(Kỳ 8d: The Federalist No 78)

Một trong những ngạc nhiên của độc giả về The Federalist là các bài luận đã ra đời trong một hoàn cảnh eo hẹp về thời gian và bối cảnh lịch sử đầy xáo động. Alexander Hamilton cho biết có những bài phần đầu đã vào xưởng in nhưng phần cuối vẫn chưa viết xong. Cả ba tác giả đều có hoạt động nghề nghiệp và/hoặc chính trị rất bận rộn. Mỗi người gần như đều tự viết một cách độc lập không bàn thảo với người kia, chưa kể Hamilton và Madison không thân thiết, thường ở hai cực đối nhau về chính trị.

Hamilton, trong lời tựa cho cuốn 1 của bộ sách The Federalist (xuất bản 22 tháng Ba 1788, gồm 36 bài), đã tự thừa nhận ông biết sẽ có độc giả không hài lòng về độ chặt chẽ giữa các bài. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy Hamilton rất khắt khe về phẩm chất bài viết, ví dụ: Hamilton đã mời thêm hai người khác, nhưng một người (Gouverneur Morris) từ chối, một người (William Duer) đồng ý nhưng các bài viết của người này bị Hamilton từ chối vì không đạt chuẩn: Chính Xác. Các nghiên cứu sau này đều đánh giá cao phẩm chất, kể cả độ gắn kết, thống nhất giữa các bài. Một nghiên cứu của Pháp đã viết: «Les FP, défense et commentaire de la nouvelle constitution, «de l’existence, de la sureté et de la prospérité des états», se présente comme un recueil d’articles dont la progression est thématique et cohérente». (The Federalist, nhằm cổ xướng và bình phẩm bản hiến pháp mới, «về quyền tồn tại, an ninh và thịnh vượng của các tiểu bang», là tập hợp các bài luận được hình thành theo các chủ đề với sự gắn kết chặt chẽ.)

Trong The Federalist No 51, khi bàn về cơ chế nội tại kìm soát và đối trọng (checks and balances) cho chính quyền, tác giả (James Madison hoặc Alexander Hamilton) đã nói sơ về sự cần thiết phải dành cho tư pháp một cấu trúc quyền lực đặc biệt, nhất là về mặt nhiệm kỳ:

Trong việc cấu tạo nhánh tư pháp, sẽ không khôn ngoan nếu cứ nhất nhất giữ cho bằng được nguyên tắc, vì:  thứ nhất, điều cốt yếu của tư pháp nằm ở những phẩm chất đặc biệt của thành viên, nên quan tâm hàng đầu phải là cách thức chọn lựa sao cho bảo đảm các thành viên tư pháp có được những phẩm chất đặc biệt đó; thứ hai, cấu trúc thẩm quyền vô thời hạn của chức vụ trong nhánh này sẽ sớm diệt được tất cả mọi cảm giác lệ thuộc vào thẩm quyền đã bổ nhiệm họ.

Xem thêm:   Tại sao khách hàng phải luôn chịu thiệt?

Ðến The Federalist No 78, Alexander Hamilton tiếp tục khai triển, phân tích sâu hơn về sự cần thiết của “cấu trúc thẩm quyền vô thời hạn” dành cho các thẩm phán trong loạt bài dành riêng cho cơ quan tư pháp. Biện pháp này nhằm giúp cho cơ quan tư pháp vốn yếu ớt nhất trong ba nhánh có thêm tự tín và uy lực để cân bằng lại với các thẩm quyền thường mạnh mẽ hơn của lập pháp, hành pháp. Ðộc giả khó có thể quên sự tương quan sức mạnh giữa ba nhánh của chính quyền có sự phân chia quyền lực theo cách truyền thống sau khi đọc lối mô tả nhân cách hóa sống động của Hamilton:

Bộ phận Hành pháp không chỉ ban phát danh phẩm mà còn thủ đắc cả lưỡi gươm công lý. Bộ phận lập pháp không chỉ điều hành túi tiền của toàn dân mà còn chỉ định các phép tắc điều chỉnh nghĩa vụ và quyền lợi của mọi công dân. Bộ phận tư pháp, ngược lại, chẳng có ảnh hưởng gì tới lưỡi gươm hay hầu bao; cũng chẳng được có ý kiến gì tới sức mạnh hay của cải của xã hội; và cũng chẳng thể làm ra một quyết nghị gì. Thực sự có thể nói rằng tư pháp chẳng có LỰC cũng chẳng có CHÍ, chỉ có mỗi quyền phán xét; và, buộc phải có trợ lực của hành pháp để các phán xét có hiệu lực.

