Táo có lẽ là giống trái cây phổ thông nhất thế giới vì từ thủa khai thiên lập địa, theo kinh thánh Thiên Chúa giáo, thủy tổ của con người đã được ăn táo. Nhưng táo thủa ấy là trái cấm nên ông Adam mắc nghẹn và con cháu sau này, những nam nhân đều có… cục táo ở cổ?

rd.com

Ngày trước ở Việt Nam ta không mấy ai ăn táo trừ những trái táo tàu nhỏ xíu vỏ xanh, giòn, chua chua, ngọt ngọt hoặc táo tàu phơi khô, da nhăn nhúm đen thui và ngọt lự mua từ tiệm thuốc Bắc. Ðến thập niên 70 của thế kỷ trước, trái táo theo chân những người lính Mỹ vào Việt Nam và phố xá, chợ trời đã thấy bán những trái táo, trái nho. Táo xuất hiện trong bài hát… Tình yêu là trái táo thơm… Trên tivi, tại phòng trà ca nhạc,  khán giả đã thấy ban tam ca “Ba Trái Táo”, hẳn ý nói rằng ba ca sĩ tóc dài trông … ngon mắt như trái táo?
Vì là món hàng nhập cảng nên nho táo khá đắt so với trái cây địa phương miền nhiệt đới. Cao giá nên táo có vẻ “quý” dưới mắt Dế Mèn nhưng khi qua đến Huê Kỳ thì táo … xuống giá vì món trái cây ấy bày lền khên khắp nơi và rẻ rề.
Táo [thiệt] thì rẻ nhưng Trái Táo Sứt (Apple) của ông Steve Jobs xuất hiện trong thập niên 90 thì không rẻ chút nào. Dế Mèn nghe nói rằng ông sếp lớn [đã quá vãng] yêu chuộng táo nên đặt tên công ty của mình như thế?

Thủa “mới quen” phe ta chỉ biết sơ sơ đến loại táo Red Delicious, Jonagold và vài ba loại khác. Vô chợ thấy món nào bày bán và… “on sale” bán rẻ thì sán vào lựa rồi mua về chứ chưa biết thẩm định hương vị của từng loại táo. Cho đến khi thử nấu nướng với táo thì mới vỡ lẽ, rồi lần hồi nhận ra rằng ngó vậy chứ không phải vậy, không phải loại táo nào cũng như nhau. Giây phút “à há” xảy ra khi Dế Mèn thử làm chiếc bánh táo đầu tiên. Mèn ơi, nhân bánh chảy nước nhão nhoẹt khiến vỏ bánh cũng mềm oặt, xắn ra miếng bánh ướt nhẹp mà buồn quá đỗi! Phe ta cũng theo công thức chỉ dẫn đàng hoàng chứ đâu có làm đại? Thì ra Red Delicious là trái táo tội lỗi (ông Adam mắc nghẹn vì ăn phải loại táo này chăng?), ăn tươi thì ngon chứ khi nấu chín thì nhiều nước nên mềm nhão và nhất là làm bánh thì hỏng bét.

Thất bại nặng nề nên Dế Mèn thắc mắc lắm, tại sao bánh của… tiệm ngon như thế mà bánh nhà mình thì dở như hạch? Tức mình nên mày mò tìm kiếm; thì ra thế giới có đến 7,500 loại táo khác nhau, bạn ạ! Sách vở nói như thế và trong 7,500 loại táo thì có đến 2,500 loại trồng cấy tại Hoa Kỳ. Thế là phe ta nhủ lòng sẽ ráng thử cho … hết nhưng tính đến hôm nay thì cũng chỉ thử được cỡ 50 thứ khác nhau, và thử xong rồi thì lại quên béng hương vị của mấy loại táo trước đó. Không vẫn hoàn không, Dế Mèn cũng chỉ biết quanh quẩn mấy loại táo quen thuộc nhưng đã ghi chú rõ ràng để khỏi bé cái lầm nữa.

Xem thêm:   Mưa rừng & tiếng hú giữa đêm khuya

Món Red Delicious vỏ đỏ bóng, cắn giòn tan và không ngọt lắm. Món này gốc gác từ Peru và sau đem trồng tại Iowa Huê Kỳ, xuất hiện trên thị trường từ năm 1847, có lẽ là giống táo lâu đời nhất? Gala gốc gác từ New Zealand, được ghép từ giống táo Kidd’s Orange và Golden Delicious cũng giòn nhưng vị ngọt hơn và có thể dùng làm nhân bánh.  Granny Smith là loại táo vỏ xanh, chua chua và giòn, thỉnh thoảng Dế Mèn dùng thay cho khế chua khi làm gỏi hoặc ăn nem nướng. Sách vở ghi chép công bà Maria Ann Smith, người Úc, đã cấy trồng được loại táo này từ giống crabapple của Pháp từ những năm 1850. Không lạ là loại táo mang tên cụ bà “Granny Smith”. Mấy loại táo kể trên thường xuất hiện vào cuối Hè và suốt mùa Thu nhưng Ambrosia thì được bày bán quanh năm vì có vẻ dễ trồng tỉa? Ambrosia ngọt đậm nhưng không giòn như mấy loại táo kia. Táo mùa Thu ngon nhất là loại Braeburn, giòn và hơi chua, vỏ màu cam vàng chuyển sang đỏ hồng nhìn rất bắt mắt.

