Trần Thiện Thanh hay ca sĩ Nhật Trường (12 tháng 6 năm 1942 – 13 tháng 5 năm 2005) là một trong những nhạc sĩ kiêm ca sĩ được biết đến nhiều nhất giai đoạn trước 1975.

Một số bút hiệu khác của ông là Anh Chương (tên con trai ông), Trần Thiện Thanh Toàn (em trai ông, đã tử trận), Thanh Trân Trần Thị (tên người con gái thứ nhì).

1

Trên đỉnh mùa đông

Câu chuyện về đại úy Nguyễn Văn Ðương, anh hùng Tiểu đoàn 3 Nhảy dù tuẫn tiết ở mặt trận Hạ Lào ngày 25 tháng 2 năm 1971 được ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh đưa vào âm nhạc và nhanh chóng chiếm được cảm tình của khán, thính giả khắp bốn vùng chiến thuật.

Hòng đáp lại sự ủng hộ và thương mến từ mọi nơi, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã quyết định thực hiện một cuốn phim ca nhạc kịch dựa trên nội dung bi hùng của bài hát “Anh không chết đâu em” của chính ông. Cuốn phim đầu tay này với sự góp mặt của các ca, kịch sĩ hữu danh như Thanh Lan, Bích Thuận, Vũ Ðức Duy, Minh Ngọc, Khả Năng, Kiều Hạnh, Phương Hồng Ngọc, Hồ Hiệp, nhóm Tiếng hát đôi mươi và Nhật Trường. Nội dung phim là mối tình thơ mộng, đẹp đẽ của đôi trai tài, gái sắc được lồng trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt nhất ở miền Nam Việt-Nam.

Trong một lần nghỉ phép về thăm Sài-Gòn, hai người bạn thân từ thuở nhỏ cũng như trong quân ngũ là thiếu úy Ðương và chuẩn úy Toàn chở nhau trên chiếc xe gắn máy và gây ra tai nạn cho một nữ sinh viên Văn khoa tên Lệ.

Không lâu sau đó, Lệ theo chân đoàn em gái hậu phương ra tận tiền đồn heo hút để ủy lạo chiến sĩ và tình cờ gặp lại Ðương. Họ cảm mến nhau và những cung bậc yêu thương cũng âm thầm nảy nở theo ngày tháng. Cả hai đã vượt qua những trở ngại từ gia đình bên Lệ để rồi nàng từ giã mái trường đại học về làm vợ anh lính dù nghèo khó và quanh năm biền biệt nơi chiến trận miền xa.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng (kỳ 2)

Trong chiến dịch Hạ Lào, đơn vị của Ðương phải đối phó với những đợt tấn công của cộng quân và thiếu nguồn tiếp viện. Giữa tình thế tuyệt vọng, Ðương yêu cầu những anh em đồng đội rút hết để mình anh ở lại nghi binh. Sau đó, Ðương đã tuẫn tiết trên đồi 31.

Ca sĩ Mỹ Lan và nhạc sĩ Trần Thiện Thanh

Có lần trong giấc chiêm bao, Lệ thấy Ðương trở về trong hình hài đầy thương tích và nói lời cuối với vợ hiền, con dại. Ðến khi nhận được tin báo tử, Lệ mới hay Ðương không bao giờ trở lại với hình hài xương thịt và nàng chỉ còn gặp lại chồng trong giấc mơ ngập tràn nước mắt với niềm đau vô tận.

Ngoài nhạc phẩm “Trên đỉnh mùa đông”, những ca khúc nổi tiếng khác của Trần Thiện Thanh như “Mùa đông của anh”, “Chiều trên Phá Tam Giang”, “Người chết trở về”, “Anh không chết đâu em” cùng hai ca khúc của các nhạc sĩ khác đã góp phần cho cuốn phim được trọn vẹn và phong phú hơn.

Cuốn phim dài 60 phút do ca nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết truyện phim kiêm luôn đạo diễn và với sự yểm trợ kỹ thuật cùng nhân lực của Ðài truyền hình số 9. Cuốn phim này được xem như là viên gạch đầu tiên cho việc thực hiện phim truyện truyền hình tại Việt-Nam.

Ðề tài chiến tranh bao giờ cũng buồn bã và gây ra những hệ lụy như vợ trẻ để tang chồng, con thơ mất cha, gia đình ly tán cũng như những mất mát không thể nào bù đắp được. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, dù tiếng súng đã chấm dứt trên một dãy đất tang thương nhưng quê hương vẫn tan tác và số phận người dân nơi đó mãi lầm than, khổ sở. Mùa xuân với lá xanh và hoa thắm sẽ thôi không về nữa trên đất mẹ.

2

Chuyện tình

Mộng Thường

Sau lần thành công với cuốn phim ca nhạc kịch đầu tay “Trên đỉnh mùa đông” và được yêu cầu chiếu đi, chiếu lại trên màn ảnh nhỏ, ca nhạc sĩ Trần Thiện Thanh bắt tay vào thực hiện cuốn phim ca nhạc kịch thứ nhì, “Mộng Thường”. Ðây là một chuyện tình đẹp của đôi thanh mai trúc mã nhưng không có đoạn kết bởi chiến cuộc tràn lan và đi dần vào đoạn kết.

