(Kỳ 8c: The Federalist No 78)

Trong hai kỳ trước (kỳ 8a và 8b), với sự vất vả ít nhiều, chúng ta đã đọc trọn The Federalist No 78 – bài luận bảo vệ nhiệm kỳ phẩm hạnh (good behavior) và thẩm quyền tái kiểm pháp luật của tư pháp (judicial review). Qua bản dịch này chúng ta có thể thấy văn phong của Alexander Hamilton khác hẳn văn phong của James Madison trong The Federalist No 10.

Cả hai đều có tư duy tinh tường, lý luận sắc bén nhưng Alexander Hamilton thiếu hẳn sự mềm mại, uyển chuyển của James Madison. Học giả người Pháp André Maurois (1885-1967) ca ngợi trí tuệ phi thường của các thành viên tham gia Hội nghị Lập hiến Philadelphia bằng cách nêu lại nhận định của Thomas Jefferson, gọi họ là “tập hợp thần-nhân“ (an assembly of demigods), nhưng André Maurois đã dành riêng cho Alexander Hamilton những dòng chữ sau:

L’homme le plus intelligent de la convention était sans doute le jeune délégué de New York, Alexandre Hamilton; mais la raideur de ses manière lui interdisait l’éloquence, et ses idées la popularité.” (Rõ ràng người thông minh nhất trong hội nghị là tay đại biểu trẻ của New York, Alexander Hamilton; song, tính khí cương trực đã làm ông ít được lắng nghe và các ý tưởng sâu sắc của ông ít được phổ biến.) (André Maurois, Histoire des États-Unis, Hachette, 1968, tr. 92).

The Federalist No 78 là bản đầu tiên trong nhóm 08 bài cuối cùng do Hamilton viết để nhà Mclean cho vào cuốn thứ 2 của bộ sách The Federalist (xuất bản 28 tháng Năm 1788, gồm 49 bài) trước khi cho in lên báo, khác với 77 bài trước được công bố trên báo rồi mới được nhà Mclean đưa vào sách.

Khi dịch bản văn này, The Federalist No 78, tôi đã gặp nhiều khó khăn về từ ngữ, đặc biệt không tìm được từ tương đương trong tiếng Việt. Nhưng chính những điều này lại giúp tôi hiểu đúng hoặc sâu hơn một số thuật ngữ.

Ðầu tiên là hai từ: Law và Statute. Trong bản văn này, Hamilton đã viết 16 lần từ law nhưng chỉ có 6 lần statute. Từ law hẳn là một từ quen thuộc hơn rất nhiều so với statute. Cả hai đều có một nghĩa giống nhau, có thể dịch sang tiếng Việt là: luật hay luật pháp. Căn cứ vào một số từ điển Anh ngữ của Anh (Vd. Oxford) hay của Mỹ (Vd. Merriam-Webster) chúng ta đều thấy nghĩa của law phức tạp, rộng rãi hơn nhiều lần statute. Nhưng nghĩa đầu tiên của statute lại được các từ điển vừa nêu cho nghĩa bản văn luật do nghị viện (quốc hội) chính thức thông qua; sau mới đến nghĩa khác (Vd. quy định của một tổ chức).

Alexander Hamilton 

Tuy nhiên law, theo thông lệ, cũng đã có nghĩa giống nghĩa đầu tiên vừa nêu của statute, nhưng đây không phải là nghĩa đầu tiên các từ điển định cho law. Vậy phải dùng từ tiếng Việt nào cho hai từ law và statute? Chúng ta hoàn toàn không có hai ý niệm tách biệt hết sức tế nhị này và, hệ quả, ngôn ngữ không có từ vựng tương đương.

Xem thêm:   Nhẫn

Trong The Federalist No 78, Hamilton đã dành cho law một ý nghĩa quan trọng hơn statute. Ông dùng từ law để nói về constitution (hiến pháp), và dùng từ statute ngầm chỉ các luật do lập pháp tạo ra nhưng bất đồng với hiến pháp. Ví dụ:

“A constitution is, in fact, and must be regarded by the judges, as a fundamental law. It therefore belongs to them to ascertain its meaning, as well as the meaning of any particular act proceeding from the legislative body. If there should happen to be an irreconcilable variance between the two, that which has the superior obligation and validity ought, of course, to be preferred; or, in other words, the Constitution ought to be preferred to the statute, the intention of the people to the intention of their agents.” (nhấn mạnh do PHS)

Pháp ngữ cũng gặp khó khăn tương tự như Việt ngữ. Anne Amiel trong bản dịch năm 2012 phải sử dụng từ loi cho cả hai từ law và statute.