Phe ta dùng quanh quẩn mấy món táo ấy, khi ăn sống, lúc nướng hoặc làm nhân bánh cho đến khi thử loại Honeycrisp. Honeycrisp, như tên gọi, rất giòn và ngọt thêm vị chua chua. Trái táo có màu đỏ hồng pha lẫn với xanh lục; trái khá lớn so với các loại táo khác. Ðây là loại táo mới keng, do các chuyên viên canh nông từ University of Minnesota, Minneapolis-St. Paul, Minnesota, gây giống từ Keepsake apple và một giống cây “bí mật” khác từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Ưa chuộng honeycrisp quá xá nên phe ta tò mò tìm hiểu về loại táo ấy. Táo ngon như thế mà sao lại sinh sau đẻ muộn, mãi bây giờ mới “thấy” hay honeycrisp đã có từ thủa nào nhưng bây giờ mới gặp?
Thông thường cây trái được gây giống, trồng cấy theo tiêu chuẩn “hay ăn chóng lớn”, dễ vận chuyển (ít bầm giập), lợi nhuận nhiều hơn khi bán ra thị trường. Táo cũng thế, cũng được gây giống theo hai tiêu chuẩn chính: giòn và đặc ruột (nặng ký), vị ngọt có thể thay đổi. Nhưng đến “đời” honeycrisp thì tiêu chuẩn kể trên đã thay đổi. Giống táo được cấy trồng theo tiêu chuẩn mới: giòn và vừa đủ vị ngọt / chua.

Theo ông David Bedford, một trong những cha mẹ của honeycrisp, tên nguyên thủy trong phòng thí nghiệm là MN1711, loại cây ấy đã bị vứt bỏ năm 1977 vì “ẻo lả” quá, không kham nổi khí lạnh. Khi khởi sự cộng tác với nhóm chuyên viên canh nông tại Minnesota, ông Bedford đã… lượm lại được bốn giống còn sót sau lần ‘dọn dẹp” trước đó. Ông này thử đem trồng xem giống cây ẻo lả kia có thể đậu trái hay không. Ðến năm 1983 thì cây ra trái và trái lại được mọi người yêu chuộng vô cùng. Thế là honeycrisp ra đời và sống hùng sống mạnh, vượt mặt các loại táo ông / bà / chú / bác với trị giá cao gấp đôi, gấp ba vì nó ngon quá xá. Ăn một lại muốn ăn hai (in hệt như bài hát rao kẹo kéo của mình năm xưa)? Vừa miệng nên người mua chịu móc hầu bao trả giá tiền 3-5 Mỹ kim một cân Anh cho loại honeycrisp.

Xem thêm:   Nhớ ca sĩ Ngọc Lan mặt trời đã xa mùa Hạ

Từ năm 2012-2018, sản lượng honeycrisp đã lên gấp đôi và trở thành loại táo đứng thứ năm (đứng đầu là Gala và thứ nhì là Red Delicious) trên danh sách trồng cấy của các nông trại trồng táo. Ngon ngọt như thế thì tại sao honeycrisp không đứng hạng nhất? Vì loại táo ấy tương đối “khó nuôi”, bạn ạ! Khách hàng thì ưa chuộng lắm nhưng nông gia thì nhíu mày, nhăn mặt.
Theo bà Brenda Briggs của Rice Fruit Co., một công ty buôn bán táo cả trăm năm nay tại Adams County, Pennsylvania, nông gia phải “huấn luyện” cây táo để chúng đừng mọc cao quá nhanh; cây cao nhiều lá sẽ che khuất nắng khiến những trái táo bên dưới cành sẽ không tăng trưởng đủ và kém ngọt. Cây lớn nhanh quá nên không kịp thu hút đủ calcium trong đất nên khi đậu trái, vỏ táo bị “mụn” bầm nâu lỗ chỗ ngoài da trông mất ngon. Nông gia phải bơm và tưới calcium lên cành lá bù đắp cho cây honeycrisp.

istockphoto

Nhà vườn Mark Nicholson của nông trại Red Jacket Orchards tại New York, nơi sử dụng trên dưới 400 mẫu đất để trồng honeycrisp, cho rằng loại táo ấy ra trái rất lớn, kích thước như trái bưởi, cũng là một trở ngại khác. Khách hàng thích honeycrisp nhưng không mấy ai chuộng trái táo to kềnh như trái bưởi, ăn hoài chưa hết!?

