(Kỳ 9b: The Federalist No 67)

Trong Kỳ 9a chúng ta đã xem phần đầu của bản dịch The Federalist No 67 – đây là bài viết đầu tiên trong loạt 12 bài bàn về bộ phận hành pháp của chính quyền Mỹ do Alexander Hamilton chấp bút. Kỳ này xin mời độc giả xem phần dịch cuối của The Federalist No 67.

The New York Packet

Thứ Ba, 11 tháng Ba 1788

Alexander Hamilton

Thưa đồng bào Tiểu Bang New York:

…Rõ ràng phần đầu tiên của hai khoản này chỉ đưa ra một cách bổ nhiệm những viên chức mà “sự bổ nhiệm của họ KHÔNG ÐƯỢC Hiến Pháp QUY ÐỊNH nhưng SẼ ÐƯỢC QUY ÐỊNH BỞI LUẬT”; đương nhiên không thể áp dụng cho việc bổ nhiệm các thượng nghị sĩ, những người có sự bổ nhiệm đã được QUY ÐỊNH trong Hiến Pháp (2) và được THIẾT LẬP BỞI HIẾN PHÁP, và sẽ không cần quy định của luật. Ðiểm này sẽ không cần tranh cãi nữa.

Phần cuối của hai khoản, cũng rõ ràng, không thể nào bị hiểu bao hàm quyền bổ nhiệm các chỗ trống trong Thượng Viện, bởi các lý do sau:

Thứ nhất. Sự ràng buộc, giữa điều khoản này với điều đã nói về cách thức chung trong bổ nhiệm viên chức Hợp Chúng Quốc, cho thấy nó chỉ có tính bổ sung cho điều khoản kia để tạo thêm một cách bổ nhiệm phụ cho những trường hợp cách thức chung không phù hợp. Thẩm quyền bổ nhiệm cơ bản các viên chức đã được dành riêng cho Tổng Thống và Thượng Viện PHỐI HỢP cùng nhau, và, do đó, chỉ có thể thực hiện trong thời gian làm việc của Thượng Viện; nhưng sẽ không đúng đắn nếu bắt thực thể này phải liên tục làm việc vì mục đích bổ nhiệm viên chức và vì sự thiếu viên chức có thể xảy ra TRONG KỲ NGHỈ CỦA THƯỢNG VIỆN, và để cho các dịch vụ công được nhanh chóng tiếp tục, điều khoản tiếp theo đã đương nhiên phải cho phép Tổng thống, ÐƠN PHƯƠNG, thực hiện các bổ nhiệm lâm thời “trong thời gian nghỉ của Thượng Viện, bằng việc trao các ủy nhiệm sẽ MÃN NHIỆM VÀO LÚC KẾT THÚC PHIÊN HỌP TỚI CỦA THƯỢNG VIỆN.”

Xem thêm:   Nhạc sĩ Anh Việt Thu & dòng An-Giang hiu hắt

Thứ hai. Nếu khoản này được coi là bổ sung cho khoản trước, thì các CHỖ TRỐNG mà nó nói đến buộc phải được hiểu liên quan tới các “viên chức” được nói trong khoản trước; và điều này, như chúng ta đã nói, đã loại các thành viên Thượng Viện ra khỏi nội dung của nó. Thứ ba. Lúc mà quyền bổ nhiệm lâm thời này có hiệu lực, “trong kỳ nghỉ của Thượng viện”, và nhiệm hạn của những bổ nhiệm này, “cho tới lúc kết thúc phiên họp tới” của thực thể đó, đã nói rõ ý nghĩa của toàn bộ điều khoản, nếu như bao hàm các thượng nghị sĩ thì sẽ đương nhiên có ngụ ý đó là quyền bổ nhiệm lâm thời các chỗ trống trong kỳ nghỉ của các cơ quan lập pháp tại các Tiểu Bang (ghi chú của người dịch: Lưu ý gồm cả Thượng Viện và Hạ Viện các Tiểu Bang), những người sẽ quyết định sự bổ nhiệm lâu dài, và không ngụ ý tới kỳ nghỉ của Thượng Viện quốc gia (ghi chú của người dịch: “the national Senate” – Thượng Viện quốc gia. Vì lúc này các Tiểu Bang rất e ngại khi hình thành liên hiệp các quyền tự do của họ sẽ bị mất hoặc bị giảm, do đó các nhà lập hiến Mỹ đã tránh các từ ngữ có thể làm trầm trọng thêm trở ngại đó. Trong Hiến Pháp Mỹ không hề có từ “dân tộc”, “quốc gia” (nation, national) mà chỉ có từ “nhân dân” (we the people) và chính quyền liên bang (federal government). Nhưng các tác giả The Federalist đã mạnh dạn dần dần dùng các từ như “chung” (general) “quốc gia” (national) để chỉ chính quyền và các cơ quan của quốc gia liên bang chung của 13 Tiểu Bang hợp lại), những người chẳng có liên quan gì tới những sự bổ nhiệm này; và sẽ phải kéo dài nhiệm hạn của những thượng nghị sĩ (ghi chú của người dịch: Tức thượng nghị sĩ các Tiểu Bang theo giả định đang nêu) cho tới phiên họp tới của lập pháp tại Tiểu Bang nơi trước đó đã xảy ra thiếu đại diện (ghi chú của người dịch: Chính xác là “thiếu đại diện tại Thượng Viện”), thay vì nhiệm hạn đó sẽ mãn vào lúc kết thúc phiên họp tới của Thượng Viện quốc gia. Nhưng đúng ra tình trạng của cái thực thể được phép quyết định bổ nhiệm lâu dài đương nhiên sẽ phải quyết định mọi thay đổi trong cái thẩm quyền bổ nhiệm lâm thời; và do Thượng Viện quốc gia là thực thể duy nhất được nói đến trong điều khoản đã đưa tới cái ý tưởng đang được xem xét, thì những chỗ trống mà nó ngụ ý đến chỉ có thể là các viên chức có sự bổ nhiệm được quyết định bởi thực thể đó phối hợp với Tổng Thống mà thôi.

