Tưởng nhớ ngày nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông

giã từ cõi tạm, 26.02.2018

Ngày dài như một cơn mê

Sớm trưa khuya tối đời hiu hắt buồn

Người đi cỏ lá ngậm ngùi

Vườn xưa khép lại, hững hờ song thưa

Cuối Tháng Hai năm 2018, mùa Ðông đến thật muộn. Không khí giá buốt từ lãnh thổ nước Nga tràn xuống Âu Châu, nhưng cũng không tê lạnh bằng một tin buồn được gửi ra từ trong nước: nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông qua đời! Tin này được lan truyền thật nhanh qua hệ thống Internet, đài truyền hình, truyền thanh tại hải ngoại cũng như trên các trang mạng xã hội. Vậy mà đã 5 năm!

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông đến với quân đội từ rất sớm, từ những ngày đầu của cuộc chiến với lòng nhiệt huyết của người trai lớn lên trong thời loạn. Mang trong người một tâm hồn lãng mạn của một người nghệ sĩ, chú Ðông đã viết lên những cung bậc du dương từ nơi tuyến đầu khói lửa…

Ðón giao thừa một phiên gác đêm

Chào xuân đến súng xa vang rền

Xác hoa tàn rơi trên báng súng

Ngỡ rằng pháo tung bay

Ngờ đâu hoa lá rơi”

(“Phiên gác đêm xuân”)

Chú đã đi suốt chiều dài cuộc chiến và ở lại cho đến ngày đất nước tang thương, rơi vào tay giặc. Cái tháng tư nghiệt ngã làm đổi thay tất cả…

“Bao ước mơ giữa khung trời phiêu lãng,

Chờ mùa xuân tươi sáng, nhưng mùa thắm chưa sang”.

(“Mấy dặm sơn khê”)

Xem thêm:   Bộ sưu tập Báo Chánh Pháp

Mùa xuân nghịch gió năm 1975 làm cho mấy chục triệu người dân miền Nam ngơ ngác, bàng hoàng. Sĩ quan, binh lính của chế độ trước bị bắt đi đày ở những nơi rừng thiêng nước độc, sơn lam chướng khí. Là một sĩ quan cao cấp, mang cấp bậc đại tá, chú cũng nằm trong cái mẫu số chung bất hạnh đó. Mười năm đăng đẳng trong lao tù cộng sản, đến khi sức khỏe kiệt quệ chú mới được trả về để gia đình lo “chuyện hậu sự”! Mười năm nuôi chồng trong trại tù “cải tạo” cũng là mười năm mòn mỏi đợi chờ ngày sum họp phu thê và thêm mười năm tận tụy săn sóc cho chồng trong hoàn cảnh thập tử nhứt sanh, cô Nguyệt Thu đã chung thủy và bền bỉ dìu chú trở lại con “đường trần mưa bay gió cuốn”. Giống như một phép lạ, chú đã “sống” lại và chập chững, ngơ ngác đi những bước đầu đời…

“Về đây ngơ ngác chim bay tìm đàn

Về đây hoang vắng lạnh buốt cung đàn”.

(“Về mái nhà xưa”)

Có lẽ định mệnh như đã sắp sẵn, giống như trên tờ nhạc “Về mái nhà xưa” phát hành năm 1964, chú đã ghi lên đôi lời phi lộ “Dâng mảnh đất quê nghèo G.Ð.T, Tây-Ninh mà sau mười năm xa cách, ngày về vẫn với tâm hồn bơ vơ, cô độc và tấm lòng dễ tin, dễ yêu như ở buổi ra đi”. Người về sau mười năm cách biệt chợt bỡ ngỡ và lạ xa giữa phố phường lao xao người quen, kẻ lạ.

Xem thêm:   Chuyện ven đường

Với một xác thân tàn tạ và một tâm hồn mang đầy thương tích, chú đã buông xuôi tất cả trong suốt ba mươi năm dài. Còn nỗi buồn nào hơn khi đôi bàn tay người nhạc sĩ không thể nào cầm nổi cây đàn để so dây nắn phím như những ngày xưa. Tinh thần chú suy sụp đến tột cùng. Chú sống khép kín, lặng lẽ và “rất lê lết” (chữ của chú) cùng với người vợ tấm mẳn trong ngôi nhà cũ trên đường Nguyễn Minh Chiếu thuộc quận Phú-Nhuận. Nhờ vào sự tảo tần và vén khéo của cô, cuộc sống gia đình cô chú cũng tạm đủ đầy.

Các anh, chị ca sĩ cùng thời với chú thường nhắc nhở chú với lòng yêu thương, kính mến:

– Anh Ðông có học thức, có tài, tánh tình lại hiền lành, khiêm tốn!

Mỗi khi có dịp về Sài-Gòn, mấy anh chị đều ghé thăm cô chú tại căn nhà cũ, để được gặp người anh, người bạn vong niên ngày xưa. Có lần chị ca sĩ Trúc Mai cất tiếng hỏi:

– Sao anh không sơn phết lại ngôi nhà cho đẹp đẽ một chút?

Chú nhìn vào khoảng không gian xa vắng và buồn bã trả lời:

– Sơn phết để làm gì!

Chú Ðông ơi, chú đã hiến dâng trọn đời mình cho quê hương, đất nước. Chú là người chiến binh gương mẫu. Chú đã có một cuộc đời đáng sống và đáng hãnh diện. Trong ngày tiễn đưa chú, rất nhiều sĩ quan, binh lính Việt-Nam Cộng Hòa đã đến tận nơi để giơ tay chào tiễn biệt vị đại tá đáng kính Nguyễn Văn Ðông. Vĩnh biệt chú, người lính nghệ sĩ tay súng tay đàn. Chú ra đi thanh thản nghen chú. Chú không còn bơ vơ, cô độc trong khung trời âm nhạc nữa đâu, vì nơi chú đến chỉ có tình thương và những khúc hát ngọt ngào, nhân hậu. Mùa xuân lại về nhưng tiếng súng xa vang rền chưa hề bị lãng quên giữa đêm trừ tịch.

cô Nguyệt Thu đọc bài viết của tác giả được gửi về từ phương xa ..

TV