(Kỳ 8b: The Federalist No 78)

Nhà xuất bản McLean, New York, tháng Năm 1788

Alexander Hamilton

Thưa đồng bào tiểu Bang New York

… Song, đối với các quyết định trái nhau của một thẩm quyền trên và một thẩm quyền phụ thuộc, của một quyền lực gốc và một quyền lực phó bản, thiên nhiên và lý tính vạn vật cho rằng đảo ngược nguyên tắc vừa kể lại là điều đúng đắn cần làm. Thiên nhiên và lý tính sự vật dạy ta rằng quyết định sinh trước từ thẩm quyền trên phải có giá trị hơn quyết định sinh sau từ thẩm quyền dưới và lệ thuộc; và rằng, theo lẽ đó, bất cứ khi nào một luật ngược Hiến pháp thì bổn phận của các cơ quan tư pháp là phải trung thành với thiết chế sau và bác bỏ thiết chế trước.

Cũng chẳng thể có nghĩa gì khi nói rằng các tòa án, vì lý do chống đối, có thể dùng sở thích của riêng họ để gạt các mong muốn hợp hiến của cơ quan lập pháp. Ðiều này có thể xảy ra khi có hai bản luật mâu thuẫn nhau, hoặc cũng xảy ra trong các phán quyết về một bản luật riêng rẽ. Khi đó tòa án phải tuyên bố ý nghĩa của luật; và nếu họ sẵn sàng thực thi Ý CHÍ thay cho PHÁN XÉT, hậu quả sẽ đều là sở thích của họ thay thế sở thích của cơ quan lập pháp. Ðiều này cho thấy ít nhất một điều, vậy thì chẳng nên làm cho các thẩm phán tách khỏi lập pháp.

Nhưng, nếu coi các tòa án công lý được coi là các pháo đài cho Hiến pháp giới hạn chống lại các xâm hại của lập pháp, thì tư duy này sẽ mang lại sự ủng hộ mạnh mẽ cho cấu trúc thẩm quyền vô thời hạn của thẩm phán, do không điều gì khác có thể giúp ích hơn cho tinh thần độc lập của thẩm phán, yếu tố căn cốt của năng lực trung tín với một bổn phận hết sức cam go.

Sự độc lập này của các thẩm phán cũng là điều kiện phải có để bảo vệ Hiến pháp và các quyền của cá nhân trước tấn công của những tính khí độc địa do những kẻ tinh quái hoặc sự ảnh hưởng của các bối cảnh đặc biệt gieo rắc ngay trong dân chúng, và, dù các tính khí này nhanh chóng tàn lụi trước các thông tin và suy tư chín chắn hơn, vẫn có xu hướng gây ra những biến cải nguy hiểm trong chính quyền, và cả các đàn áp nghiêm trọng phe thiểu số trong cộng đồng. Cho dù tôi tin tưởng những người bạn của bản dự thảo Hiến pháp sẽ không bao giờ ủng hộ kẻ thù của nó (3), khi xem xét lại nguyên lý căn bản của chính thể cộng hòa thừa nhận người dân có quyền tu chỉnh hoặc xóa bỏ Hiến pháp đã lập bất cứ khi nào họ thấy nó bất nhất với hạnh phúc của họ, nhưng sẽ không thể suy diễn từ nguyên lý này rằng các đại diện của dân, bất cứ khi nào có một xu thế xuất hiện khống chế đa số cử tri của họ nhưng bất hợp với một số quy định của Hiến pháp hiện hành, sẽ có thể, vì lý do vừa nói, được coi là chính đáng khi xâm phạm các quy định đó của Hiến pháp; hoặc cho rằng các tòa án sẽ phải có bổn phận dung túng các xâm phạm thuộc dạng này hơn là khi chúng xuất phát hoàn toàn từ các bè nhóm thuộc cơ quan lập pháp.

