20 năm (2003-2023)

Francis Assisi

Lê Đình Bảng.

Nói đến biếm là nói đến thể loại thông tin, giao tiếp bằng lời nói, câu chữ hay nét vẽ để: bông đùa, giễu cợt, chê bai, châm chọc, chỉ trích những thói hư, tật xấu của người đời, sao cho mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Có nhiều cách, nhiều mức độ tỏ bày, thể hiện: từ giải  trí, mua vui đến khen chê, phiền trách; từ khuyên răn, dạy bảo đến la mắng và đả kích, nguyền rủa, chửi thề, văng tục. Ðã có hẳn một khuynh hướng, một trường phái trào phúng khá sầm uất, đông vui, phong phú và đa dạng trong văn học Annam ta: Từ dân gian, truyền miệng đến bác học, thành văn. Từ vè vãn, ca ngâm, từ truyền thuyết ông Trạng Quỳnh đến bà chúa thơ Nôm, nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Từ cái giọng điệu ngông nghênh cao ngạo mang đậm màu sắc phản kháng của Cao Chu Thần đến phong cách cung đình của bậc túc nho, khoa bảng của tam nguyên Yên Ðổ. Thậm chí, còn có cả một chi chòm dây mơ rễ má dằng dặc của nhà họ… Tú, dù họ chẳng hề có bà con ruột cật gì với nhau, ngoại trừ cái máu… tếu… máu… cười, ngứa con mắt và ngứa cái miệng, không nhịn được, phải phun ra. Như thế là xả stress đấy, là giải phóng cái libido ấm ách trong lòng đấy. Có thể, chỉ là chút mật ngọt chết ruồi, nghe qua rồi bỏ. Mà cũng có khi, sức nặng nghìn cân, kéo đổ một lâu đài, hạ knock out một gã khổng lồ cỡ Goliath có số má hẳn hòi. Ðội quân này đông lắm, đông như rươi, như nấm mọc sau mưa, như “đoàn quân Tàu ô kia, sao mà gớm thế!”. Câu hát rất nghịch ngợm ấy của bọn trẻ chúng tôi ngày xửa ngày xưa, hồi nhịn đói rủ nhau đi khắp xóm làng, ở trong đội Thiếu niên tiền phong. Cứ tạm điểm mặt chỉ tên họ nhé. Phải tính từ ông tổ nghiệp Tú Xương, rồi đi xuống các ông Tú Mỡ, Tú Kếu, Tú Gàn, Tú Ðáp, Tú Ðạp, Tú Xe, Tú Ðểu, Tú Gầy… mây… mây…Ðấy là chuyện “đàn ngang cung, nói hay đừng, mây chó, miệng đời, mõ làng, tư trời biển, ao thả vịt, radio catinat, gió chướng…” trong cõi tao đàn thi phú văn chương.

Xem thêm:   Tại sao khách hàng phải luôn chịu thiệt?

Trong muôn một, chỉ xin kể lại chuyện Cao Bá Quát tả con voi ở đình làng:

Khen ai khéo vẽ cái con voi

Ðủ cả đầu đuôi, đủ cả vòi

Còn một cái kia… sao chẳng thấy

Hay là Cụ Lý bớt đi rồi ?”

Thơ thật dễ hiểu, mà hóm hỉnh, nói đông mà chết tây đấy…

Còn chuyện vẽ, hoạ, biếm hoạ chỉ mới có đây, khi báo chí và sinh hoạt làng báo chí quốc ngữ ra đời, cụ thể từ thời của Tự Lực Văn Ðoàn (1932-1945) với các tờ Phong Hoá, Ngày Nay. Bẵng đi một thời gian khá lâu. Mãi đến những thập niên 1960, 1970… khi bức tranh xã hội Annam ta bày ra nhiều cảnh tượng trái tai gai mắt mới… Báo chí Sài Gòn, một phần qua tranh biếm hoạ, lại một phen phản ảnh khá sinh động và rõ nét. Tuy không làm thay đổi triệt để được  bộ mặt diêm dúa, xấu xa ấy, nhưng ít ra, cũng đã mang đến cho chúng ta một tiếng cười, một suy nghĩ rất cần để tự hoàn thiện chính mình, nói như nhận xét của các nhà nghiên cứu văn hoá xã hội. Trước tiên, xin lược kê những hoạ sĩ được coi là hiền lành, hiền lành từ cái bút danh đến tác phẩm, bởi họ xuất thân từ văn bài, trường lớp đàng hoàng: Ngân Hà, Tú Duyên, Phạm Tăng, Hiếu Ðệ, Văn Hiếu, Ðan Chi, Lê Phan, Lê Trung, Hoàng Tích Chu, Mai Hoàng Minh, Diệp Ðình v.v. Ða phần, họ bước ra từ: Mỹ Thuật Ðông Dương và Mỹ Nghệ Thực Hành Gia Ðịnh. Ðến đầu thập niên 1970, khi chiến tranh và tình trạng xã hội đã ra khác thì biếm hoạ báo chí xuất hiện và nổi lên như một hiện tượng. Bỗng dưng, họ có được một núi đề tài và cảm hứng để tung tẩy sáng tác, ngồn ngộn ngay trước mắt. Trong hàng ngũ xung kích ấy, không ai không biết: Phạm Tăng trên nhật báo Tự Do; Tuýt là bút hiệu của hoạ sĩ tiếng tăm Ngọc Dũng (nhóm Sáng Tạo với Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Sỹ Tế…) trên  nhật báo Chính Luận; Hĩm trên các tờ Tiếng Vang, Ðộc Lập; ngoài ra, còn Tám Bờm, Cả Tếu… Nhưng đại gia phải kể đến Choé, là một tên tuổi lẫy lừng, vô đối trong võ lâm.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/04/2024)

