“Mời người lên xe về miền quá khứ” là buổi trò chuyện về tập sách “Áo xưa dù nhàu” của Bs. Ðỗ Hồng Ngọc viết về 18 tác giả là nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ mà ông có dịp hạnh ngộ.

Chỉ cần vài nét chấm phá ông đã vẽ nên cái thần của người đối diện, mỗi tác giả khoảng vài mươi trang, đặc biệt ông dành nhiều trang sách cho Ngu Í Nguiễn Hữu Ngư và Nguyễn Hiến Lê.

Ðầu sách ông trang trọng giới thiệu học giả Nguyễn Hiến Lê, người ông chịu nhiều ơn như một người thầy. Bs Ðỗ Hồng Ngọc từng khẳng định sách “Học làm người” của Nguyễn Hiến Lê có tầm ảnh hưởng to lớn cuộc đời của ông.. “Nhìn lại toàn bộ tác phẩm của ông, không ai chối cãi giá trị của những cuốn Ðông Kinh nghĩa thục, Bảy ngày trong Ðồng Tháp Mười, Ðại cương triết học Trung Quốc, Ngữ pháp Việt Nam… và những Chiến tranh và Hoà bình, Sử ký Tư Mã Thiên, Chiến Quốc sách… Những tác phẩm đó thực sự có ích cho các nhà nghiên cứu, các sinh viên đại học và đã đóng góp một phần đáng kể cho nền văn hoá miền Nam. Nhưng theo tôi, những tác phẩm quan trọng trong đời Nguyễn Hiến Lê, đáng cho ông hãnh diện chính là những tác phẩm nho nhỏ ông viết nhằm mục đích giáo dục thanh niên, hướng dẫn họ trong sự huấn luyện trí, đức. Ðó là cuốn Kim Chỉ Nam của học sinh, Tự học để thành công, Tương lai trong tay ta, Rèn nghị lực…, và nhất là bộ Gương danh nhân của ông”.

Mấy năm trước, nhân chuyến đi về Miền Tây của các thành viên tạp chí Quán Văn ra mắt sách ở An Giang, chuyên đề “Trịnh Bửu Hoài- mùa nước nổi” Bs. Ðỗ Hồng Ngọc đã đưa nhóm bạn tìm đến ngôi nhà cũ của học giả Nguyễn Hiến Lê, và đặt cuốn sách “Nguyễn Hiến Lê con người và tác phẩm” được tái bản lần hai lên bàn thờ ông như một nén tâm nhang. Học giả Nguyễn Hiến Lê sống trong một ngôi nhà khá lớn, với khu vườn rộng xanh mát nằm trên mặt đường Tôn Ðức Thắng, thành phố Long Xuyên. Ngày nay, ông bà đã mất chỉ còn bà Kim Liên, cháu gái vợ ông làm con nuôi gìn giữ ngôi nhà. Bà Kim Liên tiếp chúng tôi thân tình trong thư phòng làm việc của ông, cũng là nơi thờ tự di ảnh ông bà.

Nguyễn Hiến Lê sinh năm 1912, trong một gia đình nhà nho ở tỉnh Sơn Tây nay thuộc Hà Nội. Năm 1934, tốt nghiệp trường Cao đẳng Công chính Hà Nội ông được chuyển vào Nam làm việc và gắn bó đến cuối đời. Người vợ đầu có một con trai qua Pháp học từ nhỏ và định cư ở đó. Trước khi qua Pháp vợ ông đã đi hỏi cưới bà Nguyễn Thị Liệp là giáo viên dạy  trường nữ sinh Long Xuyên cho ông, nói là người sau nhưng thực ra bà Liệp lại là mối tình đầu khi ông vào Nam làm việc. Hai ông bà không có con, nên bà Liệp nhận cháu làm con nuôi. Năm 1984 học giả Nguyễn Hiến Lê qua đời, bà Liệp đi tu. Khi bà mất tro cốt của ông cũng được chôn cất chung trong một cái tháp cùng bà ở khu vườn riêng gia đình.

Xem thêm:   Người tháp chữ A vào tên PARIS

Thư phòng làm việc của Nguyễn Hiến Lê sạch mát, chỉ có một bàn nhỏ để viết, một tủ sách, một chiếc giường nhỏ để ông ngả lưng, bàn thờ ông đơn sơ. Ông là một học giả uyên bác của miền Nam Việt Nam mà tôi vô cùng kính trọng. Cũng như Bs Ðỗ Hồng Ngọc, tôi chịu ơn ông rất nhiều và có lẽ rất nhiều tầng lớp hoa niên thế hệ Miền Nam chúng tôi cũng vậy khi có duyên tiếp cận tủ sách “học làm người” do ông biên soạn hoặc dịch thuật. Ông được mệnh danh là “lương thức của thời đại”, tầm ảnh hưởng sách của ông rộng khắp các thế hệ thanh niên miền Nam. Ông xuất bản 120 tác phẩm, tác phẩm nào cũng có ích cho đời.