Xem thêm:   Một đời lan

Cho tới khi người dân, bằng một quyết định xác quyết và long trọng, xóa bỏ hoặc thay đổi Hiến pháp đã lập, Hiến pháp vẫn luôn ràng buộc chính bản thân họ ở nghĩa tập thể cũng như cá thể; và không một giả định, không một hiểu biết nào về tình cảm của họ cho phép các đại diện của họ xa rời Hiến pháp, trước khi có một quyết định như vừa nêu. Nhưng dễ dàng trông thấy, rằng điều này đòi hỏi các thẩm phán phải có một sức mạnh khác thường về tinh thần để gánh trọn sứ mạng là người bảo vệ trung kiên Hiến pháp trước các xâm phạm của lập pháp do đa số cộng đồng khích động.

Nhưng không chỉ vì Hiến pháp có thể bị xâm phạm nên sự độc lập của thẩm phán trở thành thiết yếu để chống lại tác động của các tính khí thất thường ác độc trong xã hội. Những bất thường này đôi khi chẳng vượt quá một vài điều luật bất công, thiên vị khiến các quyền cá nhân của một vài tầng lớp công dân bị tổn hại. Những lúc như thế sự quả quyết của tư pháp giữ tầm quan trọng to lớn để thuyên giảm sự hà khắc và ngăn chặn sự hoành hành của luật bất chính.

Tư pháp không chỉ chống các quá khích tức thời của các luật đã được thông qua, nó còn là một cái hãm sẵn sàng siết vào sự biểu quyết của lập pháp; các đại diện lập pháp, trong khi biết rõ các dự định hắc ám sẽ bị ngăn lại do lòng tận tụy của các tòa án, sẽ bắt buộc phải tự chế bản thân ngay cả khi đang bị thôi thúc bởi các tham vọng bất chính.

Ðây chính là một tình huống đã được cân nhắc nhằm tạo ra khí chất đặc biệt hơn cho các chính quyền của chúng ta mà chỉ có rất ít người để ý. Những ích lợi của đức tính chính trực và khoan hòa trong bộ phận tư pháp đã được cảm thấy rõ ở nhiều Tiểu Bang; và cho dù chúng có thể gây khó chịu cho những người có những trông chờ mờ ám đã bị những hệ quả đó bất hoạt, chắc chắn những người này cũng sẽ phải trân trọng và hoan nghênh tất cả những người có đức hạnh và khí chất công bình.

Xem thêm:   Hành trình của báo chí

Những người cẩn trọng, thuộc mọi phong thái, cần phải ủng hộ tất cả những gì giúp tạo dựng hay củng cố cho thần khí đó của các tòa án: vì không ai có thể chắc chắn ngày mai không thành nạn nhân của một đầu óc bất chính mà hôm nay nhờ nó y đang là kẻ chiến thắng. Tất cả mọi người hẳn phải cảm thấy, rằng khả năng không thể tránh khỏi một đầu óc như thế sẽ len được vào các nền tảng tin tưởng công và tư, và sẽ phải đưa tới một trạng thái bất tín và bất ổn trường kỳ ở mọi nơi.

Lòng trung tín bất ngả nghiêng và thường trực với các quyền Hiến pháp, và quyền cá nhân, mà chúng tôi coi là những điều tối cần trong các tòa án công lý, chắc chắn không thể có được từ những thẩm phán giữ chức vụ theo một ủy nhiệm tạm thời. Sự bổ nhiệm định kỳ, bất kể theo cách nào hoặc bất kể do ai, cũng sẽ tiêu diệt sự độc lập cần thiết của họ.

Nếu quyền lập thẩm phán trao cho Hành pháp hay lập pháp, sẽ có nguy hiểm của sự chiều chuộng thiếu đứng đắn cho nhánh có quyền này; nếu cả hai có quyền này, sẽ có cố gắng tránh gây phật lòng cho cả hai; nếu quyền này trao cho dân, hoặc cho những người do dân chọn lựa với một mục đích riêng biệt, sẽ làm cho kẻ được bổ nhiệm luôn có sự thúc giục quá mạnh vượt lên khỏi những băn khoăn danh tiếng, lệ thuộc khiến cho thẩm phán sẽ chỉ dựa vào Hiến pháp và pháp luật mà thôi.

