(Kỳ 17a: The Federalist No 6)

Ngày 03 tháng Chín 1783, tại Paris, các đại diện của 13 thuộc địa Anh tự xưng độc lập và đại diện của nước Anh đã hạ bút ký vào một văn bản trong đó có Điều 1 viết rằng:

“Britain acknowledges the United States (New Hampshire, Massachusetts Bay, Rhode Island and Providence Plantations, Connecticut, New York, New Jersey, Pennsylvania, Delaware, Maryland, Virginia, North Carolina, South Carolina, and Georgia) to be free, sovereign, and independent states, and that the British Crown and all heirs and successors relinquish claims to the Government, property, and territorial rights of the same, and every part thereof.” (Nước Anh thừa nhận Quốc Gia Liên Hiệp (gồm New Hampshire, Massachusetts Bay, Rhode Island và Providence Plantations, Connecticut, New York, New Jersey, Pennsylvania, Delaware, Maryland, Virginia, North Carolina, South Carolina và Georgia) là các quốc gia tự do, có quyền chủ tể và độc lập và rằng Vương Quyền Anh cùng tất cả thế hệ thừa kế và tiếp nối từ bỏ đòi hỏi về Quản Trị, tài sản và các quyền lãnh thổ của khối quốc gia vừa liệt kê cũng như bất cứ phần phụ thuộc nào của họ). Văn bản này chính là Hiệp Ước Paris 1783 nổi tiếng nhằm chấm dứt chiến tranh và thừa nhận sự tồn tại The United States of America trên phương diện quốc tế. Như vậy sau hơn 7 năm kháng chiến, các nhà cách mạng Mỹ đã đạt được đúng mục đích khi họ quyết định cầm súng.

Nhưng sau đó, quốc gia liên hiệp mới lâm ngay vào tình trạng rối loạn do xung đột thương mại, quyền lợi lãnh thổ giữa 13 tiểu bang (quốc gia thành viên) và nhiều vấn đề khác. Các rối loạn nội bộ còn trầm trọng thêm bởi các vấn đề đối ngoại phức tạp với các cường quốc đang có thuộc địa lân cận tại Bắc Mỹ như Pháp, Tây Ban Nha và cả Anh Quốc. Trong khi đó, chính quyền trung ương (liên bang) của nước Mỹ chỉ là một thiết chế hết sức đơn giản gồm đại diện do 13 tiểu bang tiến cử và yếu ớt tới mức thiết chế này không có quyền thu thuế – thẩm quyền tối thiểu để một chính quyền có thể tồn tại.

Xem thêm:   Panatnikhom nhớ Bidong

Thực tế độc lập lỏng lẻo và yếu ớt này còn trùng với một luận điểm cho rằng việc kết hợp nhiều thuộc địa khác nhau thành một quốc gia rất khó khả thi. Luận điểm này đã được trình bày trong cuốn sách nổi tiếng đương thời Histoire Philosophique et Politique des Établissements et du Commerce dans les deux Indes, xuất bản lần đầu tại Amsterdam năm 1770, tác giả vô danh thường được cho là học giả Pháp Guillaume-Thomas Raynal (1713-1796), người đã bày tỏ công khai sự ngưỡng mộ Cách Mạng Mỹ.

Thực trạng này khiến các nhà cách mạng Mỹ hàng đầu, những người thiết tha với dự án The United States of America, vừa lo lắng vừa băn khoăn. Sự lo lắng, chúng ta dễ dàng hiểu. Sự băn khoăn nằm ở chỗ gia tăng quyền lực cho chính quyền trung ương không chỉ gợi lại sự kiểm soát của Hoàng Gia Anh mà, gay go hơn, là động chạm tới: quyền tự do, quyền chủ tể (sovereignty) của 13 tiểu bang (13 quốc gia độc lập).

Trong một thư riêng gửi James Madison, đề ngày 30 tháng Mười Một 1785, về thực trạng bất nhất giữa các tiểu bang, George Washington đã phải viết:

“We are either a united people, or we are not so. If the former, let us in all matters of general concern, act as a nation which has a national character to support; if we are not, let us no longer act a farce by pretending to it; for, whilst we are playing a double game, or playing a game between the two, we never shall be consistent or respectable, but may be the dupes of some powers, and the contempt assuredly of all.”(Chúng ta hoặc là một dân tộc thống nhất hoặc là không. Nếu thống nhất thì phải hành xử đúng như một quốc gia trong tất cả các vấn đề chung. Nếu không, chúng ta hãy ngừng ngay vở kịch này đi vì với kiểu hành động nước đôi hoặc với sự lừng khừng giữa hai tình trạng, chúng ta sẽ chẳng bao giờ thể gắn kết được tôn trọng, chúng ta sẽ chỉ trở thành con bài cho các cường quốc nhào nặn, và sẽ bị tất cả khinh thường mà thôi).

