Nhiều kỳ – Kỳ 4:

Bối cảnh tri thức, xã hội

Gordon S. Wood, trong công trình nghiên cứu xuất sắc về sự hình thành chính thể Mỹ, đã khẳng định:

Ðiều cơ bản dẫn đến sự khác biệt giữa con người tự do và con người nô lệ là ‘thói quen suy nghĩ’ (habit of thinking). Cách nghĩ của con người là ‘nền tảng duy nhất’ của mọi hệ thống chính trị… Chính tập tục, thói quen tinh thần, văn hóa, không phải sức mạnh vật lý, đã tạo dựng nên các biến chuyển, khác biệt xã hội và ngay cả chính sự độc tài.” (The Creation of The American Republic 1776-1787, Norton & Company, 1993, tr. vii).

The Federalist là một đóng góp quan trọng vào sự hình thành nước Mỹ tự do. Nhưng điều quan trọng hơn, đằng sau The Federalist là một xã hội đã có những đặc điểm về tập tục, văn hóa, cách nghĩ tương hợp, thuận lợi cho sự ra đời một chính thể với cái tên luôn khơi gợi nhiều cảm hứng cho sáng tạo, tự do và nhân quyền suốt gần 250 năm qua: The United States of America (Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ– nước Mỹ).

Trong số nhiều đặc điểm đó, trong khuôn khổ bài báo này chúng tôi xin giới thiệu 2 đặc điểm sau đây:

Một: Giới trí thức rất quan tâm tới học thuật chính trị, xã hội.

Năm 2003, Alan B. Krueger cho biết các nhà lập quốc Mỹ có tiếng như John Adams (Tổng thống Mỹ thứ hai), Thomas Jefferson (Tổng thống Mỹ thứ ba), James Madison (Tổng thống Mỹ thứ tư, đồng tác giả The Federalist) và Alexander Hamilton (Bộ trưởng tài chính đầu tiên, người khởi xướng The Federalist ) đều đã nghiên cứu The Wealth of Nations – tác phẩm nền móng cho môn kinh tế-chính trị học hiện đại của Adam Smith, xuất bản lần đầu năm 1776. Alan B. Krueger còn cho biết chính cộng sự của ông đã tìm được một ấn phẩm The Wealth of Nations xuất bản năm 1789 có thủ bút của George Washington (Tổng thống Mỹ đầu tiên) – một người nổi tiếng về cầm súng nhiều hơn cầm sách (Adam Smith, The Wealth of Nations, Bantam Classic Edition, trang xxii). Adam Smith là một trong các triết gia điển hình của phong trào triết học Khai Sáng Scotland.

Xem thêm:   Ca sĩ Thanh Thúy

Thói quen tự học, tự trau dồi tri thức chính trị, xã hội đã có ngay từ thời mới khai sinh ra thuộc địa. Trong cuốn The Beards’ Basic History of the United States, tác giả cho biết:

Tại thuộc địa nhỏ bé Plymouth, thành lập năm 1620, hai lãnh đạo nổi tiếng của thuộc địa này, Elder William Brewster và William Bradford, đều là hai người có tri thức rộng lớn về chính trị, lịch sử. Brewster thời trẻ đã từng học ở Ðại học Cambridge. Thư viện cá nhân của ông cho thấy Brewster đọc rất nhiều về lịch sử, triết học, thi ca, tôn giáo và cũng cho thấy ông liên tục mua sách trong suốt cả cuộc đời. Còn Bradford, thời trẻ được nuôi nấng và dạy dỗ để làm thợ cày, nhưng là một người tự học rất cần cù. Ông đã đọc cả La République của Jean Bodin (1530-1596), tác giả người Pháp, cuốn sách phê bình các thuyết duy tâm và cộng đồng của một cây đại thụ về chính trị: Plato.

Việc nâng cao tri thức chính trị, xã hội không chỉ là ham thú của những người có tham vọng nắm quyền hay nhằm mục đích sinh nhai. Xã hội Mỹ sơ khai còn có tập quán cho con cái học chỉ để thỏa mãn sự tò mò của trí tuệ. Trường hợp điển hình có thể nói tới là người phụ nữ có tên Anne Bradstreet (1612-1672); khi còn nhỏ bà có tới tám gia sư. Các bày tỏ của Anne Bradstreet cho thấy bà rất quen thuộc với văn học Pháp và các trước tác kinh điển về lịch sử, chính trị của Raleigh, Plutarch hay Usher mặc dù lúc này mọi phụ nữ ở 13 thuộc địa đều không có quyền vào đại học, không có quyền tham gia chính trường.

Sự yêu quý tri thức thực thụ còn thể hiện ở chỗ xã hội Mỹ không câu nệ văn bằng, phẩm tước. Benjamin Franklin chưa từng là sinh viên nhưng là người đã sáng lập ra một đại học (The University of Pennsylvania) và luôn được kính nể vì sự thông thái trong nhiều lĩnh vực. Thomas Jefferson được đào tạo rất bài bản ở trường lớp nhưng ông tự coi là học trò của George With, một nông dân biết tiếng La Tinh và tự học về khoa học pháp luật.