Với Bs Ðỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Hiến Lê là một người thầy lớn của ông, là người khuyên ông theo học ngành Y, ông nói ngày đó nhà ông nghèo, cha mất sớm, ông học giỏi nên được nhảy lớp, và luôn đứng đầu, khi ông thi xong Tú tài II, ông vừa muốn học Văn khoa, Sư Phạm và ngành Y. Nguyễn Hiến Lê khuyên ông: Học Y, giúp gia đình và giúp đời cụ thể, nếu có tâm hồn và năng khiếu thì sau này có thể dạy học và viết Văn theo sở thích. Và về sau Bs. Ðỗ Hồng Ngọc đã thực hiện được cả ba.

BS ÐHN viết: “Tôi là độc giả của ông từ ngày còn là một học trò Ðệ Thất, lại được quen biết ông hơn 15 năm nay, nghĩ lại, nếu trong thời thơ ấu không được đọc những sách đó của ông, không được gặp ông, có lẽ tôi đã khác, nên tuy không được may mắn học với ông ngày nào, từ lâu tôi vẫn xem ông là một vị thầy của mình, hơn thế, một người thân” (1)

“Tôi chịu nhiều ảnh hưởng của ông. Cuốn sách đầu tay của tôi “Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò” chỉ là một phần bổ túc cho cuốn Kim Chỉ Nam của học sinh. Sau đó tôi viết thêm một cuốn khác, cùng loại y học phổ thông, cũng nằm trong chiều hướng nâng cao trình độ đại chúng mà ông đã vạch. Ông nói muốn cho nước giàu, dân mạnh thì không phải chỉ một người hay một nhóm người làm được, mà phải là toàn dân cùng ý thức, cùng thực hiện. Muốn vậy phải đặt nặng vấn đề giáo dục đại chúng. Với tôi, ông là một tấm gương sáng. Tấm gương của Nghị lực, của Tự học và của Phụng sự” (1)

Chính vì học theo tấm gương của học giả Nguyễn Hiến Lê “một nhà trí thức Việt Nam, ngoài công việc chuyên môn ra, phải phổ biến những kiến thức của mình trong đại chúng thì mới có thể gọi là làm tròn nhiệm vụ trong giai đoạn này được” (2)

Xem thêm:   Rèn chữ

Bs. Ðỗ Hồng Ngọc đã làm được điều đó, nhờ am hiểu ngành y ông đã phổ biến kiến thức sức khỏe cho cộng đồng với lối viết hóm hỉnh, dí dỏm, làm những vấn đề trầm trọng của người già trở nên nhẹ nhàng, người đọc thỉnh thoảng phải bật cười vì thấy mình ở đó trong những cuốn sách viết về tuổi trung niên như: “Những người trẻ lạ lùng”, “Gió heo may đã về”, “Nghĩ từ trái tim” là những bài viết như vậy.

Ðôn hậu, nghiêm chỉnh là con người của BS. Ðỗ Hồng Ngọc mà bất cứ ai đã được dịp tiếp xúc đều nhận ra ngay, trải qua bao thăng trầm của đời người ông thấm nhuần Thiền Phật, những bài ông viết cho giới trẻ, cho tuổi già là những nhắn nhủ của một người làm chuyên môn cho lời khuyên xác đáng để con người biết sống nhẹ nhàng hơn khi đối diện với tuổi xế chiều.