Xem thêm:   Roma - La Mã

Trên chuyến bay từ Ðà-Lạt trở về, thiếu úy Phạm Thái, sĩ quan trường Võ Bị Quốc Gia Ðà-Lạt có dịp làm quen với nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Mộng Thường. Cả hai hẹn nhau tham dự Thánh lễ vào mùa Giáng sinh năm đó và trao cho nhau bao lời nguyện ước. Một tháng sau, Phạm Thái được lệnh chuyển về đơn vị Biệt Ðộng Quân tại An-Lộc. Tháng tư năm 1972, Mộng Thường nhận được tin báo tử của người yêu sau một trận giao tranh. May mắn thay, Thái được một dì phước (masoeur) cứu sống. Tuy thoát khỏi bàn tay tử thần nhưng Thái phải mang trên người thương tích nặng nề. Tưởng rằng người chết đi, nhưng không, anh lại về từ ngục tối hay mộ sâu. Tình yêu đôi lứa được hồi sinh ngỡ như trong giấc mơ và cả hai cùng nhau chọn ngày lành tháng tốt để ra mắt quan viên hai họ.

Mộng Thường nhận được lời mời lên Lai-Khê để tham dự buổi vinh thăng trung úy của người yêu. Dọc đường, chuyến xe đò định mệnh khởi hành từ Sài-Gòn không may bị vướng mìn của giặc thù. Mộng Thường tử nạn hôm 28 tháng Giêng năm 1973, một ngày sau ngày hiệp định Paris được ký kết. Còn lại trên cõi đời với nỗi bơ vơ ngút ngàn, Thái thường ngồi bên mộ nàng, ngó trời cao đất rộng mà nhớ thương một bóng hình yêu dấu đã đi xa. Cuộc tình đầu này mãi mãi là mối tình cuối làm đau lòng nhau và xót xa vô vàn cho người ở lại ..

Chàng thề không còn yêu ai

dẫu cho ngày tháng phôi phai

nhiều lần chàng mộng liêu trai

nàng hẹn chàng kiếp mai (*)

Cũng giống như cuốn phim trước, hai vai chính vẫn do hai ca sĩ Nhật Trường và Thanh Lan đảm trách cùng với sự góp mặt của các ca, kịch sĩ và tài tử thượng thặng. Nhạc phẩm “Tình thiên thu của Nguyễn Thị Mộng Thường” được viết riêng cho cuốn phim với lời ca thật bùi ngùi, tha thiết ..

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (03/07/2024)

Yêu nhau lúc triền miên khói lửa

Chuyện vui buồn ai biết ra sao

Nhìn quanh mình sao lắm thương đau

Khi không thấy người yêu trở lại

Tình yêu tìm không thấy ban mai

Người không tìm ra dấu tương lai

Nhưng không chết người trai khói lửa

Mà chết người gái nhỏ phương xa

Một xuân buồn có gió đông qua (*)

Chuyện tình buồn của Phạm Thái và Mộng Thường gợi nhớ chuyện tình yêu dang dở của thi sĩ Hữu Loan trong “Màu tím hoa sim”. Hai thế hệ dù xa cách bởi thời gian nhưng lại sống cùng nhau trong bi kịch chiến tranh và mất mát.

Cuốn phim được trình chiếu trên Ðài vô tuyến truyền hình Sài-Gòn năm 1974 và được mọi tầng lớp khán giả say mê cũng như sự ủng hộ nhiệt tình. Hình ảnh người lính oai hùng, lãng tử sánh vai cùng người yêu trong tà áo dài đơn sơ vẫn là bức tranh đẹp đẽ và nên thơ nhất của miền Nam Việt-Nam một thời thịnh trị.

Chiến cuộc chao đảo, người ta bồng bế nhau đi lánh nạn và định cư ở một nơi xa xôi không phải là quê nhà. Mấy mươi năm sao dời vật đổi nhưng kỷ niệm ngày xưa cứ theo nhau như hình với bóng dù Sài-Gòn ngựa xe một thuở đã thật xa.

TV

(*) Nhạc phẩm của Trần Thiện Thanh “Tình thiên thu của Nguyễn Thị Mộng Thường”

Đính Chánh

Trong bài Cải Lương Mùa Ly Loạn của tác giả Tám Vạn, đăng trên số báo Trẻ Dallas 1345 (https://baotreonline.com/van-hoc/tap-ghi/cai-luong-mua-ly-loan.baotre), có 2 tấm hình chú thích là rạp Kim Chung, Rạp Thanh Minh Thanh Nga. Đây là sự nhầm lẫn của BBT, đúng ra phải là:

– Đoàn Kim Chung thường trực tại rạp Olympic

– Đoàn Thanh Minh Thanh Nga trên đường lưu diễn ở Vũng-Tàu

Xin chân thành cáo lỗi cùng độc giả và tác giả Tám Vạn về sai sót này.

BBT Trẻ