Xem thêm:   Đi tìm lăng mộ Antoine & Cléopâtre

Sự tan rã liên hiệp non trẻ vừa thoát thai từ một cuộc chiến cam go là điều không ai mong muốn. Song, trong tâm khảm, nhiều người sẵn sàng thà chấp nhận tan rã nhưng mỗi tiểu bang vẫn giữ được tự do còn hơn là thống nhất nhưng mất tự do.

Song, Alexandre Hamilton đã dùng rất nhiều cứ liệu lịch sử qua hàng ngàn năm của loài người để chứng minh viễn cảnh đen tối trong nội bộ các tiểu bang một khi liên hiệp tan rã hoặc vẫn chỉ gắn kết hững hờ. Những luận cứ có tính thuyết phục này được trình bày trong hai số The Federalist No 6 và The Federalist No 7. Qua hai bản văn này, độc giả ngày nay không chỉ thấy lại không khí tranh biện căng thẳng thuở lập quốc tại Hoa Kỳ mà còn được xem lại nhiều kiến thức lịch sử quan trọng của phương Tây.

Trân trọng giới thiệu bản dịch The Federalist No 6:

Alexandre Hamilton

Thưa Ðồng Bào Tiểu Bang New York:

Ba số gần nhất của nghiên cứu này đã dành để liệt kê những nguy cơ chúng ta phải đối mặt từ súng đạn và xảo thuật (Nguyên văn “arms and arts”) của ngoại bang một khi liên hiệp tan rã. Bây giờ tôi sẽ nói về những nguy hiểm thuộc một loại khác, có lẽ, đáng ngại hơn – những hậu quả chắc chắn của các bất đồng giữa bản thân các Tiểu Bang, từ các bè phái và loạn động nội bộ. Thực ra những nguy cơ này đã được nói sơ ở một đôi chỗ trước đây; nhưng chúng đáng được xem xét cẩn thận và đầy đủ hơn.

Phải là người đắm chìm quá xa vào chốn mộng tưởng Utopia, (Chữ “Utopia” là danh từ nổi tiếng đương thời liên quan nhiều tới một tác phẩm viễn tưởng (cùng nhan đề) của Thomas More (1478-1535) tả về một quốc gia với những con người có trách nhiệm và sống tuyệt hảo với nhau. ND) mới có thể thực sự không tin khi các Tiểu Bang tách rời hoàn toàn, hoặc chỉ là các bộ phận gắn kết với nhau bằng nhiều bang liên (confederacy) rời rạc, họ sẽ thường xuyên kình địch hung bạo với nhau. Dám cho rằng không có động cơ cho những kình địch như thế để phủ nhận sự tồn tại của chúng sẽ là quên mất rằng con người là loài vật đầy khát vọng, sân hận và tham tàn (Đoạn này cho thấy tác giả có thể có ảnh hưởng bởi Machiavelli trong The Prince. ND). Cố tìm kiếm sự hòa hợp không ngừng giữa các chủ quyền độc lập, bất liên kết và lại nằm cạnh nhau sẽ là khinh thường diễn tiến giống nhau của loài người, là bất chấp những kinh nghiệm tích lũy của bao đời.

Xem thêm:   Nghề “The Squatter Hunter” - “Gậy ông đập lưng ông”

Các nguyên nhân gây thù địch giữa các dân tộc nhiều vô kể. Một số có tác động thường trực gần như bất biến vào quan hệ giữa các nhóm người trong xã hội. Thuộc loại này là say mê quyền lực hoặc thèm khát hơn người và thống trị, đố kỵ quyền lực hay khát khao bình đẳng, an toàn. Một số khác cũng mạnh mẽ nhưng có phạm vi hẹp hơn. Ðó là các cạnh tranh và đối địch về thương mại giữa các quốc gia trọng thương. Và có những nguyên do khác, không ít hơn loại nào vừa nói, có nguyên ủy hoàn toàn từ dục vọng cá nhân; các ái mộ, thù hận, lợi quyền, kỳ vọng và các bất an của những người thuộc tầng lớp đứng đầu cộng đồng. Những người thuộc tầng lớp này, dù là người tâm phúc của vua hay của dân (Có lẽ ý Alexander Hamilton muốn nói tới các cận thần của vua trong chính thể quân chủ và những người đại diện của dân trong chính thể đại diện. ND), trong quá nhiều trường hợp, đã lạm dụng sự tin cậy họ đã thủ đắc; và không do dự, lấy cớ vì một nhu cầu của cộng đồng, hy sinh ngay sự yên bình quốc gia cho lợi thế cá nhân hoặc hạnh phúc của riêng họ…

(còn tiếp)