nhiều kỳ – Kỳ 7:

(Kỳ 7a: The Federalist No 51)

Ngày nay, có thể nói tất cả mọi người, kể cả những kẻ cầm quyền cao nhất tại những chế độ tự mệnh danh là cộng sản như Việt Nam và Trung Cộng, đều đã thấy rõ ảo tưởng, sai lầm trong tư tưởng của Karl Marx về một xã hội không có giai cấp, không có nhà nước (chính quyền). Nhưng trên phương diện lý luận, không phải không còn hữu ích khi chúng ta xem lại cơ sở của tư tưởng sai lầm đó của Karl Marx. Về vấn đề này, Mai Thái Lĩnh, trong tác phẩm Huyền thoại về một nhà nước tự tiêu vong đã có những tìm hiểu, kiến giải sâu sắc, ông viết:

Thật ra, toàn bộ lý thuyết phức tạp của Marx về nhà nước có thể tóm lược thành một tam đoạn luận (syllogism, syllogisme) cực kỳ đơn giản như sau:

Tiền đề 1: Chế độ tư hữu là nguồn gốc phát sinh của nhà nước;

Tiền đề 2: Trong tương lai, chế độ tư hữu tất yếu sẽ tiêu vong;

Kết luận: Do đó, nhà nước cũng sẽ tự tiêu vong.

Như Aristotle (Aristote), nhà logic học nổi tiếng của Hy Lạp thời cổ đại, đã từng cảnh giác: tam đoạn luận chỉ đúng khi các tiền đề được chứng minh là đúng. Trong tam đoạn luận nói trên, cả hai tiền đề đều không được chứng minh đầy đủ. Marx và Engels đã nêu ra những tiền đề đó như một thứ tín điều và dùng những biện luận bề ngoài có vẻ khoa học và biện chứng để thuyết phục người khác, nhưng những lập luận đó không dựa trên những bằng chứng thật sự khoa học.

Như chúng ta đã thấy ở trên, nhà nước tuy ra đời cùng một lúc với chế độ tư hữu nhưng lại có nguồn gốc phát sinh độc lập chứ không phải chỉ là sản phẩm thuần tuý của chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Do đó, cho dù xoá bỏ được chế độ tư hữu thì cũng không thể dẹp bỏ được nhà nước. Nói cách khác, cho dù chưa chứng minh được tính chất sai lầm của tiền đề thứ hai (liên quan đến sự tiêu vong của chế độ tư hữu), chúng ta vẫn có thể thấy được tính chất sai lầm của tiền đề thứ nhất (liên quan đến nguồn gốc của nhà nước trong lịch sử). Kết luận “nhà nước tự tiêu vong” rõ ràng chỉ là một sự suy đoán vô căn cứ.

Xem thêm:   Ai nhớ chăng ai

Là một người sinh trưởng tại Việt Nam Cộng Hòa, từng ngưỡng mộ, đi theo cộng sản miền Bắc và đã thức tỉnh, phản tỉnh trước thực tế đời sống do chính quyền cộng sản điều hành sau 1975, Mai Thái Lĩnh kết luận:

‘Nhà nước tự tiêu vong’ suy cho cùng chỉ là một huyền thoại (myth, mythe), nghĩa là một sản phẩm của trí tưởng tượng, nói chính xác hơn là một ước mơ của Marx… Ðiều đáng buồn là giấc mơ đó lại được dùng để ru ngủ quần chúng, lừa mị nhân dân, nhằm biện minh cho một chế độc tài, đi ngược lại xu thế tiến hóa của nhân loại.

Từ một góc nhìn khác, huyền thoại sai lầm của Karl Marx đã bắt nguồn từ nhận định rất võ đoán, chủ quan về con người. Ông cho rằng giai cấp vô sản là tập hợp của những con người đặc biệt, thuộc dạng ngoại hạng so với các con người thuộc các giai cấp khác. Trong bản văn rất nổi tiếng mang tên Tuyên Ngôn Cộng Sản xuất bản vào khoảng cuối tháng Hai 1848, Karl Marx viết:

Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp.

Và một khi nắm được chính quyền (nhà nước), theo Karl Marx, những con người vô sản, vì có phẩm chất ngoại hạng, sẽ tự “tiêu diệt cả sự thống trị của chính nó với tư cách là một giai cấp”. Sự tự tiêu diệt này sẽ dẫn tới hệ quả tất yếu là nhà nước (chính quyền) do giai cấp vô sản thiết lập sẽ tự tan rã, tiêu vong; mọi con người sẽ được tự do và hạnh phúc tuyệt đối, muôn năm.

Tuy nhiên, 60 năm trước khi Tuyên Ngôn Cộng Sản ra đời, đã có người đưa ra một nhận định rất ngắn gọn như thế này:

Xem thêm:   Nỗi buồn tháng Tư

“If men were angels, no government would be necessary.

