Cuộc sống người Việt hải ngoại ngày tháng trôi qua quá đơn điệu, ngày đi cày tối nghỉ ngơi cứ như cái vòng tròn khép kín. Đời sống tương đối thiếu những sinh hoạt cộng đồng như hoạt động công ích, thể thao. Còn văn nghệ… năm thì mười họa mới có một sô ca nhạc. Người Việt hải ngoại có mấy ai đi xem một trận bóng cà na hay bóng rổ. Điều này khác biệt với người bản địa. Họ cũng cày như ta nhưng ngoài việc mưu sinh ra còn tham gia những sinh hoạt chung rất tích cực.

Những Rappers   

Thứ Bảy tuần rồi tôi được mời tham gia một dạ tiệc nho nhỏ mừng tháng lịch sử người da đen do nhóm bạn da đen ở Fairburn City mời. Chúng tôi làm chung với nhau đã lâu nên thân thuộc và biết nhau rất rõ, ấy vậy mà khi đến dự tôi không khỏi choáng ngợp. Ngày thường thì xuề xòa ấy vậy mà khi dự dạ tiệc lập tức trở thành những ông hoàng Châu Phi hay tiểu vương Ấn Ðộ. Họ ăn mặc sang trọng, toàn áo lông thú, trang phục đắt tiền, chưng diện ngất trời luôn.

Tôi thì không biết gì về âm nhạc, chỉ cảm nhận bằng cảm tính thôi! Nói đến nhạc Jazz thì không thể không nói đến kèn trompet, một nhạc cụ không thể thiếu. Tiếng kèn lúc trầm bổng, lúc rền rĩ thống thiết như thân phận người da đen của những năm cuối thế kỷ mười chín đầu thế kỷ hai mươi. Tiếng kèn trompet rền rĩ như tiếng còi tàu hơi nước trên bến New Orleans.

Xem thêm:   Tại sao khách hàng phải luôn chịu thiệt?

Ngày nay con tàu hơi nước vẫn đậu ở đấy, mỗi sáng vẫn có vị thuyền trưởng kéo còi và chơi đàn piano trên boong tàu để chào đón du khách. Tiếng kèn harmonica thì sắc bén và trong trẻo hơn. Nhạc Jazz đã biến tấu liên lục trong trăm năm qua với nhiều dòng khác nhau nhưng phổ biến nhất vẫn là dòng nhạc Jazz gốc New Orleans. Vài giọng ca trong cộng đồng địa phương như Brandon, Kieth, Eddie… hát như dồn cả tâm hồn vào bản nhạc, hát bằng tất cả nội lực và sự đam mê.

Nigel, một giọng hát karaoke

Phần nhạc Rap đặc biệt có Rapper như Brandon. Anh ta ngoài việc mưu sinh ở hãng còn là một ca sĩ trên Youtube. Anh ta đã ra nhiều clip. Brandon với chất giọng khàn khàn nhưng bắn Rap như súng liên thanh, mình nghe không mà cũng cảm thấy líu cả lưỡi, víu cả tai. Nhạc Rap xuất phát từ những khu ghetto cuối thế kỷ mười chín đầu thế kỷ hai mươi. Ban đầu là những tiếng nói phản kháng bất công xã hội, phản ảnh sự nghèo đói cũng như thân phận người da đen, miêu tả những uẩn ức trong tâm lý… Rap cũng như Jazz và các dòng nhạc khác liên tục thay đổi, biến tấu để cho ra nhiều dòng nhạc mới. Nhạc Rap hát khá thoải mái tự do và tự chế theo cảm nhận và cảm tính, tất nhiên là khuôn nhạc nền vẫn vững.

Xem thêm:   Mưa rừng & tiếng hú giữa đêm khuya

Tôi cảm nhận hát Rap hay đọc Rap, nói Rap có chút gì đó giống lối hát cương hay hô lô tô của người Việt. Ráp phải bắn nhanh và có vần điệu. Việt Nam giờ cũng có Rap với những tên tuổi khá trẻ như Su Boi, Ðen Vâu, JBLee 7… Nghe nhạc Rap của người da đen thực tình mà nói rất nhiều điệp khúc và từ ngữ thô tục chẳng hạn như: “That the big old ass right there”, “stroke it with the emotions”, những từ như: “Mother f..ck”, “ass”, “cunt”, “hole” và những từ bạo lực giết, hiếp, đốt…

Thằng Brandon hát và nhảy vô cùng bốc lửa, nó như lên đồng với âm nhạc. Cả đám bạn uống như hũ chìm, toàn rượu nặng, thức ăn cũng có đấy nhưng chẳng thấy ăn bao nhiêu, uống là chính.

Kieth & Brandon, những giọng ca hay

Ðêm dạ tiệc cuồng nhiệt, Jazz thống thiết, Rap bắn tới bến. Mọi người nhảy nhót tự do thoải mái chẳng cần phải theo bài bản. Tôi nhìn thấy mỗi người nhảy và lắc lư theo cái cách của mình, phải công nhận bọn họ có đôi chân rất dẻo, người to cao xồ xề vậy nhưng ra sàn thì nhảy rất  nhuyễn. Người da đen hầu như không có khái niệm e thẹn hay mắc cỡ như người mình, họ rất tự tin, trong dạ tiệc ai cũng nhảy chứ chẳng có ai ngồi yên thụ động như người Việt.

Xem thêm:   Nhớ ca sĩ Ngọc Lan mặt trời đã xa mùa Hạ

Giữa những người ăn mặc rất sang trọng này, tự nhiên tôi cảm thấy hơi bị lạc lõng vì chỉ mặc một bộ veston đơn sơ rẻ tiền, tuy nhiên mọi người thân thiện và chẳng ai để ý việc ăn mặc của tôi. Tôi và nhóm bạn này chơi thân ngày ngày đùa vui và cũng hay chơi khăm nhau. Có lần thằng Mauricio bảo tôi: “mầy làm ra tiền thì phải ăn mặc đồ hiệu sang trọng, phải là king thì người ta mới nể mầy”. Tôi bảo nó: “Tao không quan tâm người ta xem thường hay xem trọng, giá trị ở nội tại chứ không phải ở quần áo bề ngoài”. Nó lại nói: “ Ðây là Mỹ chứ không phải xứ mầy”. Thằng Mauricio không biết đấy thôi, xứ tôi người ta còn xem bề ngoài, coi mặt hơn ai hết.

Buổi dạ tiệc mừng tháng lịch sử người da đen thật vui và sôi động. Tôi là người khách da vàng Châu Á duy nhất, nhỏ con nhất trong đêm tiệc này. Dạ tiệc vui quá, nó xả hết căng thẳng thường ngày trong tôi. Tôi nhận ra thêm cộng đồng da đen họ có  thứ văn hóa riêng của họ, khác biệt với văn hóa truyền thống của mình cũng như văn hóa người da trắng hay văn hóa của người Mỹ Latinh.

Vài giọng ca Jazz

TLTP

Ất Lăng thành, 2023