Người ta quen gọi Ông là hoạ sĩ Choé, nổi tiếng ở thể tranh biếm hoạ báo chí hàng đầu ở xứ ta. Tên thật là Nguyễn Hải Chí sanh năm 1943 tại An Giang. Choé là bút danh tình cờ, một hôm, do nhà thơ Viên Linh buột miệng nói ra… Ðã Chí thì… phải… Choé. Cũng có những biệt danh khác như: Kít, Cáp… Thế rồi, cái tên tuổi “Choé” có mùi… chim chuột quái dị ấy vận vào người, phải sinh nghề tử nghiệp thôi. Tranh biếm hoạ của Choé, từng bước, nổi lên như cồn, đỉnh điểm là năm 1971 và 1972 trên những tờ Diễn Ðàn, nhật báo Báo Ðen, nhật báo Sóng Thần của nhà văn Chu Tử.
Sự nghiệp biếm hoạ của Choé khá đồ sộ và danh giá. Ngòi bút của Ông sắc lẻm, cứa ngọt và đâm sâu lút vào tận cùng những đối tượng bị lên án, bị đánh phá. Chẳng hề biết kiêng kỵ một ai, từ nước trong đến nước ngoài, từ văn hoá đến xã hội, chính trị, từ phe tả sang phe hữu, từ quan trên đến lính lác bên dưới, từ Ðông sang Tây: Richard Nixon, Henry Kissinger, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Hương, Lê Ðức Thọ… Tranh của Choé, hơn thế, đã vượt ra ngoài biên giới, có mặt ở Paris, Washington DC, London, Berlin… Dòng tranh biếm hoạ “made in Choé” đã được báo chí Mỹ, Pháp, Ðức in lại và năm 1973 nhà xuất bản Glade Publications (Mỹ) đã chọn lọc và xuất bản hẳn một quyển sách mang tên “The World Of Choé”. Tờ New York Times và Newsweek cũng đã chọn in nhiều tranh biếm của Choé để minh họa cho các chủ đề thời sự quốc tế.  Cũng chính tuần báo New York Times đã bình chọn Choé là “một trong 8 hoạ sĩ biếm hoạ xuất sắc nhất trên thế giới ở thập niên 1970”; “là một trong 6 người Việt tiêu biểu từ 1975-1985”;  đặc biệt,  là “Hoạ sĩ bướng bỉnh”, do tuần báo trào phúng L’Hebdo của Pháp bình chọn.

Xem thêm:   Chuyện xứ Mỹ của tôi

Có một điều ít ai ngờ. Trước khi nổi tiếng như một họa sĩ biếm, Choé đã sáng tác và khá có tiếng tăm, cả về văn chương lẫn âm nhạc. Còn nhớ, cách nay đúng 10 năm, vào ngày 12.3.2013, tại nhà sách Phương Nam, 72 Lê Thánh Tôn, Q.1 Sài Gòn đã diễn ra buổi phát hành tuyển tập “Nghề Cười” (Phương Nam book & Nhà xuất bản Văn Hoá – Văn Nghệ) của cố họa sĩ Choé. “Nghề Cười” có 17 truyện ngắn, 9 tản văn, 24 bài thơ, 10 ca khúc kèm CD và một số thư từ rất tâm tình của Choé gửi vợ con. Ðặc biệt, “Nghề Cười” dành riêng 100 trang in màu các hý họa, biếm họa của Choé vẽ các văn nghệ sĩ như Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu, Trần Tiến… 28 chân dung các nữ chủ nhân giải Nobel và 42 Tổng thống Mỹ cùng các chân dung tự họa.

Một chút kỷ niệm riêng tư. Hôm ấy, chúng tôi ba người – nhạc sĩ Vũ Ðức Sao Biển,  hoạ sĩ Choé và người viết – ngồi nhâm nhi cà phê ở góc ngã tư Hồng Thập Tự và Công Lý (tên cũ). Nhìn sang vườn cổ thụ dinh Ðộc Lập có tiếng ve ran. Loáng một cái, Choé đã đưa cho tôi tờ giấy A4, nói giữ làm kỷ niệm. Thì ra, Choé đã ký hoạ tôi… Rồi sau đó, tôi được tin Choé đi Mỹ năm 2002 và lặng lẽ về với Chúa sau đó một năm tròn. Nay đã lại Tháng 3, nhưng là của những 20 năm sau khi Choé ra đi vĩnh viễn. Rất nhiều lần, trên những chuyến xe đò về Di Linh, Tam Bố, Ðà Lạt, tôi đã có dịp dừng chân ở Ðịnh Quán, ghé vào thăm Choé ở nghĩa trang của giáo xứ Thánh Mẫu. Choé vẫn cười, vẫn đang cười, như chính nụ cười rạng rỡ vốn có của Choé.

FA. LDB