì lịch sử hình thành ngôi trường là: “Sau sự ra đời của trường Collège Chasseloup-Laubat (năm 1874) và trường Collège de Jeunes Filles Indigèges (1915), chính quyền thuộc địa Nam Kỳ mở thêm trường bậc trung học thứ 3 tại Sài Gòn.

Năm 1925, kiến trúc sư Hebrard de Villeneuve được giao nhiệm vụ vẽ đồ họa xây cất cho ngôi trường mới tại Chợ Quán.

Ngày 28 tháng 11 năm 1927, Toàn quyền Ðông Dương Alexandre Varenne ra nghị định thiết lập tại Chợ Quán một phân hiệu tạm thời của Collège Chasseloup Laubat dành cho học sinh người bản xứ lấy tên là Collège de Cochinchine. Phân hiệu này được đặt dưới sự điều hành của Ban Giám đốc Trường Chasseloup Laubat và một giáo sư phụ trách tổng giám thị của phân hiệu.

Năm 1928, khi các khu trường mới xây dựng xong, ngày 11 tháng 8 năm 1928, Toàn quyền Ðông Dương tạm quyền René Robin ký nghị định số 3116 gồm 6 điều thành lập tại Chợ Quán, kể từ kỳ tựu trường 1928-1929 một trường Cao đẳng Tiểu học Pháp bản xứ, chuyển giao phân hiệu tạm thời với trên 200 học sinh của Collège Chasseloup Laubat nói trên vào trường này, có sát nhập một hệ Trung học Ðệ nhị cấp bản xứ (Lycée). Nhân dịp khánh thành tượng đồng của nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký, Thống đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse chính thức đặt tên trường là Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký. Do đó, trường còn có tên gọi là Petrus Ký, và tên này được sử dụng trong gần 50 năm.”.

Hai câu đối chữ Hán tại cổng trường

Trường đã trải qua 19 đời hiệu trưởng Pháp, Việt. Người đầu tiên là thầy Hiệu trưởng Sainte Luce Banchelin (niên khóa 1927- 1929) và người cuối cùng là thầy Nguyễn Minh Ðức (niên khóa 1973- 1975).

Xem thêm:   Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng

Nếu như mảnh đất miền Trung tự hào với cố đô Huế có trường Quốc Học tăm tiếng lừng lẫy, bên cạnh trường nữ Ðồng Khánh, thì ở miền Nam, tại Sài Gòn, phải nhắc đến đầu tiên là trường Petrus Ký, bên cạnh trường nữ Gia Long, cùng 2 trường (phía Bắc di cư vào) là Chu Văn An và Trưng Vương. Ước ao lớn nhất của dân Sài Gòn và Nam kỳ lục tỉnh là có con em được học ở trường Petrus Trương Vĩnh Ký, vị học giả, nhà báo và cũng là nhà bác học thiên tài của đất nước. Học sinh muốn vào học ở trường này, không chỉ là người có đạo đức hạnh kiểm tốt, học lực loại giỏi mà còn phải qua một kỳ thi tuyển gắt gao và đạt điểm cao mới được chọn vào. Riêng về đội ngũ thầy cô giáo, phải là những sinh viên ra trường thuộc loại giỏi xuất sắc của các trường sư phạm, hoặc là những thầy cô tiêu biểu của nền giáo dục miền Nam lúc bấy giờ mới được nhận vào dạy. Nên cũng chẳng lấy làm ngạc nhiên khi thầy cô, học sinh của trường thường hay tự hào nhận mình là “dân Petrus Ký”.

Quyển Kỷ yếu của trường Petrus Ký niên khóa 72-73, ghi thành tích học tập của niên khóa trước như sau:

Tượng đồng của nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký

Tú Tài ii

Ban A: Dự thi 101, trúng tuyển 101 với 2 Ưu, 10 Bình, 25 Bình Thứ, tỷ lệ 100%.

