Nhiều kỳ – Kỳ 3:

(Tôi dịch thuật)

Tôi lọt lòng mẹ tại một vùng quê sơ tán cách thành phố Nam Ðịnh chừng 15 Km vào năm 1968. Từ khi sinh ra cho đến tận những năm đầu của tuổi ba mươi, tôi hầu như không biết gì ngoài câu nói của Hồ Chí Minh: “Ðảng ta là đạo đức, là văn minh”. Rồi qua một chuyện dịch thuật về dân chủ xảy ra đầu năm 2002 đã giúp tôi rũ bỏ dứt khoát và hoàn toàn mọi phân vân, ảo tưởng, trông ngóng ngu ngốc về “Bác và Ðảng”. Tuy nhiên, để có bước ngoặt đời mới may mắn như thế, tôi phải tri ân tới rất nhiều người và rất nhiều thứ, trong đó có những cuốn sách, những tác giả, những bản văn đã cho tôi hoặc chỉ cho tôi những lối đi tới những hiểu biết mới, những suy nghĩ mới để có thể nhận ra một chế độ hiểm độc.

Song, mãi tới năm 2011, tôi mới gặp và đọc được The Federalist qua một lần tìm hiểu về chính trị Mỹ. Vào thời điểm này tôi chưa biết đã có bản dịch Việt văn The Federalist. Sự vất vả khi đọc một bản văn ngoại ngữ ra đời cách đây gần 2.5 thế kỷ đã tăng lên gấp bội bởi The Federalist hay nêu ra những kiến thức lịch sử, chính trị ở nhiều nơi và nhiều đời mà tôi hoàn toàn không biết; chưa kể hàng loạt những chữ nghĩa có tính chất khái niệm, ý niệm về chính trị, triết học. Tuy nhiên càng đọc, và càng đọc lại, The Federalist đã cho tôi những cảm giác rất phấn chấn vì tôi thấy hiểu hơn sự vận hành của nền chính trị Mỹ và thấy đỡ mông lung hơn trước các vấn đề chính trị thực tại của Việt Nam cũng như thế giới. Khó khăn bỗng thành cơ hội. Tháng 07/2014 tôi hăm hở bắt tay vào dịch The Federalist với hy vọng sẽ sớm hoàn thành để chia sẻ với cộng đồng.

Xem thêm:   Một câu chuyện nhỏ

Sau ba tháng, với trợ lực của hai bản Pháp văn, tôi tạm hoàn thành bản dịch đầu tiên, The Federalist số 10 (nguyên tác khoảng 3000 chữ). Song, việc dịch lôi tôi đi quá xa so với dự định ban đầu, gần giống một kẻ chỉ có ý định bơi một đoạn sông rồi quay về nhưng đã bị dòng nước và cảnh vật hấp dẫn cuốn ra tận cửa bể mênh mông chẳng thấy bến bờ. Gần như mỗi trích dẫn, mỗi ngầm ý của The Federalist đều bắt phải tìm kiếm, xem thêm tài liệu về lịch sử, chính trị, văn hóa cổ đại, trung đại của Âu châu hay vùng Trung Á, Ai Cập, Hy Lạp đầy huyền thoại. Công việc đã đưa tôi gặp những địa danh, những danh nhân lạ hoắc: Tartary, Abbe de Mably, Polybius, Crete, Alexander Pope, Patrick Henry, Algernon Sidney, Jean Louis De Lolme … và cũng được gặp lại nhiều cái tên quen thuộc nhưng còn quá lơ mơ về họ: David Hume, John Locke, Thomas Hobbes, Montesquieu, Jean-Jacques Rousseau… Ðằng sau mỗi cái tên luôn là những cuộc đời, sự kiện, câu chuyện, ý tưởng có sức cuốn ta đi trong nhiều tháng ngày, thậm chí cả đời. Ngoài ra, The Federalist còn có những ý niệm, tư tưởng chưa phổ biến hoặc hoàn toàn chưa có trong suy nghĩ của người Việt. Ðể thoát cảm giác choáng ngợp hoang mang, tôi phải tự nhủ đổi mục đích, không phải dịch để giới thiệu nữa mà dịch, như ai đó đã dạy, là cách tốt nhất để ta tự học, tự sửa chữa.

