Có những lúc tôi nghĩ mình phải mạnh mẽ lên để gánh vác gia đình, để làm chỗ dựa cho anh. Ðàn ông đâu phải lúc nào cũng mạnh mẽ, lúc nào cũng rắn rỏi. Bên trong vẻ bề ngoài cương quyết, cứng rắn đó cũng là một tâm hồn nhiều xúc cảm, cũng có thể bị tổn thương, mềm yếu bất cứ lúc nào.

Ðêm qua anh khóc, anh đã khóc thầm khi cả nhà đang chìm trong giấc ngủ. Tôi thức giấc, lặng lẽ lau nước mắt cho anh. Như một đứa trẻ bị chạm đúng nỗi đau, anh quay qua tôi, ôm mặt khóc nấc lên. Nước mắt chan hòa. Biết làm sao đây. Trong đêm tối, tôi dễ dàng giấu đi giọt nước mắt đang lăn nhanh trên má để vỗ về anh: “Ngủ đi anh, đừng khóc. Anh không được khóc. Anh không được phép mềm yếu”.

Ðây là lần thứ hai tôi thấy anh khóc. Lần thứ hai anh nức nở bên cạnh tôi. Ngày ấy, khi còn là cậu sinh viên năm cuối, anh cũng đã khóc. Hơn ba năm đi học xa nhà, anh nhớ thương mẹ già một mình một bóng, ngày đêm mòn mỏi ngóng chờ con. Mẹ ốm, không ai chăm sóc thuốc thang. Anh học xa nhà không hề hay biết cho đến khi nhận được thư của cô bé hàng xóm. Ðôi bờ vai anh run rẩy, dòng chữ trên bức thư nhòa đi. Ôm lá thư vào lòng, anh thầm thì: “Chờ con về mẹ nhé”.

Ðêm qua anh khóc cũng vì thương mẹ. Mười năm rồi kể từ ngày ấy. Mẹ đã chờ được anh về. Anh đã có thể phụng dưỡng báo hiếu mẹ như đã từng mong ước. Hàng ngày, nhìn mẹ vui đùa cũng cháu nội, anh cảm thấy hạnh phúc, tưởng như không còn niềm vui nào hơn thế. Sau những bận rộn xô bồ của cuộc sống ngoài kia, trở về nhà, chỉ cần như vậy đã đủ xua tan đi bao mệt mỏi nhọc nhằn. Bên mâm cơm với đầy đủ thành viên trong gia đình, nhiều khi tôi thấy anh cứ ngồi ngây ra nhìn mẹ chậm rãi vừa ăn cơm vừa tỉ tê trò chuyện, nhìn con lóng ngóng tập xúc những muỗng cơm đầu tiên. Anh cười. Ðó là điều mà anh mơ ước suốt cả tuổi thơ nhọc nhằn nhưng chưa hề có được. Gia đình ngày ấy đối với anh nó chông chênh lắm, chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau. Mẹ đã vắt kiệt sức mình sinh ra và nuôi anh trong giông gió cuộc đời, qua khinh khi miệng thế. Tôi biết tuổi thơ anh có quá nhiều cơ cực, quá nhiều khổ đau. Cho đến bây giờ, anh vẫn nói rằng “anh thấy sợ tuổi thơ”. Tôi cũng biết anh đã mạnh mẽ cùng mẹ vượt qua hết thảy những gian truân ngày ấy. Anh cất tiếng khóc chào đời khi mẹ đã ngoài bốn mươi. Ðến khi mười lăm tuổi, anh đã là trụ cột của gia đình. Thật quá sức của một cậu thiếu niên đang tuổi ăn tuổi lớn. Ðôi lúc tôi thầm nhủ: “Ngày ấy, có bao giờ anh yếu lòng bật khóc?” Vậy mà đêm qua, anh đã khóc như một đứa trẻ thơ. Người đàn ông mà tôi từng biết, không khó khăn nào trên đường đời có thể làm anh gục ngã. Nhưng anh đã khóc khi hàng ngày bất lực nhìn mẹ yếu dần đi.

