Nhiều kỳ – Kỳ 7C:

(The Federalist No 51)

Trong kỳ trước (Kỳ 7c) chúng ta đã thấy tinh thần cao thượng của những nhà lập quốc Mỹ khi họ thẳng thắn học hỏi từ chính đối thủ của họ. Song tinh thần cao thượng của các nhà lập quốc Mỹ còn thể hiện ở những góc cạnh khác.

Cả ba tác giả của The Federalist đều là những người có tiềm năng rất lớn sẽ trở thành những người nắm quyền trong chính quyền mới của nước Mỹ độc lập. Nhưng chính họ lại thuộc những người tích cực nhất trong việc tạo ra các cơ chế, các biện pháp khôn ngoan, khắt khe nhất để khống chế, kìm soát chính quyền, mà thực ra là nhằm vào những người cầm quyền – trong đó có chính họ trong tương lai. Không ít lâu sau, John Jay là Chánh Án đầu tiên của Tối Cao Pháp Viện, Alexander Hamilton là Tổng Trưởng Tài Chính đầu tiên, còn Madison là Tổng Thống thứ tư, của nước Mỹ độc lập. Tuy nhiên, họ không chỉ nhìn thấy nguy hiểm đến từ chính quyền. The Federalist No 51 viết rằng:

“Ðiều tối quan trọng trong một nước cộng hòa không chỉ là việc bảo vệ xã hội chống lại trấn áp của những kẻ cầm quyền mà còn phải bảo vệ từng nhóm xã hội khỏi các hành vi bất công của các nhóm xã hội khác. Các công dân thuộc các tầng lớp khác nhau tất yếu sẽ có những ham muốn và lợi ích khác nhau. Nếu có một đa số hình thành dựa trên một lợi ích chung nào đó, quyền lợi của nhóm thiểu số sẽ không an toàn.”

Chúng ta sẽ thấy rõ hơn sự tỉnh táo, bao quát và tinh tường của tác giả nếu chúng ta nhìn lại một nền tảng nguyên thủy của cách cai trị dân chủ là dựa trên sự ưng thuận của đa số (người trở thành đại diện dựa trên lựa chọn của đa số; biện pháp/luật pháp được thực thi dựa trên sự tán thành của đa số…). Song, qua kinh nghiệm bản thân và tri thức thu được, The Federalist thấy rằng nguyên tắc đa số mang sẵn nguy hiểm cho cộng đồng vì một lẽ đơn giản: công bằng, công lý hay sự thật không luôn đồng nghĩa với đa số. Ðây cũng là một lý do khiến các nhà lập quốc Mỹ luôn cảnh giác sự nguy hiểm của cơ quan lập pháp (the legislature) bởi cơ quan này thường có số thành viên áp đảo so với các nhánh quyền lực khác và luôn phải lấy quyết định dựa trên đa số (vì không còn cách thức nào tốt hơn). Nguy hiểm tiềm ẩn này của cơ quan lập pháp đã được The Federalist kìm soát và đối trọng (checks and balances), như đã trình bày trong kỳ trước, đồng thời cơ quan lập pháp cũng chỉ được The Federalist coi là một quyền lực trong số nhiều quyền lực khác nhau của chính quyền – hoàn toàn không phải và không được là “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” như một số chế độ độc tài hiện hành vẫn gán nhãn cho nhánh lập pháp giả tạo của chúng.

Xem thêm:   Nỗi buồn tháng Tư

Vì vậy, sự nguy hiểm tiềm ẩn của đa số cũng hiện diện trong xã hội. Ðể giải quyết vấn đề này, The Federalist No 51, với cách lập luận giống như trong The Federalist No 10, nêu ra hai giải pháp:

“Có hai cách chống lại ác họa này: một, tạo ra một ý chí trong cộng đồng độc lập với nhóm đa số, nghĩa là độc lập với chính xã hội; hai, làm cho xã hội hình thành nhiều nhóm công dân thật riêng biệt tới mức khiến cho các kết hợp bất chính rất khó trở thành đa số, nếu như không phải bất khả thi.”

Nhưng tác giả bác bỏ ngay giải pháp đầu tiên, vì:

“Cách thứ nhất thường có trong tất cả các chính quyền thế tập hoặc tự trao quyền. Nhưng cách này cùng lắm cũng chỉ đem lại một bảo đảm bấp bênh vì một quyền lực độc lập với xã hội vẫn có thể lợi dụng quan điểm bất chính của đa số cũng như sử dụng các quyền lợi hợp pháp của thiểu số để hình thành một lực lượng chống lại cả hai.”