Xem thêm:   Quay đều quay đều ...

Tuy nhiên, cuối cùng, Khoản một và hai của Phần ba trong Ðiều một (ghi chú của người dịch: Tức của Hiến Pháp dự thảo) không những chỉ dùng để đề phòng mọi sự do dự có thể mà còn để triệt tiêu sự cố tình hiểu lầm. Khoản một đó chỉ rằng “Thượng Viện của Hợp Chúng Quốc sẽ gồm hai Thượng Nghị Sĩ từ mỗi Tiểu Bang, được chọn BỞI CƠ QUAN LẬP PHÁP TỪ NƠI ÐÓ cho sáu năm”; và Khoản hai đó định rằng “nếu các chỗ trống trong thực thể đó xảy ra do từ nhiệm hoặc do lý do khác, TRONG KỲ NGHỈ CỦA CƠ QUAN LẬP PHÁP CỦA BẤT CỨ MỘT TIỂU BANG NÀO, thì Hành pháp NƠI ÐÓ có thể bổ nhiệm lâm thời cho tới CUỘC HỌP TỚI CỦA LẬP PHÁP, nơi sẽ quyết định bổ nhiệm lấp đầy các chỗ trống đó.”

Với các chữ rõ ràng, bất phân vân như thế, đó chính là một quyền đặc biệt dành cho các Hành Pháp các Tiểu Bang được bổ nhiệm lấp kín các chỗ trống thông thường trong Thượng Viện với nhiệm hạn lâm thời; và chính điều này không chỉ bác bỏ suy luận cho rằng điều khoản đang xem xét trao cho Tổng Thống Hợp Chúng Quốc quyền lực đó mà còn chứng tỏ rằng suy diễn hoàn toàn thiếu lý tính này hẳn phải được sinh ra từ một kế hoạch lừa dối nhân dân, nhưng quá lộ liễu để có thể che đậy bằng ngụy biện và quá nhẫn tâm để có thể thuyên giảm bằng giả nhân giả nghĩa.

Xem thêm:   Một chút cảm nhận

Tôi vừa hết sức cố gắng để chỉ ra một trường hợp bóp méo vấn đề và đưa nó ra trước ánh sáng giữa ban ngày để làm một bằng chứng không thể phủ nhận của các xảo kế vô lương đang được dùng để chống lại các đánh giá thành thực và khách quan về những giá trị đích thực của bản Hiến Pháp đang được trưng cầu ý dân. Tôi cũng đã không ngần ngại, trong trường hợp quá trắng trợn như thế, tự cho phép bày tỏ nỗi căm giận gay gắt không hợp với tinh thần chung của các bài viết này. Giờ tôi xin nhường lại cho tất cả những ai công tâm và ngay thật đang phản đối mô hình chính quyền dự kiến quyết định xem liệu ngôn ngữ có thể cho phép dùng những tính ngữ quá bất nhã cho một hành động hết sức vô sỉ, hết sức đồi bại đang nhằm vào các công dân Mỹ không.

(còn tiếp)

PHS (22/11/2020)

(1) Xem CATO No. V (ghi chú của người dịch: Đây là một bài viết của nhóm Anti-federalist (chống bản Hiến Pháp) xuất bản trên New York Journal ngày 22 tháng Mười Một 1787 (tức chỉ 2 tháng sau khi Hội nghị Philadelphia kết thúc). Tác giả bài viết này có bút danh là CATO, được cho chính là George Clinton Thống Đốc đương nhiệm New York, người sau này còn giữ chức vụ Phó Tổng Thống trong thời gian 1805-1812 dưới thời Tổng Thống Thomas Jefferson và James Madison, đều là những đối thủ chính trị của Alexander Hamilton)

(2) Điều I, Phần 3, Khoản 1, Hiến pháp dự thảo.

– Các chú thích có số nằm trong ngoặc đơn () là của tác giả-Alexander Hamilton