Ban B: Dự thi 419, trúng tuyển 419, 11 Ưu, 53 Bình, 114 Bình Thứ, tỷ lệ 100%

Ban C: Dự thi 52, trúng tuyển 52, với 7 Bình Thứ, tỷ lệ 100%

Ðậu nhiều và nhiều người đậu cao, đó là thành tích học tập của học sinh Petrus Ký từ xưa đến giờ.

Và từ ngôi trường này đã cống hiến cho miền Nam và cả nước những gương mặt xuất sắc, tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực Chính trị, Khoa học kỹ thuật, Văn học Nghệ thuật v.v.

Xem thêm:   Hòn Kẽm - Đá Dừng

Còn nhớ, những năm học cuối ở ngôi trường này, rất nhiều học sinh thường hay đến ngồi dưới chân tượng đồng Trương Vĩnh Ký, được đặt chính giữa khuôn viên trường, ngó lên dãy hành lang danh dự – nơi khi có lễ lộc hay phát thưởng học sinh mới được bước chân lên – để suy nghĩ về chặng đường phía trước hay chụp hình lưu niệm. Những cậu học sinh ấy thường nhìn ngắm dãy huy chương trên ngực cụ Trương Vĩnh Ký mà mơ ước. Bất chợt, thấy trên má trái của tượng có dấu lõm của đầu đạn, rồi thắc mắc với nhau. Nỗi thắc mắc đó đã được thầy Tổng Giám thị Tăng Văn Chương giải thích là, vào năm 1955, lính Bình Xuyên của tướng Bảy Viễn chiếm đóng tại trường. Khi quân đội Quốc gia đánh vào lực lượng Bình Xuyên, một viên đạn lạc đã để lại bên má trái của tượng một vết đạn đồng, khiến đám học sinh chúng tôi không khỏi… giật mình.

Học sinh trường Petrus Ký thập niên 1930

Từ năm 1961, trường chỉ còn lại bậc Trung học đệ nhị cấp, tức từ lớp đệ Tam đến đệ Nhất và toàn là nam sinh nên cứ mỗi năm làm đặc san Xuân, trông có dịp giao lưu với các trường bạn, đặc biệt là trường Gia Long, nơi chỉ toàn những cô nữ sinh đang độ hoa hàm tiếu. Hễ thấy những tà áo dài trắng, rụt rè trong sân đến giới thiệu đặc san, là bọn học trò con trai lại ùa ra, trắng hết các dãy hành lang như thấy người… từ hành tinh khác đến, khiến các thầy cô cũng bật cười và lắc đầu vì lũ ngợm học trò mới lớn này. Và sau này cũng có nhiều cặp đôi nên duyên cầm sắt có gốc gác từ Petrus Ký và Gia Long, thật diệu kỳ!

Xem thêm:   Thử tài trí thông minh nhân tạo AI

Trường xưa qua bao năm tháng, mái ngói phong rêu hơn, thầy cũ, bạn xưa giờ phiêu bạt tứ tán, góc bể chân trời. Nhiều người đã trở thành thiên cổ. Bước chân ngập ngừng trước dãy hành lang, lớp học. Buồn, quay ra, thầm nhắc tên trường xưa đã mất, thấy nhạt nhòa bóng nắng nghiêng xiêu, chợt muốn đọc lên mấy câu thơ của thầy Tạ Ký, người cũng đã từng dạy ở ngôi trường này: “Gọi để mừng nhau khi hội ngộ/ Thì xin hãy cạn chục ly đầy/ Quàng vai tìm chút dư hương cũ/ Nhắc đến hàng trăm chuyện đổi thay...” (Sầu Ở Lại).

Và cũng chẳng có hàng quán ở đây để tôi “Bạn ơi nước mắt ta tuôn đấy/ Ngồi nhậu bên đường ta khóc đây”. Tôi đã khóc cho cái tên trường đã mất…

Sân trường

THV