Nhiều kỳ – Kỳ 6:

(Một vài thuật ngữ chính trị)

Trong kỳ trước (Kỳ 5c), có một từ ngữ có thể đã khiến độc giả có cảm giác là lạ. Ðó là từ “chính thể bình dân”. Ðây là sự phiên dịch từ một cụm từ nguyên bản trong The Federalist:  popular government. Nhìn ở hình thức (danh từ government thuộc loại không xác định-indefinite, không đếm được-uncountable) cùng tra từ điển chúng ta có thể dễ dàng hiểu government ở đây có nghĩa là chính thể hoặc mô hình chính trị chứ không phải là chính phủ hay chính quyền (với nghĩa là một tập hợp nhân sự, cơ quan cầm quyền). Nhưng nếu áp dụng cùng phương cách, sẽ rất khó (hoặc không thể) hiểu được từ popular nếu không đọc thêm các văn bản liên quan tới bối cảnh ra đời của The Federalist. Và dù dịch thành “chính thể bình dân”, người dịch vẫn không yên tâm vì vẫn chưa nói rõ được ý niệm của cụm từ này. Ðó là cái khó, là sự kém cỏi của người dịch muốn trình bày rõ ở đây để người đọc hãy cảnh giác.

Tuy nhiên, có một điều khuyến khích, một sự an ủi, cho người dịch. Việc dịch thuật The Federalist cũng là một thách thức đối với những ngôn ngữ có tư tưởng, văn hóa, chính trị gần gũi với The Federalist. Anne Amiel, dịch giả The Federalist sang Pháp văn gần đây nhất cho biết: dịch The Federalist khó ở ba phương diện, từ vựng, cú pháp và cấu trúc; có những từ bà không thể dịch nổi sang tiếng Pháp, như từ “sense”; bà còn cho biết, ngay cả người Anh (Ðại học Cambridge) cũng gặp khó khăn khi đọc The Federalist.

Ðối với người Việt chúng ta, việc hiểu và dịch The Federalist sẽ phải khó hơn nhiều là điều tất nhiên. Câu chuyện nhỏ sau đây sẽ cho chúng ta hình dung rõ hơn sự khó khăn này:

Ngày nay gần như có một sự thống nhất trong giới nghiên cứu rằng Phan Châu Trinh là nhà vận động dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Một tác phẩm quan trọng của nhà dân chủ họ Phan là: Giai nhân kỳ ngộ diễn ca ra đời trong khoảng 1910-1920. Theo Trần Hải Yến, trong Giai nhân kỳ ngộ diễn ca đã xuất hiện những từ vựng rất hiện đại như: độc lập, tự do, hiến pháp, pháp luật, cộng hòa, dân chủ, dân quyền, lập hiến, liên bang, hiệp ước, nghị luận, nghị viên, nghị trường, nghị sĩ, bầu cử, v.v. Ðặc biệt hơn, tác phẩm thơ này còn thẳng thắn cổ động cho sự học hỏi phương Tây: “Học đòi Âu Mỹ dần dần / Bẻ hoa hái trái cân phân rạch ròi / Văn minh ngày một sáng soi / Nước nhà ngày một tót nơi phú cường.” Song, tác phẩm này của Phan Châu Trinh là kết quả sau khi Phan Châu Trinh đọc được một bản văn của một trí giả Trung Hoa nổi tiếng đương thời Lương Khải Siêu: đây lại là một bản dịch từ nguyên tác của một trí giả Nhật Bản Tôkai Sanshi , người rất ngưỡng mộ tư tưởng chính trị Mỹ. Như vậy, căn cứ vào câu chuyện này, tư tưởng chính trị hiện đại theo phương Tây của Việt Nam chúng ta đã phải xuyên qua ba lần phiên dịch, từ Mỹ sang Nhật, từ Nhật sang Hán và từ Hán sang Việt.

Xem thêm:   Đồ chơi của người lớn

Nhưng bất kể khó khăn thế nào, theo như dịch giả Anne Amiel: Một tác phẩm quan trọng như The Federalist thì tại sao lại không cố gắng đưa gần hơn tới độc giả nước mình? (Anne Amiel, Le Fédéraliste, Classiques Garnier, 2012, tr. 70).

Ðể phần nào làm giảm những khó khăn này, chúng ta thử cùng xem diễn giải của bốn thuật ngữ chính trị sau đây:

Bang-liên (confederacy, confederation; confederate), Liên-bang (federation; federal): những thuật ngữ này (trong bối cảnh của The Federalist) chỉ khác nhau ở phương diện lịch sử. Vào thời điểm trước và sau Cách mạng Mỹ 1776, mô hình quốc gia tạo lập từ 13 thuộc địa Anh tại Bắc Mỹ là một mô hình gần như hoàn toàn mới chưa có trong lịch sử. Do đó các nhà lập quốc Mỹ cũng chưa có sự thống nhất rõ ràng về thuật ngữ, lúc thì gọi là confederacy, confederation hoặc federation, nhưng qua tranh luận đã dần dần hình thành nên ý niệm chung đó là mô hình khác với mô hình sự hợp nhất các quốc gia với nhau đã có trong lịch sử. Ðiểm khác biệt cơ bản của mô hình Liên-bang (federation) (cũng tức là bang-liên) so với Hợp-nhất (consolidation; consolidated): có một sự xác định rõ ràng trong giới hạn quyền lực của chính quyền trung ương liên-bang – không được can thiệp vào một số lĩnh vực quan trọng của các quốc gia tiểu bang. (hai thuật ngữ bang-liên, liên-bang, theo Vũ Văn Mẫu, Từ điển Pháp-Việt Pháp-Chính-Kinh-Tài-Xã-Hội, Dictionnaire Francais-Vietnamien des sciences juridiques, politiques, économiques et sociologiques, Viện Ðại học Vạn Hạnh, Sài Gòn 1970)