Ðây chính là một câu trong The Federalist No 51 do James Madison (hoặc Alexander Hamilton) chấp bút, xuất bản ngày 08 tháng Hai 1788 tại New York.

Ðây là một câu Anh ngữ hoàn toàn đơn giản về ngữ pháp và cũng khá dễ hiểu về từ vựng, kể cả đối với những người mới tiếp xúc Anh ngữ.

Tuy nhiên câu văn Anh ngữ này đã cho tôi một xúc cảm, một âm hưởng nóng bỏng, khơi gợi hơn rất nhiều so với sự ngắn gọn, mộc mạc của từ ngữ. Cảm xúc này có lẽ là kết quả của việc chính tôi là người đã sinh ra và lớn lên hoàn toàn trong môi trường bị nhồi sọ những thuyết giáo của chế độ cộng sản (dựa trên nền tảng tư tưởng của Karl Marx) và do tôi hình dung lại bối cảnh lịch sử căng thẳng của nước Mỹ khi The Federalist bị phản đối dữ dội bởi những người rất có uy lực về chính trị lẫn kinh tế và cũng có uy danh lớn về tri thức trong xã hội Mỹ – những người thường được gọi là The Anti-federalist – vì họ lo sợ chính quyền trung ương-liên bang sẽ xâm phạm hay tước mất những tự do hiện có của các tiểu bang.

“If men were angels, no government would be necessary.” Một câu nói đáp trả ngắn gọn, nhẹ nhàng nhưng nêu ra một sự thật hết sức hiển nhiên, không thể phủ nhận, ít người ngờ, đủ làm sững sờ và dập đi tất cả những phê phán, lập luận hùng hồn, diễn giải dài dòng, lẫn ngụy biện hay lo sợ thực sự về một chính quyền liên bang có thẩm quyền mạnh. Song, giọng điệu già dặn và chí lý của câu văn là cái cần phải giữ bằng được khi dịch. Sau rất nhiều loay hoay về tiếng Việt, cuối cùng tôi cảm thấy thở phào khi chuyển được thành:

Nếu con người là thiên thần, chính quyền sẽ thừa.

Dịch xong tôi như nhìn thấy ngay trước mặt Madison (hoặc Hamilton) đi đến, vỗ nhẹ vào vai Marx. Marx ngước nhìn tác giả The Federalist với ánh mắt tỉnh ngộ. Song, những kẻ láu cá, như Lenin, Stalin, Mao, Hồ, đều lẳng lặng lủi mất.

Xem thêm:   The good Samaritans

Ngay sau câu văn thấm thía đó, The Federalist nhắc luôn cho độc giả thấy một sự thật khác, theo chiều ngược lại:

Nếu thiên thần quản trị con người, các phương tiện kiểm soát chính quyền, cả trong lẫn ngoài, cũng đều không cần» (nguyên văn: If angels were to govern men, neither external nor internal controls on government would be necessary.)

Chưa tới ba chục chữ, The Federalist đã giúp chúng ta nhìn lại thấu đáo một chân lý phải mất nhiều ngàn năm con người mới phát hiện ra: chính quyền luôn cần thiết để con người sống với nhau không như muông thú; nhưng lại cần phải kiểm soát những kẻ nắm chính quyền vì họ cũng vẫn chỉ là con người.

Những kẻ độc tài luôn cố tình quên lãng, những dân tộc ngây thơ luôn lơi lỏng vế sau. Nhiều trường hợp, đáng buồn hơn, nhân dân còn tôn những kẻ cầm quyền (độc tài) là thần thánh. Nhưng, đây lại chính là vấn đề trọng tâm của The Federalist No 51: Làm thế nào để chính quyền bị khống chế, bị kìm soát ngay từ bên trong nội tạng của nó?

Những phân tích về lý do và các đề xuất về giải pháp của tác giả sẽ cho ta thấy trước mắt chính quyền hiện lên như một mô hình cơ học, đồng thời cũng như một cơ thể sinh học sống động khôn lường. Ðây là lối nhìn về chính quyền, về kẻ cầm quyền khác hoàn toàn với cách nhìn thường có của người phương Ðông chúng ta. Về triết lý nhân sinh, The Federalist còn nêu ra một đề xuất ngược hẳn những gì người phương Ðông thường nghĩ.

Giáo lý nhà Phật từ hàng ngàn năm qua khuyên chúng sinh phải “quả dục”, thậm chí “diệt dục”, trừ mọi ham muốn, tham vọng để thoát bể khổ, nhằm đạt viên mãn vĩnh hằng. Nhưng The Federalist khẳng định chúng sinh muốn có tự do, hạnh phúc thì cần phải tạo điều kiện để tham vọng được sinh thêm.

Chúng ta sẽ bị thuyết phục bởi luận điểm này khi tìm hiểu chi tiết The Federalist No 51.

(còn tiếp)