The Federalist No 78 là bài đầu tiên trong loạt bài bàn riêng về nhánh tư pháp của chính quyền liên bang Mỹ do chính Alexander Hamilton chấp bút. Trong bài này, cũng là lần đầu tiên The Federalist nói đến một vai trò đặc biệt của tư pháp. Ðó là vai trò giám sát các hoạt động, các quyết định của nhánh lập pháp. Không chỉ giám sát, tòa cấp liên bang còn quyền tuyên các đạo luật của Quốc Hội (the Congress) là vô hiệu nếu xác định chúng vi hiến (unconstitutional). Ðây vấn đề rất mới, có tính cách mạng vào thời điểm lập quốc Mỹ.

Chỉ đọc các biện giải của Hamilton nêu ra trong The Federalist No 78 (Kỳ 8a và 8b) chúng ta cũng thấy rõ vai trò mới này của tư pháp bị nghi vấn và chống đối dữ dội. Sự chống đối có nền tảng rất hợp lý theo quan điểm dân chủ, cơ quan lập pháp cơ quan đại diện của dân (thường do dân trực tiếp bầu ra), trong khi các thẩm phán của tòa lại chỉ là kết quả từ sự đề cử của tổng thống cùng sự phê chuẩn của thượng viện; lúc này thượng viện Mỹ còn chưa do dân bầu trực tiếp như hiện nay. Theo logic này, rõ ràng tòa không thể có thẩm quyền xét duyệt, chưa nói tới việc bác bỏ, luật do quốc hội – cơ quan dân cử – làm ra.

Tuy nhiên, Alexander Hamilton và The Federalist nghĩ khác và xa hơn. Hamilton lập luận:

Thứ nhất, Hiến Pháp là bộ luật căn bản cho mọi công dân, công chức, kể cả các đại diện dân c – tức cơ quan lập pháp- phải tuân thủ.

Thứ hai, cơ quan lập pháp (gồm các đại diện dân cử) chỉ là cơ quan được người dân ủy nhiệm quyền thực thi ý chí của dân trong khuôn kh hiến pháp chứ không phải được thực thi các tùy ý của kẻ đại diện.

Thứ ba, để bảo đảm  những đại diện dân cử trong cơ quan lập pháp không lạm quyền, không đưa ra các quyết định trái hiến pháp thì cần phải có cơ quan trung gian có chức năng giám sát, canh chừng để khi cần sẽ tuyên vô hiệu đối với các hành động, các luật vi hiến của quốc hội. Chức năng (vai trò) này không thể giao cho cơ quan nào khác ngoài tư pháp. Thiếu vắng sự tái kiểm soát này, mọi quyền lợi, tự do của dân hay quyền lực của các nhánh chính quyền khác “đều thành vô nghĩa”.

Xem thêm:   Vui buồn tháng Tư

Thứ tư, khả năng tư pháp bác bỏ luật do quốc hội làm ra không có nghĩa “đặt quyền lập pháp dưới quyền tư pháp. Kết luận này chỉ cho rằng quyền lực của dân cao hơn cả hai; và khi nào ý chí của lập pháp, thể hiện trong các bản luật của nó, đối lập với ý chí của dân, được tuyên trong Hiến pháp, các thẩm phán sẽ phải hành động theo ý chí sau hơn là ý chí trước.

Ở đây, một lần nữa chúng ta lại thấy tư duy tích hợp, linh hoạt của các nhà lập quốc Mỹ trong việc xây dựng cấu trúc chính quyền sao cho chính quyền có khả năng tự kìm soát & đối trọng (checks & balances) nhằm bảo vệ hiến pháp, bảo tồn tự do cho người dân.

Trong tất cả loạt 6 bài bàn về bộ phận tư pháp (The Federalist No 78-No 83) đều không có từ Judicial Review. Ngay cả trong Hiến Pháp Mỹ, phần dành cho nhánh tư pháp (Judicial Branch) cũng không có thuật ngữ này và, đặc biệt hơn, Hiến Pháp hoàn toàn không nói rõ tư pháp có chức năng giám sát, canh chừng và có thể bác luật của quốc hội như những gì Hamilton đã nêu trong The Federalist No 78.

Song, bốn lý luận vừa trình bày ở trên tinh thần cơ bản của ý niệm sẽ được hình thành sau này vào đầu thế kỷ XIX và sẽ được nói đến rất nhiều trong lĩnh vực luật học, chính trị học của các quốc gia dân chủ, đó là: Judicial Review (Tái Kiểm Tư Pháp).

