Nếu quý vị sanh ra và lớn lên xứ sở mà ngày nào cũng “sáng nắng chiều mưa buổi trưa lại nóng,” con nít vài tuổi đầu đã biết đùa giỡn với mưa thì quý vị sẽ thấy mưa là chuyện rất bình thường, thậm chí coi thường và lắm khi chán ghét mưa vì “Mưa mãi, mưa hoài!/ Nào biết trách ai!/ Phí hoang đời trẻ dại.” (Lưu Trọng Lư.) Ðặc biệt, ai đã từng ở trong hoàn cảnh chân không giày dép, người không có áo mưa (loại rẻ tiền bằng nilon, chưa dám nói tới loại sang trọng hơn như dù,) sách vở đi học đựng trong túi giấy xi-măng, cúi đầu lầm lũi bước tới trường dưới cơm mưa nặng hột thì mới thấu hiểu tâm trạng tủi thân, bơ vơ của đứa trẻ trong hai câu thơ (tôi đọc lúc nhỏ): “Trường xa trống đã điểm rồi/ Em còn dò dẫm ngoài trời đội mưa.” Mưa lúc này như không thơ mộng, khắc khoải như mưa của cố thi sĩ Lưu Trọng Lư. Mà mưa như muối xát kim châm, từng giọt mưa lạnh như dao cắt vào tâm hồn kẻ cơ hàn, mưa thật là đáng ghét.

Tuy nhiên, Ðấng Tạo hóa muôn loài luôn biết cách làm cho thiên nhiên và sự sống hài hòa. Trong những tháng ngày miền Nam Việt Nam chìm trong đói khổ ở thập niên 80, mỗi lần mưa xuống lại là mỗi lần đem nguồn sống từ trời tới cho dân chúng. Mưa đem tới lượng nước mát lạnh trong suốt, ngọt ngào chảy ào ạt từ mái nhà theo máng xối xuống rồi đổ vô lu chứa, dân chúng tha hồ tắm giặt, ăn uống, vệ sinh. Mưa là cứu cánh cho những ngày dân quê phải uống nước sông lóng phèn chua, còn nước công ty thủy cục cung cấp thì chẳng bao giờ chảy tới nhà dân, mà dòng nước yếu ớt bơm từ lòng đất lên ấy đã “rẽ ngang” để “ghé thăm” cơ quan nhà nước, nhà riêng lãnh đạo qua những đường ống dẫn nước bự chàm vàm. Tôi nhớ rất rõ, đường ống dẫn nước thủy cục vô nhà dân nhỏ xíu theo size “nhà nước quy định,” ai mua ống nước bán chợ đen bự hơn gắn vô cũng không được, bị bắt tháo ra lắp lại ống nhỏ và bị phạt tiền hoặc bị cắt nước. Từ ống nước chính của thủy cục vô nhà dân, nước đi qua những cái “cổ dê” thắt ngấn nhỏ bằng ngón tay. Ðêm đêm nhà nào cũng phân công người thức suốt đêm canh hứng nước để ngày mai cả nhà có chút nước nấu ăn, tắm rửa là rất quý. Quần áo dơ đem xuống bờ sông gần nhà giặt, dù nước sông chứa rất nhiều phù sa, nhưng vẫn đỡ hơn là không giặt. Mưa xuống là lúc mọi người túa ra tắm mưa, đứng ngửa mặt lên trời uống những giọt mưa rơi tới tấp xuống, đập vô mặt đau điếng. Nhiều người vác bao nilon ra ruộng tìm kiếm bắt ốc lác, cua đồng, bắt rắn. Rau đồng mọc hoang tốt tươi, hái về ăn độn với cháo cũng no lòng. Ðêm xuống, nước mưa ngập xăm xắp, tiếng ếch nhái kêu ran, người lớn lại xách đèn đi soi ếch, nhái, cóc.

Xem thêm:   Một câu chuyện nhỏ

Người Châu Á tôn sùng mưa, gió, sấm chớp, nên từ xưa người ta đặt cho thần mưa tên Long Vương, thần sấm là Ðiện Mẫu, thần gió là Lôi Phong. Mỗi lần trời muốn mưa thì phải theo tuần tự: Lôi Phong nổi gió ào ào, Ðiện Mẫu làm ra sấm chớp đùng đùng, Long Vương hút nước phun xuống rào rào. Cả ba yếu tố gió giông, sấm chớp và nước mưa cùng đổ xuống trần gian tạo nên những cơn mưa xối xả. Sấm to, gió lớn, nước mưa như thác đổ tràn từ trời xuống, nước ngập khắp nơi, gọi là Ðại Hồng Thủy. Người Châu Âu cổ cũng tôn sùng hiện tượng thiên nhiên như người Châu Á, họ cũng gọi là Ông Gió, Bà Mưa, chớ không nói trổng gió và mưa. Hai nhân vật Ông Gió, Bà Mưa nổi tiếng tới mức được viết thành truyện, dựng thành kịch và phim.

