Ai cũng thừa biết. Thượng Hải là một trong 4 thành phố lớn nhất về dân số (26.6 triệu người), một đô thị công nghiệp sầm uất, ồn ào đang vươn vai lớn mạnh và đã trở thành niềm tự hào tầm cỡ của Trung Quốc. Nhưng thật lạ kỳ. Nó lại được tiếng là rất gọn ghẽ nề nếp, tươm tất, kể cả suốt những năm tháng ròng rã, nhiễu nhương, đình đốn vì đại dịch Covid vừa qua; không như phần đông các thành phố tiếng tăm khác của thế giới đã ra… bầy hầy, hỗn tạp. Thượng Hải vẫn phong quang, sạch sẽ như cái thời huy hoàng 1927 của Bến Thượng Hải, trong con mắt tâm phục khẩu phục của giao thương quốc tế. Lý do, vì mọi thứ (kể cả rác rưởi, hư cũ, vứt bỏ) tung hê bừa phứa ra đường, ra phố đều đã được một đội ngũ những người nhập cư đông như quân Nguyên ra sức, lượm nhặt hết, thu gom hết, để tái chế, dùng lại, không phí phạm cái gì. Của vào nhà khó, ai còn lạ gì, như gió vào nhà trống mà lị. Đã không mất của, lại được thêm người.

Francis Assisi
Lê Đình Bảng

Ở đây và lúc này, tôi chỉ muốn nói tới trường hợp đặc biệt của một nhân vật người Pháp, nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp Alain Delorme cùng vợ con anh.

Những hình ảnh ngồn ngộn, nhếch nhác, lô xô, bát nháo, rối rắm như canh hẹ của Thượng Hải, cứ tưởng như địa ngục, ấy thế mà, lại biến nên chất liệu,  hình thành một thế giới thật phong phú, đa chiều trong nghệ thuật đặc trưng của nhà nhiếp ảnh có đầu óc hiện sinh Alain Delorme, người Pháp.

Nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp Alain Delorme cùng vợ con.

Theo Anh, ấn tượng lần đầu tiên về Thượng Hải chẳng phải ở những toà nhà chọc trời, những phố buôn, những ngân hàng chứng khoán, những khu chế xuất hiện đại. Chúng chỉ có giá trị là những khối vật chất bằng bê tông sắt thép nặng trịch, vô hồn. Phải gợi lên xôn xao cảm xúc, nồng nàn hơi thở của sự sống, của tình yêu. Do đó, cái ấn tượng chính là ở đội quân khổng lồ, không mệt mỏi của những người thồ hàng – những shippers/ dân cửu vạn – tạm so sánh đại loại, như một đàn kiến cần cù  đang đi lại dập dìu ngày đêm, qua các ngả đường giăng mắc của thành phố. Họ đi, họ gò lưng, họ gồng mình trên những cái xe thô sơ, cũ kỹ, già nua và những chồng đống những hàng họ kềnh càng xếp lớp trên đấy. Thật khó tin. Chính họ mới là đề tài và nguồn cảm hứng để Anh bấm máy và gửi gắm vào đấy góc nhìn của anh về “một hiện thực xã hội Trung Quốc ngày nay”. Ðồng thời, qua cái format chung này, hiện lên “một giai cấp mới, có tên là những người nhập cư đã và đang phải đánh vật với sức nặng của những kiện hàng vượt xa cái trọng lượng của họ và số phận của họ trong xã hội của xứ sở con Trời!”

Xem thêm:   Chuyện ven đường

Và phải chăng, nhà nhiếp ảnh này cũng muốn gửi đến người xem một thông điệp: một mặt, vừa có ý nghĩa về sự giàu có mà những người nhập cư đang phải gò lưng gánh vác trên đôi vai; mặt khác, cũng vừa tạo nên một sự tương phản đáng kinh ngạc với số phận khốn khổ của chính họ? Ðâu là thực tế? Hạnh phúc bền vững hay mong manh, trôi nổi của những người nhập cư cõng trên lưng mình cả một ngọn núi nặng nghìn cân những rác rưởi, khói bụi, chen chúc, pha trộn chút hãnh tiến trong vô cảm, mịt mù?

Ðể có cái album hình ảnh hiếm hoi, nhức nhối và lạ mắt này, Alain đã phải bỏ ra 6 tuần lễ đạp xe lòng vòng, 6 giờ mỗi ngày quanh Thượng Hải để khám phá, chọn lựa, thu vào ống kính hết thảy những người vận chuyển đẳng cấp nhất, gan lì nhất và cừ khôi nhất. Anh không tiếc lời, gọi họ là “những siêu anh hùng, những supermen, những chàng Atlas của thần thoại Hy Lạp, vì tỏ rõ sức mạnh cử đỉnh bạt sơn, nâng đỡ được cả một bầu trời!”.

Lần lượt, qua từng tấm ảnh chụp,  Alain Delorme trình bày suy nghĩ không mấy lạc quan của Anh về một đất nước Trung Quốc trong hiện tại với số dân kỷ lục 1.4 tỷ người.

Ðược biết, những tấm ảnh này đều do chính nhiếp ảnh gia lựa chọn từ hơn 6000 tấm đã chụp. Tuy nhiên,  Anh đã dùng một vài kỹ thuật photoshop để truyền tải cảm nhận  của mình về một góc nhỏ đời sống đổ mồ hôi sôi nước mắt rất đỗi cơ cực của xã hội Trung Quốc. Họ có đủ sức nhẫn nhục để chịu đựng mãi và để vượt qua cái sức tì đè này chăng?

Xem thêm:   Chu Trầm Nguyên Minh

Ngày xưa, khi đời sống người mình còn dừng lại ở mức độ thủ công, nông nghiệp thì chuyện đi lại, vận chuyển hàng hoá còn thô sơ, nhẹ nhàng lắm. Những người làm công việc nặng nhọc này được xã hội gọi là Cửu Vạn. Cái tên chẳng tốt đẹp gì ấy, quả tình là mang đậm hơi hướm của  cánh chơi bài bạc “Tổ Tôm” đặt cho họ. Nôm na, hiểu một cách đơn thuần, chỉ là những anh phu khuân vác bằng sức người. Trông bề ngoài, có dáng vẻ hùng hục, vạm vỡ thế đấy, nhưng xuất thân vẫn là từ  cái gốc cùng đinh, chém to, kho mặn, vai u thịt bắp mồ hôi dầu. Ngày nay, thời của văn minh cơ khí, của tốc độ, của khoan cắt đục bê tông và container, đầu kéo, của bến cảng, cần cẩu, kho bãi… Cửu Vạn đã có một khai sinh hộ tịch mới – bốc xếp – với đồ nghề mới, vũ khí mới… Nhưng mới hay cũ thì cũng chẳng khiến cho người ta khỏi liên tưởng đến hình ảnh nhân vật Vọi, “anh chàng chài lưới đẹp trai ở bãi biển Ðồ Sơn” trong tiểu thuyết Trống Mái – nhà xuất bản Ðời Nay, Hà Nội, 1941 –  của nhà văn Khái Hưng (1896-1947). Một thoáng hiện rất chập chờn trong ký ức vào một ngày đẹp trời nào đó của Hiền?

FALĐB