Lễ hội Halloween có niên đại từ khoảng năm 1745, tính tới nay cũng 277 mùa Halloween, và cũng là 277 lần mọi người nhộn nhịp chuẩn bị cho ngày lễ hội vui vẻ mà đầy chất ma quái này.

Phàm ở đời, cái gì lặp đi lặp lại nhiều lần quá một kiểu đều trở nên nhàm chán, không đủ khơi gợi sự tò mò, kích thích khám phá điều lạ cho con người. Lễ hội Halloween là một kiểu “lặp đi lặp lại” nhưng lại không có tính chất bắt buộc (vì phong tục tập quán) như ngày Tết. Người Việt có câu: “Ðồng tiền liền khúc ruột.” để chỉ sự bị mất tiền hay xài tiền (nhứt là người có thu nhập eo hẹp) đều làm cho chủ nhân túi tiền cảm thấy xót xa như bị ai “cắt ruột.” Vì vậy, để thu hút khách hàng chịu móc hầu bao ra mua sắm hàng năm chớ không phải cứ lôi đồ trang trí, đồ chơi cũ trong kho ra chơi hoài, thì nhà sản xuất luôn nghĩ ra các “chiêu” mới để “câu” khách.

Trước đây, tôi có kể cho quý độc giả biết tôi có thói quen đi rảo trong các tiệm bán đồ cũ hoặc tiệm 99 cents, tiệm Dollar Tree, chợ trời… để tìm kiếm những món đồ độc-lạ-rẻ mua chơi. Hễ có dịp thì tôi tấp vô các tiệm đó như một thú vui giải trí lành mạnh mà còn rẻ tiền, nên năm nào tôi cũng không bỏ qua cơ hội đi coi đồ trưng bày dịp Halloween hoặc Giáng sinh.

Mấy kiểu như là bộ xương người bằng plastic dẻo trắng nhởn, áo choàng đen, trái bí màu nâu vàng cười toe toét nhe mấy cái răng khấp khểnh, mụ phù thủy xấu xí da mặt nhăn nheo ốm nhách, mặt nạ bằng giấy hoặc bằng plastic dẻo vẽ cái sọ người, những cái nón giấy chóp nhọn cao vút, bong bóng in hình trái bí, con mèo đen lông sững bờm xờm, các tube bột màu hóa trang dành cho trẻ em vẽ lên mặt, tô, chén, ly, tách, khăn trải bàn vẽ hình trái bí hay chiếc lá phong màu nâu vàng, những cái chân nến thủy tinh hình lá phong màu của mùa Thu… Ở đâu cũng thấy bày ra bán nhiều tới mức lóa hết cả mắt. Những mặt hàng này năm nay thấy coi mòi đã trở thành model “đồ cổ” lắm rồi. Nên ngoài các kiểu “kinh điển” dành cho người có tính hoài cổ thì năm nào tôi cũng thấy nhà sản xuất sáng tạo ra các mẫu mới hấp dẫn vô cùng, làm cho tôi nhìn thấy muốn mua liền. May là tôi chưa có nhà riêng, nếu tôi có nhà riêng chắc là nhà tôi đã biến nhà thành cái kho chứa đồ chơi Halloween với tiêu chuẩn độc-lạ-rẻ.

Xem thêm:   Bạn cao tuổi ở Cần Thơ

Có vẻ như năm nay, ngoài màu “cổ điển” và chủ đạo là nâu vàng của trái bí kiểu cũ, thì năm nay Halloween bổ sung thêm màu đen “xinh đẹp” và xu hướng “chém đinh chặt sắt.” Tôi xin giới thiệu với quý vị một ít kiểu “lưỡi câu” sắc lẻm mà tôi nhìn thấy như sau:

Trước hết là tôi rất “chíp” bộ tô chén dĩa ly và cái bợ nồi (chống nóng) bằng gốm màu be nhạt có vẽ hình trái bí và lá phong. Hình vẽ này có tô bóng nổi, chớ không phải vẽ phẳng như mấy cái ly, chén tôi hiện đang có. Bợ nồi in hình trái bí nâu vàng, xanh nhìn rất vui mắt, không phải màu sậm (chống nhìn thấy dơ) như các bợ nồi đã bán trước đây. Những cái chai thủy tinh màu vàng, cam, trắng… hẹp cổ có nút chai thủy tinh tạo hình chiếc lá dương xỉ, phần nút phía dưới được bọc plastic dẻo. Chai này dùng trang trí đẹp mà để đựng này nọ trong bếp cũng tốt luôn. Chân nến bằng kim loại màu nâu đậm, vàng hình lá dương xỉ, lá phong và con gà tây. Năm ngoái, tôi có mua mấy cái chân nến thủy tinh màu hình lá phong lật ngửa, không thấy loại chân nến kim loại này. Ngược lại, năm nay tôi cố ý tìm kiếm nhưng không thấy kiểu chân nến thủy tinh hình lá phong nữa.