Xem thêm:   Thân thương hai tiếng "Mình ơi"

Mẹ đã gần tám mươi. Người ta nói đó là cái tuổi gần đất xa trời. Cả tôi và anh đều biết điều đó. Không ai có thể cưỡng lại quy luật sinh – lão – bệnh – tử của cuộc đời. Không ai có thể tham lam muốn kéo dài mãi cuộc sống nơi trần gian, bởi như thế chúng ta sẽ trở thành những vị khách ngồi dai khiến người đời ghét bỏ. Ðến lúc đi là phải đi thôi. Một trăm năm có lẽ đã là quá đủ. Cổ nhân nói: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” – bảy mươi tuổi đã là hiếm. Anh vẫn từng nói vui: “Anh chỉ cầu mình được đến thế”. Còn mẹ, anh lại chẳng cam lòng. Những tháng ngày anh còn nhỏ, mẹ đã quá trầm luân. Nếu mẹ không đủ kiên cường, không bản lĩnh chèo chống giữa bao sóng gió cuộc đời thì anh và mẹ chắc chẳng còn được đến ngày hôm nay. Nhưng khi anh đã có thể chở che cho mẹ, có thể là chỗ dựa cho mẹ lúc tuổi già thì lại là lúc anh dần nhận ra mình bất lực. Tuổi già đồng nghĩa với ốm đau, bệnh tật. Chúng tôi luôn ý thức được điều đó và muốn chăm sóc mẹ một cách tốt nhất. Nhưng mẹ lại không chịu chấp nhận việc mình ốm đau là do già cả, mẹ không chịu uống thuốc, mẹ làm ngược lại tất cả những gì chúng tôi muốn tốt cho mẹ. Anh không biết làm cách nào để mẹ nghe theo mình. Ðã hơn một lần anh thở dài bất lực. Ðã hơn một lần anh ước: giá mẹ được bình thường như những người bình thường khác, sẽ tốt biết bao.

Xem thêm:   Hành trình của báo chí

Dạo này, mỗi lần đi làm trở về, anh lại nhìn mẹ thở dài buồn bã khi thấy sức mẹ ngày một yếu. Anh kiên nhẫn ngồi bên mẹ phân tích việc gì là tốt cho mẹ, việc gì không. Mặc cho có khi mẹ bực mình chửi bới, anh vẫn như kẻ say cứ nói mãi không thôi. Anh đau đớn nhìn mẹ khi tỉnh khi mê cứ chìm đắm sống trong ảo tưởng của mình mà không thể làm gì được. Mẹ đòi cuộc đời trả cho mẹ sức khỏe của ngày xưa, đôi mắt sáng ngày xưa… Nếu như những thứ đó là hiện hữu, có lẽ anh cũng lặn lội đi tìm về cho mẹ bằng được. Thật hoang đường phải không anh? Vậy mà có những lúc, anh cứ mong những điều hoang đường đó là có thật, để mẹ thỏa lòng, để mẹ khỏe mạnh vui vầy cùng con cháu những tháng ngày bóng xế của cuộc đời.

Tối qua, khi ngồi bóp chân cho mẹ, anh xót xa khi thấy mẹ nhăn nheo đi nhiều. Anh lo sợ, căn bệnh tiểu đường của mẹ đang ngày một nặng hơn mà mẹ cứ hoài không chịu uống thuốc. Mẹ nhất quyết không tin mình có bệnh, không tin bất cứ loại máy móc gì dù hiện đại đến mấy. Mẹ ghét cả bác sĩ và không đi khám thêm lần nào nữa. Anh tỉ tê ngồi nói với mẹ. Mẹ vùng vằng không nghe, đòi sống đòi chết nếu anh cứ nói hoài, cứ nhất định nói mẹ uống thuốc. Anh không dám nói thêm, bởi đã quá hiểu tính mẹ và cũng bởi mẹ không tỉnh táo như những người bình thường.

Xem thêm:   "20 ngày tại Mariupol"

Khi anh khóc, tôi biết anh đang đau đớn nhường nào. Tôi ngăn không cho anh khóc bởi mình không thể chịu đựng được hơn, không muốn làm anh rối lòng thêm khi thấy những giọt nước mắt đang chan hòa trên má tôi. Tôi ghé tai anh thì thầm: “Ngủ đi anh, trời mỗi ngày vẫn sáng”. Ngủ đi anh để mơ giấc bình yên.

YT