Nhiều kỳ – Kỳ 7e:

(The Federalist No 51)

Trong The Federalist No 37, James Madison đã đưa ra ý niệm có tính định nghĩa cho thể chế cộng hòa (republicanism):

Vả lại, cái thần của tự do cộng hòa dường như không chỉ đòi hỏi tất cả mọi quyền lực phải xuất phát từ nhân dân, mà còn yêu cầu những người được giao phó quyền lực phải bị phụ thuộc vào nhân dân qua sự bổ nhiệm có thời hạn ngắn.

Trong The Federalist No 10, James Madison cũng định rõ tinh thần cộng hòa là:

Một nền cộng hòa, với ý của tôi là một chính quyền được điều hành thông qua các đại diện,… chính quyền là tập hợp một số công dân được chọn ra bởi những công dân còn lại…

Vào thế kỷ XVIII, ý niệm xác định kẻ cầm quyền hợp pháp phải do dân bầu và chỉ được cầm quyền trong một kỳ hạn nhất định là một ý tưởng mới có tính cách mạng. Ðó là kết quả của những suy tư, bàn luận về chính quyền, về xã hội và về bản thể con người qua một khoảng thời gian tính bằng nhiều chục thế kỷ và chủ yếu xuất phát từ các bộ óc vĩ đại thuộc nền văn hóa Hy Lạp, La Mã và Tây Âu, với những cái tên như Plato, Aristotle, Marcus Tullius Cicero, Thomas Aquinas,… Thomas Hobbes, John Locke, Montesquieu, Jean-Jacques Rousseau,… Một cách ngắn gọn, hai tiêu chuẩn, dân bầu và nhiệm kỳ giới hạn, về lịch sử, là nhằm để đối lập với quyền lực quân vương, được thừa kế và được cầm quyền suốt đời. Về mặt chính trị, hai tiêu chuẩn đó là nhằm để ước chế kẻ thống trị, kìm soát quyền lực công, chống lại sự tha hóa của quyền lực công theo thời gian nhằm mục tiêu tối hậu là bảo vệ tự do của cộng đồng và cá nhân.

Thế nhưng trong The Federalist No 51, tác giả lại viết như sau:

Trong việc cấu tạo nhánh tư pháp, sẽ không khôn ngoan nếu cứ nhất nhất giữ cho bằng được nguyên tắc, vì:  thứ nhất, điều cốt yếu của tư pháp nằm ở những phẩm chất đặc biệt của thành viên, nên quan tâm hàng đầu phải là cách thức chọn lựa sao cho đảm bảo các thành viên tư pháp có được những phẩm chất đặc biệt đó; thứ hai, cấu trúc thẩm quyền vô thời hạn của chức vụ trong nhánh này sẽ sớm diệt được tất cả mọi cảm giác lệ thuộc vào thẩm quyền đã bổ nhiệm họ.

Xem thêm:   Máy cứu rỗi hôn nhân

Ðây là một biện giải để bảo vệ cho bản dự thảo hiến pháp đã được Hội Nghị Philadelphia (diễn ra từ 25 tháng Năm 1787 đến 17 tháng Chín 1787) lập ra nhằm thay thế cho thỏa ước (Articles of Confederation) đã có giữa 13 thuộc địa trước khi giành được độc lập chính thức khỏi Anh quốc.

Bản dự thảo hiến pháp, trong Article 2, Section 2 dành cho bộ phận hành pháp, đã dự trù Tổng Thống của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ có quyền bổ nhiệm Thẩm Phán của Pháp Viện Tối Cao (The Supreme Court) với sự phê chuẩn của Thượng Viện (the Senate – một nhánh của lập pháp). Trong khi đó, Thượng Viện, vào thời điểm này, là một cơ quan, khác với Hạ Viện, không do dân bầu ra.

Trong Article 3, Section 1 dành cho bộ phận tư pháp, bản dự thảo ghi rõ các Thẩm Phán liên bang của Pháp Viện Tối Cao và các tòa cấp dưới được nắm quyền chừng nào phẩm hạnh vẫn tốt đẹp (Good Behavior). Không những thế, họ còn được hưởng một thù lao không thể suy giảm trong suốt thời gian tại nhiệm.

Như vậy, các vị quan tòa của quốc gia liên hiệp mới hoàn toàn không do dân bầu và thời gian nắm quyền của các vị này lại được hưởng “nhiệm kỳ vô hạn định”. Ðây rõ ràng hoàn toàn trái ngược với nguyên tắc cộng hòa do chính The Federalist đề xướng.

Và nếu nhìn kỹ hơn chúng ta có thể phản đối thêm rằng: cách thức tạo lập thẩm phán – thành tố quan trọng của quyền lực tư pháp – đã vi phạm cả nguyên tắc chia tách quyền lực (the separation of powers) mà chính The Federalist đã tích cực đề xướng và cổ vũ.

