Tưởng nhớ ngày nhạc sĩ Lam Phương xa rời cõi tạm, 20.12.2020

Cái oi bức của miền nhiệt đới phủ lên buổi trưa Sài-Gòn yên ắng, mọi người đang nghỉ giấc trưa để lấy sức cho buổi chiều cuối ngày. Ðám trẻ tinh nghịch lang thang chán chê trên con đường một chiều không một bóng dáng xe cộ và len lỏi vào những con hẻm nhỏ. Tụi nhỏ hái trộm khế, chùm ruột, vói tay bấm chuông mấy căn biệt thự kín cổng cao tường rồi xúm nhau bỏ chạy và mang theo những tiếng cười trong trẻo như sương mai. Một đứa trong nhóm hí hửng cất tiếng ca vang “em ơi nếu mộng không thành thì sao, mua chai thuốc chuột uống dzô gồi đời”. Ðứa khác cũng không chịu thua và tiếp ngay “đường dzìa đim nai tối thui, ngập ngừng dừng bên mái tranh, anh đụng tui anh nói tui đui” … Những ngày thơ ấu cũng vội vã trôi nhanh, chúng chưa kịp lớn, chưa đủ trí khôn để hiểu biết về cuộc đổi đời, cảnh tượng hỗn loạn những ngày Tháng Tư năm 1975 khi thiên hạ liều mình bỏ xứ trốn chạy.

Dòng đời ngược xuôi đã cuốn theo một nhạc sĩ hiền hòa của miền Nam tự do với những sáng tác trị giá bạc triệu, nhạc sĩ Lam Phương. Bên cạnh những bài hát nặng tình quê hương hay có tính cộng đồng như “Nắng đẹp miền Nam”, “Tình cố đô”, “Tình anh lính chiến”, “Bức tâm thư”, “Nhạc rừng khuya” v.v. anh thường viết lên những chuyện tình dang dở, đơn phương, ngập tràn nước mắt và đậm màu chia ly như “Chờ người”, “Tình bơ vơ”, “Tình chết theo mùa đông”, “Tình như mây khói” .. Giữa cuộc chiến nhập nhằng, người nghe hiểu được những mất mát khi đất nước phân ly cũng như đồng cảm với những cuộc tình không trọn vẹn. Dòng nhạc Lam Phương mộc mạc, lời ca giản dị nên dễ dàng đi vào lòng công chúng đến nỗi, rất nhiều bài hát của anh đã được sửa lời và chuyền tay nhau qua nhiều thế hệ.

Xem thêm:   Thời vàng son của xế hộp DS

Ðặt chân đến một xứ sở xa lạ chưa đủ lâu cũng là lúc hạnh phúc gia đình lâm vào khúc rẽ. Lần nữa, anh rời bỏ vùng đất mới để trốn chạy những nghiệt ngã trong cuộc đời tình ái. Anh thường hay bông đùa với bằng hữu văn nghệ rằng:

– Người ta đi tị nạn chính trị còn ‘moi’ đi tị nạn ái tình!

Ở kinh thành Paris xa hoa tráng lệ, anh may mắn gặp được một tình yêu mới và đó cũng là niềm cảm hứng dạt dào để anh viết lên một loạt những nhạc phẩm yêu đời, tươi sáng ..

Ðường vào Paris có lắm nụ hồng, có tiếng thì thầm, nhưng anh chẳng cần, mình sống bên nhau

(“Mùa thu yêu đương”)

Từ ngày có em về, nhà mình đầy ánh trăng thề, dòng nhạc tình đang tắt lâu, tuôn trào ngọt ngào như dòng suối

(“Bài Tango cho em”)

Hạnh phúc của người nghệ sĩ thường không giữ được lâu. Mười năm yêu thương rồi cũng tan mau như bọt biển để anh phải ngậm ngùi, tiếc nuối…

Bây giờ mình đã xa nhau, thương em nước mắt tuôn trào, mười năm yêu đó, như cơn mưa rào, như giấc chiêm bao

(“Như giấc chiêm bao”)

Một đời thành danh nhưng không gặp được may mắn trong duyên phận để anh phải lui về cuộc sống cô độc với một tâm hồn dở dang, khắc khoải. Trở lại chốn cũ chưa được bao năm thì cơn bệnh ngặt nghèo ập đến. Suốt hai mươi năm buồn đau, bệnh tật đã quật ngã người nhạc sĩ bất hạnh. Anh lìa bỏ cái trần thế triền miên đau khổ với những tình trước tình sau, biết tình nào đến bạc đầu. Một kiếp phiêu bồng đã khép lại, khán giả gần xa tiếc thương và âm thầm đưa tiễn anh vào một ngày mùa đông thiếu vắng nắng vàng chiếu sáng mênh mông. Cảm ơn anh, cảm ơn dòng nhạc trữ tình, cảm ơn nàng thơ xứ trái ngọt cây lành đã dịu dàng bước vào cuộc đời tình ái của anh, cùng nhau dệt gấm thêu hoa để những nhạc phẩm yêu thương của mười năm bên trời Tây được ra đời và sống mãi trong lòng người mộ điệu. Nắng xuyên qua lá, hạt sương lìa cành. Vĩnh biệt anh Lam Phương, người nhạc sĩ tài hoa của miền Nam thân yêu một thuở.

Xem thêm:   Nhớ ca sĩ Ngọc Lan mặt trời đã xa mùa Hạ

TV