Xem thêm:   Panatnikhom nhớ Bidong

Ngày nay các thuật ngữ này đã có sự phân biệt rõ ràng hơn: confederation: là một thiết chế tổ chức gồm các thành viên đồng ý nhượng một số quyền lực cho một cơ quan quản lý, điều hành một số lợi ích chung trong khi các thành viên vẫn giữ nguyên vẹn tính độc lập của chúng, ví dụ:  NATO, Liên Hợp Quốc, khối các nước Ả-Rập Thống nhất (the United Arab Emirates); federation: là một quốc gia độc lập gồm nhiều đơn vị lãnh thổ có chính quyền riêng biệt ở cấp bang, tỉnh hoặc vùng – các chính quyền này được bảo đảm một quy chế được ghi rõ trong hiến pháp của quốc gia về mức độ độc lập và tự trị so với chính quyền trung ương, ví dụ: Australia, Ấn Ðộ, Áo, Canada, Ðức, Thụy Sỹ, Mỹ… (theo Kenneth Newton và Jan W. Vandeth, Foundations of Comparative Politics – Democracies of the modern world, Cambridge, second edition, 2010)

Chính thể bình dân (popular government): Chính thể nhằm phân biệt tương phản với chính thể quân chủ. Trong chính thể bình dân, quyền lực công không có tính chất thừa kế và không tập trung vào tay một cá nhân (hay nhóm), nghĩa là các chức vụ quản lý công của quốc gia, xã hội được hình thành thông qua sự lựa chọn (hoặc phế truất) bởi dân chúng một cách định kỳ. Tuy nhiên, tư cách cử tri và tư cách ứng cử viên trong chính thể bình dân, tại thời điểm của The Federalist ra đời, chưa được mở rộng phổ thông tới toàn dân như ngày nay, nhưng quá trình bầu cử và ứng cử là hoàn toàn công khai và minh bạch (khác hoàn toàn với các chính thể dân chủ giả hiệu hiện nay như ở Trung Quốc, Việt Nam…)

Xem thêm:   "20 ngày tại Mariupol"

Đàn hặc (impeachment): Là một thủ tục pháp lý đặc biệt, có nguồn gốc từ thế kỷ XIV tại Anh, nhằm cáo buộc một viên chức cao cấp (thường là người đứng đầu hành pháp) đã có hành động được coi là không đúng đắn hoặc/và bất hợp pháp gây tổn hại tới quyền lợi chung của đất nước. Kết cục của đàn hặc thường dẫn tới bãi chức hoặc có thể kèm theo cả hình phạt về dân sự hoặc hình sự tùy từng nơi, nhưng thường là nhằm mục đích tố giác sự thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm của một viên chức cao cấp. Thẩm quyền lập đàn hặc và xét xử đàn hặc thường thuộc hai thiết chế khác nhau và phải là một trong các nhánh quyền lực cơ bản của chính quyền, ví dụ Hạ viện Mỹ có quyền công tố quyết định đàn hặc đối với Tổng thống, các thẩm phán của Pháp viện Tối cao, nhưng vai trò thẩm phán xét xử đàn hặc thuộc thẩm quyền của Thượng viện.

Kìm soát và Đối trọng (checks and balances): Thuật ngữ này xuất phát từ ý niệm của Montesquieu (1689-1755) trong tác phẩm De l’esprit des lois (1748), trong đó Montesquieu nhận định rằng quyền lực có tính xâm lấn, hung dữ và để kiềm chế ác tính này thì cần phải tạo ra một cơ chế hữu hiệu, cơ chế đó là tạo ra quyền lực khác đối trọng với nó. Sau này, các nhà lập quốc Mỹ đã phát triển ý niệm này rõ hơn và đi đến hình thành thuật ngữ checks and balances (hoặc nói ngược lại balances and checks) nghĩa là các nhánh quyền lực chính trong một chính quyền, lập pháp, hành pháp, tư pháp, phải được phân chia (chứ không phải hoàn toàn tách rời nhau) sao cho chính chúng trở thành phương tiện kiểm soát, kìm hãm và đối trọng lẫn nhau để giảm thiểu cao nhất sự tích tụ quyền lực quá nhiều vào một cá nhân (cơ quan) dẫn tới tình trạng độc tài, độc đoán gây bất lợi cho tự do và lợi ích công của toàn xã hội.

(còn tiếp)

PHS (23/07/2020)