Vỏ honeycrisp mỏng nên trái táo mọng nước nhưng cũng chính vì mỏng vỏ nên trái táo dễ bầm giập và dễ bị cháy nắng. Chim chóc cũng ưa chuộng honeycrisp như con người nên nhà vườn phải bọc lưới để bảo vệ cây. Thêm một món phí tổn nữa.
Chưa hết, táo được mùa ngon ngọt dễ bán nhưng thu hoạch, hái trái và lưu trữ là cả một việc khó khăn. Honeycrisp “mỏng manh” nên khi hái, nhân công phải cắt cành sát cuống táo kẻo cành nhọn sẽ gây bầm giập các trái táo khác. Không nhanh và dễ như khi hái các loại táo khác. Khác với các loại táo “dễ nuôi”, honeycrisp là tiểu thư, món táo “nắng không ưa mưa không chịu”; hái xong phải đem trữ ở chỗ mát ít nhất 5-10 ngày để trái táo có thể làm quen với “thời tiết” mới trước khi mang vào phòng lạnh.
Tóm lại là tiểu thư honeycrisp đòi hỏi khá nhiều công lao của nhà vườn, phí tổn trồng cấy và thu hoạch cao hơn so với các loại táo khác. Nhiều công sức như thế nhưng cuối cùng cũng chỉ khoảng 60% honeycrisp đến thị trường, phần còn lại hư hại và phải vứt bỏ.

Xem thêm:   Thân thương hai tiếng "Mình ơi"

Nhiêu khê như thế nên loại trái cây tiểu thư ấy đắt giá hơn các loại táo khác là điều dễ hiểu. Red và Golden Delicious giá trung bình khoảng 2.19 Mỹ kim / cân Anh trong khi honeycrisp giá cao gấp đôi trong mùa Thu. Nhà vườn vẫn chịu cấy trồng vì lượng “cung” vẫn thấp hơn mức “cầu”. Chợ thực phẩm nào cũng đặt mua honeycrisp vì món trái cây ấy bán chạy vèo vèo.

Lời lãi nhiều nên đã có nông trại tháo bỏ các loại táo khác để trồng honeycrisp dù thời tiết địa phương không mấy thuận tiện. Các trang trại miền tây không gặp mấy trở ngại nhưng ở miền đông, thời tiết không hòa thuận lắm với các loại cây trái tiểu thư như honeycrisp. Tiểu bang Washington trở thành thủ phủ [của nông trại] táo và nơi nguồn cung cấp chính, chưa kể xuất cảng, cho các đại lý thực phẩm lớn kể cả Whole Foods Market và FreshDirect. Hai công ty này dù cũng có những nông trại địa phương (để thu mua rau cỏ, hoa quả), những vẫn phải mua honeycrisp từ miền tây và vận chuyển qua miền đông để cung ứng cho thị trường?

Theo ông Eric Rama, một chuyên viên phân tích canh nông tại MetLife Inc., thì chuyện tiểu thư hạ giá xem ra hơi xa vì lượng “cung” dù đã gia tăng khá nhiều nhưng số “cầu” cũng gia tăng tương tự. Tạm hiểu là người tiêu thụ vẫn ưa chuộng honeycrisp lắm lắm và cứ mua về ăn đều đều. Họ chưa thấy kiện hàng honeycrisp nào phải đem đổ vì ế cả!
Vì thế bá tánh cứ tiếp tục làm ăn. Nông trại Broetje Orchards tại Prescott, Washington, đã dành 10% đất đai (khoảng 700 mẫu) để trồng loại táo Opal (ít bầm giập) và một lượng đất đai tương tự để trồng honeycrisp. Có lẽ để “chia đều” sự rủi ro? Mất [mùa] loại táo này, may ra còn loại táo khác mà buôn bán gỡ vốn?

Tất nhiên là làm ăn thịnh vượng nhưng các chuyên viên canh nông vẫn không ngủ quên trên chiến thắng; họ vẫn tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm xem giống táo honeycrisp có anh em bà con chi không; loại anh em bà con cũng có hương vị tương tự nhưng cứng cáp, dễ trồng cấy hơn? Hoặc giả quảng cáo kịch liệt để bá tánh chịu làm quen với vài loại táo “mới” như Washington State University dự định sẽ giới thiệu loại táo mới gây giống, Cosmic Crisp, cũng giòn, cũng chua chua ngọt ngọt như honeycrisp. Tại tiểu bang này, táo chiếm 10% tổng số nông phẩm sản xuất mỗi năm.
Tương tự tại New York, nông trại Fishkill Farms cũng đang quảng cáo cho loại táo Esopus Spitzenburg, có hương vị đậm đà và hình như là loại táo được cụ Thomas Jefferson ưa chuộng (?). Một loại táo “cũ” nhưng vẫn ngon?!

Mùa Thu, mùa táo, ta tha hồ thưởng thức các loại táo mới / cũ, an apple a day keeps the doctor away, vừa hợp khẩu vị, vừa được khỏe mạnh, ta còn mong ước chi nữa, phải không bạn?

TLL