Các bà phù thủy năm ngoái bị cho mặc áo đầm hoặc áo choàng đen “rách rưới lang thang,” vải nhăn nhúm cũ mèm, mặt chàu quạu. Năm nay các bà được nhà sản xuất cho ăn mặc rất xinh đẹp, đỏm dáng, miệng cười tươi, trang phục màu đen tuyền, mới bóng bẩy, đội nón đen rộng vành có gắn lông chim, miệng cười vui vẻ. Không có chút gì màu sắc ảm đạm hay gây “sợ ma” cho con nít. Những trái bí được làm bằng nhung đen tuyền nhìn thật đẹp. Lại có thêm vòng đội đầu bằng lông gà nhuộm đen. Tôi thích cái hũ thủy tinh đựng tiêu/muối, có nắp là trái bí Halloween.

Xem thêm:   Cá đuối món nào gia vị đó!

Ở Việt Nam, con nít từ 12 tuổi trở xuống, thường thích chơi chia phe đánh nhau như trong tuồng hát hay trong phim với các loại “vũ khí” tự chế. Trước 30-4-75, tiệm chụp hình của cha tôi xài loại phim nhựa (6 x 9) cm để chụp hình cho khách. Phim lớn, mà in ra giấy hình size giấy thông thường cũng (6 x 9) cm nên hình rất rõ, mịn, đẹp. Lúc nào khách lấy hình mà họ hài lòng muốn in thêm size giấy lớn hơn tiệm mới in. Loại phim nhựa này có miếng giấy hơi cứng, bóng, dài đúng chiều dài cuộn phim nhựa. Một mặt giấy màu đen đục, một mặt màu đỏ sẫm có in tên hãng phim. Mặt giấy đen cuộn áp vô bề mặt có tráng thuốc để bảo vệ phim, khi lắp phim vô máy chụp hình xong thì thợ mới nắm miếng giấy bảo vệ đó kéo ra bỏ. Kể dài dòng như vậy để quý vị biết ở nhà tôi lúc đó bỏ ra rất nhiều cuộn giấy phim như vậy. Bọn con nít chúng tôi lượm đem cuốn chặt thành cuốn tròn rồi kéo từ từ ra, lấy dây thun khoanh cột ở đầu lớn cho nó khỏi tuột, rồi cầm “đánh kiếm” với nhau. Cũng đâm, thọt, chém ào ào không thua gì tài tử Ðịch Long, Khương Ðại Vệ trên TV.

Tiệm Dollar Tree đồ chơi Halloween cho trẻ em có một số mặt hàng mới con nít có thể dùng “chiến đấu” với nhau giống tôi hồi nhỏ chăng? Ở một kệ trưng bày liềm cắt cỏ, dao vuông to bản chặt thịt, dao xắt rau củ mũi nhọn bằng nhựa, dùi cui điện bằng plastic màu đỏ dài khoảng 2 gang tay, viên xúc xắc bự bằng giấy màu. Qua kệ khác coi thì thấy có côn nhị khúc bằng xốp mềm. Ở một tiệm khác, lổn nga lổn ngổn một đống chân giò, bàn tay cụt bầy nhầy máu me bỏ loạn xạ trong thùng giấy hoặc treo tòn ten trên kệ sắt. Xu hướng đồ chơi Halloween năm nay coi mòi có nhuốm màu sắc “bạo lực” à nhe.

Xem thêm:   Tự tin

Bù lại, tôi thấy có món đồ chơi mới là con ma thân thiện Casper bằng silicone dẻo, biết hát theo điệu nhạc câu “Trick or Treat” và phát ra ánh sáng khi tôi cầm nó lên bóp nhẹ vô thân mình của nó. Nó hoạt động được nhờ vào cục pin nhỏ như nút áo. Nghe nó hát bằng giọng trẻ con rất dễ thương và vui vẻ, tôi thích quá, cũng tính mua một con chơi. Nhưng suy nghĩ lại thì đem về tôi biết đặt con ma Casper này ở chỗ nào? Không lẽ cứ cầm trên tay hoài? Nghĩ vậy tôi bèn thôi không mua nữa.

Thiệt tình mấy cái “lưỡi câu” này nó “độc địa” ở chỗ bây giờ có đồ chơi lạ không mua, qua năm sau họ không sản xuất món đó mà họ đưa ra sản phẩm mẫu mã mới. Mình muốn kiếm mua kiểu cũ không có. Thành ra nhiều người cứ thấy thích thì bỏ tiền mua để làm bộ sưu tập độc-lạ-rẻ.

Cuối cùng, sau nhiều lần đi rảo quanh các tiệm thì tôi đã kiếm được một món đúng chất độc-lạ-rẻ ở tiệm bán đồ cũ. Ðó là cái chân nến duy nhất trong tiệm, bằng thủy tinh trắng sản xuất tại Hồng Kông, tạo hình mặt tiền ngôi nhà thờ và làm cho thủy tinh đục mờ mặt trước, mặt sau chỗ cắm nến vẫn là thủy tinh trong suốt. Chân nến mới, không sứt mẻ, giá $1.5. Tôi hí hửng đem nó về như chiến lợi phẩm hiếm có sau cuộc “đi săn.”

TPT