Ðến từ Tenure, đây là từ tôi đã gặp nhiều lần trong các bản The Federalist trước, nhưng chính The Federalist No 78 đã giúp tôi hiểu đúng và đủ cho tenure. Ở các bản dịch trước, dù xem kỹ nhiều từ điển và đọc kỹ nguyên bản, tôi thường dịch tenure thành nhiệm kỳ giống như term. Tôi đã cảm thấy hài lòng vì vừa ngắn gọn vừa dễ hiểu. Nhưng The Federalist No 78 làm tôi giật mình vì thấy cách dịch đó quá thiếu nghĩa, nếu không muốn nói là sai. Ở đây Hamilton đã viết như định nghĩa cho tenure:

Xem thêm:   Babysit không lương

“As to the tenure by which the judges are to hold their places; this chiefly concerns their duration in office; the provisions for their support; the precautions for their responsibility.” (nhấn mạnh do PHS)

Vậy là đã rõ, tenure có ba thành tố chính, thời gian cầm quyền, các phương tiện cho quyền lực và các biện pháp phòng bị để ràng buộc trách nhiệm. Tiếng Việt hoàn toàn không có từ tương đương, cũng bởi người Việt chưa bao giờ suy ngẫm kỹ vấn đề này.

The Federalist No 78

Theo Merriam-Webster, tenure được biết lần đầu trong Anh ngữ, với nghĩa tương tự (nhưng không rõ và cụ thể) như Hamilton viết, là vào thế kỷ XV tức vào khoảng thời kỳ Lê Lợi dấy nghĩa ở Lam Sơn.

Tôi cực kỳ thích thú với tenure khi biết được đủ nghĩa của nó; điều này chứng tỏ tư duy của giới trí thức người ta về kẻ nắm quyền rất chi tiết, vô cùng sâu và cũng vô cùng sớm so với dân tộc Việt anh hùng. Tôi định giữ nguyên khi dịch, nhưng rồi quyết định chuyển thành: cấu trúc quyền lực.

Riêng từ Positive law lại cho tôi một khó khăn và xúc cảm khác. Từ này đối với giới chuyên môn về luật học phương Tây hẳn không phải là điều xa lạ, nhưng tôi đã mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu. Sự mất công rất xứng đáng. Qua tìm hiểu positive law, tôi ngộ ra được một điều, chính những người phương Tây thường được coi là những kẻ duy lý, lạnh lùng, ham chuộng vật chất nhưng kỳ thực văn hóa nền tảng của họ lại được đặt trên đức tin vào Thiên Chúa – đấng tạo hóa-thiên nhiên rất mãnh liệt. Thuật ngữ positive law, về cơ bản, là nhằm đối nghịch với natural law – luật do tạo hóa-Chúa ban cho cả loài người.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (03/21/2024)

Do đó, positive law, với nghĩa thông thường là các luật, văn bản do con người hay cơ quan lập pháp tạo ra luôn phải nằm dưới và cấm được xâm phạm vào natural law. Trong khi hiến pháp buộc phải tuân thủ và dựa trên natural law. Nhưng natural law là gì? Tìm hiểu câu hỏi này, chúng ta phải đi ngược lại những diễn tiến của lịch sử trải qua nhiều chục thế kỷ ở nhiều vùng trên thế giới tại Hy Lạp, La Mã, Trung-Ðông, Âu châu và Mỹ châu.

Song, điều quan trọng là trong tư tưởng, nói chung, của người phương Tây, ngoài Chúa, không con người/đảng phái, dù tài năng, công trạng đến đâu, có quyền quyết định, đưa ra luật lệ nếu không có sự duyệt xét của họ. Ngắn gọn, có thể nói những quyền-luật do natural law đem lại hiển nhiên cho con người là những nhân quyền cơ bản (tự do nói, tự do suy nghĩ, tự do viết, tự do nhóm họp, tự do biểu tình…) và một khi chính quyền gây tổn hại cho các quyền tự nhiên thì người dân có nghĩa vụ phải đứng lên chống trả để thay, lật chính quyền. Ðây chính là lý do tại các nước phương Tây, không một chính trị gia nào dám có những phát biểu vô đạo trắng trợn như Hồ Chí Minh: “Muôn việc lấy Ðảng làm gốc”. Cuối cùng tôi đã dịch positive law: luật dương thế.

The Federalist No 78 thuộc số những bài quan trọng nhất của The Federalist. Ðây cũng là một trong số vài bản The Federalist hay được Tối Cao Pháp Viện Mỹ trích dẫn.

Sự ngẫm ngợi các ý tưởng mới lạ, sâu sắc có tính độc đáo và sự liên hệ, diễn tiến thú vị từ một con người mới ngoài 30 tuổi ở cách thời đại chúng ta gần 250 năm có thể đã là những nguồn lực gây phấn chấn tinh thần cho người dịch. Ðây sẽ là những phần sẽ được trình bày trong kỳ tới.

(còn tiếp)

PHS (08/10/2020)