Tiểu bang Cali vốn nổi tiếng về những trận cháy rừng liên tục hàng năm, năm nào cũng cháy, cháy rất nhiều, thiệt hại rất nhiều, và cũng rất khó chữa cháy. Cháy rừng không chỉ biến rừng cây xanh thành đống tro tàn, mà mọi sinh vật sống dưới lòng đất, trên mặt đất dưới tán cây rừng ấy đều bị hủy diệt. Hàng năm, con số thiệt hại do cháy rừng gây nên không thể cân đong đo đếm bằng tiền. Phải rất lâu sau đó, những sinh vật sống trong rừng bị cháy mới có thể dần dà sinh sôi trở lại.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/11/2024)

Cháy rừng ở Cali cũng gần giống như cháy rừng tràm U Minh miệt mũi Cà Mau. Lá cây tràm trong rừng tràm rụng xuống mặt đất, cây cứ vươn lên cao. Từ năm này qua năm khác, lớp lá tràm rụng dày lên đến vài yards. Lá tràm, lá bạch đàn có chứa tinh dầu (chiết xuất sản xuất dầu gió dùng trong Y tế.) Quý vị chỉ cần hái một nhánh lá tràm hoặc bạch đàn tươi, bật hộp quẹt kê vô đốt thì lá tươi cháy phừng phừng, bay mùi thơm phức. Lá càng tươi thì cháy càng đượm vì chứa rất nhiều tinh dầu. Người dân miệt Cà Mau trồng cây tràm, bạch đàn quanh nhà chống muỗi. Mùa có nhiều muỗi người ta bẻ lá tràm, lá bạch đàn đốt bếp un. Làn khói trắng bay ra thơm phức làm cho lũ muỗi rất sợ mùi tinh dầu, chúng vội vàng tránh xa ngay lập tức. Vì vậy, trong rừng tràm lá tràm rụng xuống không dễ bị phân hủy do chứa tinh dầu.

Một khi rừng tràm bị cháy thì không thể dập tắt, ngọn lửa cháy ngầm âm ỉ dưới lớp lá tràm dày lâu năm và khô. Sức nóng từ dưới những lớp lá sâu bốc lên làm cháy luôn cây tràm và lớp lá bên trên. Nếu phun nước để dập lửa thì nước không tài nào thấm sâu xuống vài yards đủ dập lửa. Thành ra rừng tràm đã cháy thì người ta chỉ còn cách đào những đường hào sâu xung quanh khu vực cháy, dẫn nước biển hoặc sông vô ngập sâu các đường hào nhằm ngăn cách  khu vực cháy không lan ra khu rừng khác. Còn khu vực đã cháy thì đành chịu nhìn nó cháy đến khi nào không còn gì để cháy tự nó sẽ tắt.

Xem thêm:   Hành trình của báo chí

Mỗi lần cháy rừng tràm, người dân xứ U Minh đau lòng nhìn nguồn tài nguyên rừng bị hủy diệt, mà cũng là hủy diệt “nồi cơm” của họ. Nào là thú rừng, mật ong rừng, các loại bò sát, tôm, cá, rùa, ba khía… chết cháy thê thảm. Ðể chống cháy lan rừng tràm, cư dân U Minh đào rất nhiều hào sâu chia nhỏ rừng tràm ra thành nhiều ô cách nhau bởi các hào nước sâu.

Rừng cây ở Cali tuy không phải loại cây chứa chất tinh dầu như rừng tràm, nhưng ngọn lửa hung tàn được tiếp sức bởi gió mạnh và nắng hạn, làm mọi thứ trở nên khô khốc và dễ bén lửa, dễ cháy lan từ nơi này qua nơi khác, gây nên những trận cháy rừng khốc liệt, lan tràn ra cả khu dân cư mà không có cách gì ngăn chặn cháy rừng hiệu quả, không cách gì ngăn chặn hoàn toàn, thành thử năm nào cũng cháy và cháy rất lớn.

Những cơn mưa liên tục trong tuần này được chuyên gia dự đoán là có thể giúp chấm dứt luôn mùa cháy rừng đến hết năm nay. Nếu nói rằng những trận mưa lớn vừa đổ ập xuống quận Cam như là phép màu của Ðấng Tạo hóa ban nguồn sống cho mọi sinh vật trên mặt đất thì cũng không ngoa.

Tháng Mười Một năm ngoái, vụ cháy rừng Camp Fire gây thiệt mạng nhiều nhất trong lịch sử tiểu bang Cali. Năm nay thì chưa thấy chính quyền tiểu bang đưa ra cảnh báo nghiêm trọng gì về đề phòng cháy rừng, và những cơn mưa vừa rồi làm cho thời tiết trở lạnh giúp dập tắt hầu hết các đám cháy ở Bắc Cali. Không khí trở nên trong lành hơn, giảm hẳn bụi bay ngoài đường phố, cây cỏ vừa được tắm mình đẫm nước mưa trở nên xanh tốt, xum xuê hơn. Các nhà chuyên môn nói rằng những trận mưa này mang đến sức sống cho những vùng đất đang bị khô cằn, thiếu nước của tiểu bang.

TPT