Trên phương diện lịch sử, tái kiểm tư pháp không chỉ là một sáng tạo của các nhà lập quốc Mỹ mà còn là một tiến bộ tiệm tiến trải qua nhiều thế kỷ tại Anh quốc và các thuộc địa ở Bắc Mỹ. Ðầu tiên sự xuất hiện khế ước nổi tiếng Magna Carta vào năm 1215 tại Anh nhằm bắt vua John phải tuân thủ các cam kết với giới điền chủ; tiếp đó là sự xuất hiện của the House of Commons – cơ quan đại diện do dân bầu vào giữa thế kỷ XIII nhằm kìm chế quyền lực của hoàng gia Anh thông qua việc làm luật có tính áp đặt ngay cả với vua-nữ hoàng; tiếp đến là sự xuất hiện của the House of Lords – nhánh thứ hai của cơ quan lập pháp – đây vừa là kết quả của mục đích gia tăng tính chặt chẽ cho quá trình làm luật vừa là hệ quả của sự cân bằng quyền lực giữa các nhóm người khác nhau trong xã hội.

Xem thêm:   Những điều lý thú của tháng Ba

Tuy nhiên, sự phát triển, gia tăng quyền lực của cơ quan lập pháp đã giải quyết được vấn nạn quá trớn hung bạo của vua chúa nhưng lại sinh ra sự lạm quyền, độc đoán của lập pháp: các phe đảng chiếm được đa số ghế tại nghị viện sẽ có khả năng đưa ra các luật, các quyết định có hại cho thiểu số, cho xã hội. Các nhà lập quốc Mỹ, điển hình là John Adams, gọi đó là dạng độc tài của đa số (a tyranny of the majority). Trong The Federalist No 10, James Madison cũng cảnh báo về sự nguy hiểm từ “sức đè ép vượt trội của phe đa số âm mưu và áp đảo”. Cấu trúc quyền lực (tenure) mới cho tư pháp trong đó có tái kiểm tư pháp (judicial review) chính là giải pháp cho các lo lắng này.

Song từ tư tưởng tới thực tế luôn có khoảng cách. Trong những năm đầu, nhánh tư pháp trong chính quyền Mỹ hầu như chưa có uy lực, không gây được chú ý của dư luận. Phải đợi tới vụ kiện Marbury v. Madison vào năm 1801. Ðây là một vụ án rất rắc rối và hết sức tế nhị về chính trị và quan hệ cá nhân. Cuộc bầu cử cam go năm 1800 đã đưa Thomas Jefferson và đảng the Republican tới chiến thắng. Trước khi phải trao quyền lại cho Jefferson, John Adams và Quốc Hội do đảng the Federalist kiểm soát vội vã dùng tiểu xảo court packing bằng việc ra luật giảm số thẩm phán của Tối Cao Pháp Viện, tạo thêm các thẩm phán ở các tòa dưới để bổ nhiệm các thân tín lấp đầy tư pháp, trong đó có việc bổ nhiệm đương kim Ngoại Trưởng John Marshall làm Chánh Án Tối Cao Pháp Viện.

Xem thêm:   Panatnikhom nhớ Bidong

Trong sự vội vàng, Adams và Marshall đã quên không trao ủy nhiệm thư (a commission) đã ký cho William Marbury làm thẩm phán hòa bình (a justice of the peace) tại District of Columbia. Khi tiếp nhận chính quyền, Ngoại Trưởng James Madison và Tổng Thống Thomas Jefferson dứt khoát từ chối trả ủy nhiệm thư cho Marbury. Sau nhiều tháng bị từ chối, Marbury kiện lên Tối Cao Pháp Viện để đòi ra huấn lệnh đặc biệt (a writ of mandamus) bắt Madison phải trao trả ủy nhiệm thư.

Vụ kiện đặt John Marshall vào tình thế rất khó xử vì bản thân bị vướng vào các mối quan hệ công-tư, đảng phái. Cuối cùng, sau hơn một năm cân nhắc, John Marshall cùng các thẩm phán khác đã đưa ra phán quyết: Section 13 thuộc đạo luật the Judicial Act 1789 của Quốc Hội dưới thời Tổng Thống George Washington đã vi hiến vì vậy Tối Cao Pháp Viện không có quyền ra huấn lệnh cho Madison, tức Marbury thua kiện.

Phán quyết này giáng thêm thất bại chính trị cho phe đảng the Federalist nhưng đã xác lập uy tín và thẩm quyền tái xét tính hiệu lực/vô hiệu lực của pháp luật cho Tối Cao Pháp Viện: Tái Kiểm Tư Pháp. Sau này tái kiểm tư pháp còn ước chế các quyết định của tổng thống, các cơ quan chính phủ và các phán quyết tư pháp cấp dưới. Sau Thế Chiến II, tái kiểm tư pháp đã trở thành một thiết chế bắt buộc tại các quốc gia dân chủ trên toàn thế giới tuy có những biến cải và sự điều chỉnh không hoàn toàn giống như Mỹ.

(còn tiếp)

PHS (15/11/2020)