Xem thêm:   Panatnikhom nhớ Bidong

Ngày nay nhiều người vẫn thấy sửng sốt và ngưỡng mộ trước những ý tưởng khai phóng, nhân bản thể hiện trong Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập Hoa Kỳ, nhưng chính Thomas Jefferson đã thừa nhận ông chỉ nhắc và gợi lại những tri thức, tình cảm đã có sẵn trong xã hội (Noble E. Cunningham, Jr. In Pursuit of Reason, The Life of Thomas Jefferson, Ballantine Books, 1988, trang 48).

Hai: Người Mỹ là những người ham thực hành cuộc sống tự quản, tự trị theo pháp luật

13 tiểu bang đầu tiên của Mỹ chính là 13 thuộc địa của Anh Quốc. Cho dù sở hữu chủ là Hoàng Gia Anh hay của tư nhân người Anh, người dân nói chung tại thuộc địa đều được quyền tham gia thực sự, ở các mức độ khác nhau, vào quản lý việc công và thực hành các kỹ năng chính trị cơ bản như hội họp, bầu cử, tranh biện công cộng, làm báo và làm luật để tự quản lý cộng đồng lẫn bản thân mình. Cách sống, cách nghĩ có tính khế ước này còn được nhiều người dự trù trước khi tới châu Mỹ.

Năm 1620, trước khi con tàu Mayflower tấp vào vùng đất sẽ có tên Plymouth, một nhóm người đã tụ lại trong buồng lái để thảo ra một văn bản sẽ được tạc vào lịch sử: Mayflower Compact. Bằng văn bản này, họ tuyên thệ sẽ cùng nhau họp thành một “tổ chức chính trị công dân” (civil body politic) để cùng thiết lập các “luật pháp bình đẳng và công bằng” trên vùng đất mới.

Năm 1639, những đàn ông ở các thị trấn quanh vùng Connecticut River, do những di dân từ Massachusetts tràn sang định cư, đã lập ra cho lãnh địa của họ bản văn Fundamental Orders of Connecticut – văn bản được giới sử học chính trị coi là “hiến pháp thành văn đầu tiên trong lịch sử thiết lập chính quyền”.

Truyền thống thượng tôn pháp luật (rule of law), phân quyền (separation of powers) cũng là đặc tính bao trùm hệ thống quản lý tại thuộc địa gồm hai thiết chế chính: Assembly – thực thi chức năng lập pháp do người dân thuộc địa bầu ra thường kỳ; Governor, thường do Hoàng Gia hoặc chủ thuộc địa bổ nhiệm, đứng đầu Council – thực thi chức năng hành pháp và ước chế Assembly.

Xem thêm:   Đồ chơi của người lớn

Mâu thuẫn, hợp tác, thỏa hiệp, xung đột giữa Council và Assembly luôn xảy ra suốt thời kỳ thuộc địa. Nhưng chính đây là biểu hiện tích cực sống động về chính trị của người dân tại 13 thuộc địa. Họ không thụ động chờ đợi tiến bộ, không chấp nhận những điều vô lý. Họ tiếp thu, nâng cao các kỹ năng, nghệ thuật tự quản, điều hành, quản trị cộng đồng qua việc soạn thảo các dự luật, các nghị quyết bày tỏ những bất bình, khát vọng, yêu sách. Họ học qua các cuộc tìm hiểu, điều tra các hành vi, hành động của các viên chức thực thi pháp luật và thường buộc Governor phải nhượng bộ, bãi chức bằng cách biểu tình thị uy, đe dọa giữ lại các khoản đóng góp để trả lương cho viên chức. Qua năm tháng, người dân thuộc địa đã tự trang bị cho bản thân gần như tất cả mọi hiểu biết, kỹ năng thực hành để làm chủ các quyền lực của chính quyền và điều hành các việc công thành thạo như những nhà buôn lão luyện.

Với kỹ năng chính trị và hiểu biết tăng lên, người dân tại 13 thuộc địa Anh tại Bắc Mỹ đã tiến đến khẳng định và đòi hỏi họ phải có quyền tham gia vào chính quyền ngay tại Anh Quốc. Ðỉnh điểm của những yêu sách này là khẩu hiệu: No Tax Without Representation (không đóng thuế nếu không được tham gia vào chính quyền). Họ điểm đúng yếu huyệt của mọi chính quyền. Cách mạng Mỹ 1776 nổ ra. Nước Mỹ ra đời.

The Federalist đã ra đời từ những nền tảng tri thức, tập quán và bối cảnh xã hội như thế. Chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về The Federalist trong các kỳ tới.

PHS

(13/06/2020)