Trong đoạn trích ở trên của The Federalist No 51, người dịch đã rất ấn tượng với chữ “sớm” (soon) trong cụm từ “cấu trúc thẩm quyền vô thời hạn của chức vụ trong nhánh này sẽ sớm diệt được tất cả mọi cảm giác lệ thuộc vào thẩm quyền đã bổ nhiệm họ.” (the permanent tenure by which the appointments are held in that department, must soon destroy all sense of dependence on the authority conferring them). Chỉ một chữ “sớm” đã thể hiện được suy tư rất sâu về mối quan hệ tế nhị giữa con người; chữ “sớm” đã tự thừa nhận sự lệ thuộc, hàm ơn tất yếu không thể tránh khỏi của người được đề bạt, được bổ nhiệm vào người đã cất nhắc, đã bổ nhiệm; giải pháp mà tác giả nêu có thể loại bỏ được sự hàm ơn-lệ thuộc đó nhưng tất yếu cần phải có thời gian – sẽ “sớm” loại bỏ được chứ không phải ngay tức khắc. Cái tình người vừa khó mà cũng lại vừa hay chính là ở đó. Có thể nói sự vấn vương chính trị này ít nhất cũng tương đương với cái khó của “dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”. Giải pháp để đứt đoạn, chấm dứt hẳn cái ràng buộc, vấn vương đó chính là nhiệm kỳ phẩm hạnh – được cầm quyền suốt đời chừng nào phẩm hạnh vẫn được coi là tốt-đủ. Chúng ta sẽ còn phải quay lại vấn đề quan trọng và thú vị này trong những kỳ khác.

Xem thêm:   Cụ bà 103 tuổi lái xe giữa đêm…

Việc “sớm diệt được tất cả mọi cảm giác lệ thuộc vào thẩm quyền đã bổ nhiệm” trong The Federalist No 51 được The Federalist No 78 làm sáng rõ cụ thể hơn nữa:

Lòng trung tín bất ngả nghiêng và thường trực với các quyền Hiến pháp, và quyền cá nhân, mà chúng tôi coi là những điều tối cần trong các tòa án công lý, chắc chắn không thể có được từ những thẩm phán giữ chức vụ theo một ủy nhiệm tạm thời. Sự bổ nhiệm định kỳ, bất kể theo cách nào hoặc bất kể do ai, cũng sẽ tiêu diệt sự độc lập cần thiết của họ. Nếu quyền lập thẩm phán trao cho Hành pháp hay lập pháp, sẽ có nguy hiểm của sự chiều chuộng thiếu đứng đắn cho nhánh có quyền này; nếu cả hai có quyền này, sẽ có cố gắng tránh gây phật lòng cho cả hai; nếu quyền này trao cho dân, hoặc cho những người do dân chọn lựa với một mục đích riêng biệt, sẽ làm cho kẻ được bổ nhiệm luôn có sự thúc giục quá mạnh vượt lên khỏi những băn khoăn danh tiếng, lệ thuộc khiến cho thẩm phán sẽ chỉ dựa vào Hiến pháp và pháp luật mà thôi.

Những “phẩm chất đặc biệt” của tư pháp đã nêu trong The Federalist No 51 cũng được The Federalist No 78 phân tích rõ hơn:

Ðiều thường thấy, một cách hết sức đúng đắn, là khối lượng đồ sộ của các luật là một trong những phiền toái cần thiết phải gắn chặt với những ưu việt của một chính thể tự do. Ðể tránh quyết định tùy tiện của các tòa án, điều tối cần là chúng phải bị khống chế chặt bởi các nguyên tắc nghiêm cẩn và các án lệ, những điều sẽ giúp họ định rõ và đủ trách nhiệm của bản thân trước từng vụ án; và chúng ta sẽ thấy ngay rằng, sự đa dạng của các cãi vã xuất phát từ sự điên khùng và độc ác của loài người sẽ khiến kho lưu trữ án lệ phải trở thành một khối khổng lồ đòi hỏi phải nghiền ngẫm cần mẫn và dài lâu mới có thể hiểu rõ. Do vậy, sẽ chỉ có rất ít người trong xã hội có đủ khả năng về luật pháp hầu đáp ứng các yêu cầu của chức vị thẩm phán. Và nếu để ý tới sự tha hóa thường tình của con người, số lượng đó còn nhỏ hơn khi chỉ tính những người vừa có sự chính trực hoàn hảo lẫn sự hiểu biết cần thiết. Những suy tư này dạy chúng ta, rằng chính quyền sẽ không thể có nhiều lựa chọn về những người phù hợp; và rằng thời gian tạm thời trong nhiệm sở sẽ tự nhiên làm những người đủ phẩm chất chẳng muốn rời bỏ một công việc đầy lợi lộc để lấy một chỗ ngồi ở tòa;

Xem thêm:   The good Samaritans

Trong kỳ tới chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu thuật ngữ “tái kiểm tư pháp” (judicial review) đã nêu ở Kỳ 8c.

(còn tiếp)

PHS (11/10/2020)