Nhìn vào các chế độ độc tài toàn trị cộng sản chúng ta sẽ thấy rõ hơn nguy hiểm của giải pháp này. Trong các quốc gia này, chính quyền không chỉ hoàn toàn không bị lệ thuộc vào nhân dân, hoàn toàn không có cơ chế tự kìm soát và đối trọng (checks and balances), có nghĩa rằng chính quyền ở đây là một ý chí độc lập với xã hội, độc lập với bất kỳ nhóm đa số (tự nhiên) nào của xã hội. Không những thế, các chính quyền này còn không cho xã hội hình thành các nhóm quyền lợi riêng biệt, độc lập. Vì vậy các chính quyền (với ý chí độc lập) này đã luôn dễ dàng lợi dụng hoặc bắt được mọi nhóm, kể cả đa số hoặc thiểu số, để hình thành sức mạnh chống lại toàn xã hội hoặc chống lại tất cả mọi nhóm không thuận lợi cho ý muốn của kẻ cầm quyền.

Xem thêm:   Vui buồn tháng Tư

Sự “bảo đảm bấp bênh” vừa đề cập chính là bi kịch hàng ngàn năm của các triết gia phương Ðông luôn mơ ước có được “vua sáng, tôi hiền”, luôn khuyên răn những kẻ cầm quyền những điều tốt đẹp như “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” nhưng thường xuyên phải sống dưới các chế độ hung tàn. Ðây cũng là bi kịch của những người tin và đi theo các lãnh tụ cộng sản. Không nói đến dân thường, chính kẻ cầm quyền cộng sản cũng trở thành nạn nhân của cơ chế chính quyền thiếu kìm soát và đối trọng và một xã hội thiếu tính đa nguyên – không có nhiều hội đoàn độc lập. Trong hồi ký Viết Cho Mẹ Và Quốc Hội, Nguyễn Văn Trấn đã kể lại một chi tiết liên quan tới Tôn Ðức Thắng (khi nắm quyền tương đương Chủ Tịch Quốc Hội trong chính thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) như sau:

“Có lần anh chị em Nam bộ ‘đại biểu’ tôi đến gặp ông già Tôn mà hỏi, tại sao ổng để cho Cải Cách Ruộng Ðất giết người như vậy? Bác Tôn đang ngồi, nghe tôi hỏi, liền đứng dậy bước ra khỏi ghế, vừa đi và nói : ‘Ðụ mẹ [sic], tao còn sợ nó, mầy biểu tao còn dám nói cái gì ?’”

Theo The Federalist, giải pháp căn cơ, vững bền nhất để chống lại ác họa của đa số trong xã hội là phải chấp nhận, khuyến khích sự đa dạng, đa nguyên, khác biệt của các cá nhân và các nhóm người, giai tầng khác nhau trong xã hội. Nhưng tác giả cho biết giải pháp này cũng chỉ là tương đối chứ không đảm bảo tuyệt đối không xảy ra nạn trấn áp của đa số:

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

“Trong khi mọi thẩm quyền của nước cộng hòa này được tạo dựng từ và lệ thuộc vào xã hội, thì bản thân xã hội lại được phân chia thành rất nhiều nhóm, quyền lợi và các tầng lớp khác nhau khiến cho các quyền cá nhân, các quyền của thiểu số rất khó bị đe dọa bởi những câu kết của đa số.” (tô đậm bởi PHS)

Luôn có lập luận khúc chiết và giọng văn tự tin, nhưng The Federalist No 51 nói riêng, và The Federalist nói chung, luôn thể hiện cho độc giả thấy các giải pháp cho các vấn đề chính trị, xã hội luôn chỉ có tính chất tương đối:

“Trong nước cộng hòa rộng lớn của Hợp Chúng Quốc và trong sự đa dạng mênh mông của các quyền lợi, bè đảng và giáo phái khác nhau mà nước cộng hòa này bao dung, một liên minh đa số của toàn xã hội rất khó có thể hình thành nếu nó dựa trên những nguyên tắc khác với công lý và lợi ích công; do vậy, các nhóm thiểu số ít bị đe dọa bởi ý chí của một bè đảng chiếm đa số, và cũng chắc chắn ít có chuyện nại cớ an ninh cho thiểu số để chính quyền hành động bất lệ thuộc vào đa số, hay, nói cách khác, thoát khỏi sự kiểm soát của xã hội.” (tô đậm bởi PHS)

Sự cẩn trọng này không chỉ thể hiện đức khiêm nhường mà còn cho thấy tác giả có óc khoa học đi trước thời đại – khoa học nhân văn – khoa học về và vì con người (human sciences).

Tới đây hẳn có độc giả đã phát hiện ra một thiếu sót lớn khi nói về The Federalist No 51: không đề cập tới tính chất đặc biệt trong việc thiết kế cơ quan tư pháp (the judiciary).

Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu vấn đề này trong các kỳ tới đây.

(còn tiếp)