Thế nhưng, còn một lý do sâu xa hơn và quan trọng hơn khiến thẩm quyền thường trực của tư pháp được ủng hộ, lý do này xuất phát từ bản chất các phẩm tính cần có của tư pháp. Ðiều thường thấy, một cách hết sức đúng đắn, là khối lượng đồ sộ của các luật là một trong những phiền toái cần thiết phải gắn chặt với những ưu việt của một chính thể tự do.

Ðể tránh quyết định tùy tiện của các tòa án, điều tối cần là chúng phải bị khống chế chặt bởi các nguyên tắc nghiêm cẩn và các án lệ, những điều sẽ giúp họ định rõ và đủ trách nhiệm của bản thân trước từng vụ án; và chúng ta sẽ thấy ngay rằng, sự đa dạng của các cãi vã xuất phát từ sự điên khùng và độc ác của loài người sẽ khiến kho lưu trữ án lệ phải trở thành một khối khổng lồ đòi hỏi phải nghiền ngẫm cần mẫn và dài lâu mới có thể hiểu rõ.

Xem thêm:   Những điều lý thú của tháng Ba

Do vậy, sẽ chỉ có rất ít người trong xã hội có đủ khả năng về luật pháp hầu đáp ứng các yêu cầu của chức vị thẩm phán. Và nếu để ý tới sự tha hóa thường tình của con người, số lượng đó còn nhỏ hơn khi chỉ tính những người vừa có sự chính trực hoàn hảo lẫn sự hiểu biết cần thiết. Những suy tư này dạy chúng ta, rằng chính quyền sẽ không thể có nhiều lựa chọn về những người phù hợp; và rằng thời gian tạm thời trong nhiệm sở sẽ tự nhiên làm những người đủ phẩm chất chẳng muốn rời bỏ một công việc đầy lợi lộc để lấy một chỗ ngồi ở tòa; điều này có xu hướng đẩy việc cai quản công lý rơi vào tay những người thiếu khả năng, ít phẩm cách nhưng lại phải thực thi công vụ một cách cao thượng và hiệu quả.

Trong tình cảnh hiện nay của đất nước, và trong những hoàn cảnh nhiều khả năng còn tiếp tục dài lâu trong tương lai, những hậu quả của vấn đề này sẽ nghiêm trọng hơn những gì chúng thoạt xuất hiện; nhưng cần phải thừa nhận, rằng chúng vẫn còn nhỏ hơn nhiều so với các bất lợi đang tự bộc lộ trong các phương diện khác của chủ đề chúng ta đang bàn.

Về tổng thể, không thể có một chút nghi ngờ gì về việc Hội nghị đã hành động sáng suốt khi dùng lại mô hình trong các hiến pháp đã thiết lập đặc tính PHẨM HẠNH TỐT (good behavior) cho cấu trúc thẩm quyền trong các cơ quan tư pháp ở phương diện thời gian; và không thể nào phàn nàn được ở phương diện này do bản thiết kế của họ đã tránh được một khuyết tật không thể tha thứ nếu như họ lại muốn bộ phận quan trọng này tuân theo tiêu chuẩn quản trị tốt (good government). Kinh nghiệm của Ðại Anh Quốc là lời khen vang dội cho sự xuất sắc của thiết chế này.

(còn tiếp)

PHS (26/09/2020)

Ghi chú của tác giả:

(3) Xem “Phản ứng của nhóm thiểu số trong Hội nghị Pennsylvania,” Tham luận của Martin  v.v.

Ghi chú của tòa soạn:

Bài kỳ 8b này tiếp theo kỳ 8a đã đăng cách 2 số trước trên Trẻ Dallas và các tiểu bang. Chúng tôi cáo lỗi đã gián đoạn loạt bài này vì 2 số rồi tác giả Phạm Hồng Sơn có bài liên quan đến cuộc bầu cử vừa qua.