Xem thêm:   Thác lửa ở California!

Tuy nhiên, nếu xem lại các kỳ trước đây của chỉ riêng The Federalist No 51 chúng ta sẽ nhận thấy tư duy của The Federalist rất nguyên tắc nhưng cũng vô cùng linh động. Cái “dĩ bất biến” tuyệt đối của The Federalist là tự do của con người, ở cấp độ thấp hơn là nguyên tắc cộng hòa. Nhưng, suy cho cùng nguyên tắc cộng hòa (republicanism) hay mô hình dân chủ cũng chỉ là công cụ để đạt tới mục tiêu tối hậu là tự do. Mà đã là công cụ thì có thể phải thay đổi hoặc điều chỉnh cho phù hợp với đích tối hậu. Ðây chính là tư duy đã đưa tới những đề xuất chính trị sâu sắc vượt thời đại hoặc có bề ngoài rất nghịch lý; cả hai đều gây ra sự khó hiểu hoặc khó chấp nhận với nhiều người đương thời.

Nhìn ở một góc độ khác, theo tinh thần đối chiếu với triết lý phương Ðông, chúng ta cũng sẽ nhận ra tư duy tổng thể linh hoạt hoặc các giải pháp chính trị rất biến hóa như The Federalist nêu ra rất tương hợp với học thuyết âm dương – có biểu tượng là hai nửa vòng tròn đen, trắng mềm mại, quyện biến vào nhau; trong mỗi nửa đối lập đó lại tồn tại một chấm có màu của nửa kia.

Mục đích của Hội Nghị Philadelphia là sửa đổi thỏa ước đã có sao cho chính quyền chung của 13 quốc gia có đủ sức mạnh để quản trị mọi vấn đề của quốc gia liên bang. Nhưng kết quả là Hội Nghị đã vượt quyền ủy nhiệm, đề xuất hẳn một Hiến Pháp mới hoàn toàn. Nhưng cùng lúc tìm sức mạnh cho chính quyền, Hội Nghị còn tìm cách khống chế chính quyền. Sự khống chế qua bầu cử, qua nhiệm kỳ giới hạn vẫn chưa đủ; còn phải chia tách chính quyền thành ba bộ phận; nhưng chia tách không có nghĩa tách biệt, phân lập tuyệt đối; sự chia tách này cũng vẫn chưa bảo đảm các quyền lực công không tụ hợp để chống lại nhân dân; lại phải cần tìm ra các công cụ nội tại ngay trong chính quyền để chính các quyền lực này “kìm soát & đối trọng” lẫn nhau bằng cách sử dụng chính tham vọng và quyền lực. “Tham vọng phải được tạo ra để đối trọng lại tham vọng”. Ðối với bộ phận tư pháp, cách thiết lập lại được cho theo nguyên tắc ngược hẳn với nguyên tắc cộng hòa, giống như quyền lực quân vương, và lại được coi là “khôn ngoan”. Có thể nói tất cả những linh hoạt đó là thể hiện của việc thiết lập cân bằng âm-dương; là biểu tỏ của một nhận thức sâu sắc (vô thức) về học thuyết âm-dương của phương Ðông: âm-dương cùng đồng tồn, nương tựa, khắc chế, biến hóa vào nhau một cách linh diệu; lợi-hại của âm-dương là tùy thuộc vào hoàn cảnh, cách vận dụng và mục đích, quan điểm; không có ý niệm phân rẽ âm-dương tuyệt đối.

Xem thêm:   Nhạc sĩ Anh Việt Thu & dòng An-Giang hiu hắt

Nếu con người là thiên thần, chính quyền sẽ thừa. Nếu thiên thần quản trị con người, các phương tiện kiểm soát chính quyền, cả trong lẫn ngoài, cũng đều không cần. Nhưng khi phải thiết kế một chính quyền để con người quản trị con người thì nan giải lớn nhất nằm ở đây: đầu tiên phải tạo điều kiện để chính quyền kiểm soát được người bị trị; tiếp theo là phải buộc được chính quyền tự kiểm soát chính nó. Và, chắc chắn, kiểm soát cơ bản đối với chính quyền là bắt nó phải lệ thuộc vào nhân dân; nhưng kinh nghiệm đã dạy nhân loại rằng phải cần thêm một số biện pháp đề phòng khác nữa». (The Federalist No 51)

Dường như trong đầu óc của The Federalist và các nhà lập quốc Mỹ luôn tồn tại một đầu óc thứ hai: tự soi xét, phản biện, chỉ trích lại những suy nghĩ trước đó, đặc biệt khi suy tư về chính quyền.

Chúng ta dừng nói về The Federalist No 51 ở đây để tìm hiểu sâu thêm về tư duy của The Federalist trong vấn đề tư pháp. Ðó là The Federalist No 78 do Alexander Hamilton chấp bút với một văn phong khác hẳn.

(còn tiếp)