Bs Đỗ Hồng Ngọc và tác giả

Ngoài học giả Nguyễn Hiến Lê với bài “Ðể người quân tử … hò ơ”, Bs Ðỗ Hồng Ngọc còn dành nhiều trang viết cho Ngu Í Nguiễn Hữu Ngư, người cậu tài hoa của ông “người điên thứ thiệt” người đã thay mẹ ông dắt ông đi học ngày đầu tiên đến trường, vì khi đó ông mồ côi cha, sống trong chùa ở Phan Thiết. Cậu ông về cho ông đi học. “Bây giờ, mỗi lần nhớ tới cậu, tôi thường tự hỏi, hồi bằng tuổi cậu, tôi có làm được điều gì đó cho ai như cậu đã làm cho tôi không và tự nhiên tôi thấy lòng mình rộng mở, thanh thản, muốn giúp đỡ, chia sẻ”. Ngu Í Nguiễn Hữu Ngư nhà văn, nhà báo có nhiều bút danh trong đó bút danh Nguiễn Ngu Í (với I ngắn) được nhiều người biết với loạt bài phỏng vấn văn nghệ sĩ nổi tiếng đăng trên tạp chí Bách Khoa thập niên 1960 tại Sài Gòn. Ông có lối viết tiếng Việt riêng, gây nhiều tranh cãi. Ông là bạn cùng lớp, cùng trường Pétrus Ký với Trần Văn Khê, Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng. Cuộc đời ông nhiều truân chuyên, tài hoa nhưng mắc bệnh không chữa được. Bị điên nhiều lần vào ra Dưỡng trí viện Biên Hòa, ông cùng các bạn điên ra tập thơ “Thơ điên thứ thiệt” trong đó có mấy bài góp mặt của Bùi Giáng. Thời đó, ngoài thuốc men, các bác sĩ ở Dưỡng Trí viện Biên Hòa còn khuyến khích bệnh nhân làm thơ, vẽ tranh, đánh cờ, lao động chân tay… như một liệu pháp chữa trị tâm bệnh. Nguiễn Ngu Í có những bài rất cảm động như “Má ơi con má điên rồi/ má còn trông đứng đợi ngồi mà chi?” hay ông làm câu đối trên bàn thờ ông bà “ Mắt mở đã thâý xiềng nô lệ/ Hồn đi còn mơ gió tự do”… đọc thơ ông mà thương cho một kiếp người tài hoa, bất đắc chí.

Xem thêm:   Máy cứu rỗi hôn nhân

Tập sách “Áo xưa dù nhàu” của Bs Ðỗ Hồng Ngọc không phải là những bài phê bình văn học các tác giả, nó là những kỷ niệm, những tâm tình riêng của ông với bạn hữu, người thân mà ông yêu quý, kính trọng, nó như một tài liệu tham khảo trong làng Văn. Người đọc sẽ cảm được mạch văn giản dị, trong một con người đôn hậu, nghiêm chỉnh mà bất cứ ai đã được dịp tiếp xúc đều nhận ra ngay.

Không gian trò chuyện trên căn gác nhỏ ở “Hội quán các bà mẹ” ấm áp thân tình, ông thích một không gian nhỏ để cuộc trò chuyện gần gũi hơn. Trong buổi trò chuyện tôi hỏi cuốn sách viết về những tác giả này ông có chuẩn bị trước tài liệu hay lên đề cương chi tiết cho từng tác giả, ông nói ông không chuẩn bị gì cả, cứ mỗi tác giả những kỷ niệm hình ảnh tự nhiên ùa về và thế là ông viết. Tình cảm của ông dành cho họ đã có sẵn trong tim cứ thế tuôn tràn. Ðó là hạnh phúc của người viết cho từng hạnh ngộ.

Cảm ơn anh Ðỗ Hồng Ngọc đã cho tôi một buổi sáng Chủ Nhật thú vị với “ Mời người lên xe về miền quá khứ”.

BM – 18.2.2023

(1)“Áo xưa dù nhau”. Bs Đỗ Hồng Ngọc, NXB Đà Nẵng, 2022, tr 23, 30

(2) Lời tựa của Nguyễn Hiến Lê viết cho tập sách “Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò của Bs. Đỗ Hồng Ngọc, năm 1971.

Áo xưa dù nhàu

Tập sách gồm 309 trang, in khổ nhỏ, bìa sách trang nhã, do NXB Đà Nẵng cấp giấy phép tháng 10.2022. Với những bài viết:

– Nguyễn Hiến Lê, “… Để người quân tử… hò ơ…”

– Võ Hồng, “Nỗi cô đơn uy nghi

– Cậu tôi, ông Ngu Í Nguiễn Hữu Ngư, “người điên thứ thiệt

– Giáo sư Trần Văn Khê, “Đời thường…”

– Dương Cẩm Chương, “Kẻ lữ hành không mệt mỏi của đường dài

– Thăm nhà văn Trang Thế Hy, … “thì cứ hỏi cuộc đời

– Thi sĩ Quách Tấn, Đọng bóng chiều

– Gặp gỡ với nhà thơ Huyền Chi, Thuyền Viễn X

– Tôn Nữ Hỷ Khương, “Chỉ có tình thương để lại cho đời

– Phạm Thiên Thư, “Như Lai thường trụ trên áo xuân

– Nhớ Tiếng thu giữa Boston

– Một hôm, có “chàng Huy Cận

– Võ Phiến, Cuối cùng là sự Mộc mạc

– Nguyễn Bắc Sơn… Thy Đạo

– Trần Vấn Lệ, may mà còn nhớ thương

– Du Tử Lê, “tung cánh vàng xưa hạc vút bay

– Khánh Minh, Còn chút để dành

– Cao Huy Thuần, Người khuân đá