Ba tác giả của The Federalists

Nói đến văn chính trị thường khiến chúng ta cảm thấy khô khan. Ðây là một sự thực, vì văn chính trị, khác với thơ nhạc và văn chương tưởng tượng, nhằm vào khai mở lý trí, lập luận logic hơn là khơi gợi xúc cảm, trí tưởng bay bổng; chưa kể các luận văn chính trị còn phải đề cập tới các thiết chế, cấu trúc có tính chất khuôn mẫu, cơ học chính xác, nghiêm cẩn.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (03/28/2024)

Nhưng văn chính trị có vẻ đẹp và sự hấp dẫn riêng vì nó vẫn là sản phẩm của con người nhằm nói về con người. Hơn nữa, nó còn nói về một vấn đề hết sức thiết thực và tối quan trọng cho con người: những nguyên tắc, cấu trúc, mô hình, tập quán, tư tưởng liên quan tới sự cai trị, kiểm soát, tác động sâu xa và dài lâu tới đời sống, cả tinh thần lẫn vật chất, của một cộng đồng con người.

The Federalist đã cho tôi biết nhiều điều thú vị. Ví dụ, tại sao người Việt yêu dân chủ hay nói cần phải có “tam quyền phân lập”, “tư pháp độc lập”, nhưng hệ thống chính trị Mỹ lại cho phép tổng thống (tức hành pháp) bổ nhiệm thẩm phán liên bang – những người sẽ giữ chức năng tư pháp tối cao, kể cả việc xét xử tổng thống? Tại sao ban đầu các nhà lập quốc Mỹ rất không ưa đảng phái chính trị nhưng rồi chính họ lại đứng ra thành lập đảng chính trị? Tại sao các nhà lập quốc Mỹ nhiệt liệt cổ xướng cho thể chế dân chủ lại trao việc chọn tổng thống cho các “đại cử tri” mà không phải cho từng công dân? Hay một điều đơn giản hơn nhưng không kém thú vị, The Federalist đã cho tôi biết rõ nguồn gốc của câu nói nổi tiếng “Tự do hay là Chết” (Give me Liberty or Give me Death).

The Federalist cũng lý giải cho tôi một khúc mắc từ lâu tại sao Ðảng Cộng Sản Mỹ, ra đời trước cả Ðảng Cộng Sản Việt Nam, vẫn tồn tại ở Mỹ nhưng các lãnh tụ của nó chưa bao giờ có một cơ hội đứng gần chính quyền chứ đừng nói đến những phát biểu trắng trợn và ngỗ ngược như Hồ Chí Minh đã viết: “Ðảng ta là một đảng cầm quyền”.

Xem thêm:   Nỗi buồn tháng Tư

Việc dịch The Federalist không còn là một nhu cầu thúc bách nữa. Tôi cứ nhẩn nha đọc, dịch, sửa chữa và làm các công việc liên quan để làm rõ ý nghĩa, tăng thêm sự hiểu biết cần thiết. Ðầu năm 2017, sau khi hoàn thành 30 số, tôi đăng ba bản dịch The Federalist số 10, số 51, số 39 lên blog cá nhân để thăm dò dư luận nhân sự kiện ông Donald J. Trump mới nhậm chức Tổng thống Mỹ. Ðúng như dự kiến, bản dịch chỉ có một số rất ít quan tâm, nhưng điều đáng khích lệ là hình như có ít nhất một nhà hoạt động đã lĩnh hội một ý tưởng nêu ra trong bản dịch. Nhưng cuộc sống bộn bề khiến tôi phải tạm đưa The Federalist vào ngăn lưu trữ cá nhân.

Song, đại dịch Covid-19 do virus Trung Cộng-Vũ Hán gây ra đã làm đảo lộn thế giới ở nhiều phương diện. Cách chống dịch Covid-19 ở Việt Nam và sự hưởng ứng ủng hộ của dân chúng, trong đó có không ít các nhà hoạt động, là một trong những sự kiện khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Ðó chính là lý do cơ bản thôi thúc tôi quay trở lại The Federalist: nếu có một phần suy nghĩ của The Federalist, các chính quyền độc tài như Việt Nam, Trung Cộng không thể dùng Covid-19 để che đậy những suy đồi, nguy hiểm gấp vạn lần Covid-19.

Với sự trợ giúp rộng lượng của tuần báo Trẻ, tôi hy vọng sẽ có thể dần dần giới thiệu The Federalist với độc giả Việt Nam chúng ta.

PHS